Đấu tranh ngăn chặn tội phạm mua bán người

ThS. Trần Hoàng Tùng Cục Đối ngoại, Bộ Công an

Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. Ảnh: cand.vn

Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. Ảnh: cand.vn

Huy động nguồn lực phòng, chống mua bán người

Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có “thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và chỉ số hạnh phúc của con người Việt Nam”.

Quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là ghi nhận, bảo vệ và bảo đảm các quyền con người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Trong các chương trình phòng, chống mua bán người các giai đoạn, đều huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, các ban, bộ, ngành và mọi người dân, đồng thời dành nguồn lực đáng kể cho việc thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người hằng năm.

Những năm qua, công tác phòng, chống mua bán người được Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ triển khai quyết liệt. Ngày 30-7 hằng năm được Liên hiệp quốc lựa chọn là “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người”. Từ năm 2016, Việt Nam đã lấy ngày 30-7 là ngày “Toàn dân phòng, chống mua bán người” nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi loại tội phạm này.

Triển khai Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ, Bộ Công an đã chủ trì, tham mưu cho các ban, bộ, ngành, địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các mặt công tác phòng, chống mua bán người; tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và Kế hoạch của Ban chỉ đạo 138/CP về thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2022, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác phòng, chống mua bán người. Tổ chức tổng kết chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình phòng, chống mua bán người tại 8 địa phương theo chỉ đạo của Chính phủ: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Nghệ An, Cần Thơ, Tây Ninh. Triển khai có hiệu quả quy chế phối hợp giữa Bộ Công an với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ ngoại giao về phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Công tác đấu tranh với tội phạm mua bán người được thực hiện với tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng. Tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến hết năm 2023 đã phát hiện gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng mua bán người, lừa bán gần 7.500 nạn nhân.

Theo Báo cáo của Bộ Công an, trong 5 năm (từ ngày 1-1-2018 đến 31-12-2022), trên cả nước đã phát hiện 394 vụ với 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, trong đó xử lý hình sự 386 vụ với 808 đối tượng.

Cùng với công tác tuyên truyền cho người dân bằng nhiều hình thức, các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã dành sự quan tâm đặc biệt trong phối hợp thực hiện xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được nhanh chóng, bảo đảm quyền của nạn nhân và theo nguyên tắc “lấy nạn nhân là trung tâm”.

Việc thể chế hóa các quy định trong lĩnh vực này đã được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn và phù hợp với luật pháp quốc tế. Bởi sau hơn 10 năm thi hành, Luật Phòng, chống mua bán người năm 2011 đã bộc lộ một số điểm chưa tương thích cần phải sửa đổi, bổ sung. Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm mua bán người, Việt Nam đang tích cực lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Cùng với đó đã ứng dụng khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân phục vụ công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đấu tranh với tội phạm mua bán người là yêu cầu đặt ra với không chỉ Việt Nam mà với tất cả các quốc gia, bởi trong thời đại công nghệ phát triển, loại tội phạm này hoạt động với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp.

Về hợp tác đa phương, Việt Nam đã tham gia ký kết và là thành viên của nhiều công ước, văn kiện pháp luật quốc tế liên quan trực tiếp đến công tác này. Trong hợp tác song phương, Việt Nam đã ký và tiếp tục triển khai có hiệu quả các Hiệp định tương trợ tư pháp với nhiều nước trên thế giới, tạo ra cơ sở pháp lý quan trọng cho hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, bao gồm cả vấn đề mua bán người.

Ngoài ra, Việt Nam đã ký 15 hiệp định song phương và 13 hiệp định tương trợ tư pháp về phòng, chống tội phạm với các nước, trong đó đều có nội dung phòng, chống tội phạm mua bán người.

Việt Nam cũng đang nỗ lực thực hiện các mục tiêu của thoả thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, nhằm củng cố môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư, ngăn chặn nguy cơ mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế.

Ngăn chặn, xoá bỏ nạn mua bán người, bảo đảm quyền con người

Theo báo cáo của Tổ chức nhập cư thế giới (IOM), hằng năm có khoảng 4 triệu người bị bọn tội phạm mua bán người bán qua biên giới các quốc gia, lợi nhuận thu được từ hoạt động tội ác này hằng năm không dưới 10 tỉ đô-la Mỹ, chỉ đứng sau lợi nhuận thu được từ buôn bán vũ khí và buôn lậu ma túy và theo báo cáo của LHQ và tổ chức Lao động quốc tế (ILO), hằng năm trên thế giới có khoảng 800.000-1.000.000 người bị mua bán, lợi nhuận tội phạm thu được khoảng 32 tỷ đô-la Mỹ. Trong đó, trên 80% nạn nhân là phụ nữ và các bé gái. Một biểu hiện của chế độ “chiếm hữu nô lệ thời hiện đại” mà cả nhân loại lên án và tìm mọi biện pháp ngăn chặn, loại trừ.

