Sau hơn 10 ngày tiến công thần tốc, ngày 7-1-1979, quân tình nguyện Việt Nam cùng lực lượng vũ trang (LLVT) cách mạng Cam-pu-chia đã chiến thắng chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng, khép lại chương sử bi thương đầy máu và nước mắt.
Thắng lợi vĩ đại ấy một lần nữa thể hiện sự gắn bó thủy chung, trọn nghĩa, vẹn tình và sức mạnh vĩ đại của truyền thống đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Cam-pu-chia.
Việt Nam và Cam-pu-chia là hai nước láng giềng, cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, có những nét tương đồng về địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội. Hai dân tộc cũng đã nhiều lần có kẻ thù chung cho nên sớm đoàn kết bên nhau cùng bảo vệ độc lập, tự do của mỗi nước. Khi thực dân Pháp thực hiện cuộc xâm lăng lần thứ nhất, lần lượt biến Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia thành thuộc địa của chúng, các dân tộc ở bán đảo Đông Dương đã tỏ rõ tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm đối với vận mệnh của dân tộc mình, cũng như đối với vận mệnh của các dân tộc anh em. Liên minh đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung ngay lập tức xuất hiện cùng với cuộc chiến đấu chống xâm lược ở mỗi nước, đáp ứng đòi hỏi khách quan của lịch sử.
Trong quá trình tìm đường cứu nước, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh luôn đặt cách mạng Việt Nam trong mối quan hệ với cách mạng thế giới, trước hết là đối với cách mạng hai nước Cam-pu-chia và Lào. Nhận thức trên đặt tiền đề cho sự nghiệp xây dựng tình đoàn kết chiến đấu Việt Nam - Cam-pu-chia và các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Quá trình truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Đông Dương, xây dựng các tổ chức tiền thân của Đảng, tiến tới hợp nhất các tổ chức cộng sản thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3-2-1930 (sau đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương) được gắn với vai trò quyết định của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương đã kết nối phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam - Cam-pu-chia chống kẻ thù chung: thực dân Pháp.
Tháng 8-1945, nhân dân Việt Nam tiến hành Tổng khởi nghĩa thành công, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (DCCH). Tại Cam-pu-chia, do cơ sở đảng bị đánh phá, thiếu hạt nhân lãnh đạo cho nên không diễn ra quá trình giành chính quyền như ở Việt Nam và Lào. Tuy nhiên, nước Việt Nam DCCH ra đời đã đặt nền tảng quan trọng cho sự hình thành liên minh chiến đấu giữa cách mạng hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia.
Khi thực dân Pháp tiến hành cuộc xâm lược lần thứ hai, Đông Dương một lần nữa trở thành chiến trường chung của cách mạng ba nước Việt Nam - Cam-pu-chia - Lào. Cách mạng Cam-pu-chia cần có sự ủng hộ, chi viện của cách mạng Việt Nam và ngược lại, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam cũng cần có sự ủng hộ, phối hợp của cách mạng Cam-pu-chia.
Thực tiễn lịch sử phản ánh, Trung ương Đảng, Chính phủ Việt Nam luôn coi trọng và phát huy hiệu quả sức mạnh đoàn kết chiến đấu, “chia lửa” và “chung vai, đấu cật” cùng quân và dân Cam-pu-chia chống kẻ thù chung: thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Với quan điểm “giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình”, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương củng cố liên minh chiến đấu với nhân dân Cam-pu-chia để kháng chiến giành độc lập và thống nhất hoàn toàn đứng trên lập trường lợi ích chung mà hợp tác lâu dài trong kháng chiến và sau kháng chiến. Hoạt động phối hợp chiến đấu giữa Quân đội nhân dân Việt Nam và Quân đội Itxarắc trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đã chứng minh điều đó.
Chiến thắng Điện Biên Phủ (ngày 7-5-1954) và việc ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương (tháng 7-1954) không chỉ mở ra vận hội mới cho cả hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia mà còn là dấu mốc quan trọng trong quá trình củng cố, phát triển quan hệ Việt Nam - Cam-pu-chia. Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia do Quốc trưởng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc đứng đầu tuyên bố đi theo con đường hòa bình trung lập. Năm 1960, Chính phủ Việt Nam DCCH tuyên bố: “Chúng ta hoan nghênh và ủng hộ đường lối hòa bình trung lập của Cam-pu-chia và sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị với Vương quốc Cam-pu-chia”(1). Tháng 3-1964, tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đối với Vương quốc Cam-pu-chia, chúng ta luôn luôn chủ trương xây dựng những mối quan hệ láng giềng, hữu nghị. Chúng ta hoàn toàn ủng hộ thái độ kiên quyết của Chính phủ Cam-pu-chia chống lại sự khiêu khích và đe dọa xâm lược của đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Chúng ta đã nhiều lần tuyên bố ủng hộ và sẵn sàng tham dự hội nghị quốc tế để bảo đảm nền trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của Cam-pu-chia do Thái tử Quốc trưởng Xi-ha-núc đề nghị”(2). Tháng 3-1964, Chính phủ Cam-pu-chia tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với chính quyền Sài Gòn. Tiếp đó, tháng 6-1967, Chính phủ Cam-pu-chia nâng cấp đại diện thường trực Chính phủ Việt Nam DCCH thành Đại sứ quán Việt Nam tại Phnôm Pênh. Sự đoàn kết, giúp đỡ của Vương quốc Cam-pu-chia trong thời điểm đế quốc Mỹ tìm mọi cách cô lập, phong tỏa, chia cắt cách mạng Việt Nam là có hiệu quả và ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh việc đồng ý cho phép các loại phương tiện vận chuyển vũ khí, vật tư hậu cần, đưa đón người ra vào cảng Xi-ha-nuc-vin, Chính phủ Vương quốc Cam-pu-chia còn cho phép các LLVT cách mạng miền nam được đứng chân trên vùng biên giới giáp ranh với Việt Nam. Đến năm 1969, tuyến vận tải chiến lược Tây Trường Sơn cũng bắt đầu vươn tới vùng đông bắc Cam-pu-chia.
Nhận rõ tầm quan trọng của tuyến hành lang vận chuyển chiến lược và các căn cứ của Việt Nam trên đất Cam-pu-chia, Mỹ ráo riết huy động quân đội Sài Gòn và quân đội Thái-lan, có hỏa lực chi viện trực tiếp của không quân, tăng cường đánh phá tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn, uy hiếp biên giới Cam-pu-chia, đẩy mạnh hoạt động lật đổ chính quyền trung lập của Xi-ha-núc. Ngày 17-3-1970, Mỹ hậu thuẫn Lon Non - Xirich Matăc tiến hành đảo chính lật đổ Chính phủ Xi-ha-núc. Trước tình hình đó, ngày 25-3-1970, Chính phủ Việt Nam DCCH ra tuyên bố khẳng định: “Trên tinh thần tôn trọng đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau, nhân dân Việt Nam hết lòng, hết sức ủng hộ nhân dân Khơme trong cuộc đấu tranh chính nghĩa cho đến thắng lợi cuối cùng”(3).
Việt Nam đã nỗ lực hết mình để giúp bạn xây dựng và phát triển thực lực kháng chiến. Nhờ đó, từ năm 1970, LLVT cách mạng Cam-pu-chia ngày càng lớn mạnh, vùng giải phóng không ngừng mở rộng, góp phần thúc đẩy cuộc đấu tranh giành độc lập trên bán đảo Đông Dương. Sức mạnh đoàn kết chiến đấu vì sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân ba nước Đông Dương nói chung, nhân dân Việt Nam - Cam-pu-chia nói riêng đã chiến thắng sức mạnh phi nghĩa của đế quốc Mỹ và lực lượng tay sai vào Xuân năm 1975. Đó là “thắng lợi của tình đoàn kết chiến đấu không gì lay chuyển nổi của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, của mối quan hệ đặc biệt đã có từ lâu trong lịch sử và được thử thách trong ngọn lửa cách mạng chống kẻ thù chung của ba dân tộc”(4).
Nhân dân Việt Nam và nhân dân Cam-pu-chia thiết tha mong muốn được sống trong hòa bình để khôi phục và phát triển đất nước. Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn khẳng định quyết tâm “làm cho ba nước Đông Dương vốn đã gắn bó với nhau trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc sẽ mãi mãi gắn bó với nhau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, vì độc lập và phồn vinh mỗi nước”(5). Thế nhưng, chỉ ít ngày sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary - Khiêu Xamphon đã phản bội lại truyền thống đoàn kết hữu nghị của nhân dân hai nước, thực hiện chính sách diệt chủng ở Cam-pu-chia và xâm lược biên giới Tây Nam Việt Nam. Chỉ trong khoảng bốn năm, chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary gây ra hậu quả chưa từng có trong lịch sử nhân loại, tàn sát hàng triệu đồng bào trong nước, biến đất nước xinh đẹp với nền văn minh Ăngko cổ kính thành đống đổ nát, hoang tàn và bi thương. Hàng loạt các cuộc thảm sát dọc biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia do quân Pôn Pốt gây ra không chỉ phản bội tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, ổn định ở Đông Dương cũng như trong khu vực Đông - Nam Á. Hành động phi nghĩa, phản động của tập đoàn Pôn Pốt ngày càng trắng trợn, nhưng vì mục tiêu bảo vệ hòa bình, gìn giữ truyền thống đoàn kết, hữu nghị, Đảng, Chính phủ và Nhà nước Việt Nam bằng nhiều biện pháp đã kiên trì, nỗ lực vãn hồi hòa bình, ngăn chặn chiến tranh. Nhưng với bản chất phản động, hiếu chiến, tập đoàn Pôn Pốt - Iêng Xary chẳng những khước từ mọi đề nghị hòa bình, mà còn tăng cường, mở rộng các cuộc tiến công xâm lấn biên giới Tây Nam Việt Nam.
Về phía những người yêu nước Cam-pu-chia chân chính, trước tình thế cấp bách liên quan đến vận mệnh sống còn dân tộc, Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Cam-pu-chia kêu gọi Việt Nam xuất quân chi viện tiêu diệt chế độ Pôn Pốt - Iêng Xary, cứu nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Sau khi đập tan các cuộc tiến công xâm lược biên giới Tây Nam của quân Pôn Pốt, đáp lời kêu gọi cấp thiết của Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước và nhân dân Cam-pu-chia, quân tình nguyện Việt Nam đã phối hợp cùng LLVT cách mạng Cam-pu-chia mở cuộc tổng phản công, tiến công quân Pôn Pốt. Kết quả, ngày 7-1-1979, Thủ đô Phnôm Pênh được giải phóng. Ngày 8-1-1979, Hội đồng nhân dân cách mạng Cam-pu-chia được thành lập, ra tuyên bố xóa bỏ hoàn toàn chế độ diệt chủng Pôn Pốt - Iêng Xary, thành lập chế độ Cộng hòa nhân dân Cam-pu-chia.
Thắng lợi vĩ đại ngày 7-1-1979 trở thành mốc son lịch sử của tinh thần đoàn kết quốc tế trong sáng, thủy chung, hữu nghị đặc biệt giữa hai dân tộc; là sự tiếp nối truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù chung của hai dân tộc Việt Nam - Cam-pu-chia.
Ngày nay, trong điều kiện quốc tế mới có nhiều phức tạp, mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và Cam-pu-chia sẽ được tiếp thêm sức mạnh từ những truyền thống vốn có từ lâu đời trong lịch sử. Quan hệ hai nước Việt Nam - Cam-pu-chia chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ của tình hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước dựa trên nguyên tắc hòa bình, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, tôn trọng lợi ích chính đáng của nhau vì sự phát triển và phồn vinh của mỗi nước cũng như sự ổn định, hòa bình trong khu vực và trên thế giới.
Thiếu tướng,TS NGUYỄN HOÀNG NHIÊN
Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam
-----------------------------------
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 21, Nxb CTQG, H, 2002, tr. 940.
(2) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 14, Nxb CTQG, H, 2011, tr.283.
(3) “Tuyên bố của Chính phủ ta về cuộc đấu tranh yêu nước hiện nay của Cam-pu-chia”, Báo Quân đội nhân dân, số 3178, ngày 26-3-1970.
(4) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Sđd, tr. 475.
(5) Văn kiện Đảng toàn tập, tập 37, Sđd, tr. 540.