Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc, UNICEF, UNFPA, UN Women đã tái khởi động Chiến dịch Trái tim xanh năm 2022 nhằm kêu gọi người dân hành động ứng phó với tình trạng bạo lực gia tăng đối với trẻ em và phụ nữ.
Phát biểu khởi động chiến dịch, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh: “Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã và đang nỗ lực không ngừng trong việc chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, đặc biệt quan tâm đến những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với con người. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn đang diễn ra và chúng ta chỉ có thể giải quyết được khi có sự chung sức, đồng lòng của tất cả các thành viên trong xã hội, các tổ chức và các cơ quan có trách nhiệm. Việt Nam đã và đang nhận được sự hỗ trợ to lớn từ các cơ quan Liên hiệp quốc và Chính phủ Úc trong lĩnh vực này. Chỉ khi cùng hợp lực, chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn trong thúc đẩy các giải pháp và hành động cụ thể hướng tới chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”.
Theo khảo sát liên quan tới Chỉ số Mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam về trẻ em và phụ nữ năm 2020-2021, hơn 72% trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 14 đã từng bị kỷ luật bạo lực, trong đó có 39% trẻ em bị bạo lực tinh thần; 47% trẻ bị xâm hại thể chất; 20% trẻ bị xâm hại tình dục; trẻ bị bỏ bê là 29%. Trong một nghiên cứu khác, 21,4% trẻ em gái vị thành niên và 7,9% trẻ em trai vị thành niên cho biết bản thân đã từng có ý định tự tử. Một nghiên cứu khác nữa cho hay 5,8% trẻ vị thành niên cho biết đã có ý định tự tử.
Trong bối cảnh COVID-19, các yếu tố nguy cơ dẫn tới bạo lực, xâm hại và bóc lột trở nên trầm trọng hơn, sự cạnh tranh về ưu tiên trong quá trình phục hồi sau đại dịch COVID-19 và không gian tài khóa bị thu hẹp, nhưng cũng cần đặt ưu tiên việc chấm dứt bạo lực đối với trẻ em và phụ nữ.
Phát biểu tại chương trình, bà Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho biết, sáng kiến này kêu gọi người dân, các nhà làm luật và chính phủ lên tiếng mạnh mẽ hơn trong việc chống lại bạo lực.
Bà Naomi Kitahara, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam thông tin, Trung tâm Dịch vụ một cửa (còn gọi là Ngôi nhà Ánh Dương) cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho phụ nữ và trẻ em gái là nạn nhân hoặc có nguy cơ bị bạo lực gia đình và bạo lực trên cơ sở giới. Các dịch vụ đa dạng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, bao gồm chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ tâm lý, tư vấn, dịch vụ phúc lợi xã hội, nhà tạm lánh trong trường hợp khẩn cấp, cảnh sát bảo vệ, dịch vụ pháp lý và tư pháp, việc chuyển gửi đều được cung cấp tại đây.
Theo Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, mô hình Ngôi nhà Ánh Dương là một trong những kết quả hữu hình của UNFPA trong nỗ lực tiến tới “không có bạo lực trên cơ sở giới và các thực hành có hại”. Thêm vào đó, UNFPA mong muốn đảm bảo rằng tất cả phụ nữ và trẻ em gái ở Việt Nam, bao gồm cả những người dễ bị tổn thương nhất, có quyền được sống một cuộc sống không có bạo lực và được đối xử tôn trọng.
Theo khảo sát quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam của UNFPA năm 2019 cho thấy, 62.9% phụ nữ ở Việt Nam trong đời đã từng chịu một hoặc nhiều hơn các hình thức bạo lực thân thể, tình dục, tình cảm và kinh tế cũng như hành vi kiểm soát của người chồng. Tại Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90.4% người bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ chia sẻ về việc bị bạo lực. Đặc biệt, bạo lực phụ nữ cũng là nguyên nhân gây thâm hụt 1.81% GDP của quốc gia.
Lễ khởi động diễn ra với nhiều hoạt động như triển lãm tương tác mở cửa cho người dân giúp khám phá các khía cạnh tâm lý xã hội của bạo lực và cách giải quyết bạo lực. Chiến dịch có thông điệp mạnh mẽ là không khoan nhượng với tình trạng bạo lực trẻ em và phụ nữ, hướng tới chấm dứt tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng và hình thức ngày càng da dạng hơn. Giai đoạn đầu của chiến dịch Trái tim Xanh năm 2020 đã thu hút gần 100 triệu lượt tương tác của người dân trên các phương tiện truyền thông kỹ thuật số với thông điệp có sức lan tỏa từ những người có tầm ảnh hưởng. |
Hồng Hạnh