Các đơn vị tích cực triển khai công tác an sinh xã hội, hỗ trợ người dân trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp (Ảnh: TTXVN).
Hà Nội đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm quyền con người
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo Nhân quyền (BCĐ) thành phố Hà Nội đã triển khai kịp thời các chính sách bảo đảm quyền con người và an sinh xã hội. Các giáo hội tôn giáo đã tổ chức các hoạt động hướng về cộng đồng, đồng hành cùng chính quyền địa phương ủng hộ, chia sẻ khó khăn với người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Các chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc, miền núi được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng; thực hiện thăm hỏi tặng quà, cấp phát Bản tin dân tộc đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS. BCĐ cũng đã trao các khoản tiền thưởng và có những hỗ trợ kịp thời đối với người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các sở, ban, ngành của Thành phố cũng tập trung giải quyết khiếu kiện, tập trung đông người gây mất ANTT, đình công.
Đối với công tác đặc xá, tha tù tại các cơ sở giam giữ, Công an thành phố Hà Nội đã tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn các trại giam, nhà tạm giữ, chủ động xây dựng phương án phân loại, xử lý không để lây lan dịch bệnh trong các cơ sở giam giữ, xây dựng phương án thành lập bệnh viện dã chiến tại Trại giam số 2 phục vụ nhu cầu cách ly chữa bệnh cho phạm nhân nhiễm COVID-19.
Không phân biệt đối xử tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm các quyền cho phạm nhân: quyền chăm sóc y tế, quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân phẩm, được thăm thân, nhận quà đồ tiếp tế… Chú trọng tổ chức cho can phạm, phạm nhân được tiếp cận, đọc báo, xem truyền hình, lao động, học nghề…
Hà Giang chú trọng tuyên truyền chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo
Trong tháng vừa qua, BCĐ Nhân quyền tỉnh Hà Giang đã thực hiện tốt công tác xử lý, giải quyết khiếu kiện về nhà đất liên quan đến tôn giáo trên địa bàn tỉnh, tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho đại diện các điểm nhóm Tin lành tại huyện Mèo Vạc và huyện Yên Minh.
Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan ban ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai kế hoạch thực hiện Đề án “Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình” trên địa bàn tỉnh Hà Giang.
Các sở, ban, ngành thành viên BCĐ Nhân quyền tỉnh đã xây dựng Kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 1 từ năm 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Hà Giang; kế hoạch triển khai thực hiện chính sách đối với người uy tín trong đồng bào DTTS năm 2022; thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn.
Về công tác bảo đảm an sinh xã hội: tổ chức tư vấn việc làm, học nghề cho 377 người, ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho 193 người; thực hiện chính sách đối với người có công, giải quyết chế độ chính sách cho 132 đối tượng mới phát sinh với tổng kinh phí 1,95 tỷ đồng.
Thực hiện Chương trình hỗ trợ xây nhà cho người có công, cựu chiến binh nghèo, hộ nghèo khó khăn về nhà ở, hoàn thành xây nhà mới cho 30 hộ. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với tổ chức Chương trình “Đông ấm Biên cương” tại xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên trao tặng 50 suất học bổng cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Lâm Đồng đẩy mạnh đấu tranh nhân quyền
BCĐ Nhân quyền tỉnh Lâm Đồng trong thời gian ngắn đã xây dựng, đăng tải 300 bài viết trên fanpage của tỉnh Lâm Đồng, 827 tin, bài viết trên các fanpage của các huyện, thành phố phục vụ công tác phản bác, đấu tranh với các quan điểm, luận điệu sai trái thù địch lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Đảng, Nhà nước; đồng thời định hướng dư luận về vụ việc liên quan đến cơ sở tôn giáo trái phép “Chùa Dược sư” và Công ty TNHH Đầu tư Hoa Sen.
Đồng thời, BCĐ đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo các ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện đồng bộ hiệu quả các chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước nhất là các chính sách về tôn giáo, dân tộc, nhóm dễ bị tổn thương, xóa đói giảm nghèo, công tác an sinh xã hội, tranh thủ người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, chức sắc trong tôn giáo; giải quyết kịp thời các vụ khiếu kiện, đình công, tranh chấp đất đai.
Các sở, ban, ngành địa phương cũng tích cực đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề tôn giáo dân tộc, vận động số chức sắc, tín đồ tôn giáo sống tốt đời đẹp đạo; tuyên truyền bảo đảm quyền con người; đấu tranh với hoạt động chống phá về dân chủ, nhân quyền; tuyền truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia BHYT, nhất là phụ nữ và trẻ em
Cần Thơ bảo đảm tốt quyền của phạm nhân
Theo Báo cáo của BCĐ Nhân quyền tỉnh Cần Thơ, các thành viên BCĐ đã làm tốt vai trò chỉ đạo, điều hành đơn vị địa phương tổ chức thực hiện công tác bảo đảm quyền con người, đặc biệt là bảo đảm chế độ, chính sách đối với phạm nhân như: chế độ ăn, mặc, ở theo đúng quy định của pháp luật. Theo đó, đã giải quyết cho 43 lượt phạm nhân liên lạc điện thoại về thăm hỏi thân nhân gia đình; 110 lượt người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân gặp thân nhân và nhân 338 phần quà theo đúng quy định.
Ngoài ra, địa phương đã tổ chức khám sức khỏe cho các phạm nhân nhập tại trại 90 lượt; khám và cấp thuốc cho 84 lượt người; tổ chức tiêm vắc-xin COVID-19 cho 61 người bị tạm giữ, người bị tạm giam và phạm nhân... Quan tâm, tạo điều kiện cho phạm nhân được giáo dục, hướng nghiệp, dạy nghề; thường xuyên phổ biến thông tin thời sự, chính sách, pháp luật; tổ chức sinh hoạt văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các lớp giáo dục công dân, giáo dục pháp luật, tư vấn chuẩn bị cho phạm nhân tái hòa nhập cộng đồng...
Kiên Giang tích cực triển khai chính sách tôn giáo, dân tộc
BCĐ Nhân quyền tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc, tiếp tục thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về tôn giáo, nhất là Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; xem xét giải quyết các hồ sơ liên quan đến tôn giáo đúng thời hạn và quy định của pháp luật.
Triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đối với đồng bào DTTS, tôn giáo. Theo đó, tổ chức tuyên truyền trọng tâm về chính sách, pháp luật về tôn giáo, dân tộc; phổ biến các văn bản của Trung ương về biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; tổ chức thăm, tặng quà, tranh thủ người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022; phối hợp các tôn giáo trao tặng 1.034 phần quà cho các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn, người có uy tín, cán bộ, viên chức, người lao động là người DTTS, với tổng kinh phí 505.800.000 đồng.
Quảng Ngãi chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân
BCĐ Nhân quyền tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các sở, ban, ngành thành viên BCĐ đã tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; đề ra các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là biện pháp phòng chống biến chủng mới (Omicron) của vi-rút SARS-CoV-2 với mục tiêu bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của người dân; hạn chế thấp nhất các ca mắc, ca bệnh nặng, tử vong do COVID-19; tiếp tục triển khai điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà đối với các trường hợp đủ điều kiện; triển khai phương án dạy và học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục để kịp thời thích ứng với điều kiện thực tế.
Cùng với công tác phòng, chống dịch COVID-19, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tiếp tục được thực hiện tốt, tạo điều kiện thuận lợi được hưởng đầy đủ các quyền lợi trong khám chữa bệnh BHYT. Công tác tiêm vắc-xin phòng COVID-19 tiếp tục được đẩy nhanh tiến độ. Các cơ sở điều trị, khám chữa bệnh cơ bản bảo đảm công tác khám, chữa bệnh từng bước nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu của người dân. Quan tâm thực hiện nghiêm túc, kịp thời các chế độ trong khám chữa bệnh đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người bị HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần...
Phương Anh (tổng hợp)