Những nhận định thiếu khách quan của USCIRF về tự do tôn giáo Việt Nam

Báo cáo thường niên đánh giá về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam của tổ chức Ủy ban Tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (United States Commission on International Religious Freedom - USCIRF) mới công bố gần đây đã ngay lập tức đã được các tổ chức thiếu thiện chí, thù địch chống phá Việt Nam tung hô, xem đó như là bằng chứng qui kết Đảng, Nhà nước, chế độ ta luôn “bất công”, “phân biệt đối xử”, “đàn áp” tôn giáo, tín ngưỡng của người dân.

Điều này không có gì bất ngờ khi nhiều năm nay, USCIRF vẫn đưa ra những đánh giá dựa trên các nguồn tài liệu, thông tin méo mó, chắp vá thu thập từ các hội nhóm tôn giáo cực đoan, chống đối trong nước, điển hình là tổ chức Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS do Nguyễn Đình Thắng cầm đầu.

Đánh giá tổng thể về cái gọi là báo cáo “Nhà nước kiểm soát và Tự do tôn giáo ở Việt Nam” của USCIRF, có thể thấy nội dung xuyên tạc chính sách tôn giáo, tín ngưỡng của Nhà nước ta ở ba điểm sau:

Thứ nhất, xuyên tạc Việt Nam sử dụng các tổ chức tôn giáo được Nhà nước hậu thuẫn để giám sát, đe doạ và thậm chí là xoá sổ các tổ chức tôn giáo gốc và độc lập.

USCIRF xuyên tạc rằng, Chính phủ Việt Nam thực hiện “chiến lược thay thế” thông qua các tổ chức tôn giáo do nhà nước lập ra hoặc kiểm soát gồm Giáo hội Phật giáo Việt Nam để thay thế cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất; Chi phái Cao Đài 1997 thay thế cho Hội thánh Cao đài Chơn truyền (1926) và Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo để thay thế cho Ban Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo nguyên thủy.

Tổ chức này còn bịa đặt “Chính phủ đã cấm các tổ chức giáo hội phật giáo cũ hoạt động, bỏ tù phần lớn lãnh đạo của các tổ chức này, phá hủy, chiếm đoạt hoặc chuyển tài sản của các cơ sở này thành cơ sở của Chính phủ”.

Những luận điệu này được coi là hết sức vô lý và không có cơ sở.

Đầu tiên, tôn giáo vừa là tín ngưỡng, niềm tin còn là một thực thể xã hội. Hoạt động tôn giáo ở quốc gia nào thì phải chịu sự quản lý của quốc gia đó. Khi một tổ chức được quốc gia công nhận thì tổ chức đó có tư cách pháp nhân và ngược lại, tổ chức tôn giáo khi chưa được Nhà nước công nhận, đồng nghĩa với việc tổ chức tôn giáo đó chưa có tư cách pháp nhân.

Mặt khác, tôn giáo và hoạt động tôn giáo ở bất kỳ một quốc gia nào cũng phải tuân thủ pháp luật. Các tổ chức tôn giáo mà USCIRF nêu tên, coi là “nguyên thủy”, “nguyên bản”, “chính gốc” thực chất đều là các tổ chức tôn giáo tự phát, không có tư cách pháp nhân hoặc là các tổ chức tôn giáo đang lưu vong ở nước ngoài. Thực tế tại Việt Nam không có cái gọi là “Chi phái Cao Đài 1997” và “Cao Đài Chơn Truyền 1926” mà chỉ có 10 Hội thánh Cao Đài, 21 tổ chức Cao Đài hoạt động độc lập do Nhà nước công nhận và 1 pháp môn Cao Đài được Nhà nước cấp đăng ký hoạt động tôn giáo. Hội thánh Cao Đài Tòa thánh Tây Ninh là một trong số đó, đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. 

Về đạo Tin Lành, sau khi giáo hội đã có tư cách pháp nhân, nhu cầu chính đáng về cơ sở thờ tự, đất đai... đã và đang được Nhà nước quan tâm xem xét, giải quyết. Điển hình như Thành phố Hồ Chí Minh đã giao 7.500 m2 cho Tổng liên hội Hội thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam), xây dựng Viện Thánh kinh thần học; tỉnh Đắk Lắk đã giao hơn 11.000 m2 đất cho Tòa Giám mục Buôn Ma Thuột; tỉnh Quảng Trị giao thêm 15 ha đất cho giáo xứ La Vang... Điều đó thể hiện việc Nhà nước công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo đã đảm bảo cho các tôn giáo được thực hành hoạt động tôn giáo một cách thuận lợi, được Nhà nước bảo hộ và ngày càng phát triển, không có chuyện “Nhà nước sử dụng tổ chức tôn giáo này để kiểm soát và loại bỏ tổ chức tôn giáo khác” như báo cáo của USCIRF.

