Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948
Khi đánh giá về Tuyên ngôn, nhiều học giả trên thế giới cho rằng, mặc dù còn có những hạn chế nhất định do hệ tư tưởng hay các giá trị khác nhau về văn hóa, mong muốn những kỳ vọng lớn hơn, nhưng với việc cộng đồng thế giới cùng nhau đạt thỏa thuận chung cho thấy tầm nhìn lịch sử của Tuyên ngôn.
GS. Jack Donnelly – tác giả nổi tiếng với tác phẩm “Lý thuyết và thực tiễn quyền con người toàn cầu, xuất bản lần đầu năm 2003” [1] đã viết: “Từ những người theo chủ nghĩa xã hội đến những người theo chủ nghĩa tự do, từ những người theo thuyết vô thần đến những người theo đạo Cơ Đốc, từ những người Do Thái đến những tín đồ đạo Phật, và những người từ nhiều, rất nhiều truyền thống văn hóa khác, dù với những xuất phát điểm khác nhau, nhưng đều quy về một điểm là ủng hộ những quyền đã được nêu trong Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người[2].
|
Một phiên họp của Liên hiệp quốc. Ảnh: TTXVN
|
Trong một bài viết khó có thể đánh giá hết tầm vóc vĩ đại của bản Tuyên ngôn, nhưng nếu bất kỳ ai nghiên cứu về lịch sử tư tưởng của quyền con người, gắn với lịch sử đấu tranh của nhân dân thế giới từ thời kỳ cổ đại đến hiện đại ngày nay, không thể phủ nhận những giá trị thời đại, xuyên các thế kỷ của bản Tuyên ngôn trên các phương diện sau đây:
Thứ nhất, từ quyền con người ý tưởng đến quyền con người hiện thực, Tuyên ngôn đã vượt trên mọi sự khác biệt về văn hóa, trở thành giá trị phổ quát toàn cầu.
Nghiên cứu lịch sử tư tưởng của quyền con người trong sách báo Việt Nam và ở các cơ sở đào tạo trên thế giới đều khẳng định, tư tưởng về quyền con người có lịch sử rất lâu đời, gắn với lịch sử đấu tranh chống bạo tàn, chống bất công, bất bình đẳng và cùng nhau hướng tới các giá trị của công lý, tự do, bình đẳng và quyền làm người. Đây là bởi nguyên lý tự nhiên rằng, “ở đâu có áp bức thì có đấu tranh”.
Trong các lý thuyết về quyền tự nhiên, pháp luật tự nhiên ở thời kỳ Phục Hưng – Khai sáng thế kỷ 17, 18, Rút – Xô (1712-1778), một trong những nhà tư tưởng, triết học vĩ đại người Thụy Sỹ, khi "Bàn về khế ước xã hội” hay “các nguyên tắc của quyền chính trị", đã viết: "Có một sự thật hiển nhiên rằng con người sinh ra tự do, nhưng rồi đâu đâu con người cũng sống trong xiềng xích[3]”.
Ở cùng thời kỳ đó và sau này khi bàn về lịch sử tư tưởng quyền con người cũng có nhiều quan điểm cho rằng “Xưa nay nói đến quyền con người là nói đến những giá trị xuất phát từ ý tưởng nhân văn, về đạo đức con người, về giá trị làm người[4]”.
Quả thực nếu không có sự xâm phạm hay chà đạp lên giá trị làm người, thì chắc cũng không có lịch sử đấu tranh chống bất công xã hội; và cũng không cần tốn giấy, bút để viết và đòi quyền con người, quyền được làm người; thực tế là lịch sử loài kể từ thời cổ đại, đến hiện đại ngày nay suy cho cùng chính là lịch sử đấu tranh vì quyền con người. Con người đã phải trả bằng máu và nước mắt của mình là đoàn kết cùng nhau đứng lên chống bạo tàn, chống chiến tranh, chống áp bức, chống các bất công xã hội. Tuy nhiên, chuẩn mực quyền con người chỉ được thiết lập toàn cầu, khi xuất hiện cú huých về mặt lịch sử, đó chính là hai cuộc đại chiến thứ nhất (1914 - 1918) và thứ hai (1939 - 1945) trong thế kỷ XX, như diễn đạt trong lời mở đầu của Hiến chương Liên hiệp quốc, rằng “chiến tranh đã hai lần trong đời chúng ta gây cho nhân loại những đau thương không thể nào kể xiết[5]”, nên để phòng ngừa chiến tranh – thủ phạm xâm hại, chà đạp lớn nhất quyền con người, cộng đồng quốc tế đã cùng nhau thiết lập Liên hiệp quốc – tổ chức quốc tế có trách nhiệm duy trì hòa bình, an ninh và bảo vệ quyền con người. Và chỉ một năm sau khi Liên hiệp quốc ra đời, Ủy ban Nhân quyền đã được thành lập (năm 1946) và 3 năm sau một văn kiện quốc tế về quyền con người được soạn thảo và thông qua bởi Đại hội đồng Liên hiệp quốc, đó chính là Bản Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948.
Vượt lên trên mọi sự khác biệt về văn hóa, Tuyên ngôn khẳng định: Rằng mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và các quyền. Mọi người đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tri, và cần phải được đối xử với nhau bằng tình anh em (Điều 1 của Tuyên ngôn)[6], để khẳng định nguồn gốc của quyền con người là tự nhiên, do trời ban cho, chứ không phải là món quà của bất cứ ai/hay bất cứ thế lực nào trao tặng; và bình đẳng được áp dụng chung cho tất cả mọi người, mà không có bất kỳ một hình thức phân biệt hoặc đối xử nào về chủng tộc, màu da, hay giới tính; không phụ thuộc vào ngôn ngữ, tôn giáo, quan điểm chính trị hay các quan điểm khác; nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, thành phần xuất thân hay địa vị xã hội (Điều 2)[7], miễn là con người thì được hưởng quyền con người.
Bình đẳng, không phân biệt đối xử đã trở thành nguyên tắc xuyên suốt, kim chỉ nam cho toàn bộ các quy định của Tuyên ngôn và luật nhân quyền quốc tế, là một trong những nguyên tắc/tính chất của quyền con người theo cách hiểu phổ biến của cộng đồng quốc tế ngày nay. Nghiên cứu kỹ quy định này, mới thấy tầm nhìn vĩ đại của những nhà soạn thảo, bởi nếu nhìn lại lịch sử nhân loại trước thế kỷ XVII, XVIII, khi mà quyền con người chỉ thuộc về một nhóm người hay một dân tộc nào đó (quyền bình đẳng chỉ thuộc về giai cấp cùng quyền lợi), và khi còn có sự khác biệt rất lớn về văn hóa, xã hội, sự phân chia đẳng cấp rất nặng nề ở các quốc gia; rồi quan niệm trẻ em được coi là tài sản của cha mẹ, người phụ nữ bị lệ thuộc vào người cha, người chồng (thuyết tam tòng), người da màu sinh ra mặc nhiên là nô lệ[8]...quả thực mới thấy hết ý nghĩa về giá trị đạo lý, nhân văn sâu sắc được đúc kết trong hàng ngàn năm lịch sử tiến bộ của nhân loại, được thể hiện trong từng câu, từng chữ đơn giản, dễ hiểu cho mọi người, nhưng lại mang tầm nhìn lịch sử và đã trở thành chân lý, có giá trị phổ quát toàn cầu như ngày nay.
Quyền con người như thế, đã phát triển trong dòng chảy của lịch sử, từ ý tưởng đã trở thành hiện thực, từ xuất hiện trong truyền thống nhân đạo của mỗi quốc gia, dân tộc đơn lẻ, nay nhân đạo đã trở đã thành quyền con người, và ngôn ngữ quyền con người chỉ tồn tại trong nội bộ giai cấp cùng quyền lợi, hay nhóm người nhất định nay đã trở thành quyền con người cho tất cả mọi người. Đó là thành quả vĩ đại trong lịch sử đấu tranh của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới mà Tuyên ngôn chính là mốc son chói lọi - đánh dấu những thành quả vĩ đại đó.
Thứ hai, Tuyên ngôn là áng văn bất hủ về những cam kết chính trị, pháp lý – tạo nền tảng xây dựng các chuẩn mực quốc tế toàn cầu về quyền con người
Cùng với lời mở đầu và 30 điều khoản liệt kê quyền con người và các tự do cơ bản, xác lập trách nhiệm của các quốc gia cam kết cùng với Liên hiệp quốc phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng và tuân thủ chung các quyền con người và tự do cơ bản trên phạm vi toàn cầu. Tuyên ngôn trở thành văn kiện chuyên biệt đầu tiên trong lịch sử hiện đại lúc đó, không chỉ cam kết về mặt đạo đức, chính trị mà còn là văn kiện pháp lý đối với các quốc gia. Tuy nhiên, vì là văn kiện có giá trị khuyến nghị, đòi hỏi cần phải có văn bản có giá trị, hiệu lực pháp lý cao hơn và yêu cầu cần cụ thể hóa, phát triển những tư tưởng, nguyên tắc trong Tuyên ngôn bằng những điều ước quốc tế cụ thể, trên từng lĩnh vực và có giá trị pháp lý bắt buộc đối với các quốc gia thành viên, đã bắt đầu trở thành mối quan tâm chung của cộng đồng quốc tế.
Chính các quyền và tự do cơ bản được liệt kê trong Tuyên ngôn, Ủy ban nhân quyền Liên hiệp quốc đã phát triển và xây dựng thành hai công ước riêng biệt đó là Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị và Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa. Hai công ước này đều được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua vào ngày 16-12-1966.
Hiện nay, Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người năm 1948, hai công ước quốc tế năm 1966 và hai nghị định thư bổ sung công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị được cộng đồng quốc tế xác định là Bộ luật quốc tế về quyền con người. Trên cơ sở các quy định về quyền con người trong Bộ luật này, đến nay Liên hiệp quốc đã xây dựng và thông qua hàng trăm văn kiện quốc tế bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực cụ thể của đời sống xã hội như bảo vệ ngăn ngừa phân biệt đối xử; bảo vệ quyền phụ nữ; quyền trẻ em; quyền con người trong quản lý tư pháp; tự do thông tin; tự do hiệp hội; tuyển dụng lao động; kết hôn, gia đình và thanh niên; phúc lợi xã hội; tiến bộ và phát triển; quyền hưởng thụ văn hoá, phát triển và hợp tác văn hoá quốc tế; vấn đề quốc tịch, không quốc tịch, cư trú và người tị nạn; về cấm tra tấn, đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo và hạ nhục con người; bảo vệ quyền của lao động nhập cư và các thành viên gia đình họ; bảo vệ quyền của người khuyết tật; bảo vệ những người bị cưỡng bức mất tích; quyền của người và các dân tộc bản địa..[9].
Thứ ba, Tuyên ngôn là thước đo chung, đánh giá mức độ thực thi quyền con người ở mỗi quốc gia và trên phạm vi thế giới.
Trong lời mở đầu của bản Tuyên ngôn, Đại hội đồng Liên hiệp quốc công bố rằng: “Bản Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người này là thước đo chung cho tất cả các quốc gia và các dân tộc và cho cả mọi cá nhân và tổ chức xã hội, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu của mình mà trên cơ sở luôn ghi nhớ bản Tuyên ngôn này, sẽ phấn đấu thúc đẩy sự tôn trọng các quyền và tự do cơ bản của con người thông qua truyền bá và giáo dục; cũng như thúc đẩy sự thừa nhận và tuân thủ chung và hữu hiệu các quyền đó không chỉ với người dân nước mình mà với cả các dân tộc ở các lãnh thổ thuộc quyền quản thác của nước mình, thông qua các biện pháp tích cực, kể cả trong phạm vi quốc gia và quốc tế[10]”.
Chuẩn mực quốc tế về quyền con người, hiện có hàng trăm văn kiện, nhưng quan trọng nhất và thường được viện dẫn, để đánh giá mức độ thực thi, mức độ hưởng thụ nhân quyền ở một quốc gia, hay khu vực, chính là Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người.
Thứ tư, Tuyên ngôn còn là lời nhắc nhở, căn dặn các thế hệ mai sau phải có trách nhiệm cùng nhau hợp tác, ngăn chặn bạo tàn, kiềm chế và loại trừ chiến tranh vì đó là thủ phạm xâm hại quyền con người lớn nhất.
Nghiên cứu toàn bộ nội dung của Tuyên ngôn với lời mở đầu và 30 điều khoản, tư tưởng xuyên suốt toán lên, đó là giá trị đạo đức, là sự dăn dạy các thế hệ mai sau phải có trách nhiệm cùng nhau hợp tác, ngăn chặn bạo tàn, kiềm chế và loại trừ chiến tranh vì đó là thủ phạm xâm hại quyền con người. Các nhà lãnh đạo ở các quốc gia trên toàn thế giới phải luôn phải ghi nhớ những lời ghi trong bản Tuyên ngôn, bởi bất kỳ sự khinh xuất, coi thường, chà đạp các quyền con người, quyền và tự do cơ bản của con người là xúc phạm lương tri của nhân loại. Và rằng, “Sự coi thường và xâm phạm các quyền con người đã dẫn đến những hành động tàn bạo xúc phạm tới lương tri của nhân loại, và việc xây dựng một thế giới trong đó con người được tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn phải chịu nỗi sợ hãi và nghèo khổ cùng cực, được coi là khát vọng cao nhất của loài người[11]”.
Trong phạm vi ở mỗi quốc gia, giá trị đạo đức, nhân văn trong Tuyên ngôn còn thể hiện ở chỗ răn dạy con người, nhất là những người cầm quyền mà pháp luật ở mỗi quốc gia trao cho họ chỉ với tư cách họ là người đại diện, người đầy tớ nên phải luôn ý thức rằng quyền lực họ đang sử dụng là bắt nguồn từ chính người dân của họ trao. Vì thế, bất cứ khi nào việc sử dụng quyền lực không vì lợi ích của người dân mà lại dùng làm công cụ để cai trị, chà đạp và áp bức, xâm phạm phẩm giá con người, các quyền và tự do của người dân, thì quan hệ nhân quả, đó như lời mở đầu của Tuyên ngôn đã ghi nhớ rằng, “Điều cốt yếu là quyền con người cần phải được nhà nước pháp quyền bảo vệ để con người không bị buộc phải nổi dậy như là một biện pháp cuối cùng nhằm chống lại sự độc tài và áp bức[12]”.
Ý nghĩa của Tuyên ngôn Phổ quát về quyền con người năm 1948 đối với thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam
Sau 75 năm dưới ánh sáng của bản Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người và 30 năm thực hiện Tuyên bố và Chương trình Hành động Viên, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam đã đạt được bước tiến khổng lồ trên các lĩnh vực sau đây:
Thứ nhất, Đảng, Nhà nước Việt Nam quan tâm xây dựng và hoàn thiện thể chế pháp lý về quyền con người.
Quyền con người, quyền công dân được xác định là vấn đề trọng tâm trong xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên (Hiến pháp năm 1946) của chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa, các quyền và tự do cơ bản của con người đã được xác lập.
|
Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025
|
Đến nay, sau gần 40 tiến hành công cuộc đổi mới, Nhà nước Việt Nam đã xây dựng được hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ xã hội, trong đó chú trọng xây dựng pháp luật về quyền con người tương đối toàn diện, phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước và từng bước tương thích với các quy định quốc tế về quyền con người[13].
Trên cơ sở các chuẩn mực quốc tế và xuất phát từ điều kiện cụ thể của đất nước xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm tạo cơ sở pháp lý quan trọng nhất cho toàn bộ hoạt động của Nhà nước, cán bộ công chức, viên chức nhà nước trong việc tông trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người.
