Việt Nam đang rất sẵn sàng ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (LHQ) nhiệm kỳ 2023-2025. Thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển, chủ động hội nhập quốc tế, thời gian qua Việt Nam luôn thể hiện sự tích cực trong tiến trình tham gia thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, được cộng đồng quốc tế ghi nhận đánh giá cao.
Cuộc họp công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Nỗ lực xây dựng bức tranh toàn cảnh về nhân quyền tại Việt Nam
Ngày 31-3-2022, Bộ Ngoại giao đã tổ chức lễ công bố Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR chu kỳ III Việt Nam đã chấp thuận và thông tin về ứng cử của Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025.
Theo đó, Báo cáo giữa kỳ tự nguyện đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 22-3-2022 để công bố và gửi tới Hội đồng Nhân quyền LHQ. Nội dung chính của bản báo cáo được đóng góp xây dựng bởi 18 bộ, ngành chịu trách nhiệm triển khai các khuyến nghị được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ từ năm 2019.
Mặc dù chịu sự tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR, nhưng các bộ, ngành và các bên liên quan đã hợp tác chặt chẽ để triển khai các khuyến nghị cũng như xây dựng báo cáo. Báo cáo cũng được xây dựng qua quá trình đóng góp ý kiến tích cực của các bên liên quan, bao gồm các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác và người dân.
Trong chu kỳ III, Việt Nam đã nhận được 291 khuyến nghị từ 122 nước và đã chấp thuận 241 khuyến nghị trong số đó. Đến nay, Việt Nam đã thực hiện 82,6% các khuyến nghị với nhiều kết quả nổi bật, bao gồm nhiều thành tựu về xây dựng Nhà nước pháp quyền và hoàn thiện thể chế pháp luật; bảo đảm các quyền dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa; thực hiện nghĩa vụ theo các Công ước và triển khai các cam kết, hợp tác quốc tế khác liên quan đến quyền con người; tăng cường giáo dục về quyền con người…
Có thể thấy, hàng trăm khuyến nghị mà Việt Nam đã nhận được và chấp nhận là động lực quan trọng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Chính phủ nhằm cải thiện hơn nữa việc thụ hưởng quyền con người ở Việt Nam.
Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt từng khẳng định, Báo cáo đã thể hiện trách nhiệm quốc gia thành viên, sự minh bạch và nghiêm túc của Việt Nam đối với Cơ chế UPR nói riêng và trong việc thực hiện các cam kết quốc tế về bảo đảm quyền con người nói chung, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Với 48 mục, nêu rõ bối cảnh, tình hình và kết quả triển khai các khuyến nghị, cùng một số tồn tại, dự báo và nhu cầu hợp tác, Báo cáo đã cung cấp những dữ liệu toàn diện về quá trình thực hiện các khuyến nghị của Việt Nam. “Đây là minh chứng cho cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với Hội đồng Nhân quyền, rộng hơn là chủ nghĩa đa phương và LHQ”, Trợ lý Bộ trưởng nhấn mạnh.
Sự ghi nhận của các đối tác quốc tế
Với việc lần đầu tiên xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị UPR, Việt Nam đã trở thành một trong số ít các quốc gia gửi báo cáo giữa kỳ tự nguyện tới Hội đồng Nhân quyền LHQ. Cho đến nay, mới chỉ có 79 quốc gia từng ít nhất một lần nộp Báo cáo. Riêng với chu kỳ III, Việt Nam nằm trong số 20 quốc gia đã xây dựng Báo cáo giữa kỳ tự nguyện.
Bà Rana Flowers, Quyền Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam đánh giá cao cam kết và nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người, trong đó có việc thực hiện các khuyến nghị theo Cơ chế UPR chu kỳ III và xây dựng báo cáo giữa kỳ tự nguyện, cùng các cam kết ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Theo bà Rana Flowers, Báo cáo giữa kỳ tự nguyện thực hiện các khuyến nghị Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III đã cho thấy nỗ lực bảo đảm quyền con người mạnh mẽ hơn, minh bạch hơn của Việt Nam.
Với một ví dụ chứng minh, trong một thời gian tương đối ngắn, Việt Nam đã ra mắt nhiều Tòa Gia đình và người chưa thành niên trong hệ thống Tòa án Nhân dân với các thẩm phán được đào tạo chuyên biệt. Nếu như chỉ cách đây vài năm, Việt Nam hoàn toàn chưa có các mô hình tòa án kiểu này, thì hiện nay đã có 41 Tòa Gia đình và người chưa thành niên trên toàn quốc, và trong tương lai sẽ có ở mỗi tỉnh. Điều này được bà Rana Flowers khẳng định, đây cũng là một trong những cam kết về quyền con người của Việt Nam, đó là đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền, cải cách pháp luật để củng cố nền tảng thể chế, pháp lý và chính sách liên quan đến quyền con người, tăng cường nội luật hóa các điều ước quốc tế về quyền con người vào pháp luật Việt Nam.
Đồng thời vừa qua, tại Khóa họp lần thứ 49 Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam thể hiện tinh thần trách nhiệm, tích cực được đông đảo các quốc gia thành viên tham dự ghi nhận, đánh giá cao.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp với bài phát biểu truyền tải thông điệp “Tôn trọng lẫn nhau. Đối thoại và Hợp tác. Bảo đảm tất cả quyền con người cho tất cả mọi người”. Điều này tiếp tục tái khẳng định Việt Nam mong muốn đóng góp vào các nỗ lực chung của thế giới nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người thông qua việc ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025.
Sự tham gia của đoàn Việt Nam tại Khóa họp thể hiện tinh thần trách nhiệm, đối thoại và hợp tác tích cực, đề cao quan điểm, việc triển khai chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam, cũng như quan điểm, thành tựu chung của ASEAN về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, góp phần cùng các nước đảm bảo hoạt động của Hội đồng Nhân quyền phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
Có thể khẳng định, Việt Nam luôn sẵn sàng hợp tác với các quốc gia thành viên và các bên liên quan để duy trì các nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, củng cố hiệu lực và hiệu quả của Hội đồng Nhân quyền thông qua đối thoại, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau.
Khi tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025, Việt Nam tiếp tục thể hiện cam kết mạnh mẽ, nhất quán với các vấn đề liên quan đến thúc đẩy bình đẳng giới, đặc biệt là đối với phụ nữ và trẻ em gái trong thời đại chuyển đổi kỹ thuật số; tiếp tục đề xuất Nghị quyết về quyền con người và biến đổi khí hậu cùng với các thành viên khác của các nhóm nòng cốt; đóng góp cho nỗ lực của Hội đồng Nhân quyền trong lĩnh vực quyền được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt trong bối cảnh thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19; thúc đẩy quyền được làm việc tử tế để đạt được Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững; thúc đẩy đào tạo, giáo dục về quyền con người…
Theo Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, Báo cáo giữa kỳ UPR không dừng lại ở việc vẽ lại bức tranh toàn cảnh về nỗ lực đảm bảo quyền con người của Việt Nam mà đó là cơ sở để Việt Nam nhìn lại mình, rút ra bài học thành công, xác định những khó khăn, thách thức, rút kinh nghiệm, nhằm củng cố các nỗ lực trong thời gian còn lại của chu kỳ III và hướng tới việc tham gia UPR chu kỳ IV (dự kiến trong 2024).
Cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền LHQ được ra đời từ năm 2008 và là một trong những thành công nổi bật, được xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt, thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia. Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế UPR, trong đó có việc triển khai các khuyến nghị UPR đã chấp thuận. |
Lưu Ly