Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng: Nhìn từ thực tiễn mô hình công tác tuyên vận tại Lào Cai
Một hội nghị công tác tuyên vận ở

Hội nghị công tác tuyên vận tại Đảng ủy Phường Bắc Lệnh (TP. Lào Cai), tháng 11-2023.

Phát huy vai trò gương mẫu, tiền phong 

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Thường thức chính trị (1953) đã khẳng định nhân tố hình thành nên Đảng là sự gắn kết chặt chẽ của các đảng viên, có mối liên hệ mật thiết với nhau mà tổ chức nên Đảng. Do vậy, bất kỳ công việc gì của Đảng, trong Đảng đều được thực hiện bởi các đảng viên, do đảng viên thực hiện. Mọi chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng đều do đảng viên thực hiện, chấp hành đối với tổ chức cũng như đối với nhân dân: “Mọi chính sách của Đảng đều do đảng viên mà thấu đến quần chúng. Mọi khẩu hiệu, mọi kế hoạch của Đảng đều do đảng viên cố gắng thực hiện”(*). Từ những chỉ dạy của Người đã cho thấy thắng lợi cũng như thành công của phong trào cách mạng của Đảng có vai trò to lớn của nhân dân được tổ chức và dẫn dắt bởi đảng viên, đội ngũ đảng viên, bộ phận tiền phong ưu tú của giai cấp công nhân và ngược lại, Người cũng chĩ rõ những yếu kém, khuyết điểm, sai lầm của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng là do có những đảng viên tồi, bị tha hóa, biến chất mà không thể hoàn thành phần trách nhiệm của mình trước Đảng, trước Nhân dân. Có thể thấy Bác đã chỉ rõ cách mạng có thành công là do sự lãnh đạo của Đảng, mà hạt nhân của nó là sự tận trung, tận tụy của người cán bộ, đảng viên tiền phong gương mẫu. 

Thấm nhuần lời chỉ dạy của Người, Đảng ta trong tiến trình lịch sử cách mạng Đảng luôn đề ra những tiêu chuẩn phẩm chất của người cán bộ, đảng viên tiền phong của Đảng. Quy định số 144-QĐ/TW ngày 9-5-2024 quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới đã nêu rõ phẩm chất của người đảng viên: “yêu nước, tôn trọng Nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc; bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, hội nhập; cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đoàn kết, kỷ cương, tình thương, trách nhiệm; gương mẫu, khiêm tốn, tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời”.

Từ sự chỉ dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với đó là sự chủ động, bám sát các nghị quyết của Đảng đối với đảng viên và công tác đảng viên, Đảng bộ tỉnh Lào Cai đã tổ chức, dày công xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng những yêu cầu nhiệm vụ cách mạng qua việc thực hiện mô hình công tác tuyên vận trên địa bàn tỉnh. Người đảng viên trong mô hình tuyên vận tại Lào Cai có nhiệm vụ đi đầu trong việc thực hành yêu nước, khi tiếp xúc, làm việc luôn thể hiện sự kính trọng đối với nhân dân, đặc biệt những đảng viên này luôn đặt lợi ích của Đảng, lợi ích của Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân bản thân mình; luôn vì cái chung, vì nhiệm vụ của tập thể, của Đảng, Nhân dân, biết lắng nghe, biết bảo vệ cho cái đúng, cho lợi ích của người dân, được nhân dân tin yêu và nhân dân tự giác thực hiện theo những chủ trương, nghị quyết của Đảng trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Phát huy, thể hiện vai trò sứ mệnh tiền phong gương mẫu của mình trong việc thực hiện dẫn dắt quần chúng nhân dân trên địa bàn Lào Cai tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào sự nghiệp cách mạng mà Đảng ta dày công xây dựng.

