Bài 1: Chia rẽ khối đại đoàn kết – mục tiêu xuyên suốt của các thế lực thù địch
Đã nhiều thập kỷ qua, các thế lực thù địch trong và ngoài nước liên tục câu kết chống phá cách mạng Việt Nam bằng chiến lược “diễn biến hòa bình” và các âm mưu, thủ đoạn khác nhau. Mục tiêu số một, xuyên suốt của chúng là hòng lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa, thiết lập nhà nước dân chủ kiểu phương Tây “tam quyền phân lập”, “phi chính trị hóa quân đội”. Để đạt mục tiêu này, chúng lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, những khiếm khuyết trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, những vấn đề về biên giới lãnh thổ, ngoại giao quốc tế và những tiêu cực xảy ra trong đời sống xã hội... để đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá, kích động.
Thực hiện mục đích lâu dài ấy, mục tiêu trước mắt và xuyên suốt của chúng là bôi nhọ, hạ thấp vai trò, uy tín lãnh đạo của Đảng, chia rẽ Đảng với Nhân dân, làm cho Nhân dân mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, vào mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội... từ đó tạo ra sự rối ren trong nội bộ, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Có thể nói, việc chia rẽ Đảng với Nhân dân là âm mưu mang tính hệ thống và được các thế lực thù địch trong và ngoài nước thực hiện với tần suất, quy mô ngày càng lớn, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Hiện nay, các đối tượng thù địch trong và ngoài nước xem không gian mạng là mảnh đất màu mỡ để tung các thông tin sai sự thật, định hướng xã hội tin theo chiếc “bánh vẽ” dân chủ tư sản phương Tây, đấu tranh cho tự do, nhân quyền... Theo thống kê của cơ quan chức năng, hiện có gần 400 tổ chức phản động lưu vong ở nước ngoài có tư tưởng, hành động sử dụng tin giả để chống phá cách mạng Việt Nam. Theo đó, có khoảng 380 báo, tạp chí và 60 đài phát thanh có chương trình tiếng Việt, hơn 80 nhà xuất bản và hàng nghìn trang web thường xuyên đăng tải các bài viết chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nội dung đều nhằm xuyên tạc về chủ trương, đường lối, góp ý vào dự thảo xây dựng văn kiện đại hội, công tác nhân sự, khoét sâu vụ việc cán bộ cao cấp tham nhũng, vu khống lực lượng chức năng đàn áp “dân oan”, “nhà dân chủ”, dân tộc, tôn giáo... thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và xã hội, phá hoại hình ảnh “đạo đức, văn minh” của Đảng, hình ảnh cán bộ, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm giảm niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ; gây mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tiến tới thực hiện “cách mạng màu”, thiết lập chế độ dân chủ tư sản “đa nguyên, đa đảng”.
Gần đây, để hiện thực hóa âm mưu lật đổ Nhà nước Việt Nam, một số đối tượng phát động phong trào “sống với cộng sản nhưng không theo cộng sản”. Chúng dùng gương các nhà trí thức chống Nhà nước phong kiến Việt Nam và thực dân Pháp trong lịch sử để chứng minh và cổ vũ. Sau khi những đối tượng Trần Đức Thạch, Phạm Chí Thành, Nguyễn Tường Thụy và gần đây khi lực lượng chức năng khởi tố, bắt giữ Trương Văn Dũng (Hà Nội) vì tội tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước thì rất nhiều phần tử bất mãn, cơ hội chính trị và nhiều trang web tiếng Việt ở nước ngoài và các tài khoản trên mạng xã hội đã ca ngợi chúng bằng những mỹ từ, đưa ra thông tin cắt ghép, bịa đặt, vu cho Nhà nước Việt Nam là tàn bạo, mất dân chủ. Chúng lợi dụng phương tiện truyền thông để đưa thông tin sai lệch nhằm mục đích dọn đường, quy tập lực lượng phá hoại thể chế chính trị ở Việt Nam về tư tưởng. Nhiều người nhẹ dạ đã tin theo những thông tin ấy, trong đó đáng buồn là một số ít bạn trẻ học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp. Họ là sản phẩm cụ thể của fake news và dần trở thành “tay sai không lương” hết sức đắc lực trong chống phá Đảng với niềm tin sẽ trở thành “anh hùng rơm”, “kẻ cứu nguy” của dân tộc. Theo thống kê của cơ quan chức năng Bộ Công an, từ khi xuất hiện dịch Covid-19, đến ngày 18-3-2020, đã có gần 300.000 tin, bài; gần 600.000 video clip đăng trên mạng xã hội chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, vu khống, xúc phạm hình ảnh, uy tín cơ quan, tổ chức Nhà nước Việt Nam.
Gần đây, trong thời gian diễn ra Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) từ ngày 4-5 đến ngày 10-5-2022, chỉ riêng trang web tiếng Việt của Đài Châu Á Tự Do (RFA) đã đăng 15 bài phân tích, bình luận trong tổng số gần 100 bài của đài này đã đăng tải về vấn đề đất đai, tham nhũng và việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Các bài viết đều hướng tới phê phán Luật Đất đai sửa đổi năm 2013 và kể lại những câu chuyện “dân oan”, quy chụp đó là hiện tượng Đảng cướp đất của dân. Bên cạnh đó, “món ăn sở trường” của RFA là đăng tải các thông tin về các “nhà đấu tranh dân chủ”; “nhà báo độc lập” đã bị cơ quan chức năng truy tố hoặc đang trong thời gian thụ án. Thống kê trên BBC tiếng Việt, trong thời gian Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Hội nghị ASEAN - Mỹ và thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 10-5 đến 16-5-2022, trang này đã có tới gần 20 bài viết có nội dung châm chọc, quy chụp về phong cách, văn hóa ngoại giao của Việt Nam. Không ít bài viết của RFI thường có nhận định mang tính quy chụp. Ví dụ trong bài Việt Nam sẽ buộc các mạng xã hội gỡ bỏ nội dung “bất hợp pháp” trong vòng 24 giờ có kết luận: “Đảng Cộng sản Việt Nam vốn không dung thứ những chỉ trích, cho nên tòa án ở Việt Nam đã kết án tù nặng nề nhiều nhà bất đồng chính kiến và nhà hoạt động dám chỉ trích chính quyền trên các mạng Facebook và YouTube”.