Ở Việt Nam, tội phạm mua bán người là một hiện tượng chỉ mới xuất hiện khoảng từ đầu năm 1990 trở lại đây, song tính đa dạng và phức tạp cũng như những hậu quả nghiêm trọng mà loại tội phạm này gây ra cho nạn nhân, gia đình, xã hội đã thu hút sự quan tâm đặc biệt và lo ngại sâu sắc của Nhà nước và cộng đồng.

Nếu như trong giai đoạn trước đây, từ 2012-2020, mua bán người chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài (chiếm trên 85% số vụ); trong thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước (riêng năm 2022, số vụ mua bán trong nước chiếm trên 45% tổng số vụ). Đã xuất hiện tình trạng mua bán thai nhi, mua bán nam giới để cưỡng bức lao động trên tàu cá. Ở một số nơi, nổi lên tình trạng mua bán trẻ sơ sinh núp bóng tinh vi các tổ chức mang danh thiện nguyện tự phát. Ngoài ra, nước ta không những là nơi xuất phát tội phạm nguồn mà còn là địa bàn trung chuyển mua bán người từ một số nước trong khu vực đi nước thứ ba.

Tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc trong những năm qua diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai... Đặc biệt, thời gian gần đây, phát hiện một số phụ nữ dân tộc Mông ở Điện Biên sang Trung Quốc lấy chồng trở về móc nối với một số đối tượng là người dân tộc Mông ở Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa, lợi dụng quan hệ thân tộc vượt biên sang Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ... (Lào) để lừa phụ nữ Mông (Lào) đưa sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm hoặc hôn nhân trái phép. Một số đối tượng xấu giả danh là Công an, Bộ đội Biên phòng trên mạng xã hội Zalo, Facebook… để kết bạn làm quen phụ nữ, hứa hẹn, sau đó, lừa bán sang Trung Quốc...

Đảng và Nhà nước ta đã đề ra nhiều biện pháp nhằm đấu tranh ngăn chặn tình trạng mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em, trong đó thúc đẩy đồng bộ  các biện pháp đấu tranh, ngăn chặn, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cũng như đẩy mạnh hợp tác quốc tế…; đặc biệt đấu tranh, ngăn chặn hoạt động của tội phạm mua bán người trên không gian mạng.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, bảo đảm cao nhất các quyền con người, tiến tới mục tiêu xoá bỏ nạn mua bán người, trong thời gian tới cần tiến hành đồng bộ các giải pháp sau:

Xây dựng và hoàn thiện những quy định pháp luật về đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người, đặc biệt là mua bán phụ nữ và trẻ em. Tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới, trong đó có tình hình mua bán người trên không gian mạng, các quy định về: phòng ngừa mua bán người; phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác định, bảo vệ và hỗ trợ người trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức về phòng chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, truyền thông trực tiếp tại cộng đồng và trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về chủ đề phòng, chống mua bán người bảo đảm quyền con người. Nâng cao cảnh giác trong quần chúng nhân dân, đề phòng và kịp thời phát hiện tố giác hoạt động của bọn tội phạm với các cơ quan bảo vệ pháp luật để góp phần làm giảm các nguy cơ, đẩy lùi tội phạm mua bán người, thúc đẩy di cư an toàn và hỗ trợ có hiệu quả nạn nhân bị mua bán trở về tái hòa nhập với cộng đồng.

Phát huy vai trò của các trang fanpage, facebook, các nhóm zalo của các cấp hội phụ nữ, đoàn thành niên và các tổ chức quần chúng xã hội phục vụ tuyên truyền giáo dục phòng chống mua bán người; truyền thông nâng cao nhận thức cho hội viên, phụ nữ, người dân về sử dụng mạng xã hội an toàn, nhằm giảm thiểu nguy cơ mua bán người cũng như các loại tội phạm trên không gian mạng.

Tăng cường các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người. Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, các hoạt động tội phạm gần như đều sử dụng in-tơ-nét để trao đổi cũng như làm phương thức thực hiện hoạt động phạm tội. Vì vậy cần tăng cường nâng cao năng lực, hiệu quả của công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người, đặc biệt là năng lực về an ninh mạng.

Trong thời đại kỹ thuật số, các loại tội phạm xuyên quốc gia, trong đó có tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, đe dọa nghiêm trọng đến các nỗ lực bảo vệ quyền con người, gây nguy hiểm tới mạng sống của hàng nghìn người mỗi năm ở khắp các quốc gia, khu vực, tăng cường hợp tác quốc tế, chung tay ngăn chặn nạn mua bán người, tiến tới xoá bỏ nạn mua bán người là mục tiêu chung của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

(1) Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 25-7-2018 về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng.

(2) Bộ Chính trị (2018), Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 25-7-2018 về Chiến lược an ninh mạng quốc gia.

(3) Bộ Công an (2022), Báo cáo tổng kết của Bộ Công an tại Hội nghị của Chính phủ tổng kết 5 năm (2018-2022) phòng, chống mua bán người.

(4) Chính phủ (2018), Nghị định số 27/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.

(5) Quốc hội (2011), Luật phòng chống mua bán người.

(6) Quốc hội (2018), Luật An ninh mạng.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất