|
Ảnh minh họa
|
Xây dựng pháp luật hướng tới bảo đảm tốt hơn QCN
Lý luận và thực tiễn đã chứng minh rằng việc xây dựng nhà nước pháp quyền là xu thế tất yếu khách quan. Để xây dựng thành công nhà nước pháp quyền đích thực bất kì nhà nước dân chủ nào trên thế giới cũng phải quan tâm, chú trọng đến xây dựng và hoàn thiện cũng như tổ chức thực hiện có hiệu quả hệ thống pháp luật.
Việc xây dựng và ban hành kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật mới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn có ý nghĩa rất quan trọng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của con người, tạo cơ chế quản lý nhà nước minh bạch, dân chủ, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả các hành vi trái pháp luật.
Cùng với việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất nước ta đã và đang từng bước xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng ta đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển nhanh, bền vững” và coi đó là một trong những giải pháp quan trọng để xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam giai đoạn mới.
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 9-11-2022 về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”. Nghị quyết này nhấn mạnh một trong các mục tiêu cụ thể cần phấn đấu đến năm 2030 là xây dựng “Hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, kịp thời, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, dễ tiếp cận, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững và cơ chế tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán”.
Cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đã ưu tiên xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, phát huy các giá trị của con người trong tình hình mới.
Cụ thể, từ năm 2019 đến năm 2022, Quốc hội đã thông qua 49 luật, trong đó có nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến QCN, quyền công dân như: Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2021), Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, Luật Cư trú năm 2020, Luật Thanh niên năm 2020, Luật Thanh tra năm 2022, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022…
Riêng trong năm 2023, Quốc hội đã thông qua 16 luật trong đó có những dự án luật quan trọng với nhiều nội dung khó, phức tạp, tác động mạnh tới các QCN như: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng... Năm 2024 Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 18 Luật.
Từ năm 2013 đến tháng 4-2024, Bộ Công an đã chủ trì xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành 931 văn bản quy phạm pháp luật gồm: 20 Luật, 03 Nghị quyết của Quốc hội, 02 Pháp lệnh, 01 Nghị quyết của UBTV Quốc hội, 87 Nghị định, 28 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 01 Quyết định của Chủ tịch nước, 41 Thông tư liên tịch, 748 Thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an.
Trên phương diện quốc tế, Việt Nam đã tích cực, chủ động tham gia các cơ chế toàn cầu và khu vực về QCN; phê chuẩn, gia nhập 7/9 công ước quốc tế chủ chốt về QCN; phê chuẩn, gia nhập 25 công ước của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về lao động, việc làm, đồng thời chủ động xây dựng, nộp báo cáo quốc gia về tình hình thực thi Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị (ICCPR) tại Việt Nam lần lượt vào các năm 1989, 2001, 2017 và 2023.
Tuy nhiên, hệ thống pháp luật nước ta hiện nay vẫn còn tồn tại những hạn chế, thiếu sót, bất cập đó là: tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột giữa một số văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng một số dự án luật, pháp lệnh và hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát chưa cao dẫn đến thiếu tính ổn định, thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung; những hạn chế xảy ra trong việc chưa thực hiện đúng các yêu cầu về xây dựng, phân tích chính sách trong quy trình xây dựng pháp luật cũng như đánh giá tác động của chính sách, pháp luật, lấy ý kiến, phản biện xã hội đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật…
Những hạn chế, thiếu sót, bất cập này chính là điều kiện để các thế lực không thân thiện, các đối tượng phản động thổi phồng hạn chế, tuyên truyền xuyên tạc Việt Nam vi phạm nhân quyền, chống phá công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở nước ta.
Một số kiến nghị, đề xuất
Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp từ năm 2008, đời sống mọi mặt của người dân không ngừng được cải thiện, tầng lớp trung lưu gia tăng nhanh, đem lại niềm tin và sự hài lòng của người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ XHCN ở nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Đi cùng với việc đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao thì nhu cầu được bảo đảm, bảo hộ về các quyền và lợi ích hợp pháp cũng tăng lên.
Chính vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh nâng cao hiệu quả việc lấy con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước trong các chính sách, pháp luật là một nhu cầu thực tế trong bối cảnh hiện nay khi đất nước bước vào Kỷ nguyên mới, Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Một là, quán triệt quan điểm sự lãnh đạo của Đảng tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện trong quá trình hoàn thiện pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Đảng lãnh đạo bằng đường lối, chính sách; lãnh đạo thể chế hóa đường lối, chính sách thành pháp luật để quản lý Nhà nước và xã hội. Do đó, pháp luật trong Nhà nước pháp quyền XHCN cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ QCN, quyền công dân.
Hai là, việc hoàn thiện pháp luật về QCN phải nằm trong định hướng chung về hoàn thiện hệ thống pháp luật, theo đó, “xây dựng hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng, nhân đạo, đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi, dễ tiếp cận, đủ khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo... tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc, khơi dậy, phát huy mọi tiềm năng và nguồn lực, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước.” Điều này đòi hỏi việc hoàn thiện pháp luật về QCN cũng phải bảo đảm các quy định pháp luật này có tính thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, ổn định, khả thi và dễ tiếp cận.
Ba là, tiếp tục xây dựng, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành trong đó bảo đảm thực hiện QCN. Trên cơ sở những kết quả đạt được, Quốc hội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần nghiên cứu sửa đổi các văn bản hiện hành, bổ sung các văn bản pháp luật mới đáp ứng yêu cầu quản lý xã hội. Đặc biệt là những quy định liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân như: Luật Dữ liệu, Luật Tư pháp người chưa thành niên...
Việc xây dựng các quy định pháp luật bảo đảm phù hợp với Hiến pháp năm 2013, các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và các quy định của pháp luật hiện hành.
Đồng thời, để hướng tới mục tiêu xây dựng nhà nước pháp quyền, quá trình xây dựng pháp luật cần chú trọng đến một số nội dung như: kiểm soát quyền lực nhà nước; nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước một cách trực tiếp, giám sát và phản biện xã hội… Đây là những yếu tố rất quan trọng nhằm bảo đảm công bằng xã hội, minh bạch và công khai, tránh tình trạng lạm quyền của các cơ quan nhà nước cũng như ngăn chặn các hành vi xâm phạm các quyền công dân.
Bốn là, nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và đổi mới quá trình xây dựng pháp luật ở nước ta. Việc xây dựng pháp luật cần tuân thủ các quy trình theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong đó chú ý việc lấy ý kiến của đối tượng chịu tác động trực tiếp của chính sách; chú trọng đối thoại với doanh nghiệp, người dân về những vướng mắc, bất cập trong áp dụng pháp luật; xử lý nghiêm và quy rõ trách nhiệm người đứng đầu tham mưu xây dựng các văn bản pháp luật không đảm bảo chất lượng, không phù hợp thực tiễn hoặc những luật, bộ luật chưa cấp thiết ban hành.
Đối với hoạt động của cơ quan lập pháp, bên cạnh hoạt động họp Quốc hội thường kỳ, khi cần thiết có thể triệu tập phiên họp bất thường để thảo luận, thông qua những văn bản pháp luật cấp bách đáp ứng yêu cầu thực tiễn; ban hành một văn bản luật sửa đổi nhiều luật; đồng thời kiên quyết không đưa vào chương trình lập pháp với những dự thảo văn bản pháp luật chưa bảo đảm chất lượng, còn nhiều ý kiến mâu thuẫn trong Nhân dân.
Năm là, tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, làm rõ và xử lí các hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình triển khai công tác xây dựng pháp luật; phát hiện và xử lí nghiêm minh các hành vi chống phá Đảng, Nhà nước trên lĩnh vực xây dựng pháp luật để răn đe và giáo dục chung. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng cài cắm “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật.
Đồng thời, thường xuyên tiến hành, đổi mới nội dung, phương thức đấu tranh nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch trên lĩnh vực xây dựng pháp luật.
TS. Nguyễn Doãn Phương, Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân