Suốt thời gian qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận hành cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” ngày càng nhuần nhuyễn, góp phần quan trọng mang lại hiệu quả trong chống dịch COVID-19. Đặc biệt, trước tình trạng sức khỏe, tính mạng của nhân dân có khả năng bị đe dọa nghiêm trọng, Đảng ta đã thực hiện quyền lãnh đạo tuyệt đối thông qua 5 phương thức chủ đạo.
Thứ nhất, Đảng đi trước, đề ra đường lối, chủ trương đúng đắn, tiến hành công tác tư tưởng trong tổ chức đảng, đảng viên để huy động cả hệ thống chính trị cùng chống dịch.
Trước tình hình dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán, ngày 29-1-2020, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 79-CV/TW về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do vi-rút Corona gây ra với tinh thần “... khẩn trương thực hiện quyết liệt các biện pháp do Chính phủ và các bộ, ngành đề ra”. Đảng ta xác định rõ, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch do chủng mới là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để kiểm soát, không để lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự, chăm sóc sức khỏe, đời sống nhân dân.
Tháng 3-2020, khi dịch bùng phát mạnh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài cùng chung sức, hợp lực trong trận chiến chống dịch COVID-19. Nhờ các biện pháp tổng lực, năm 2020, thế giới ghi nhận Việt Nam là quốc gia đi đầu trong phòng, chống dịch hiệu quả. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đánh giá: Chúng ta đã kịp thời khống chế, cơ bản kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan của đại dịch COVID-19 trong cộng đồng; hạn chế tối đa những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội cho nhân dân; từng bước khôi phục sản xuất, kinh doanh...
Cuối tháng 4-2021, biến chủng Delta xuất hiện khiến dịch COVID-19 lan mạnh, gây hậu quả nghiêm trọng ở Việt Nam. Trước tình hình đó, ngày 29-7-2021, lần thứ hai Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ra lời kêu gọi và nhấn mạnh: “Hiện nay, tình hình đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, tốc độ lây lan rất nhanh, gây tổn hại lớn về sức khỏe và tính mạng của người dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế - xã hội và mọi mặt của đời sống. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết”. Tổng Bí thư kêu gọi: “… các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 từ Trung ương tới cơ sở phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung cao nhất công sức, thời gian, ưu tiên mọi nguồn lực; chủ động nắm chắc và dự báo, kiểm soát tốt tình hình; tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, không để bị động, bất ngờ trong ứng phó với diễn biến mới của dịch bệnh; linh hoạt, sáng tạo tổ chức thực hiện có hiệu quả công việc hệ trọng này”.
Ngày 11-6-2021, Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 07-KL/TW về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế-xã hội. Kết luận nêu rõ: “Toàn hệ thống chính trị tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Chủ động các phương án, kịch bản để kịp thời ứng phó với mọi tình huống; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, thỏa mãn với những kết quả bước đầu đạt được. Tiếp tục chỉ đạo sát sao, chặt chẽ và triển khai các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, linh hoạt, hiệu quả, nhất là tại các địa phương có mật độ dân số cao, nhiều khu công nghiệp, đang xuất hiện các ổ dịch lớn để sớm ngăn chặn, đẩy lùi; không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng... Tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, nhất là lợi ích của việc tiêm vắc-xin, tiếp tục huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế, chăm lo đời sống và bảo vệ sức khoẻ của nhân dân”.
Thứ hai, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo phát huy vai trò của Nhà nước, Chính phủ và bố trí cán bộ trực tiếp điều hành chống dịch quyết liệt, hiệu quả.
Để công tác phòng, chống dịch hiệu quả, ngay từ khi dịch xâm nhập vào nước ta, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp. Ngày 28-1-2020, khi đang giữ cương vị Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: “Việt Nam chấp nhận hi sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân”. Những văn bản của Đảng, Chính phủ và tuyên bố trên của Thủ tướng đã thể hiện rõ bản chất vì người dân, vì con người của Đảng ta. Từ đây, bám sát diễn biến tình hình dịch, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp điều hành rất kịp thời, trong đó nổi bật là các Chỉ thị 16, 15 và 19. Đáng chú ý, Việt Nam đã bổ sung COVID-19 vào danh mục các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm. Theo đó, người nhiễm bệnh được khám, điều trị miễn phí trong khi công dân nhiều quốc gia trên thế giới phải tự chi trả mọi chi phí điều trị COVID-19. Cùng với đó, Chính phủ đưa ra các gói giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Tháng 8-2021, Đảng đã chỉ đạo kiện toàn lại Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đứng đầu để kịp thời ứng phó với diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của dịch bệnh với nhiều giải pháp được đề ra và phát huy tác dụng trong hoàn cảnh nước sôi lửa bỏng, kịp thời ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng. Gần đây nhất, ngày 11-10-1021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
Thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước liên tục tận dụng thời cơ để tìm ra phương cách chống dịch hiệu quả nhất. Với sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức quốc tế và các quốc gia, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã đẩy mạnh ngoại giao vắc-xin, tìm nguồn cung vắc-xin hiệu quả để bổ sung nguồn lực chống dịch. Trong làn sóng dịch thứ tư, ngoài sát sao đôn đốc, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã năng nổ kiểm tra, đốc thúc tình hình phòng, chống dịch, phê bình nghiêm khắc những cá nhân, tập thể lơ là, thiếu trách nhiệm, thiếu sáng tạo như ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Kiên Giang...
Những ngày dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam, hình ảnh Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đẫm mồ hôi lao vào tâm dịch, vào “vùng đỏ” để “mắt thấy, tai nghe” còn đọng mãi trong trái tim nhân dân. Cách kiểm tra sát từng “chân tơ kẽ tóc”, thẳng thắn chỉ rõ những khiếm khuyết đối với cấp ủy, chính quyền địa phương đã kịp thời chấn chỉnh hiện tượng né tránh, đùn đẩy, lơ là, thiếu trách nhiệm của cán bộ các cấp. Ở những nơi nguy cơ, tốc độ dịch lây nhiễm cao và nhanh, Thủ tướng đã đến kiểm tra tận nơi, chỉ đạo các giải pháp quyết liệt, cụ thể giống như một cán bộ cơ sở.
Hay hình ảnh Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam lặng lẽ rời phòng họp Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng để chỉ đạo chống dịch, với tinh thần trách nhiệm cao để có mặt ở tất cả những nơi dịch bùng phát, đưa ra các quyết sách kịp thời.
Thực hiện chủ trương ngoại giao vắc-xin, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gửi thư tới 27 Chủ tịch Thượng viện, Hạ viện của 27 nước châu Âu và Đại sứ của 27 nước châu Âu tại Việt Nam... để vận động hỗ trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh cho Việt Nam. Với những việc làm xuất phát từ chủ trương bảo đảm tính mạng, sức khỏe của nhân dân là trên hết, trước hết đã được các nước, các tổ chức quốc tế đáp ứng, viện trợ vắc-xin và trang thiết bị y tế phòng, chống dịch bệnh.
Thứ ba, Đảng phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy vài trò sức mạnh của toàn dân trong phòng, chống dịch đã tạo ra sự đồng thuận, huy động được lực lượng, nguồn lực phòng, chống dịch hiệu quả.
Với chiến lược chống dịch đúng đắn, với việc tiến hành công tác tư tưởng chặt chẽ, rộng khắp, Đảng đã huy động được toàn thể nhân dân cùng tham gia chống dịch. Điển hình là Đảng đã lãnh đạo xây dựng quỹ vắc-xin phòng, chống COVID-19 hàng nghìn tỷ đồng và được quản lý, sử dụng chặt chẽ. Đội ngũ các nhà khoa học đã tích cực nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất ra được bộ kít xét nghiệm COVID-19 ưu việt, giá thành rẻ và xuất khẩu ra thế giới. Các nhà khoa học cũng đã từng bước nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin để góp phần vào thành công chống dịch.
Đặc biệt, sự tham gia tích cực của lực lượng công an, quân đội đã tiếp thêm sức mạnh cho cuộc chiến chống dịch. Họ không chỉ trực tiếp tiến hành công tác chống dịch mà còn nhường nơi ở, nơi huấn luyện cho những người phải cách ly. Họ cũng chính là những người bảo đảm kỷ luật và cung cấp các dịch vụ cần thiết để hoạt động cách ly có thể thành công. Đặc biệt, sự ủng hộ và đồng lòng của người dân tạo ra sức mạnh to lớn cho cuộc chiến chống dịch. Chúng ta thấy toàn thể nhân dân thống nhất và ủng hộ tuyệt đối các quyết sách của Chính phủ. Gần như không ai nói khác và không ai làm khác. Các địa phương trong cả nước đã dấy lên phong trào, hình thành các “pháo đài chống dịch”, giúp cho việc ngăn chặn dịch được tiến hành khẩn trương, hiệu quả ngay từ cơ sở.