Bên cạnh đó, người đảng viên của mô hình tuyên vận Lào Cai cũng cần đi đầu trong việc thực hiện tốt việc học tập, tu dưỡng đạo đức cán bộ cách mạng của người đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”; luôn luôn giữ vững thực hiện đoàn kết trong Đảng, đoàn kết trong nhân dân, thực hiện tốt kỷ cương, kỷ luật trong Đảng cũng như trong cuộc sống với nhân dân,… Thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình, đặt cái tôi của mình dưới lợi ích chung của nhân dân, phấn đấu tu dưỡng rèn luyện, học tập suốt đời để phụng sự cho sự nghiệp của Đảng, phụng sự cho sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân trên địa bàn tỉnh Lào Cai. 

Nhận thức sâu sắc vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền, các ban, sở, ngành, địa phương tỉnh Lào Cai đã có nhiều chủ trương, biện pháp, kế hoạch cụ thể, thiết thực nhằm phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên ngay từ cấp cơ sở, mà đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đóng vai trò nòng cốt thông qua mô hình ban, tổ tuyên vận đã trở thành cầu nối giữa Dân với Đảng, thực sự mang lại hiệu quả đáng ghi nhận trong thực tiễn. 

“Nhịp cầu nối” giữa Dân với Đảng 

Tuyên giáo cấp xã và ba "viên” của cấp ủy xã gồm "báo cáo viên, cộng tác viên, tuyên truyền viên" tham gia làm công tác tuyên truyền miệng của Lào Cai là khá đông. Ban Tuyên giáo và khối dân vận ở xã tuy được hình thành nhưng thành phần tham gia hai tổ chức này phần lớn là trùng nhau, hoạt động không thường xuyên, có biểu hiện hình thức, bỏ sót nhiều việc, tuyên truyền còn chồng lấn, thậm chí không ít nơi thiếu thống nhất trong tuyên truyền, vận động... Qua nắm bắt thực tiễn, ý tưởng "tuyên vận" nảy nở trong tâm huyết của những người đứng đầu tỉnh Lào Cai với mong muốn có sự gắn kết giữa tuyên giáo và dân vận của Đảng ở cơ sở, nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hành động.

Sau gần một năm "thai nghén", bắt đầu từ năm 2012, Đề án "Thí điểm mô hình “Ban Tuyên vận xã, phường, thị trấn và “Tổ Tuyên vận thôn, bản, tổ dân phố" trên địa bàn tỉnh Lào Cai" được triển khai ở 35 xã tại các huyện và 1 phường thuộc TP. Lào Cai (những xã được chọn đều nằm trong nhóm đạt mục tiêu bước đầu xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015). Mùa Xuân năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng đoàn công tác Trung ương đến thăm huyện Mường Khương, tại xã Bản Lầu, sau nghe Bí thư Huyện ủy báo cáo, Tổng Bí thư nói: "Hôm qua, khi đến tỉnh, các đồng chí cho biết địa phương đang thực hiện thí điểm mô hình tuyên vận, tưởng nói đùa. Hôm nay, trong báo cáo của huyện thấy có bốn xã thành lập Ban Tuyên vận và mấy chục Tổ Tuyên vận nữa. Cán bộ chuyên trách tuyên vận báo cáo cụ thể xem nào?”... Sau đối thoại ngắn với lãnh đạo chủ chốt xã, Tổng Bí thư kết luận: Như vậy về bộ máy, từ hai thành một, không tăng biên chế mà vẫn có một cán bộ chuyên trách tuyên vận, vai trò của mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể không bị mất đi mà lại được phát huy tốt hơn. Tại sao không tổng kết để nhân rộng ra?

Thấu triệt chỉ đạo của Tổng Bí thư, trên cơ sở đánh giá, rút kinh nghiệm qua một năm làm điểm, năm 2013, Tỉnh ủy tiếp tục chọn 40 xã khó khăn nhất như: xã vùng cao, kinh tế - xã hội chậm phát triển, địa bàn phức tạp về an ninh trật tự... để triển khai. Năm 2014, trên cơ sở các xã tự nguyện, các huyện và thành phố đăng ký, toàn tỉnh có thêm 85 đơn vị thực hiện. Năm 2015 thêm 2 thị trấn. Năm 2016, thị trấn Phố Ràng (huyện Bảo Yên) là đơn vị cuối cùng của tỉnh có mô hình tuyên vận. Sau 5 năm thực hiện thí điểm, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Quy định số 11-QĐ/TU ngày 26-10-2016 quy định tạm thời về công tác tuyên vận. 100% xã, phường, thị trấn thực hiện mô hình tuyên vận. Từ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác chuyên môn của tổ tuyên vận, năm 2020, BTV Tỉnh ủy ban hành Quy định số 60-QĐ/TU ngày 24-11-2020 về công tác tuyên vận với nhiều nội dung mới, quan trọng, khẳng định sự chỉ đạo của Tỉnh ủy cũng như vị trí, vai trò của công tác tuyên vận hiện nay. Số liệu được tính đến tháng 6-2024, trên địa bàn toàn tỉnh duy trì tốt 152 Ban tuyên vận xã, phường, thị trấn với tổng số 1.728 thành viên. Trong tổng số 152 phó trưởng ban tuyên vận chuyên trách thì 100% là đảng viên, trong đó có 82 người là dân tộc thiểu số. Công tác tuyên vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên và được thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. 

Trong suốt quá trình thực hiện Đề án tuyên vận ở Lào Cai đã cho thấy việc huy động sức người, sức của trong nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới đạt được kết quả nổi bật tại hầu khắp các huyện, thành phố. Giai đoạn 2016-2020, hàng nghìn km đường giao thông nông thôn đã được xây dựng, tiêu biểu như: Hoàn thành con đường “ý đảng lòng dân” ở TP. Lào Cai dài trên 36km; huyện Bát Xát (502,4 km), huyện Bảo Yên (281,6 km), huyện Mường Khương (184,8 km), huyện Si Ma Cai (144 km),.. Nhiều địa phương tuy người dân còn nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế nhưng đã tích cực tham gia đóng góp tiền của ủng hộ xây dựng nông thôn mới, tiêu biểu như: Bát Xát trên 8,2 tỷ đồng và trên 261m2 đất, Bắc Hà trên 10 tỷ đồng và trên 300.000m2 đất, Bảo Thắng trên 10 tỷ đồng và 60.000m2 đất,...  

Đảng viên là người Pa Dí (nhóm địa phương thuộc dân tộc Tày) ở xã Tung Chung Phố, huyện biên giới Mường Khương, tỉnh Lào Cai, xuống tận thôn bản tuyên truyền về Nghị quyết số 10 của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Đảng viên là người Pa Dí (nhóm địa phương thuộc dân tộc Tày) ở xã Tung Chung Phố, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, xuống tận thôn bản tuyên truyền về Nghị quyết số 10 của Tỉnh uỷ về phát triển kinh tế cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác tuyên truyền, vận động đã làm chuyển biến nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong việc tự giác chấp hành, chủ động, tích cực thực hiện xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh bằng các việc làm cụ thể. Ban tuyên vận, tổ tuyên vận chủ trì tham mưu, triển khai thực hiện nhân rộng các mô hình “Đường hoa nông thôn mới”, “Đường điện thắp sáng” bằng năng lượng; tuyến phố sáng - xanh - sạch - đẹp”,... Duy trì các hoạt động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, “Nhà sạch, vườn đẹp”, thành lập và duy trì hàng trăm mô hình “Tuyến đường nông dân tự quản”,… Việc xây dựng đời sống văn hóa văn minh gắn với bảo vệ môi trường được các tầng lớp nhân dân ý thức và đồng thuận thực hiện. Cùng với việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhiều hủ tục lạc hậu trong việc cưới, tang, lễ hội, tín ngưỡng, sinh hoạt của người dân, nhất là đồng bào vùng cao, vùng dân tộc thiểu số đã từng bước được thay đổi theo hướng tích cực, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững, tiêu biểu như: Mô hình thu gom và phân loại rác thải tại nguồn của TP. Lào Cai đạt 95%; mô hình “nhà sạch - vườn đẹp” phát triển tại nhiều huyện như Bắc Hà, Bảo Yên, Si Ma Cai.  

Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện, thành phố giảm mạnh hằng năm. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ gia đình đã đăng ký tự nguyện xin ra khỏi diện hộ nghèo, tích cực lao động sản xuất, phát triển kinh tế trở thành các điển hình tiên tiến trong nỗ lực thoát nghèo. Đến nay, kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 ngày càng giảm mạnh, chiếm tỷ lệ thấp trong tổng số hộ trên địa bàn tỉnh. 

Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đầu tư các nguồn lực của toàn xã hội, giai đoạn 2021 - 2025 công tác tuyên vận đã góp phần vào thành tích về đích trong xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương, tiêu biểu như: TP. Lào Cai có 5 xã, huyện Bảo Thắng có 3 xã, huyện Bát Xát có 3 xã, huyện Bảo Yên có 3 xã; các huyện Văn Bàn, Bắc Hà, Mường Khương đều có 2 xã về đích nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 2 đơn vị cấp huyện là TP. Lào Cai và huyện Bảo Thắng đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 62/127 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới”, trong đó có 5 xã được công nhận “Xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao”. Đặc biệt 177 thôn kiểu mẫu, 237 thôn nông thôn mới đã được tỉnh công nhận, trong đó có 20 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới thuộc 11 xã đặc biệt khó khăn miền núi và biên giới.

Nhân dân tích cực xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, đấu tranh bài trừ sản phẩm văn hóa độc hại, tệ nạn xã hội; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, các tập tục lạc hậu từng bước được đẩy lùi. Điển hình là thị xã Sa Pa giai đoạn 2021-2023 đã vận động thành công 93 cặp thanh, thiếu niên chưa đủ tuổi có ý định tổ chức kết hôn (tảo hôn) dừng việc tổ chức kết hôn, chờ đủ tuổi. Diện mạo khu vực nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, địa bàn đô thị ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc không ngừng được nâng lên.

Xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh

Hầu hết các địa phương cơ sở đều khẳng định việc gộp 2 tổ chức tuyên giáo và dân vận ở cấp xã thành ban tuyên vận và thành lập tổ tuyên vận cấp thôn đã tạo nên sự thống nhất trong chỉ đạo, thực hiện, đánh giá công tác tuyên truyền, vận động. Trưởng ban tuyên vận (bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy cấp xã) và tổ trưởng tổ tuyên vận (hầu hết bí thư chi bộ) không chỉ tham mưu ban hành nghị quyết mà còn trực tiếp chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện đối với cả hệ thống chính trị ở cấp xã và thôn thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đến với nhân dân. Có sự phân công nhiệm vụ một cách rõ ràng theo quy chế, kế hoạch, chương trình của ban tuyên vận, tổ tuyên vận đối với từng thành viên nên khắc phục nhanh tình trạng không thống nhất, chồng chéo hoặc bỏ sót các nhiệm vụ công tác tư tưởng, vận động quần chúng tại cơ sở. 

Công tác tuyên vận trở thành nhiệm vụ thường xuyên và được thực hiện thống nhất trong toàn tỉnh. Từ thí điểm đến Quy định tạm thời về công tác tuyên vận trên địa bàn tỉnh Lào Cai, vừa làm vừa tổng kết thực tiễn, Lào Cai đã xây dựng, triển khai thành công mô hình tuyên vận, đưa công tác tuyên vận trở thành thường xuyên, lâu dài trong toàn tỉnh. Quy định số 60-QĐ/TU ngày 24-11-2020 về công tác tuyên vận của BTV Tỉnh ủy với nhiều nội dung mới, quan trọng, khẳng định sự chỉ đạo của Tỉnh ủy cũng như vị trí, vai trò của công tác tuyên vận hiện nay. Ban tuyên vận và tổ tuyên vận không chỉ giúp cấp ủy, chi bộ trong công tác lãnh đạo mà còn điều hành toàn bộ công tác tư tưởng, dân vận của Đảng ở cơ sở. Bảo đảm kết hợp chặt chẽ các khâu lý luận, tuyên truyền và cổ động, gắn công tác tư tưởng với công tác dân vận, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. 

Quan trọng nhất, nhờ ban tuyên vận và tổ tuyên vận mà cấp ủy cấp xã và chi bộ ở thôn, tổ dân phố điều hành được tất cả các lực lượng trong hệ thống, nhất là các lực lượng tuyên truyền miệng trên mọi lĩnh vực, của tất cả các tổ chức theo quy chế chặt chẽ, thống nhất và thường xuyên, liên tục (mà không "sợ' bị coi là làm thay chính quyền hay "lấn sân" công việc của các tổ chức chính trị khác). Chính vì vậy đã khắc phục được tình trạng chồng chéo giữa công tác tư tưởng với công tác dân vận, sự thiếu thống nhất trong quá trình tuyên truyền vận động nhân dân. Hầu hết các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy đều tham dự các cuộc hội nghị tuyên vận định kỳ hằng tháng ở xã. Các ngành cấp tỉnh và thường trực, ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy đã thực hiện hàng ngàn cuộc "xuống với dân" "lắng nghe dân'' từ hội nghị tuyên vận... Đây là cái cách mà Lào Cai "tập trung cho cơ sở", thay vì "hướng về cơ sở" như trước đây.

Hoạt động thường xuyên, nền nếp của ban tuyên vận, tổ tuyên vận đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân. Rõ nhất là trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, phát triển đô thị ở tất cả huyện, thành phố trong tỉnh, với khẩu hiệu "làm nhà, làm bếp xếp sau làm đường", nhân dân tích cực hiến đất, góp công và tiền, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước làm đường giao thông theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nhiều mô hình quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhất là vùng biên giới, khu đô thị có tính điển hình do nhân dân tích cực tham gia đạt hiệu quả tích cực...

Thực tiễn triển khai mô hình, nhiều địa phương đã nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của cán bộ ban tuyên vận. So với thời điểm trước khi tổ chức thực hiện Đề án tuyên vận, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc tự giác, chủ động, tích cực thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị tại các xã, phường, thị trấn đã có sự chuyển biến tích cực, thực chất. Hoạt động thường xuyên, nền nếp tuyên truyền, vận động của ban tuyên vận, tổ tuyên vận đã tác động tích cực đến công tác tuyên truyền, vận dộng của các tổ chức, cán bộ, đảng viên, người có uy tín trong cộng đồng, là cơ sở tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức, hành động của các tầng lớp nhân dân. 

Thực tế cho thấy tại rất nhiều xã, phường, thị trấn có khó khăn hoặc phức tạp về tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là các địa phương thực hiện giai đoạn 2 của Đề án tuyên vận (2013) nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên vận, đặc biệt là nhận thức sâu sắc của cấp ủy, chính quyền các địa phương với sự chỉ đạo sát sao, quyết tâm cùng nhiều cách làm sáng tạo, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh trật tự, xây dựng nông thôn mới vẫn được thực hiện đạt kết quả nổi bật, mang tính đột phá so với thời điểm trước khi thực hiện mô hình tuyên vận. Thông qua kết quả hoạt động của cán bộ, đảng viên tiếp tục củng cố niềm tin đối với đảng, nhân dân tích cực hưởng ứng và tham gia thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, làm cho các phong trào thi yêu nước ngày càng thiết thực, hiệu quả.  

Như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi đánh giá về mô hình công tác tuyên vận của Lào cai: cứ cái gì được tổng kết từ thực tiễn, có giá trị dẫn dắt thực tiễn thì đó là lý luận. Theo cách "định nghĩa" đó thì Lào Cai có lý luận tuyên vận - lý luận về phương pháp thực hành công tác tư tưởng và dân vận của Đảng ở cơ sở. Điều đó phù hợp với điều kiện của Lào Cai, góp phần đưa Lào Cai đổi mới, hội nhập và phát triển hơn nữa.

Bài học kinh nghiệm

 Từ những kết quả đã đạt được, rút ra một số kinh nghiệm trong việc thực tiễn như sau: 

Một là, đối với công tác lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền tại cơ sở phải phát huy dân chủ, hoạt động tuyên vận phải giúp nhân dân hiểu rõ vai trò chủ thể trong thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Lào Cai “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”, từ đó huy động được sự vào cuộc tự giác, tích cực của nhân dân, để người dân phải thực sự là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới. Người cán bộ trong công tác tuyên vận cần cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo, linh hoạt, phù hợp các chủ trương, nghị quyết, chính sách, quy định của Đảng và Nhà nước vào điều kiện thực tiễn của địa phương, cơ sở. Mô hình tuyên vận là điều kiện để các cấp ủy đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức công tác tư tưởng và dân vận của Đảng.

Hai là, công tác tuyên vận phải được xác định là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cơ sở, trong đó đảng uỷ lãnh đạo, chính quyền tổ chức thực hiện, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có vai trò quan trọng. 

Ba là, trong xây dựng đội ngũ ban tuyên vận, tổ tuyên vận phải thường xuyên bám sát thôn bản, nắm rõ từng hộ dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, phát huy vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên, người uy tín trong cộng đồng; kịp thời phản ánh, tham mưu với cấp ủy, chi bộ để xác định nội dung và hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp, thiết thực, hiệu quả.

Bốn là, công tác tuyên vận ở cơ sở phải được tiến hành thường xuyên, nội dung phải cụ thể, hằng tháng đảng ủy chỉ đạo xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ tuyên vận, phân công nhiệm vụ cho các ban, ngành, từng thành viên ban tuyên vận và từng tổ tuyên vận, lấy tiến độ, hiệu quả thực hiện các tiêu chí nông thôn mới làm tiêu chí chính để đánh giá kết quả hoạt động ban tuyên vận, tổ tuyên vận.

Năm là, chú trọng công tác kiểm tra, đánh giá, thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng trong hoạt động tuyên vận, kịp thời phát hiện, biểu dương những điển hình tiên tiến, có cách làm hay để nhân rộng.

Sáu là, việc "nêu gương" phải thực sự phát huy hiệu quả trong tuyên truyền, vận động. Công tác tuyên vận là của cả hệ thống chính trị, cán bộ làm công tác tuyên vận phải luôn xác định mình phải đầu tàu gương mẫu, nói đi đôi với làm, chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu ban hành nghị quyết lãnh đạo chi bộ và ban công tác mặt trận thôn tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm “Mưa dầm thấm lâu”, thực hiện khẩu hiệu “Đảng viên đi trước làng nước theo sau”... Từ đó, tạo niềm tin của Nhân dân trong việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Như vậy, có thể thấy việc tổ chức thực hiện triển khai mô hình công tác tuyên vận tại Lào Cai đã khẳng định niềm tin của Nhân dân với Đảng và Đảng gần với Nhân dân qua người cán bộ tuyên vận Lào Cai; các chủ trương, chính sách của Đảng ngày càng được cụ thể hóa và đi vào thực tiễn. Đời sống của người dân ngày càng đủ đầy về vật chất và tinh thần, từ đó ngày càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, một lòng vững tin dưới ngọn cờ của Đảng để xây dựng Lào Cai ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, như lời của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định: "Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Lào Cai thật tự hào khi được góp vào một viên gạch hồng qua mô hình công tác tuyên vận để tạo nên vị thế, cơ đồ của dân tộc Việt Nam giàu mạnh, hùng cường.

-------

(*) Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H.2011, tập 8, tr.281.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất