Xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu giai đoạn mới
Các đại biểu tham quan Triển lãm thành tựu kinh tế, xã hội của phụ nữ các địa phương bên lề Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 _Ảnh: TTXVN

Các đại biểu tham quan Triển lãm thành tựu kinh tế, xã hội của phụ nữ các địa phương bên lề Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027 _Ảnh: TTXVN

Quan điểm của Đảng về công tác cán bộ nữ

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định vị trí, vai trò của phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân ta. Người nhận xét: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Người luôn căn dặn các cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị phải quan tâm chăm lo công tác vận động phụ nữ, đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ, vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ các dân tộc Việt Bắc, năm 1959. (Ảnh tư liệu)

Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ các dân tộc Việt Bắc, năm 1959. (Ảnh tư liệu)

Xuyên suốt từ khi thành lập Đảng đến nay, Đảng ta đã luôn đánh giá cao sự đóng góp của phụ nữ và đề ra nhiệm vụ lãnh đạo, tạo điều kiện để phụ nữ phát huy khả năng to lớn, thực hiện nam nữ bình đẳng. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng năm 1930 đã thể hiện quan điểm “Nam, nữ bình quyền”. Sau khi thành lập Đảng, ngày 20-10-1930, Đảng đã thành lập tổ chức Hội phụ nữ với chức năng tập hợp phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc và bảo vệ lợi ích cho phụ nữ.

Khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra trong những năm tháng ác liệt, ngày 10-1-1967, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 152 - NQ/TW về một số vấn đề tổ chức lãnh đạo công tác phụ vận, chỉ rõ: “Tư tưởng phong kiến đối với phụ nữ còn tồn tại khá sâu sắc trong một số cán bộ, đảng viên, kể cả cán bộ lãnh đạo. Thể hiện rõ nhất tư tưởng hẹp hòi, “trọng nam khinh nữ”, chưa tin vào khả năng lãnh đạo và khả năng quản lý kinh tế của phụ nữ, chưa thấy khó khăn trở ngại của phụ nữ...”.

Sau khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 44 -CT/TW ngày 7-6-1984 về một số vấn đề cấp bách trong công tác cán bộ nữ, Chỉ thị chỉ rõ: “Nhiều cấp ủy Đảng và lãnh đạo các ngành buông lỏng việc chỉ đạo thực hiện các nghị quyết của Đảng về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ… còn tư tưởng phong kiến, coi thường phụ nữ, đối xử thiếu công bằng với chị em…”; “Các trường lớp đào tạo, bồi dưỡng trong nước và ngoài nước, khi chiêu sinh cần quy định tỷ lệ nữ một cách thoả đáng; ... Các trường lớp tập trung cần tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo để chị em có con nhỏ gửi cháu”.

Bước vào thời kỳ đổi mới, ngày 12-7-1993 Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới, Nghị quyết nhấn mạnh: “Xây dựng và sửa đổi, hoàn chỉnh các pháp luật, chính sách xã hội có liên quan đến phụ nữ và lao động nữ... Có chủ trương, chính sách phù hợp đối với phụ nữ dân tộc ít người, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ tàn tật”... Chỉ thị số 37-CT/TW, ngày 16-5-1994 của Ban Bí thư Trung ương về một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới khẳng định: “Cần xây dựng Chiến lược đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng lao động nữ nói chung và cán bộ nữ nói riêng... Chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ nữ làm công tác khoa học - kỹ thuật, kinh tế, pháp luật, hành chính, quản lý nhà nước.... cán bộ nữ dân tộc ít người, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa. Các trường lớp đào tạo, bồi dưỡng của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể khi chiêu sinh cần có quy định tỷ lệ nữ một cách thỏa đáng, đưa vào chương trình đào tạo những kiến thức về giới...”.

Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng chỉ rõ: “Đối với phụ nữ, thực hiện tốt luật pháp và chính sách bình đẳng giới, bồi dưỡng, đào tạo nghề nghiệp, nâng cao học vấn; có cơ chế, chính sách để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp, các ngành, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ và trẻ em; tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt thiên chức người mẹ; xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng tiếp tục khẳng định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần thực hiện bình đẳng giới. Tạo điều kiện để phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người. Bồi dưỡng, đào tạo để phụ nữ tham gia ngày càng nhiều vào các hoạt động xã hội, các cơ quan lãnh đạo và quản lý ở các cấp. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Bổ sung và hoàn chỉnh các chính sách về bảo hộ lao động, bảo hiểm xã hội, thai sản, chế độ đối với lao động nữ. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và các hành vi bạo lực, xâm hại và xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”.

Đặc biệt, ngày 27-4-2007, Bộ Chính trị (khóa X) đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết xác định 4 vấn đề tập trung lãnh đạo một cách đồng bộ, toàn diện, lâu dài; mang tính chiến lược sâu sắc: (1) Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ mới. (2) Công tác phụ nữ phải sát hợp với từng đối tượng, vùng miền, phát huy được tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ, góp phần tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, để phát triển đất nước; đồng thời chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người.(3). Xây dựng, phát triển vững chắc đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ là yêu cầu khách quan, là nội dung quan trọng trong chiến lược công tác cán bộ của Đảng. (4). Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Nghị quyết số 11-NQ/TƯ đề ra các chỉ tiêu định hướng cho hệ thống chính trị các cấp: Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp đạt từ 35% - 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới. Cần bảo đảm tỷ lệ nữ tham gia các khóa đào tạo tại các trường lý luận chính trị, quản lý hành chính nhà nước từ 30% trở lên. Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”, đề ra mục tiêu đến năm 2030: Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu ban thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20 - 25%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp đạt trên 35%. 

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng xác định: “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống, tinh thần của phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội.

Trước tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến động nhiều mặt của tình hình thế giới, khu vực, trong nước, ngày 20-1-2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiếp tục ban hành Chỉ thị số 21-CT/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới”. Đây là sự cập nhật kịp thời đường lối của Đảng đối với công tác phụ nữ khi điều kiện thực tiễn của cách mạng có sự biến động.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của các tầng lớp phụ  nữ. Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tăng cường các chương trình phát triển, hỗ trợ cập nhật tri thức, kỹ năng cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Hoàn thiện và thực hiện tốt luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Kiên quyết xử lý nghiêm theo pháp luật các tệ nạn xã hội; các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ Việt Nam”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các đại biểu phụ nữ tiêu biểu nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10_Ảnh: TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt các đại biểu phụ nữ tiêu biểu nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10. Ảnh: TTXVN

Nhiều thành tựu quan trọng 

Công tác cán bộ nữ ở Việt Nam trong những năm gần đây đạt nhiều thành tựu quan trọng. Trên thực tế, việc xây dựng, thực hiện quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ nữ đã được chú trọng, có nhiều chương trình đào tạo cán bộ nữ theo từng lĩnh vực, gắn với quy hoạch. Dự án “Nâng cao năng lực lãnh đạo cho phụ nữ trong khu vực nhà nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế” (EOWP) do Chương trình Phát triển của Liên hiệp quốc (UNDP) và Bộ Ngoại giao phối hợp thực hiện, nhằm mục tiêu hỗ trợ nâng cao năng lực cho phụ nữ làm việc trong các cơ quan nhà nước, phát huy vai trò lãnh đạo của các cán bộ nữ tài năng trong khu vực công của Việt Nam, đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực nữ cho phát triển kinh tế tri thức, thực hiện cử tuyển đào tạo cán bộ nữ trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo và trong các lĩnh vực có tỷ lệ cán bộ nữ chưa cao. Chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ được xây dựng, sửa đổi, bổ sung và tổ chức thực hiện trong hoạt động nghiên cứu khoa học, trong công tác lãnh đạo, quản lý; ưu tiên tuyển chọn cán bộ nữ, lao động nữ có trình độ cao đẳng, đại học, trên đại học; chăm lo bồi dưỡng, phát triển tài năng nữ giới.

Kết quả thực hiện bình đẳng giới của nước ta được xếp hạng cao hơn so với nhiều quốc gia có cùng trình độ phát triển và thu nhập. Việt Nam được nhân dân và bạn bè quốc tế ghi nhận đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện bình đẳng giới, trong đó có nỗ lực tăng tỷ lệ phụ nữ tham gia vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, từng bước xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Nhờ công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ được quan tâm cùng sự nỗ lực vươn lên của chính đội ngũ cán bộ nữ, tỷ lệ cán bộ lãnh đạo, quản lý là nữ không ngừng gia tăng. Nhiều cán bộ nữ được tín nhiệm giữ những trọng trách và qua thực tiễn công tác, đã khẳng định và phát huy được vai trò của mình trong các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận và tổ chức chính trị - xã hội các cấp. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp ngày càng nhiều. Nếu nhiệm kỳ Đại hội VIII của Đảng có 1 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, thì nhiệm kỳ Đại hội XII có 3 đồng chí nữ Ủy viên Bộ Chính trị và nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng có 2 đồng chí nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các cơ quan dân cử tăng so với nhiệm kỳ trước, với 151 đại biểu nữ tham gia Quốc hội khóa XV, đạt tỷ lệ 30,26% (cao hơn 3,54% so với nhiệm kỳ trước, nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu là 35% - 40% do Nghị quyết số 11-NQ/TW đề ra). Việt Nam cũng là quốc gia có số lượng nữ đại biểu Quốc hội chiếm tỷ lệ cao trong khu vực, đứng thứ 51 trên thế giới, thứ 4 ở châu Á và đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đạt 29% (tăng so với nhiệm kỳ trước). Với tỷ lệ này, Việt Nam nằm trong nhóm các nước đứng đầu thế giới có tỷ lệ phụ nữ tham chính cao; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và đứng thứ 47/187 quốc gia trên thế giới được xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính; xếp thứ 87/156 quốc gia về chỉ số thu hẹp khoảng cách giới. 

Đặc biệt, tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là phụ nữ chiếm 50%, tiệm cận với chỉ tiêu đề ra đến năm 2025. Nhiều đồng chí cán bộ nữ được Đảng, Nhà nước tín nhiệm giữ vị trí, trọng trách cao trong bộ máy lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, tiêu biểu như các đồng chí Nguyễn Thị Xuân Mỹ, Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng, Trương Thị Mai,  Bùi Thị Minh Hoài, Nguyễn Thị Doan, Đặng Thị Ngọc Thịnh, Võ Thị Ánh Xuân... điều đó cũng khẳng định sự thành công của Đảng trong công tác lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ nữ ngang tầm nhiệm vụ. Cùng với sự tiến bộ và phát triển của đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ nữ trí thức, nhà khoa học không ngừng phát triển, trưởng thành. Nhiều nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực được tôn vinh và trao tặng giải thưởng, trong đó có Giải thưởng Kovalevskaia - Giải thưởng dành riêng cho các nhà khoa học nữ trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản. Rõ ràng, phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, sức mạnh và uy tín trong nhiều lĩnh vực của đời sống chính trị - xã hội của đất nước. 

Những vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ nữ

Rõ ràng, ở Việt Nam hiện nay, phụ nữ ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt trong việc tham gia chính trị - vốn vẫn được coi là “địa hạt” nam giới có nhiều ưu thế. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn tồn tại sự bất bình đẳng khá lớn trong công tác cán bộ nữ. Cụ thể:

Thứ nhất, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào các vị trí cấp chiến lược còn thấp. Trong bối cảnh hiện nay, phụ nữ Việt Nam đã tham gia tích cực vào công tác lãnh đạo, quản lý và bước đầu được ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị thì tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ vẫn còn thấp so với đội ngũ lao động nữ và so với yêu cầu.

Thứ hai, có sự bất cập giữa yêu cầu thực hiện tốt công tác cán bộ nữ với các điều kiện kinh tế - văn hóa và xã hội. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có những chủ trương, chính sách, hệ thống các văn bản pháp luật thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động chính trị. Tuy nhiên, để thực hiện tốt chính sách đó thì việc bảo đảm các điều kiện về kinh tế, văn hóa - xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ phát huy vai trò của mình là vấn đề có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các cấp, các ngành trong thời kỳ đẩy mạnh quá trình đổi mới, hội nhập và phát triển. Thực tế cho thấy rằng, mâu thuẫn giữa việc thực hiện tốt chính sách về cán bộ nữ với việc bảo đảm các điều kiện kinh tế, văn hóa - xã hội vẫn đang là vấn đề gặp nhiều khó khăn đối với các cấp, các ngành hiện nay. 