Lễ  kỷ niệm 100 năm ngày hoằng khai đại đạo tại Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh.

Lễ kỷ niệm 100 năm ngày hoằng khai đại đạo tại Tòa thánh Cao Đài Tây Ninh. Ảnh: Quốc phòng Thủ đô

Thứ hai, xuyên tạc, bịa đặt Nhà nước “kiểm soát tôn giáo” thông qua các tổ chức chính trị - xã hội, như: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và Bộ Công an. Việc đưa nhân sự là người trong tôn giáo vào Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hay Ban Tôn giáo Chính phủ là điều kiện thuận lợi để các tôn giáo tham gia vào quá trình góp ý, đề xuất cho các cơ quan trên về những vấn đề tôn giáo hoặc tham mưu cho các cơ quan trong ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp với mong muốn, nguyện vọng của tín đồ tôn giáo mà họ là thành viên, ngược lại phía chính quyền cũng sẽ có được một đội ngũ tư vấn, tham mưu để thực hiện đúng, có hiệu quả các chính sách về tôn giáo đã được thông qua.

Trong lĩnh vực tôn giáo, Bộ Công an Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của cá nhân, sự bình đẳng giữa các tôn giáo trước pháp luật; đấu tranh, ngăn chặn, xử lý vi phạm hành chính các hành vi xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật. Khi xảy ra các vụ việc vi phạm pháp luật, thì dù là người bình thường hay người theo tôn giáo đều phải xử lý trước pháp luật.

Thử so sánh với Mỹ, mặc dù theo nguyên tắc, tại Mỹ, Quốc hội sẽ không ban hành luật pháp nhằm hạn chế hoạt động tôn giáo; hoạt động tôn giáo trong phạm vi pháp luật là tự do, không chịu sự can thiệp của Chính phủ và cá nhân nhưng tự do tôn giáo không có nghĩa là tín đồ có có thể làm tất cả những gì họ muốn. Năm 1878, Tòa án Tối cao Mỹ trong phán quyết vụ án “Reynold kiện Chính phủ Mỹ”, đã chỉ ra: pháp luật “không thể can thiệp vào tín ngưỡng và lý giải tôn giáo, nhưng có thể can thiệp vào hoạt động tôn giáo”.

Năm 1940, trong phán quyết của Tòa án Tối cao Liên bang Mỹ về vụ án “Canwell kiện bang Connecticut” nhấn mạnh nguyên tắc tự do tôn giáo “bao gồm hai khái niệm: tín ngưỡng tự do và hành động tự do. Cái thứ nhất là tuyệt đối. Nhưng cái thứ hai không phải là tuyệt đối, để bảo vệ xã hội, hành vi đương nhiên phải chịu kiểm soát”. Như vậy, là một công dân của nhà nước pháp quyền, dù là người Mỹ hay người Việt, người phạm tội là người trong tôn giáo thì vẫn phải xử lý trước pháp luật, không thể vì là người trong tôn giáo, nhận được sự tôn trọng, lấy đó là quyền ưu tiên, miễn trừ để thực hiện các hành vi phạm tội được. 

Điểm sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ Tin lành tại bản Giàng Ly Cha, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.

Điểm sinh hoạt tôn giáo của các tín đồ Tin lành tại bản Giàng Ly Cha, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: baoquocte.vn

Thứ ba, vu cáo, pháp luật liên quan đến tôn giáo Việt Nam góp phần giúp Nhà nước đàn áp và kiểm soát tôn giáo. Thực tế, Việt Nam là một quốc gia có nhiều tôn giáo, với 16 tôn giáo khác nhau, như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha'i... Hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng đều tuân thủ nghiêm qui định của pháp luật, dựa trên tinh thần tôn trọng, không xâm phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo song song với khuyến khích phát huy những giá trị phù hợp với nguyện vọng, lợi ích chính đáng của công dân. Điều đó được thể hiện rõ trong Điều 24, Hiến pháp năm 2013: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Luật Tín ngưỡng tôn giáo 2018 và Nghị định 162/2017/NĐ-CP đã khẳng định: “Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật… cấm phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng tôn giáo”. Bên cạnh đó, các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Nhân dân còn được cụ thể hóa trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật Đất đai, Luật Giáo dục… Điển hình như Luật Đất đai năm 2013, bổ sung năm 2024 đã có những quy định bổ sung về định nghĩa đất tôn giáo (Điều 213), nhận quyền sử dụng đất (Điều 169) đã bảo đảm được quyền lợi về cơ sở thờ tự của các tôn giáo... Các cơ sở pháp lý nêu trên chứng minh cho việc Nhà nước Việt Nam là Nhà nước pháp quyền, sử dụng pháp luật để bảo đảm nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, đồng thời cũng bảo đảm về các quyền lợi và trách nhiệm của các cơ sở tôn giáo, bảo vệ tài sản của họ.

Thứ tư, USCIRF dựa trên tư liệu, phát ngôn của các cá nhân, tổ chức không đại diện cho toàn thể giáo dân cũng như các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam. USCIRF cũng khảo sát, phỏng vấn những “đại diện” từ cộng đồng Phật giáo Khmer Krom, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, Phật giáo Hòa Hảo… và gọi đây là “nhân chứng sống” về đàn áp tự do tôn giáo tại Việt Nam. Thực chất những “đại diện”, “nhân chứng sống” này đều là những thành phần từng vi phạm pháp luật Việt Nam, có lịch sử chống đối chính quyền cực đoan, quyết liệt. Nổi lên là trường hợp Nguyễn Bắc Truyển tự nhận là “tín đồ Phật giáo Hòa Hảo và nhà hoạt động nhân quyền”. Tuy nhiên, Nguyễn Bắc Truyển (SN 1968, khi ở Việt Nam trú tại phường 4, quận 4, TP. Hồ Chí Minh) từng vi phạm pháp luật Việt Nam và phải chấp hành bản án 11 năm tù, 3 năm quản chế về tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” khi cùng các đối tượng: Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn và Nguyễn Văn Đài, đều là các thành viên sáng lập ra tổ chức “Hội Anh em dân chủ”, có kế hoạch đào tạo hội viên, phát triển lực lượng, thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; có quan hệ với các tổ chức, cá nhân nước ngoài để vận động ủng hộ tài trợ kinh phí cho hội hoạt động, lập dự án xin tài trợ cho hoạt động của hội; lợi dụng các sự kiện chính trị, sự kiện nhạy cảm trong nước để kích động người dân phản đối chính quyền.

Một trường hợp khác mà USCIRF quan tâm, công khai ủng hộ là Y Quynh Bdap và phê phán Nhà nước Việt Nam “đàn áp tôn giáo xuyên quốc gia”. Vụ tấn công khủng bố ngày 11-6-2023 tại Đắk Lắk với các hành vi bạo lực, man rợ làm 9 người chết, 2 người bị thương và thiệt hại hàng tỉ đồng của Nhà nước, nhân dân Việt Nam. Cơ quan chức năng Việt Nam đã có đầy đủ bằng chứng chứng minh Y Quynh Bdap chính là kẻ đã trực tiếp tuyển mộ, kích động và chỉ đạo thực hiện vụ khủng bố đó. Thậm chí, trước khi Y Quynh Bdap được đưa ra xét xử tại Thái Lan và sau đó bị tòa Hình sự Thái Lan phán quyết sẽ dẫn độ về nước thì nhiều nước, trong đó có Úc và Ca-na-đa đã từ chối chấp nhận hồ sơ tị nạn chính trị của Y Quynh Bdap do y có liên quan đến hoạt động khủng bố. Do đó, nếu USCIRF ủng hộ Y Quynh Bdap vô tội và cho rằng y hoạt động vì tự do tôn giáo thì phải chịu trách nhiệm về hành vi tài trợ, hỗ trợ cho đối tượng khủng bố.

Qua những ví dụ nêu trên, có thể thấy rằng, những “nhân chứng” của USCIRF đưa ra cáo buộc “Nhà nước Việt Nam tìm cách đàn áp, xóa bỏ các tổ chức tôn giáo độc lập” đều là những đối tượng vi phạm pháp luật Việt Nam, có quan điểm, thái độ cực đoan, không thừa nhận những chính sách, pháp luật tại Việt Nam hoặc các tổ chức tôn giáo tự phát thực hành tôn giáo một cách cực đoan, chống phá tinh thần đoàn kết của giáo dân trong tôn giáo, không có tư cách pháp nhân…, rõ ràng không thể làm bằng chứng cho USCIRF đưa ra bản báo cáo đánh giá về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Những năm qua, USCIRF không có thiện chí trong việc trao đổi, làm việc với các cơ quan chức năng của Việt Nam mà chủ yếu liên kết, tham vấn các thông tin, tài liệu về tôn giáo của Việt Nam từ các tổ chức phản động người Việt lưu vong có hoạt động khủng bố, tài trợ khủng bố chống Nhà nước Việt Nam quyết liệt và cực đoan như “Ủy ban cứu người vượt biển - BPSOS”, “Việt Tân” hoặc từ các chức sắc cực đoan chống đối trong nước như linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, linh mục Đặng Hữu Nam (Công giáo), Hứa Phi (Cao Đài), Thích Không Tánh (Phật giáo Việt Nam thống nhất)... USCIRF là tổ chức của Bộ Ngoại giao Mỹ mà tự biến mình thành “con tin”, “công cụ” cho cá nhân, tổ chức phản động như Nguyễn Đình Thắng và BPSOS sẽ làm mất uy tín của Bộ Ngoại giao Mỹ khi phát hành ra báo cáo mang nặng tính xuyên tạc, bịa đặt.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất