Đồng chí Ngô Minh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Xây dựng Đảng (bên phải) trao đổi với PV Tạp chí Xây dựng Đảng.
- Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025-2030, tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng?
Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Điều lệ Đảng quy định đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc được tổ chức thường lệ 5 năm một lần (đối với chi bộ trực thuộc 5 năm hai lần). Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng, của Đất nước. Đại hội có nhiệm vụ chủ yếu:
Đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết đại hội trong nhiệm kỳ và quyết định phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; thảo luận, tham gia ý kiến vào các dự thảo văn kiện của cấp ủy cấp trên; chuẩn bị nhân sự và bầu ban chấp hành, ban thường vụ, ủy ban kiểm tra, các chức danh lãnh đạo cấp ủy các cấp; bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên.
Để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, trong mỗi nhiệm kỳ đại hội, Bộ Chính trị đều ban hành Chỉ thị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng; các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng theo chức năng, nhiệm vụ, có trách nhiệm nghiên cứu, xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn liên quan. Đây là các văn bản đặc biệt quan trọng chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng cụ thể hóa và lãnh đạo tổ chức thực hiện ở cấp mình, góp phần tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội lần thứ XIV của Đảng.
Để chủ động chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 tiến tới Đại hội XIV của Đảng, ngay từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đưa vào Chương trình công tác toàn khoá; Bộ Chính trị đã chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị liên quan tiến hành tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị khóa XII và xây dựng Chỉ thị mới của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay và nhiệm kỳ tới.
Quá trình tổng kết Chỉ thị số 35 và xây dựng Chỉ thị mới của Bộ Chính trị được tiến hành khẩn trương, nghiêm túc, công phu, kỹ lưỡng, khoa học, bài bản, dân chủ, cầu thị, sát với yêu cầu thực tiễn; tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến góp ý của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương; xin ý kiến các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trình xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị lần thứ 9 (với 108 lượt ý kiến góp ý) để tiếp thu, hoàn thiện. Qua lấy ý kiến, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, các cấp ủy, tổ chức đảng đều cơ bản đồng tình, thống nhất cao.
Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị đã thống nhất ban hành Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị về đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng; đây là văn bản hết sức quan trọng, định hướng rõ những quan điểm, nguyên tắc, mục tiêu, yêu cầu và những nội dung cơ bản chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp để các cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện ở cấp mình; bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị.
- PV: Xin đồng chí cho biết những điểm mới, điểm nhấn của Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 của Bộ Chính trị?
Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 14-6-2024 kế thừa 6 nội dung còn phù hợp của Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30-5-2019 của Bộ Chính trị khóa XII và điều chỉnh, bổ sung 9 nội dung, trong đó có một số điểm mới sau:
Thứ nhất, về yêu cầu: Chỉ thị lần này đã cơ bản kế thừa các yêu cầu trong Chỉ thị đại hội đảng bộ các cấp một số nhiệm kỳ gần đây; các quan điểm, mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, các quy định của Đảng có liên quan; đồng thời, tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng. Chỉ thị đặt ra 7 yêu cầu đối với công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030, trong đó bổ sung mới 1 yêu cầu nêu rõ chỉ đạo của Bộ Chính trị cần tiếp tục chấn chỉnh, đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, công tác chuẩn bị nhân sự.
Thứ hai, về chuẩn bị văn kiện: Chỉ thị nhấn mạnh việc nâng cao chất lượng chuẩn bị văn kiện; quá trình xây dựng dự thảo văn kiện đại hội phải phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể, tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc và của cán bộ, đảng viên, đồng thời nhấn mạnh việc ý kiến tham gia, góp ý của cán bộ, đảng viên, nhân dân; trong thảo luận cần hết sức cầu thị, lắng nghe, tôn trọng ý kiến lẫn nhau, tạo sự đoàn kết, thống nhất cao, nhất là đối với những vấn đề mới, vấn đề khó.
Thứ ba, về tiêu chuẩn cấp ủy viên nhiệm kỳ 2025-2030: Chỉ thị lần này cơ bản kế thừa tiêu chuẩn nêu tại Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị khóa XII, Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII; tiêu chuẩn cán bộ nêu tại Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4-8-2017 và Quy định số 214-QĐ/TW ngày 2-1-2020 của Bộ Chính trị và các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước (1- Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước. 2- Có phẩm chất đạo đức, lối sống gương mẫu, trong sáng; thực hiện nghiêm quy định của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; kê khai tài sản, thu nhập trung thực, minh bạch; không cơ hội, tham vọng quyền lực, cục bộ, bè phái, tham nhũng, tiêu cực, "lợi ích nhóm",... Không để vợ hoặc chồng, con, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi. 3- Có năng lực cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tư duy đổi mới, tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả; nói đi đôi với làm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có thành tích, kết quả công tác và "sản phẩm" cụ thể trong địa bàn, lĩnh vực công tác được giao...); đồng thời, bổ sung, cụ thể hóa quy định về thời gian giữ chức vụ đối với cán bộ được giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn theo Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử cụ thể: Cán bộ được giới thiệu để bầu tham gia cấp uỷ, các chức danh lãnh đạo cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội (chức vụ cao hơn), nhìn chung phải có thời gian giữ chức vụ đang đảm nhiệm hoặc chức vụ tương đương ít nhất là 2 năm (24 tháng); trường hợp đặc biệt có thời gian giữ chức vụ ít nhất là 1 năm (12 tháng), do cấp uỷ có thẩm quyền bổ nhiệm cán bộ xem xét, quyết định. Đồng thời, Bộ Chính trị giao cấp ủy các cấp cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đảng bộ nhiệm kỳ 2025 - 2030 và những năm tiếp theo.
Thứ tư, về độ tuổi tái cử và lần đầu tham gia cấp uỷ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội gắn với tuổi công tác được kéo dài theo Nghị định số 135-NĐ/CP của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động: Chỉ thị số 35-CT/TW tiếp tục kế thừa các quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII, xác định: Những đồng chí lần đầu tham gia cấp uỷ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội phải còn thời gian công tác ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ trở lên; giới thiệu tái cử cấp uỷ phải còn thời gian công tác ít nhất từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên. Đồng thời, bổ sung, điều chỉnh quy định về tái cử chức danh lãnh đạo chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội là: Cán bộ tái cử cấp uỷ thì được tái cử các chức danh lãnh đạo chính quyền, mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội nhưng phải còn thời gian công tác ít nhất 18 tháng trở lên tại thời điểm bầu cử hoặc đại hội của mỗi tổ chức.
Thứ năm, về cơ cấu, tỷ lệ cán bộ tham gia cấp uỷ và chủ trương cán bộ không là người địa phương: Chỉ thị của Bộ Chính trị quy định rõ phải bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của cấp uỷ đối với những địa bàn, lĩnh vực quan trọng, nhưng coi trọng chất lượng, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn; không nhất thiết địa phương, ban, ngành nào cũng phải có người tham gia cấp uỷ; quy định thống nhất những chức danh có cơ cấu "cứng" tham gia ban thường vụ, số chức danh còn lại do cấp uỷ quyết định cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình đội ngũ cán bộ. Phấn đấu đổi mới không dưới 1/3 tổng số cấp uỷ viên trong mỗi nhiệm kỳ; phấn đấu đạt tỉ lệ cấp uỷ viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ; phấn đấu tỉ lệ cán bộ trẻ từ 10% trở lên, trong đó, độ tuổi cán bộ trẻ được điều chỉnh, bổ sung dưới 42 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện; dưới 40 tuổi đối với cấp xã theo Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18-11-2020 của Chính phủ; tỉ lệ cấp uỷ viên là người dân tộc thiểu số bảo đảm phù hợp với đặc điểm, cơ cấu dân tộc và điều kiện cụ thể của từng địa phương, cơ quan, đơn vị. Cơ bản thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương gắn với việc sử dụng, bố trí hài hoà nguồn cán bộ tại chỗ trong quy hoạch; hoàn thành 100% ở cấp huyện; khuyến khích thực hiện ở cấp xã và các chức danh khác.
Thứ sáu, về số lượng cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ cấp uỷ các cấp: Chỉ thị lần này xác định số lượng cấp uỷ viên cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện như nhiệm kỳ 2015 – 2020 và quy định cán bộ Trung ương điều động, luân chuyển giữ chức vụ bí thư, phó bí thư cấp uỷ hoặc phó bí thư, chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nằm trong số lượng uỷ viên ban chấp hành, uỷ viên thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh nêu trên. Đồng thời, bổ sung, quy định cụ thể hơn: Số lượng ban thường vụ cấp ủy cấp huyện từ 11 đến 13 đồng chí; số lượng cấp uỷ viên đảng bộ cấp xã không quá 15; ban thường vụ không quá 5, định hướng bố trí cơ cấu ban thường vụ đối với một số chức danh cụ thể và giao ban thường vụ cấp uỷ cấp tỉnh cụ thể hoá, chỉ đạo ban thường vụ cấp uỷ cấp huyện xem xét, quyết định cơ cấu cụ thể cho thống nhất và phù hợp với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ. Đối với những đảng bộ cấp xã, cấp huyện hợp nhất, sáp nhập thì số lượng cấp ủy viên có thể nhiều hơn nhưng tối đa không quá tổng số lượng hiện có trước khi hợp nhất và chậm nhất sau 5 năm, thì phải thực hiện theo quy định.
Thứ bảy, về quy trình nhân sự: Cơ bản thực hiện theo Chỉ thị 35 của Bộ Chính trị khóa XII và Quy định số 80-QĐ/TW ngày 18-8-2022 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, đồng thời bổ sung để bảo đảm dân chủ, chặt chẽ trên cơ sở xác định rõ thẩm quyền của tập thể lãnh đạo trong công tác nhân sự, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; quy trình nhân sự tái cử (2 bước, rút đi 3 bước so với nhiệm kỳ trước) và quy trình nhân sự lần đầu tham gia cấp uỷ (5 bước, trong đó bổ sung mới nội dung quy định cụ thể về nguyên tắc lựa chọn và tỉ lệ số dư ở mỗi bước); trình tự thực hiện đối với các đồng chí tái cử trước, sau đó là các đồng chí tham gia lần đầu.
Thứ tám, về tổ chức thực hiện: Chỉ thị của Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt Chỉ thị; các ban đảng Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn, theo dõi, tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc việc chuẩn bị và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp. Đồng thời, giao Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các ban, cơ quan đảng ở Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội; các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị liên quan chỉ đạo, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định, hướng dẫn liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với Chỉ thị này và các quy định của Đảng; sớm ban hành quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ tuổi tái cử, có chính sách cụ thể để xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp uỷ, quản lý các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.
Toàn cảnh Hội nghị toàn quốc quán triệt Chỉ thị số 35-CT/TW tại Hội trường Diên Hồng, ngày 9-7-2024.
- PV: Các cấp ủy cần thực hiện những nhiệm vụ nào để triển khai Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, thưa đồng chí?
Đồng chí Ngô Minh Tuấn: Chỉ thị của Bộ Chính trị yêu cầu: Các cấp uỷ trực thuộc Trung ương tổ chức quán triệt Chỉ thị và xây dựng kế hoạch thực hiện ở cấp mình; lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền gắn với các phong trào thi đua yêu nước. Thành lập các tiểu ban giúp việc chuẩn bị và tổ chức đại hội; phân công uỷ viên thường vụ, cấp uỷ viên chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra đảng bộ cấp dưới (nếu có); tổ chức đại hội điểm để rút kinh nghiệm; chủ động nắm tình hình, kịp thời có biện pháp xử lý đối với những nơi có khó khăn hoặc có vấn đề phức tạp nảy sinh. Ban thường vụ cấp uỷ cấp dưới báo cáo việc chuẩn bị văn kiện và đề án nhân sự cấp uỷ khoá mới, khi được ban thường vụ cấp uỷ cấp trên trực tiếp đồng ý mới tiến hành đại hội.
PV: Trân trọng cảm ơn Đồng chí!
PV