Thứ ba, định kiến giới đối với phụ nữ trong hoạt động lãnh đạo, quản lý vẫn còn khắt khe. Mặc dù sự định kiến giới theo quan niệm truyền thống đã giảm bớt, chuyển biến theo chiều hướng ngày càng tích cực hơn, tuy nhiên, trong nhận thức của nhiều nhóm xã hội về vai trò, vị thế chính trị của phụ nữ vẫn còn có định kiến và khắt khe hơn nhiều so với nam giới. Chính điều này là một trong những nguyên nhân làm hạn chế khả năng và sự thăng tiến của phụ nữ trong các lĩnh vực hoạt động chính trị - xã hội.

Thứ tư, một bộ phận phụ nữ còn có tư tưởng tự ti, an phận, ngại thay đổi môi trường công tác, ngại phấn đấu.

Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Một là, tiếp tục thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện mục tiêu bình đẳng giới, góp phần đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, nhằm tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới bình đẳng trong mọi lĩnh vực.

Hai là, chú trọng hơn nữa công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ nữ làm công tác lãnh đạo, quản lý và phát triển toàn diện phụ nữ. Cần xác định, việc tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào công tác lãnh đạo, quản lý là trách nhiệm và công việc quan trọng, thường xuyên của Đảng và Nhà nước, các bộ, ban, ngành, các địa phương, nhất là ở cấp cơ sở, để tránh sự thiếu hụt về số lượng cán bộ nữ. Tăng cường sự tham gia tích cực, có hiệu quả của các nhóm xã hội, nhất là cán bộ nam trong việc thực hiện nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác phát triển đội ngũ cán bộ nữ, để có được đội ngũ cán bộ nữ tương xứng với vai trò to lớn của phụ nữ trong tổng thể chiến lược công tác cán bộ của Đảng. Công tác phụ nữ cần thực hiện sát hợp với từng đối tượng, vùng, miền, phát huy tinh thần làm chủ, tiềm năng, sức sáng tạo và khả năng đóng góp cao nhất của các tầng lớp phụ nữ vào sự phát triển của đất nước; chăm lo cho phụ nữ tiến bộ về mọi mặt, quan tâm đầy đủ đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng để phụ nữ có điều kiện thực hiện tốt nhất vai trò của mình trong gia đình và xã hội.

Ba là, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát và có hình thức xử lý đối với việc không thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác cán bộ nữ. Đối với các địa phương không thực hiện nghiêm túc các quy định của Trung ương về công tác cán bộ nữ thì cần có những hình thức đánh giá hiệu quả thực hiện và xử lý phù hợp.
 
Bốn là, việc thực hiện các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới có ý nghĩa rất quan trọng trong vấn đề tham gia của cán bộ nữ vào cấp ủy nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất. Cân nhắc điều chỉnh các quy định liên quan đến công tác cán bộ nữ, tạo điều kiện để cán bộ nữ tham gia vào cấp ủy. 

Năm là, tăng cường hợp tác quốc tế nhằm phát triển phụ nữ mạnh mẽ và toàn diện nói chung, đội ngũ cán bộ nữ nói riêng. Tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ và hiệu quả hơn nữa với các tổ chức quốc tế nhằm phát triển, nâng cao năng lực của phụ nữ làm việc trong các cơ quan đảng, cơ quan nhà nước; phát huy vai trò lãnh đạo của cán bộ nữ có tài năng trong khu vực công; qua đó, góp phần phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo nhân lực nữ cho phát triển kinh tế tri thức, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số; chú trọng đào tạo cán bộ nữ trong đồng bào các dân tộc thiểu số, đồng bào theo tôn giáo và trong các lĩnh vực có tỷ lệ cán bộ nữ chưa tương xứng, nhằm phát triển toàn diện và nâng cao hơn nữa vị thế, sức mạnh và tiềm năng của phụ nữ nước ta trong bối cảnh mới.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất