Ngày 15-10, Học Viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp với Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Con người, quyền con người là trung tâm, mục tiêu, chủ thể và động lực phát triển đất nước".
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gửi thư tới Hội thảo khoa học. Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng chủ trì Hội thảo.
Hội thảo có sự tham dự của 350 đại biểu là các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
|
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: TTXVN
|
Tại Hội thảo, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển toàn diện con người, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Các quyền con người cơ bản như quyền được chăm sóc sức khỏe, quyền về giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội, các quyền tự do dân chủ trên lĩnh vực chính trị, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do báo chí, tiếp cận thông tin đều đạt những tiến bộ rõ rệt...
Đảng và Nhà nước đã từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống quan điểm, chủ trương, đường lối và pháp luật về phát triển con người, tôn trọng, bảo đảm bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Điều này được khẳng định và thể hiện thống nhất xuyên suốt trong những văn kiện quan trọng nhất của Đảng. Đặc biệt, Hiến pháp năm 2013 đã dành một chương quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn, tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, phát huy vai trò, giá trị của quyền con trong hiện thực hóa quan điểm, cách tiếp cận con người là trung tâm, phát triển toàn diện con người hiện nay. Đồng thời, từ thực tiễn hoạt động trong lĩnh vực này của các bộ, ngành ở Trung ương và các địa phương, tổng kết, đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm; vấn đề đặt ra trong bối cảnh mới...
Tại hội thảo, các đại biểu đi sâu làm rõ những vấn đề lý luận về quan điểm, cách tiếp cận lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực phát triển đất nước; quan điểm lý luận của Chủ nghĩa Mác - Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và của Đảng cộng sản Việt Nam; cách tiếp cận của Liên hiệp quốc và kinh nghiệm một số quốc gia trên thế giới...
|
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội thảo.
|
Nhiều đại biểu cho rằng để hiện thực hóa quan điểm đó, cần có cách tiếp cận dựa trên quyền con người; tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ hiệu quả quyền con người, coi quyền con người là công cụ, phương thức để đạt được mục tiêu lấy con người là trung tâm; vì mọi chính sách phát triển suy cho cùng phải vì con người, nhưng nếu không chú trọng thực hiện quyền con người, thì khó hiện thực hóa con người là trung tâm. Do đó, vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay là phải đặt quyền con người vào vị trí trung tâm trong hoạch định các chính sách phát triển, đề cao các giá trị cốt lõi của quyền con người; bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, yếu tố then chốt tạo nên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; quyền con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước...
Thời gian tới, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các chủ thể trong xã hội về quyền con người; việc công nhận, tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển con người toàn diện của mỗi cá nhân và sự ổn định, phát triển thịnh vượng chung của cộng đồng, dân tộc. Ngành chức năng tiếp tục kiện toàn hệ thống pháp luật trên nguyên tắc phát huy tối đa nhân tố con người, bảo đảm thực hiện tốt hơn các quyền, tự do cơ bản của người dân, bảo đảm hệ thống pháp luật quốc gia hài hòa và phù hợp với các chuẩn mực pháp luật quốc tế; tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động các thiết chế trong hệ thống chính trị, thiết chế xã hội bảo đảm thực hiện quyền con người khả thi, hiệu quả và tăng cường hợp tác với tất cả quốc gia, các cơ chế, tổ chức chuyên môn của Liên hiệp quốc có liên quan đến quyền con người trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
PV