Hiện nay, pháp luật về quyền con người đã điều chỉnh hầu hết các lĩnh vực quan trọng của đất nước trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Bản Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội Khóa XIII thông qua là kết quả của gần 30 năm đổi mới, được xem là đỉnh cao trong lịch sử lập hiến bảo vệ quyền con người. Hiến pháp gồm 120 điều, trong đó dành 36 điều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân; chế định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân không chỉ được quy định ở chương riêng (Chương 2) còn nằm ở nhiều chương khác nhau của Hiến pháp. Các quy định về quyền con người trong hiến pháp là những bảo đảm pháp lý cao nhất của Nhà nước để tôn trọng, bảo vệ và thực hiện quyền con người. Trên cơ sở các nguyên tắc hiến định hàng loạt các luật, bộ luật chuyên ngành được ban hành đã cụ thể các quy định của hiến pháp tạo cơ sở pháp lý toàn diện bảo đảm quyền con người về dân sự, chính trị; quyền kinh tế, xã hội và văn hóa; quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương trong xã hội.
Thứ hai, Đảng, Nhà nước quan tâm hoàn thiện về thiết chế bảo vệ quyền con người.
Đảng, Nhà nước Việt Nam xác định bên cạnh hệ thống pháp luật, các cơ quan trong bộ máy nhà ước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Lần đầu tiên vai trò, trách nhiệm của nhà nước được quy định cụ thể tại Điều 3 và Khoản 1, Điều 14 của Hiến pháp năm 2013, đó là Nhà nước đã thừa nhận trách nhiệm/nghĩa vụ của mình là “công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân”[14].
Từ quy định này, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (2021) của Đảng đã xác định rất rõ vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Đối với Quốc hội, “Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng quy trình lập pháp, tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp…”[15].
Đối với cơ quan hành chính nhà nước, phải xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, chuyển từ nền hành chính “cai trị sang hành chính phục vụ”, “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch[16]”. Thực hiện quan điểm của Đảng trong thời kỳ đổi mới, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ cũng lần đầu tiên được Hiến pháp năm 2013 quy định Chính phủ có nhiệm vụ, quyền hạn: Bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (Khoản 6, Điều 96); Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 cũng quy định nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ: Quyết định những biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước và xã hội, quyền con người, quyền công dân (Khoản 2, Điều 21).
Đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp, quan điểm chỉ đạo của Đảng là “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Hoạt động tư pháp phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân[17]”.
Hoạt động tư pháp trước kia, trọng tâm và ưu tiên là bảo vệ chế độ XHCN, thì nay dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là tiếp cận các chuẩn mực quốc tế và kinh nghiệm tốt của các nước, Đảng, Nhà nước đã có sự thay đổi trong xác định sứ mệnh của hoạt động tư pháp, và cũng lần đầu tiên sứ mệnh ưu tiên bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người trong hoạt động tư pháp đã được đưa vào Hiến pháp năm 2013[18], Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2015 và Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân năm 2015.
Theo đó, Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân; Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, sau đó mới là nhiệm vụ bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền là lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, kết quả tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trên các lĩnh vực cụ thể.
Dưới ánh sáng, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương đã đạt được nhiều thành quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị; kinh tế, xã hội và văn hoá; bảo vệ quyền của nhóm dễ bị tổn thương đã được tăng cường bảo đảm, bảo vệ trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật.
Chẳng hạn, trong lĩnh vực dân sự, chính trị, nhờ đường lối đúng đắn được xác định trong các nghị quyết và văn kiện của Đảng[19] về quyền tư pháp, hoạt động tư pháp trong suốt 15 năm qua với mục tiêu bảo vệ công lý, quyền con người, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người trong hoạt động tư pháp đã đạt được nhiều kết quả quan trọng cần phải kể tới đó, “công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và việc bắt, giam, giữ, cải tạo được thực hiện nghiêm minh, dân chủ, công bằng hơn, hạn chế được oan, sai, bỏ lọt tội phạm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế[20]”.
Trong lĩnh vực thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa: Nhìn bức tranh tổng thể, sau hơn 35 năm đổi mới, đời sống của đại bộ phận người dân Việt Nam đã được cải thiện rõ rệt với sự liên tục cải thiện các chỉ số quan trọng liên quan đến con người như chỉ số phát triển con người (HDI) (Việt Nam hiện xếp thứ 115/191 quốc gia), chỉ số bất bình đẳng giới (GII), tuổi thọ bình quân đầu người, thu nhập bình quân đầu người, v.v.. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia hoàn thành sớm Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc (MDGs). Theo xếp hạng của Liên hiệp quốc năm 2020 về thực hiện SDGs, Việt Nam xếp thứ 51/193 quốc gia thành viên của Liên hiệp quốc, đạt thành tích cao hơn so với nhiều nước trong khu vực.
Bảo đảm quyền của các nhóm xã hội dễ bị tổn thương, như: phụ nữ, trẻ em, người nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người có HIV/AIDS…luôn chiếm một vị trí quan trọng trong quá trình thực thi quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước.
Thứ tư, thúc đẩy nâng cao nhận thức xã hội thông qua giáo dục quyền con người.
Hưởng ứng Tuyên bố và Chương trình hành động Viên và Nghị quyết của Đại hội đồng LHQ về Chương trình Thập kỷ giáo dục quyền con người (1995 - 2004). Đảng, Nhà nước đã quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành trong hệ thống chính trị triển khai đồng bộ việc giáo dục quyền con người và đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1309/QĐ/TTg ngày 5-9-2017 phê duyệt đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân; Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 21-12-2021 về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào Chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Phấn đấu đến năm 2025, 100% các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân tổ chức giáo dục về quyền con người.
Thứ năm, Nhà nước Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chung vì quyền con người và bước đầu có đóng góp cho việc định hình thể chế thúc đẩy, bảo vệ quyền con người trong khu vực và trên thế giới.
Với quan điểm của Đảng là “Chủ động tham gia, tích cực đóng góp, nâng cao vai trò của Việt Nam trong xây dựng, định hình các thể chế đa phương và trật tự chính trị - kinh tế quốc tế, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại đã ký kết[21]”. Việt Nam trong những năm gần đây không chỉ nỗ lực thực hiện các cam kết quốc tế mà còn tích cực, chủ động và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực và thế giới. Điều này thể hiện rõ thông qua mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao những lần Việt Nam gia nhập Hội đồng nhân quyền Liên hiệp quốc và ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Hiện nay, Việt Nam đang đảm nhiệm thành viên của Hội đồng Nhân quyền, nhiệm kỳ 2023-2025, đang tích cực tham gia có hiệu quả các hoạt động của Hội đồng và có nhiều sáng kiến, thúc đẩy, bảo vệ quyền con người như tham gia dự thảo nghị quyết của Hội đồng về nhân quyền và biến đổi khí hậu; nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn phổ quát về quyền con người và 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên năm 1993…
Thứ sáu, một số định hướng về tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người trong giai đoạn phát triển mới.
Trong giai đoạn phát triển mới, thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng được xác định tại Đại hội XI của Đảng là “Con người là trung tâm của chiến lược phát triển, đồng thời là chủ thể phát triển[22]” và Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”[23]. Đảng cộng sản Việt Nam coi tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người là trọng yếu của xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và nền dân chủ XHCN.
Với vai trò, sứ mệnh và trọng trách của Nhà nước pháp quyền là tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, Ban chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII, tại Hội nghị lần thứ 6 đã thông qua Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9-11-2022 về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN trong giai đoạn mới, đã xác định mục tiêu tổng quát là thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, quyền công dân và mục tiêu cụ thể đến năm 2030, hoàn thiện cơ bản các cơ chế bảo đảm quyền làm chủ của Nhân dân, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân[24]. Đây là những định hướng, quan điểm, tầm nhìn quan trọng cho việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân trong giai đoạn mới.
[1] Giáo sư của Chương trình Andrew Mellon tại trường Joseph Korbel về Quốc tế học thuộc Đại học Denver. Là tác giả của 3 cuốn sách và hơn 60 bài báo cùng với các chương sách chuyên khảo về lý thuyết và thực tiễn quyền con người, trong đó có Lý thuyết và thực tiễn quyền con người toàn cầu (tái bản lần thứ nhất, 2003), Donnelly được biết đến nhiều nhất bởi những nghiên cứu của ông về khái niệm quyền con người, thuyết tương đối trong văn hóa, phát triển và quyền con người, các thể chế quyền con người quốc tế, quyền con người và chính sách đối ngoại. Ông đã nghiên cứu và giảng dạy nhiều nơi ở châu Mỹ, châu Âu và châu Á. Các tác phẩm của ông cũng đã được dịch ra 10 thứ tiếng trên thế giới.
[2] Kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người, Tạp chí Điện tử của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, tháng 11-2008, trang 55.
[3] PGS, TS. Tường Duy Kiên, Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948 – nền tảng đạo đức, chính trị, pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Tạp chí pháp luật về quyền con người số 4-2018, trang 4.
[4] Như trên, trang 4.
[5] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Các văn kiện quốc tế, khu vực về quyền con người – tuyển chọn, sách tham khảo, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, trang 9.
[6] Như trên, trang 42.
[7] Như trên, trang 42.
[8] Ở nước Pháp, vào năm 1791, Chính quyền cách mạng Pháp mới công nhận quyền bình đẳng của những người Do thái; năm 1792, những người không có tài sản được trao quyền bỏ phiếu; và năm 1794, chính thức xóa bỏ chế độ nô lệ. Ở Mỹ sau cách mạng 1776, Tuyên ngôn về quyền con người được thông qua năm 1791, nhưng phụ nữ mãi đến năm 1924 mới được đi bầu cử.
[9] PGS, TS. Tường Duy Kiên, Tuyên ngôn Thế giới về quyền con người năm 1948 – nền tảng đạo đức, chính trị, pháp lý cho việc tôn trọng, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Tạp chí pháp luật về quyền con người số 4-2018, trang 8.
[10] Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Các văn kiện quốc tế, khu vực về quyền con người – tuyển chọn, sách tham khảo, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, trang 41.
[11] Như trên, trang 41.
[12] Như trên, trang 41.
[13] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, giáo trình Lý luận và pháp luật về QCN, Nhà xuất bản Lý luận chính trị. H, 2021, trang 200.
[14] Điều 3. Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện.
Điều 14.
1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
2. Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
[15] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, 175,176.
[16] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 176.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 177.
[18] Khoản 3, Điều 102 Hiến pháp 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp….Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”;
Khoản 3, Điều 107, Hiến pháp 2013 quy định. “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp...Viện Kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”
[19][19] Nghị quyết 49-NQ/TW ngày 2 tháng 6 năm 2005 về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Đại hội lần thứ X (2006), Đại hội XI (2011), Đại hội XII (2016), Đại hội XIII (2021) về cải cách tư pháp, hoạt động tư pháp.
[20] Ban Chấp hành Trung ương, Ban Chỉ đạo cải cách Tư pháp, Báo cáo tổng kết việc thực hiện chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2011-2016; dự kiến chương trình trọng tâm công tác cải cách tư pháp giai đoạn 2016-2021, trang 27.
[21] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 164.
[22] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb.Chính trị quốc gia. H.2016, trang 76
[23] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb.Chính trị quốc gia Sự thật, H.2021, trang 28.
[24] Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2023), Các văn kiện của Đảng, chính phủ về quyền con người, Tuyển chọn và trích dẫn – sách tham khảo, Nhà xuất bản Lý luận chính trị, trang 144.
PGS, TS. Tường Duy Kiên
Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh