Thực hiện Nghị quyết 29 NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo với phương châm “thực học, thực nghiệp” và để hoàn thành sứ mệnh của Trường Đại học Chính trị là đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn; cung cấp đội ngũ cán bộ chính trị, giáo viên khoa học xã hội và nhân văn, góp phần xây dựng quân đội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hợp tác quốc tế… đòi hỏi phải “chuẩn hóa” và làm tốt công tác bồi dưỡng, nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của nhà giáo, trong đó có đội ngũ giảng viên trẻ. Theo đó, ngoài yêu cầu về kiến thức chuyên sâu đội ngũ giảng viên trẻ còn phải có phẩm chất, uy tín, phương pháp, tác phong công tác tốt. Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là một nội dung, biện pháp thiết thực đối với đội ngũ giảng viên trẻ ở Trường Đại học Chính trị hiện nay.
Trước hết, phong cách Hồ Chí Minh là phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo, lý luận gắn với thực tiễn
Theo Hồ Chí Minh, độc lập là không lệ thuộc, không phụ thuộc, không bắt chước, theo đuôi, giáo điều. Tự chủ là chủ động suy nghĩ và làm chủ suy nghĩ của mình, tự chịu trách nhiệm trước dân, trước nước, biết làm chủ bản thân và công việc. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối giảng viên trẻ ở Trường Đại học Chính trị hiện nay. Theo đó, giảng viên là những người truyền thụ kiến thức, kinh nghiệm cho học viên không phụ thuộc vào một đường mòn, lối cũ lạc hậu; phát huy được khả năng độc lập trong cách nghĩ, cách làm theo cái mới, phù hợp thực tiễn đề ra, biết khơi nguồn mới, cách làm mới, phương pháp giảng dạy mới, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, đạt hiệu quả thiết thực. Luôn làm chủ suy nghĩ của mình trong mọi lúc, mọi nơi, mọi lĩnh vực, nhất là trong mối quan hệ đồng nghiệp và với học viên. Sự sáng tạo là vận dụng đúng quy luật chung cho phù hợp với cái riêng, cái đặc thù, là tìm tòi, đề xuất những cái mới để có thể trả lời được những đòi hỏi của cuộc sống, thực tiễn đặt ra. Quán triệt sâu sắc những vấn đề cơ bản về nền tảng tư tưởng của Đảng gắn với thực tiễn, phù hợp với từng đối tượng, từng thời điểm, nghiên cứu, tìm tòi những cái mới hợp quy luật là việc làm thường xuyên, cần thiết.... qua đó, kịp thời cập nhật vào bài giảng, để định hướng cho học viên thực hiện đúng. Biết lắng nghe những đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu từ đơn vị cơ sở để đáp ứng hiệu quả.
Thứ hai, phong cách làm việc dân chủ, khoa học, nói đi đôi với làm
Đối với giảng viên, chất lượng bài giảng bao gồm nhiều yếu tố không chỉ có nội dung, phương pháp sư phạm, trạng thái, không gian, thời gian... mà còn phải phát huy vai trò của người học hay nói cách khác là phát huy được tính dân chủ trong quá trình giảng dạy - đó là chìa khoá của thành công. Theo đó, nếu giảng viên có phong cách làm việc, giảng dậy dân chủ, khoa học, nói đi đôi với làm, tự mình nêu gương sẽ phát huy được vai trò chủ động, tích cực của người học.
Chỉ có bầu không khí tâm lý tích cực thì các mục tiêu dạy học mới bảo đảm chất lượng và là cơ sở của sự sáng tạo, truyền cảm hứng cho người học, người dạy và người học luôn mong muốn tìm tòi, khám phá tri thức của nhân loại; học viên tích cực tham gia xây dựng bài. Thực hiện tốt dân chủ trong dạy và học là điều cần thiết, trong quá trình giảng dạy, hướng dẫn tay nghề, giảng viên phải khéo léo khơi gợi người học nhạy bén phát hiện được những vấn đề hay, những mâu thuẫn, khích lệ học viên trình bày quan điểm, cách làm, bên cạnh đó kịp thời định hướng, dẫn dắt người học tránh lạc chủ đề, sai nguyên tắc… Sau mỗi buổi học, tập bài phát huy dân chủ trong đánh giá kết quả, trao đổi, đúc rút kinh nghiệm cho cả người dạy và người học để không ngừng cải tiến nội dung, phương pháp, nâng cao chất lương bài giảng... Dân chủ còn thể hiện ở hoạt động giao lưu để người dạy và người học hiểu nhau hơn, không còn những tự ti trong suy nghĩ, thoải mái trao đổi, phát huy tốt trí tuệ, kiến thức của mình, mạnh dạn đóng góp về nội dung, phương pháp, tác phong của người dạy. Vì chỉ có thái độ và tình cảm đúng đắn của người dạy và người học thì học viên mới cởi mở và bộc lộ bản thân. Qua đó, người dạy mới nắm bắt được chất lượng và trình độ nhận thức của người học một cách chính xác và khách quan nhất, giúp cho việc nâng cao chất lượng dạy - học sớm đạt được hiệu quả.
Thứ ba, diễn đạt ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm; xác định rõ chủ đề, đối tượng và mục đích cần diễn đạt
Hồ Chí Minh chỉ rõ, khi diễn đạt cần thực hiện bốn yêu cầu: “Nói, viết cái gì? Nói viết cho ai? Nói, viết để làm gì? Nói, viết như thế nào?” [1]. Đây cũng chính là việc xác định mục tiêu, đối tượng, nội dung, phương pháp giảng dạy của người “thầy”. Điều này rất cần thiết đối với giảng viên, nhất là giảng viên trẻ, thực hiện được như vậy sẽ xây dựng được phương pháp sư phạm tốt, giúp đội ngũ giảng viên trẻ cung cấp cho người nghe lượng thông tin ngắn gọn, chính xác và đầy đủ. Đây là yêu cầu quan trọng đối với người giảng viên khi nói và viết. Điều gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, không nên nói ẩu. Hơn nữa việc diễn đạt ngắn gọn, giản dị, trong sáng, dễ hiểu… nghĩa là phải viết, nói cho đúng trình độ của người nghe, người học. Điều này làm cho học viên dễ hiểu, dễ nhớ, nhanh nắm chắc nội dung. Ngắn gọn trong cách nói, cách viết theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là nội dung phải cô đọng, hàm súc, ý nhiều lời ít, không có lời thừa, ý thừa, chữ thừa, mỗi câu, mỗi chữ có ý nghĩa, mục đích.
Thứ tư, ứng xử khiêm tốn, nhã nhặn, lịch lãm , linh hoạt, chân tình, có lý, có tình chứa đựng những giá trị nhân văn, yêu thương, quý mến, trân trọng con người, hướng con người đến chân, thiện, mỹ.
Đội ngũ giảng viên trẻ cần luôn đề cao ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện, trong suy nghĩ và thực hiện công việc hằng ngày, trong quan hệ với đồng chí, đồng nghiệp và với người học. Tự nhìn nhận, tự đánh giá và thấy được vị trí của mình trong từng mối quan hệ để có cách tiếp cận, ứng xử phù hợp; chú trọng phương pháp “giáo dục, thuyết phục” và “nêu gương” trong ứng xử với người học.
Để việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào suy nghĩ và hành động, trở thành nhu cầu “tự thân”. Học tập phong cách Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc đối với giảng viên trẻ ở Trường Đại học Chính trị. Học tập phong cách của Người, mỗi giảng viên phải là một tấm gương mẫu mực về đạo đức, phong cách cho học viên noi theo, là bài học thực tiễn sinh động để học viên học tập và thực sự “… thân thiết như người chị, công bình như người anh và hiểu biết như người bạn”.[2] như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.
Hoàng Việt Hùng - Bùi Hải Ninh
Trường Đại học Chính trị
--------
[1] Hồ Chí Minh TT, Nxb CTQG, Hà Nội 2009, T8, Tr302
[2] Hội nghị Chính trị viên toàn quốc lần thứ 2, được Bác Hồ gửi thư căn dặn đội ngũ cán bộ chính trị viên 3.1948.