Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời các đại biểu Quốc hội về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao như vấn đề trọng tâm trong công tác bảo hộ công dân, công tác phổ biến pháp luật cho người lao động Việt Nam tại nước ngoài, giải pháp hỗ trợ người Việt tại các nước sở tại…
|
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
|
Ngăn chặn việc di cư bất hợp pháp
Theo đồng chí Bùi Thanh Sơn, việc gia tăng số lượng công dân Việt Nam bị lừa đảo đi làm việc nhẹ lương cao, bị cưỡng bức lao động tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á đã kéo theo nhiều hệ luỵ phức tạp và đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, vấn đề lừa đảo cưỡng bức lao động là tình trạng diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay, là vấn đề phức tạp. Bộ đã phối hợp với nhiều cơ quan, đơn vị tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước. Tới đây, cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng đang chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp. Đồng thời, tiếp tục triển khai các công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ triển khai đưa về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu công dân là nạn nhân của nạn buôn người, cưỡng bức lao động.
Về vấn đề di cư bất hợp pháp đã đặt ra vấn đề quan trọng trong việc thiết lập cơ chế xử lý khủng hoảng. Bộ Ngoại giao đã thành lập Ban chỉ đạo xử lý khủng hoảng để kịp thời xử lý vấn đề này, khi có sự cố xảy ra, có phương án phù hợp để đưa công dân Việt Nam về nước an toàn; đồng thời dự báo trước tình hình thế giới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cần có biện pháp ứng phó kịp thời trong thời gian tới.
Về công tác bảo hộ công dân đối với thanh thiếu niên, Bộ trưởng khẳng định thời gian gần đây có rất nhiều người di cư theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau với khẩu hiệu việc nhẹ lương cao. Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao cũng đã phối hợp cơ quan trong nước tổ chức đưa về nước an toàn và phối hợp với các đối tác ngăn chặn những trường hợp di cư bất hợp pháp. Đồng thời, thông tin, tuyên truyền, phổ biến cho các địa phương về vấn đề này.
Giải pháp tăng cường bảo hộ công dân tại nước ngoài
Hiện nay, có khoảng 70.000 người Việt Nam đã và đang sinh sống lâu dài tại Căm-pu-chia nhưng chưa được công nhận quyền công dân tại nước sở tại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết cộng đồng người Việt Nam ở Căm-pu-chia hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, địa vị pháp lý còn thấp, đời sống còn thiếu thốn. Vừa qua, các cấp có thẩm quyền đã ban hành, chỉ đạo lập Ban Chỉ đạo quốc gia để hỗ trợ, nhằm tập trung hỗ trợ cấp căn cước công dân, cho nhập quốc tịch Căm-pu-chia, phối hợp với chính phủ nước bạn để tái cơ cấu công việc cho đồng bào.
Trên tinh thần quan hệ láng giềng tốt đẹp giữa Việt Nam và Căm-pu-chia, lãnh đạo cấp cao nước ta cũng rất quan tâm đến nội dung này trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc. Bộ Ngoại giao cũng có kế hoạch, đề án cụ thể để triển khai công tác hỗ trợ, nâng cao địa vị pháp lý và đời sống của người Việt tại Căm-pu-chia. Hiện nay, Bộ Ngoại giao đã trình Chính phủ Đề án phân giới cắm mốc biên giới, bước đầu triển khai có kết quả, giúp bà con giảm bớt khó khăn, ổn định cuộc sống.
|
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Ảnh: TTXVN.
|
Trả lời câu hỏi về các biện pháp đảm bảo an ninh cho công dân ta tại các nước xảy ra xung đột, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, thời gian qua, xung đột xảy ra nhiều nơi trên thế giới. Khi xung đột xảy ra thì Bộ đã phối hợp để triển khai sơ tán ngay công dân về nơi an toàn. Đến nay, mọi việc được triển khai tốt. Công tác bảo hộ công dân của ta được tiến hành rất kịp thời. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xung đột giữa các nước hoặc xung đột nội bộ để kịp thời sơ tán công dân; tiếp tục thông tin cảnh báo cho các địa phương; phối hợp chặt chẽ với các đối tác Việt Nam.
Duy trì, phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài
Trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội về việc truyền bá văn hóa Việt Nam, duy trì phát triển tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, Bộ trưởng cho biết, đây là một trong những trọng tâm của công tác ngoại giao văn hóa và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Thời gian qua, Bộ đã tích cực xây dựng đề án, chiến lược, cụ thể hóa bằng kế hoạch công tác.
Cụ thể, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức sự kiện ngày Việt Nam, tuần phim, ẩm thực Việt Nam để quảng bá văn hóa Việt Nam. Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài đều có góc trưng bày sản phẩm văn hóa ở trụ sở, đặc biệt là ở phòng tiếp khách, tiếp công dân. Bộ cũng phối hợp thành lập các trung tâm văn hóa Việt Nam, nghiên cứu Việt Nam tại các trường đại học, viện nghiên cứu ở nước sở tại.
Về việc duy trì dạy tiếng Việt cho các thế hệ người Việt ở nước ngoài, đây là vấn đề Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục đào tạo và các trường đại học để triển khai việc hỗ trợ các hội đoàn người Việt xây dựng các trường, lớp tiếng Việt, qua đó duy trì, phát huy được giá trị văn hóa Việt Nam. Các cơ quan đã xây dựng giáo trình dạy tiếng Việt dành riêng cho đối tượng người Việt tại nước ngoài, cung cấp sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy cho các cơ sở giáo dục, đào tạo về tiếng Việt. Bộ Ngoại giao đã hỗ trợ hơn 70.000 các loại sách giáo khoa tiếng Việt, nhiều văn hóa phẩm tiếng Việt đi kèm để hỗ trợ việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các hội đoàn người Việt ở nước ngoài thường xuyên tuyên truyền, nâng cao nhận thức dạy tiếng Việt, vận động chính quyền các nước hỗ trợ các cơ sở giảng dạy tiếng Việt của kiều bào ta, đưa tiếng Việt vào hệ thống giáo dục sở tại phù hợp với cấp học, hỗ trợ xây dựng các cơ sở vật chất, xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa Bộ Ngoại giao với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giảng dạy tiếng Việt ở nước ngoài.
Ngọc Anh