|
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo
|
Tà đạo vùng dân tộc Mông
Lai Châu hiện có 20 dân tộc sinh sống, với dân số khoảng trên 484.000 người, trong đó trên 84% là người DTTS; riêng dân tộc Mông chiếm trên 24%. Về đời sống tín ngưỡng, với tâm thức tôn giáo đa thần và phiếm thần, người Mông thờ cúng nhiều vị thần linh, được gọi chung là “ma” và thờ cúng thần linh tổ tiên trong phạm vi gia đình, gia tộc. Trải qua quá trình phát triển, nhiều đạo giáo chính thống đã du nhập và được người dân tiếp cận nhanh chóng. Phần lớn đồng bào dân tộc Mông đều hoạt động tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, còn số ít đồng bào bị các tà đạo xâm nhập, dụ dỗ và nghe theo.
Trên địa bàn tỉnh Lai Châu có 3 tà đạo xâm nhập, phát triển vào vùng đồng bào dân tộc Mông đó là “Bà cô Dợ”, “Giê sùa” và “Ân điển cứu rỗi" với các “giáo lý”, “giáo luật” chủ yếu được chắp vá, cải biên, xuyên tạc từ một số lý thuyết, giáo lý, giáo luật của đạo Tin lành và luận điệu tuyên truyền mang những nội dung gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mâu thuẫn với đạo Tin lành chính thống trên địa bàn. 100%” số người tin theo đều là người dân tộc Mông.
Tà đạo “Bà cô Dợ” được lập ra bởi đối tượng Vừ Thị Dợ (người Mông, sinh sống tại Mỹ), dụ dỗ, lôi kéo một số người dân trên địa bàn nhẹ dạ cả tin tham gia tụ tập thành lập tổ chức “Nhà nước Mông” tại khu vực Ao Rồng. Tà đạo “Giê Sùa” do đối tượng David Her (tên thật là Hờ Chá Sùng, người Mông, quê quán ở huyện Phông Xa Vẳn, Xiêng Khoảng, Lào, hiện đang định cư ở bang California, Mỹ) tự lập ra tác động, ảnh hưởng vào vùng dân tộc Mông ở Việt Nam. Tà đạo “Ân điển cứu rỗi” do Park Ock Soo, người Hàn Quốc lập nên với những giáo lý có nhiều sai lệch so với kinh thánh, cổ súy lối sống phóng khoáng, tự do, vi phạm pháp luật.
Các tà đạo này có hình thức biến tướng, bản chất là mê tín dị đoan, hoang đường, lợi dụng giáo lý đạo Tin lành, xuyên tạc Kinh thánh, lợi dụng vấn đề tôn giáo để tuyên truyền, lôi kéo người tham gia. Đỉnh điểm là vụ việc năm 2020 tại bản Giàng Ly Cha, xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, các đối tượng đã câu kết, móc nối nhau tụ tập gây mất an ninh trật tự với ý đồ thành lập “Nhà nước riêng của người Mông”, vi phạm pháp luật Việt Nam, ảnh hưởng đến truyền thống đoàn kết, cách mạng và bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc Mông.
Tính đến năm 2022, có 234/1.296 hộ người dân tộc Mông ở các huyện Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Mường Tè, Tân Uyên, Tam Đường (Lai Châu) tin theo 3 tà đạo này (153/763 hộ người theo “Ân điển cứu rỗi”; 55/395 hộ người theo “Bà cô Dợ”; 26/138 hộ theo “Giê sùa”). Các trường hợp này trước đây đều là tín đồ đạo Tin lành, sinh hoạt tại các điểm nhóm trên địa bàn, tuy nhiên do bị tác động, lôi kéo đã tách ra để sinh hoạt theo các tà đạo. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức về chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng, Nhà nước còn hạn chế, chưa đầy đủ, dẫn đến một bộ phận đồng bào Mông chưa phân biệt được các tà đạo với tôn giáo được Nhà nước công nhận, chưa nhận thức được hành vi sinh hoạt, tin theo các tà đạo này là trái quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, luận điệu tuyên truyền của các tà đạo tạo ra cho người dân “bức tranh ảo tưởng” về một cuộc sống “ấm no”, được “Chúa” che chở... nên dễ dàng tin theo các tà đạo.
Hỗ trợ đồng bào sinh hoạt tôn giáo, hoà nhập cộng đồng
Thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước, tỉnh Lai Châu đã chủ động hướng dẫn, đưa các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo đi vào nề nếp, ổn định, tuân thủ pháp luật; tập trung giải quyết các kiến nghị, nhu cầu chính đáng của tổ chức, cá nhân tôn giáo; vận động đồng bào người Mông từ bỏ tà đạo, trở về chăm lo phát triển với cuộc sống, với chính đạo và sinh hoạt theo điểm nhóm được pháp luật cho phép.
Thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tập trung tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức để người dân hiểu rõ việc tin theo tà đạo là trái quy định của pháp luật, dần chuyển đổi tư tưởng và tự nguyện từ bỏ; tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; giải quyết nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo cho đồng bào dân tộc Mông, nhất là tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi các tà đạo.
Nhờ vậy, đến tháng 4-2024, Lai Châu đã xóa bỏ hoàn toàn hoạt động của 3 tà đạo; 100% người dân nhận ra việc tin, sinh hoạt theo các tổ chức trên là trái quy định pháp luật và ký cam kết từ bỏ tà đạo, chấp hành quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo.
Qua công tác nắm tình hình cho thấy, đa số những người đã từ bỏ tà đạo vẫn còn nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo, có nguyện vọng quay trở về sinh hoạt tại điểm nhóm Tin lành cũ, tuy nhiên, họ có tâm lý tự ti, e ngại, sợ tín đồ trong điểm nhóm kì thị, xa lánh... Do đó, cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã quan tâm, vận động các điểm nhóm Tin lành được chính quyền cho phép và quần chúng nhân dân tạo điều kiện, giúp đỡ họ để họ sớm tái hòa nhập với cộng đồng, không kì thị, xa lánh; đồng thời, hướng dẫn để họ tham gia sinh hoạt tôn giáo đúng quy định của pháp luật.
Tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng, Trưởng các điểm nhóm tôn giáo đều phát huy vai trò, tích cực vận động tín đồ và tạo điều kiện, tổ chức đón nhận các trường hợp từ bỏ tà đạo quay trở lại sinh hoạt; xóa bỏ khoảng cách, tâm lý tự ti, mặc cảm và tạo điều kiện để họ thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 1.100 người (chiếm 85%) quay trở lại tin và quay lại sinh hoạt tại các điểm nhóm tôn giáo đạo Tin lành, còn lại một số ít tìm hiểu, theo Giáo hội Cơ đốc phục lâm hoặc quay trở về phong tục tập quán truyền thống của dân tộc.
Đến nay, với nỗ lực, tích cực của các cấp, đời sống của vùng đồng bào dân tộc Mông ngày càng được nâng cao, từ chỗ thiếu ăn, chủ yếu dựa vào ngô, sắn, nay đã đủ ăn, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng, cá biệt có những hộ đã biết tổ chức sản xuất theo mô hình trang trại và có thu nhập cao; tỷ lệ đói giảm rõ rệt (trong 4 năm, từ 2019-2023, giảm 3,68%, vượt 0,68% so với mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đề ra trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS); cơ bản các xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống đã có đường ô tô đến trung tâm xã; tỷ lệ mù chữ giảm đáng kể, tỷ lệ trẻ em được đến trường cao (trên 90%).
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu có tổng số 52.413 người dân tộc Mông tin theo các tôn giáo (chiếm hơn 92% tổng số người theo tôn giáo trên địa bàn tỉnh), chủ yếu theo đạo Tin lành (50.967 người, 97,2%), Công giáo (1.295 người, 2,5%) và Cơ đốc Phục lâm (151 người, 0,3%) sinh hoạt tại 267 điểm nhóm (135 điểm nhóm đã được cấp đăng ký sinh hoạt tôn giáo tập trung). So với thời điểm năm 2010 tăng 42% (21.802 người) dân tộc Mông theo tôn giáo; tăng 92,6%, 125 điểm nhóm được cấp đăng ký sinh hoạt tập trung.
|