Thứ tư, Đảng lãnh đạo chống dịch bằng biện pháp nêu gương của đảng viên, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Không hề nói quá khi nhấn mạnh rằng, các hành động ráo riết và quyết liệt, triệt để của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong chống dịch đã cổ vũ, lôi cuốn và truyền cảm hứng cho triệu con tim. Hàng nghìn cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong ngành y, quân đội, công an và đội ngũ nhà báo đã xung phong vào TP. Hồ Chí Minh dập dịch. Hàng trăm học viên Học viện Quân y, Học viện Biên phòng xung phong vào “vùng đỏ” và lên biên giới chặn dịch. Thực tiễn chống dịch từ cơ sở là “giảng đường” cho mỗi chiến sĩ. Nhiều cán bộ lãnh đạo ở các địa phương đã có các biện pháp sáng tạo, quyết liệt trong phòng chống dịch như Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, cán bộ lãnh đạo huyện Củ Chi và quận 7 TP. Hồ Chí Minh đã được nhân dân nhiệt tình ủng hộ...
Những chỉ đạo sâu sát tình hình của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thu được kết quả tốt, trong đó nổi bật là sự đồng thuận của nhân dân. Hàng chục nghìn trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 đã được chữa khỏi. Gần đây, trường hợp chị Lê Thị Thanh T. (SN 1988, ngụ tại Quận 8, TP. Hồ Chí Minh) được Bệnh viện Quân y 175 chữa khỏi COVID-19 sau gần 3 tháng điều trị, trong đó có hơn 2 tháng phải chạy ECMO kỹ thuật cao. Đáng lưu tâm là toàn bộ chi phí điều trị 2,3 tỉ đồng của chị T được Nhà nước chi trả. Thực tế, chị T chỉ là một trong nhiều trường hợp trên khắp cả nước được điều trị miễn phí, thể hiện chính sách nhân văn, nhân đạo, vì con người của Đảng ta.
Thứ năm, Đảng tăng cường kiểm tra, giám sát, kịp thời xử lý tiêu cực trong phòng, chống dịch, chấn chỉnh kịp thời cách làm việc quan liêu, thiếu trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ cơ sở.
Trong gần hai năm dịch COVID-19 đổ bộ, oanh tạc, nhiều cán bộ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương sẵn có tư tưởng chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, trục lợi đã bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý bằng các hình thức như truy tố, kỷ luật vì thi hành công vụ không nghiêm, không gương mẫu. Điển hình nhất là phát hiện, xử lý việc nâng giá thầu mua sắm thiết bị phòng, chống dịch tại CDC Hà Nội; cán bộ ở tỉnh Bình Định bỏ bê công việc, không chấp hành quy định phòng, chống dich, bỏ đi chơi golf trong giờ thực thi công vụ... Nhiều tổ chức đảng cơ sở đã bị phê bình, kỷ luật và có những cán bộ lãnh đạo đã bị cách chức. Điển hình, trong gần hai tháng chống dịch, Huyện ủy Thuận Thành (Bắc Ninh) đã xử lý tới 6 cán bộ cấp xã lơ là, thiếu trách nhiệm trong chống dịch.
Có thể khẳng định, với việc bám sát cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” và thông qua 5 phương thức lãnh đạo cơ bản nhằm tới mục tiêu “Không ai bị bỏ lại phía sau” rất rõ ràng, triệt để. Thông qua đó, Đảng đã bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của mình trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Thực tế cho thấy, việc xác định đúng đối tượng, biện pháp trên nền chủ trương đúng đắn từ Trung ương đến địa phương đã giúp cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả. Điều này đã khẳng định chắc chắn là, Đảng càng sát sao chỉ đạo, đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành, các địa phương càng gần dân, sát dân, lo cho dân thực sự, thì nhân dân càng yên tâm thực hiện giãn cách xã hội, hiệu quả chống dịch càng nhanh hơn, mạnh hơn.
(Hết)
HOÀNG HẢI
HÀ LÊ
MẠNH THẮNG