Chiều 1-10, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Vinh Tơr cùng Đoàn công tác có buổi làm việc với Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum để kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.
|
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Y Vinh Tơr phát biểu tại buổi làm việc.
|
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Y Vinh Tơr đánh giá cao sự chủ động tổ chức của địa phương trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện Chương trình.
Kon Tum là một trong số ít các địa phương có hình thức tổ chức điều hành phù hợp và sát với điều kiện thực tế. Về kết quả cụ thể trên từng dự án, tiểu dự án, nội dung; Kon Tum là một trong những địa phương có mức giải ngân khá về cả vốn đầu tư và vốn sự nghiệp, cao hơn trung bình của cả nước; cho thấy sự quyết tâm của địa phương trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
“Đề nghị làm tốt công tác thông tin truyền thông để cộng đồng dân cư và người dân tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ về nội dung này, thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đời sống ngày càng đi lên. Tỉnh cần tiếp tục rà soát các văn bản còn vướng trong thực hiện và giải ngân vốn sự nghiệp, xem xét thuộc thẩm quyền của HĐND hay UBND để thực hiện. Tỉnh cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện vì thời gian cho giai đoạn này không còn nhiều. Đối với các nội dung kiến nghị, Đoàn công tác sẽ tiếp thu, tổng hợp, nội dung nào không thuộc thẩm quyền, Đoàn sẽ chuyển đến các bộ, ngành có liên quan để xem xét, nghiên cứu”, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Nguyễn Hữu Tháp khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đảm bảo đạt được mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum, đến nay, trên địa bàn có 13/25 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn; 48/186 thôn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở đạt 99,3%; hộ dân tộc thiểu số có đất sản xuất đạt 99,4%. Tỉnh thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Kon Tum kiến nghị, Chính phủ xem xét sửa đổi Điều 17 Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26-4-2022 của Chính phủ về "chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025" theo hướng nâng mức cho vay hỗ trợ nhà ở từ tối đa 40 triệu đồng/hộ lên 70 triệu đồng/hộ.
Đồng thời, bổ sung, mở rộng đối tượng được vay là hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng được hưởng các chính sách vay hỗ trợ về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề để tạo cơ hội cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số cận nghèo, mới thoát nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.
Chính phủ cho phép tỉnh thực hiện thêm Dự án hỗ trợ đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu quý (Dự án vùng trồng) tại nội dung số 2, Tiểu dự án 2, Dự án 3 Chương trình vào giai đoạn II, từ năm 2026 - 2030 để hình thành vùng nguyên dược liệu tập trung theo định hướng của Kon Tum và phù hợp chủ trương của Chương trình phát triển Sâm Việt Nam.
Trước đó, sáng 1-10, Đoàn công tác của Ủy ban Dân tộc đã đến kiểm tra việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 tại huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum).
PV