Một trong những phương thức lãnh đạo quan trọng của Đảng đối với Nhà nước và xã hội là đề ra và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết...Thực tiễn cách mạng nước ta chứng minh rằng: Sự thành công của cách mạng luôn bắt nguồn từ việc Đảng đề ra đường lối, chủ trương, nghị quyết đúng đắn và tổ chức thực hiện kiên quyết, kịp thời, sáng tạo đường lối, chủ trương, nghị quyết đã được đề ra.
Tuy vậy, Đại hội XII (2016) của Đảng chỉ rõ: Việc thể chế hóa, xây dựng chương trình hành động và tổ chức thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, quy định, kết luận của Đảng chưa kịp thời, đồng bộ, cụ thể và hiệu quả chưa cao. Một số cấp ủy chưa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết; một số nghị quyết chậm đi vào cuộc sống. Còn có biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thật sự sâu sát thực tế, cơ sở. Tình trạng nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít chậm được khắc phục.
Công tác phổ biến, quán triệt các nghị quyết của Đảng không ít nơi chưa thật sự đổi mới, chủ động, sáng tạo, chưa tổ chức được những hình thức học tập, quán triệt phù hợp cho từng đối tượng cụ thể để bảo đảm tính thiết thực, hiệu quả. Ý thức tự giác học tập, nghiên cứu, quán triệt nghị quyết của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao, ít tập trung nghe và hầu như không ghi chép. Việc thảo luận khi học tập, quán triệt nghị quyết gần đây bị xem nhẹ. Quá trình tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết không ít nơi thường hay lồng ghép với nội dung khác và không bảo đảm yêu cầu về mặt thời gian học tập, quán triệt theo quy định…Bất cập nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu vẫn là việc các cấp ủy đảng, chính quyền, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc và đầy đủ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các nghị quyết của Đảng, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện nghị quyết.
Ở một số tổ chức cơ sở đảng, chương trình, kế hoạch hành động nhằm thực hiện nghị quyết còn rất chung chung, hình thức, mô phỏng lại nghị quyết, chương trình hành động của cấp trên, ít được thảo luận dân chủ rộng rãi và tổ chức lấy ý kiến góp ý trước khi ban hành và thực hiện.
Một số tổ chức đảng thiếu đôn đốc, giám sát, kiểm tra thực hiện nghị quyết. Công tác này chưa được coi trọng thường xuyên, do vậy chưa kịp thời phát hiện và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện nghị quyết, chưa đánh giá được những đơn vị làm tốt để biểu dương, những đơn vị chưa làm nghiêm túc cần nhắc nhở, rút kinh nghiệm, phê bình.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, tại hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng. Trong đó, Tổng Bí thư nhắc nhở: “Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống; thậm chí có trường hợp nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít”.
Để nâng cao năng lực tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết của Đảng thì điều quan trọng là phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành nghị quyết. Nghị quyết phải thiết thực, ngắn gọn, khả thi, phải tính đến cân đối các nguồn lực và điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện có hiệu quả; phân công rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân, thời hạn hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp được ghi trong nghị quyết. Trên cơ sở đó, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc cụ thể hóa, thể chế hóa, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nghị quyết. Đồng thời, đổi mới cách thức quán triệt, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết của Đảng bảo đảm tính hiệu quả. Nội dung nêu trên sẽ được cụ thể như sau:
Năng lực tổ chức thực hiện nghị quyết của Đảng được thể hiện trước hết ở việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết đối với tất cả loại hình tổ chức cơ sở đảng và cán bộ, đảng viên trên cơ sở nội dung cũng như đặc điểm của từng nghị quyết mà có cách thức tiến hành triển khai cho phù hợp, cân nhắc kỹ các đối tượng để xác định những nội dung chủ yếu, hình thức và thời gian học tập cho thích hợp, thật sự hiệu quả. Đối với cán bộ, đảng viên ở chi, đảng bộ xã, phường, thị trấn cần có nội dung chuyên đề, thời gian học tập thích hợp khác với cán bộ, đảng viên công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, khác với đối tượng đảng viên đang công tác tại các tổ chức cơ sở đảng của loại hình doanh nghiệp... Đối tượng khác nhau cần có nội dung, phương pháp truyền đạt khác nhau. Về nội dung, đối với cán bộ chủ chốt cần đi sâu phân tích những nội dung, những điểm mới của nghị quyết gắn với liên hệ thực tiễn của địa phương, đơn vị. Đối với các đối tượng khác, tập trung vào những vấn đề cụ thể, thiết thực, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, chú trọng việc liên hệ nhiệm vụ của đối tượng nhằm tạo sự thông suốt về nhận thức, tư tưởng... Về hình thức, đối với cán bộ chủ chốt cần đề cao phương pháp tự nghiên cứu, tăng cường trao đổi, thảo luận và quán triệt những vấn đề có liên quan đến quan điểm, lý luận gắn với thực tiễn mà nghị quyết đặt ra, đối với đảng viên ở cơ sở, tùy đặc điểm tình hình cụ thể của đối tượng và địa bàn để chọn hình thức, phương pháp phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảng viên, công chức, viên chức tham gia được nhiều nhất. Tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết bằng hình thức trực tuyến nhằm bảo đảm nâng cao chất lượng thông tin, tạo sự đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới, khắc phục được tình trạng ở trên làm kỹ - ở dưới làm lướt, đồng thời tiết kiệm thời gian, kinh phí và có thể mở rộng đối tượng tham gia.
Học tập, quán triệt nghị quyết cần chú trọng đội ngũ báo cáo viên vừa có năng lực, uy tín, vừa có phương pháp truyền đạt hấp dẫn, dễ hiểu. Cấp ủy cấp trên kịp thời cung cấp tài liệu cho báo cáo viên, nhất là những thông tin liên quan đến nghị quyết.
Coi trọng xây dựng chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết, bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Chương trình, kế hoạch hành động thực hiện nghị quyết ở các cấp, ngành, địa phương, đơn vị phải được cụ thể hóa bằng các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, nguồn lực, đồng thời có sự phân công trách nhiệm và quy định thời gian thực hiện cụ thể, tránh chung chung.
Đối với cơ quan báo chí, truyền hình cần có các chuyên trang, chuyên mục có nội dung về học tập, triển khai nghị quyết của Đảng, các chuyên mục này cần liên tục được đổi mới cả về nội dung và hình thức.
Để nghị quyết đi vào cuộc sống phải thường xuyên giám sát, kiểm tra thực hiện nghị quyết, nhất là việc tự kiểm tra của cấp ủy cơ sở. Định kỳ sau các đợt học tập nghị quyết của Đảng (3 tháng, 6 tháng,...), cấp ủy cấp trên cơ sở hoặc các ban tham mưu của cấp ủy được phân công cần tăng cường kiểm tra, giám sát thực tế việc tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết; các chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ lớn của nghị quyết... được cụ thể hóa như thế nào ở từng tổ chức cơ sở đảng, từ đó có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Các cấp ủy đảng cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, sơ kết, tổng kết việc thực hiện chương trình, kế hoạch hành động. Qua đó không chỉ thấy rõ kết quả thực hiện nghị quyết mà còn phát hiện những vấn đề nảy sinh để tháo gỡ kịp thời.
PGS.TS. Nguyễn Văn Nam
Học viện Chính trị khu vực III