Có thể nói, từ các sự kiện chính trị trong nước, từ các sự vụ ở Việt Nam, những trang web tiếng Việt có máy chủ ở nước ngoài, như: BBC, RFA, RFI, luatkhoatapchi, tiengdan và tổ chức khủng bố Việt Tân đã phỏng vấn, viết bài phân tích, bình luận tuyên truyền bôi xấu Đảng Cộng sản. Các mạng xã hội, nhất là trên YouTube liên tục truyển tải thông tin chống phá Đảng và Nhà nước Việt Nam gây mất niềm tin trong một bộ phận nhân dân, nhất là những người trình độ nhận thức và lý luận hạn chế. Đây chính là mắt xích khiến cho tình hình và đời sống chính trị của Việt Nam luôn có biểu hiện căng thẳng, hạn chế đồng thuận và tinh thần đoàn kết có nguy cơ bị ảnh hưởng.
Ở trong nước, nhiều đối tượng trong xã hội, trong đó có cả đối tượng là cán bộ, đảng viên đang công tác và nhất là những cán bộ đã nghỉ hưu bị các luận điệu xuyên tạc kia "thôi miên" đã bị "tự chuyển hóa" dẫn đến thay đổi chính kiến, “trở cờ”, phê phán quan điểm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước.
Đầu năm 2022, trong khi Quốc hội nước ta tổ chức khai mạc kỳ họp bất thường, xem xét, sửa đổi các luật và bàn các chủ trương, giải pháp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thì 7 tổ chức bất hợp pháp cùng 79 cá nhân ở trong nước đã ký và gửi lên Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, đại biểu Quốc hội bản kiến nghị số 117, yêu cầu xóa bỏ các điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 với lý do chung vì nó đã “bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận trong xã hội Việt Nam”.
Đã nhiều năm nay, các tổ chức xã hội dân sự bất hợp pháp ở Việt Nam (Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Ban vận động Văn đoàn độc lập, Diễn đàn Xã hội dân sự, Lập quyền dân, Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Minh Triết, Diễn đàn Bauxite Vietnam, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh và nhiều cá nhân bất đồng chính kiến trong nước (Võ Văn Thôn, Nguyên Ngọc, TS. Nguyễn Quang A, Nguyễn Khắc Mai, Phạm Xuân Yêm, Mạc Văn Trang...) luôn có xu hướng chống phá cách mạng Việt Nam, đòi đa nguyên đa đảng, hướng lái Đảng Cộng sản Việt Nam từ bỏ vai trò lãnh đạo, tổ chức Nhà nước theo hướng “tam quyền phân lập”. Bởi theo họ, việc tổ chức một Đảng duy nhất lãnh đạo là bóp chết dân chủ, là rào cản phát triển kinh tế - xã hội, gây ra các hiện tượng tham nhũng, đàn áp nhân dân...
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, kêu gọi xóa bỏ các điều khoản này, điều khoản kia cũng là lý do để tuyên truyền, xuyên tạc, hạ uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, vu cáo Việt Nam vi phạm “nhân quyền”, can thiệp vào quyền “tự do ngôn luận”. Các hoạt động kêu gọi xóa bỏ điều luật nhằm tạo cơ hội cho các đối tượng chống phá Nhà nước tuyên truyền, can thiệp vào các lĩnh vực nhạy cảm của đời sống xã hội của Việt Nam trong vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, những mục tiêu mà các đối tượng phản động, chống đối đặt ra là có thời cơ, điều kiện thuận lợi để tiến tới thực hiện mưu đồ lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngoài ra, kiến nghị 117 còn có mục đích khác là gỡ tội, kêu gọi các tổ chức quốc tế lên tiếng để trả tự do cho những người chống phá Đảng, Nhà nước bị khép tội và đang thụ án vốn là “đồng môn, đồng đảng” của họ. Bởi, qua theo dõi các thông tin mà BBC, RFA, RFI... và tài khoản mạng xã hội của các đối tượng này dễ dàng nhận thấy, họ luôn luôn có những lời lẽ ca ngợi, khóc than cho những kẻ bất đồng chính kiến khi bị bắt, hoặc khi ra trước tòa án. Mới đây, khi tòa án chuẩn bị xét xử Lê Trọng Hùng (Hùng gàn) về tội danh tuyên truyền, làm, tàng trữ các vật phẩm chống Nhà nước thì một số tài khoản Facebook đã viết bài ca ngợi Hùng như anh hùng đấu tranh cho tự do.
Chia rẽ, làm giảm uy tín lãnh đạo của Đảng với Nhân dân đã trở thành mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. Các hoạt động chia rẽ, làm giảm uy tín lãnh đạo của Đảng chủ yếu được thực hiện bằng hình thức tuyên truyền qua không gian mạng. Do đó, các cơ quan chức năng cần có những giải pháp hữu hiệu để đấu tranh, ngăn chặn.
(Còn nữa...)
Đại tá Trần Thanh Khôi
Bộ Tư lệnh Công binh