Ưu tiên phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số
Quyền của người DTTS trong lĩnh vực văn hóa được thể hiện xuyên suốt trong quan điểm, chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật của Nhà nước ta. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội” năm 1991 khẳng định “Tôn trọng lợi ích, truyền thống, văn hoá, ngôn ngữ, tập quán, tín ngưỡng của các dân tộc, chống tư tưởng dân tộc lớn và dân tộc hẹp hòi, kỳ thị và chia rẽ dân tộc”. Điều 5 Hiến pháp năm 2013 ghi nhận: “Nước Cộng hoà XHCN Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc, phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hoá tốt đẹp của mình. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các DTTS phát huy nội lực, cùng phát triển với đất nước”. Để bảo đảm các quyền của các DTTS, Điều 42 Hiến pháp 2013 quy định: “Công dân có quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp”.
Với chủ trương xây dựng nền văn hóa thống nhất, đa dạng trong cộng đồng các DTTS Việt Nam, trong đó ưu tiên phát triển văn hóa các DTTSRIN, Đảng và Nhà nước xác định, cùng với chăm lo phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, việc bảo tồn, phát huy văn hóa các DTTS vừa là nhiệm vụ cấp thiết, vừa có ý nghĩa chiến lược phải thực hiện kiên trì, lâu dài. Chính phủ đã phê duyệt các chính sách, đề án nhằm thực hiện hiệu quả việc bảo tồn, phát huy và phát triển giá trị văn hoá DTTS đặc biệt là văn hoá DTTS rất ít người. Ngày 15-9-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1409/QĐ-TTg về việc Ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trong đó lĩnh vực văn hoá nhấn mạnh tập trung bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch và đặc biệt quan tâm đầu tư phát triển nhóm DTTSRIN, nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới”. Qua đó tuyên truyền vận động để các dân tộc trong cộng đồng dân tộc Việt Nam hiểu về nhau, gần gũi tương hỗ giúp đỡ cùng phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân. Tạo điều kiện để nhân dân tham gia và phát huy vai trò làm chủ trong công cuộc xây dựng đời sống văn hóa mới, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân vùng DTTS và miền núi.
Chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ, chữ viết, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống, giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các DTTS được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua. Tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS từng bước hạn chế tiến tới xóa bỏ các hủ tục lạc hậu. Nhiều lễ hội truyền thống lành mạnh được phục hồi, phát triển và hình thành mới, góp phần giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Việc triển khai “Dự án bảo tồn, phát huy giá trị làng truyền thống các DTTS” vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa tạo nên mô hình hiệu quả, thiết thực, đem lại lợi ích trên nhiều mặt của đời sống KTXH, văn hóa tại vùng đồng bào DTTS trên cả nước. Mở các lớp truyền dạy văn hóa truyền thống phi vật thể của DTTS có số dân rất ít người như: Bố Y, Pu Péo, Ơ Đu, Brâu, Rơ Măm, Mảng, Cống, Lô Lô, Chứt, Si La... tại các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Nghệ An, Kon Tum, Điện Biên, Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Bình... Các lớp này do chính các nghệ nhân - chủ thể của văn hóa các dân tộc, người nắm giữ kho tàng văn hóa phi vật thể trực tiếp tham gia truyền dạy cho thế hệ trẻ. Đây chính là một trong các hình thức hiệu quả đem lại có sức lan tỏa mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức tự giác giữ gìn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
Tại các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống đã gắn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa các DTTS với phát triển du lịch bền vững, giúp người dân giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển KTXH tại địa phương nơi sinh sống (Dân tộc Xtiêng, Chăm, Ba Na, Cơ Ho, Mnông, Ê Đê, Vân Kiều, Khơ Mú, Mường, Thái, Mông… ). Ngôn ngữ, chữ viết dân tộc được quan tâm bảo tồn, phát huy với nhiều hình thức như biên soạn, xuất bản sách theo tiếng dân tộc; lập hồ sơ khoa học về ngôn ngữ: “Chữ Nôm của người Dao”, “Chữ Nôm của người Tày”, “Chữ viết cổ của người Thái”, “Nói lý, hát lý của người Cơ Tu” đã được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Đã có 62.283 di sản văn hóa phi vật thể của 63 tỉnh, thành phố được kiểm kê, 288 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (trong đó có 145/288 di sản của các DTTS – chiếm hơn 50% tổng số di sản); 05 di sản thuộc loại hình tiếng nói, chữ viết... Trong giai đoạn từ 2016-2020, đã có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 8 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh liên quan đến đồng bào DTTS được xếp hạng di tích quốc gia; có 126 di sản văn hóa phi vật thể, 276 nghệ nhân ưu tú là người DTTS . |
Các kết quả trên đã tác động tích cực đến các chiều, cạnh của các mối quan hệ dân tộc, trong đó có vai trò của văn hóa, góp phần tăng cường và củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc. Đại bộ phận đồng bào các dân tộc đoàn kết, tin tưởng vào đường lối đổi mới, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Giải quyết những thách thức
Thực tế vẫn còn một số thách thức đối với việc đảm bảo quyền văn hóa của người DTTS trong điều kiện hiện nay như: chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực còn hạn chế; bản sắc văn hóa có nguy cơ mai một, vẫn còn tồn tại một số hủ tục lạc hậu,… Đồng bào DTTS nước ta phần lớn sống ở vùng núi, vùng có điều kiện KTXH khó khăn và đặc biệt khó khăn, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, sản xuất chưa phát triển nên khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ cơ bản còn hạn chế. Việc toàn cầu hoá và làn sóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mang lại những bước tiến nhảy vọt về KTXH là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, mang đến những thách thức và sự tiêu cực như phân hoá giàu nghèo; thay đổi chuẩn mực xã hội; đảo lộn cấu trúc nhân lực xã hội… Theo đó, sự va chạm giữa văn hoá bản địa và văn hoá ngoại nhập là điều không thể tránh khỏi. Bên cạnh đó, công nghiệp hoá - hiện đại hoá và nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến bản sắc văn hoá của các DTTS.
Bản sắc văn hóa của nhiều dân tộc đang đứng trước nguy cơ mai một, nhất là ở các cộng đồng nghèo, các tộc người thiểu số rất ít người. Từ ngôn ngữ, các vật dụng trong cuộc sống hằng ngày, đến kiến trúc nhà ở, các lễ nghi trong đời sống xã hội (hôn nhân, tang ma, thờ cúng...) truyền thống của từng tộc người còn ít được duy trì. Số lượng và chất lượng cán bộ cũng là vấn đề cần quan tâm trong việc đảm các quyền cơ bản của công dân, đặc biệt là quyền của đồng bào DTTS trong lĩnh vực văn hóa.
Bối cảnh và tình hình chính trị, KTXH nói trên đã tác động không nhỏ đến bảo đảm quyền của người DTTS trong lĩnh vực văn hóa. Để giải quyết những bất cập này, cần thiết phải tiếp tục hoàn thiện các chính sách cho phù hợp với bối cảnh trong nước và quốc tế cũng như đặc thù về kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đồng bào DTTS.
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm quyền con người, quyền công dân trong đó có quyền về văn hóa của đồng bào DTTS. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các DTTS trên cả nước. Tạo điều kiện, tạo môi trường văn hóa, không gian văn hóa phù hợp để đồng bào các dân tộc thường xuyên được giao lưu, trình diễn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong các dịp như Ngày hội, giao lưu, liên hoan hay giao lưu văn hóa trong từng cộng đồng hoặc giữa các cộng đồng dân tộc với nhau... Tiếp tục đổi mới hệ thống chính sách về văn hóa dân tộc theo hướng cơ bản, đồng bộ, lâu dài. Trong điều kiện hiện nay, cần ban hành các chính sách cụ thể tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ngôn ngữ dân tộc, đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc.
Thứ hai, tăng cường, nâng cao hiệu quả chỉ đạo và tổ chức thực hiện của bộ, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể, nhân dân, các tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo vệ và phát huy văn hóa truyền thống các DTTS.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường các hoạt động văn hóa, nghệ thuật phục vụ vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng DTTS. Hỗ trợ đưa các hoạt động văn hóa, nghệ thuật cấp Trung ương và tỉnh phục vụ đồng bào dân tộc ở các xã, bản ở vùng sâu, vùng xa, ưu tiên các xã, bản sát biên giới, vùng đặc biệt khó khăn; Có các hình thức khen thưởng, động viên, hỗ trợ cho các nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng tham gia với vai trò đầu tàu trong các câu lạc bộ, truyền dạy văn hóa nghệ thuật dân tộc hoặc sáng tạo các giá trị văn hóa nghệ thuật mới phục vụ nhân dân các dân tộc trên địa bàn.
Thứ tư, cân đối, bố trí ngân sách để triển khai thực hiện công tác bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp các DTTS; Lồng ghép chương trình, dự án, đề án của Trung ương và các địa phương để tăng cường nguồn lực đầu tư thực hiện các Chương trình, đề án, dự án nghiên cứu, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa..; khuyến khích các chương trình, dự án gìn giữ ngôn ngữ, trang phục, lễ hội… của DTTS đặc biệt đối với các DTTSRIN. Kết nối hạ tầng công nghệ, liên thông và chia sẻ giải pháp công nghệ, tài nguyên thông tin đã số hóa để tránh chồng chéo, lãng phí trong đầu tư; Đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa, khuyến khích, tạo điều kiện cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS.
Thứ năm, những kết quả nói trên có ảnh hưởng tích cực đến đời sống nhân dân trong vùng đồng bào DTTS ở Việt Nam, tạo điều kiện phát triển KTXH giúp cho bà con người DTTS yên tâm sinh sống, học tập, làm việc cũng như bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá độc đáo của dân tộc mình. Điều này chứng tỏ chính sách bảo đảm quyền văn hoá của người DTTS của Đảng và Nhà nước đã và đang đi vào cuộc sống, tạo sự chuyển biến quan trọng trong đời sống sinh hoạt, góp phần vào sự ổn định và phát triển của đất nước.
Trên diễn đàn quốc tế, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của Công ước UNESCO 1972 về bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Công ước UNESCO 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, Công ước UNESCO 2005 về bảo vệ và phát huy sự đa dạng các biểu đạt văn hóa. Đến nay, Việt Nam được UNESCO công nhận 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể (Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (2005), Dân ca quan họ Bắc Ninh (2009), Hát Ca trù (2009); Hát Xoan Phú Thọ (2011), Kéo co (2015), Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ Việt Nam (2017), Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái (2019)… |
Y Thông
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc