Đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số tại Lai Châu

Chính sách bao phủ toàn diện

Đánh giá khác quan, thời gian qua, các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu được thực hiện đến với đúng đối tượng thụ hưởng và phát huy hiệu quả, góp phần cùng cố lòng tin, tăng cường sự ủng hộ của người dân đối với Đảng, Nhà nước. Theo đó, nguồn vốn thực hiện một số chính sách được giao sớm, công tác hướng dẫn được quan tâm kịp thời, những khó khăn vướng mắc nảy sinh được chú trọng giải quyết kịp thời, giúp cơ sở dễ dàng triển khai thực hiện.

Lai Châu xác định, bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đồng nghĩa với việc chúng ta phải thực hiện tốt các chính sách dân tộc. Trên địa bàn tỉnh, các chương trình, chính sách dân tộc trong thời gian vừa qua (từ năm 2016 đến nay) được triển khai đồng bộ, có hiệu quả. Các chính sách dân tộc đã trải rộng và được thực hiện toàn diện trên các mặt đời sống xã hội nói chung, đặc biệt là bao phủ các phương diện của quyền người dân tộc thiểu số.

Trẻ em Lai Châu vui vẻ tới trường

Trẻ em Lai Châu vui vẻ tới trường. 

Tỉnh Lai Châu đã xây dựng và ban hành, tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, biện pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung tạo các điều kiện bảo đảm quyền lao động và có việc làm cho người dân tộc thiểu số thông qua nhiều chương trình, đề án. Theo đó, tại Chương trình 135 giai đoạn 2016-2020 (Dự án 2 - Chương trình quốc gia về giảm nghèo bền vững) đã tham gia hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực cộng đồng và cán bộ cơ sở; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng và cán bộ cơ sở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn… Ngoài ra, còn có chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt (Chương trình 134); Chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân theo Quyết định 102/2009/QĐTTg (thay thế chính sách trợ giá, trợ cước để hỗ trợ cho hộ nghèo thuộc vùng khó khăn mua giống cây trồng, vật nuôi, thuốc thú y và muối i-ốt); Dự án sắp xếp ổn định dân cư 2 xã Tà Tổng, Mù Cả; Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các dân tộc Lự, Si La trên địa bàn tỉnh Lai Châu giai đoạn 2017-2025”; Chính sách hỗ trợ gạo cho 5 dân tộc đặc biệt khó khăn; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025”; Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”; Đề án “Nâng cao vai trò người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số” …

Về bảo đảm các điều kiện sống tối thiểu, tỉnh Lai Châu tích cực nâng cao công tác xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; chuyển giao, dụng ứng dụng tiến bộ khoa kỹ thuật mới vào sản xuất, chế biến sản phẩm; phê duyệt các quy hoạch về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp và thủy lợi; xây dựng các vùng sản xuất chuyên canh như: dược liệu, chè, mắc-ca...

Bảo đảm quyền bầu cử, tham gia quản lý nhà nước và xã hội thông qua các kỳ bầu cử được làm tốt, toàn diện các khía cạnh như: quyền bầu cử, ứng cử, tiếp cận thông tin... Để bảo đảm quyền thụ hưởng giáo dục, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng, tạo các cơ sở vật chất, trường lớp học ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với học sinh là người dân tộc thiểu số. Quyền về sức khỏe được tỉnh đặc biệt quan tâm, thể hiện qua nhiều chế độ ưu đãi và chính sách hỗ trợ bằng bảo hiểm y tế dân tộc, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em người dân tộc thiểu số... Bảo đảm quyền tiếp cận hoạt động trợ giúp pháp luật. Bảo đảm quyền bảo tồn văn hóa, bản sắc của các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa vùng dân tộc.

Trên phương diện thực thi quyền, cấp ủy chính quyền từ tỉnh đến cơ sở tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân tộc và chính sách dân tộc. Việc đầu tư, hỗ trợ phát triển các công trình cơ sở hạ tầng đem lại những hiệu quả thiết thực tác động tích cực đến đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, giải quyết được nhu cầu đi lại của Nhân dân, tạo điều kiện giao thương hàng hóa giữa các vùng, các xã trong khu vực. Nguồn vốn của các chính sách dân tộc khác đã phát huy hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, cải thiện nâng cao đời sống của Nhân dân. Kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nông thôn, thuỷ lợi, đường điện, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt... có sự thay đổi lớn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Nhiệm vụ, giải pháp

Để bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số và việc thực hiện các chính sách dân tộc trong thời gian tới, tỉnh Lai Châu đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung triển khai như sau:

Một là, tiếp tục có chính sách riêng đặc thù phát triển kinh tế - xã hội đối với địa phương nghèo, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Hai là, chính sách phát triển về giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dân tộc thiểu số cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ như: Chính sách hỗ trợ sinh viên, học sinh dân tộc thiểu số trong đó chú trọng dân tộc thiểu số có khó khăn đặc thù, ít người; Đào tạo nguồn cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số; Đào tạo nghề; Chính sách giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số sau khi ra trường.

Ba là, chính sách phát triển nông - lâm nghiệp gồm: Chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có năng xuất và giá trị kinh tế cao; Hỗ trợ trang thiết bị, máy móc công nghệ hiện đại phục vụ cho sản xuất...

Bốn là, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, đào tạo chuyên môn cho cán bộ ngành y tế (đặc biệt là bác sỹ); tiếp tục tuyên truyền sâu rộng các chính sách về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống... tăng cường công tác an ninh trật tự vùng dân tộc thiểu số đặc biệt vùng biên giới, vùng theo tôn giáo...

Năm là, có chính sách phát triển văn hóa, xã hội như: vấn đề về ngôn ngữ, chữ viết, lễ hội truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp...; vấn đề về bình đẳng giới; vấn đề về quyền trẻ em...

Sáu là, tiếp tục đẩy mạnh chính sách bảo vệ môi trường như phát triển khoanh nuôi bảo vệ rừng, chính sách ưu đãi đầu tư cho phát triển rừng sản xuất ở những vùng đất trồng, đồi núi trọc; phát triển lâm sản ngoài gỗ, phục hồi rừng tự nhiên; phát triển giống cây lâm nghiệp công nghệ cao vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng đặc biệt khó khăn...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất