Hơn 3100 đại biểu được tập huấn công tác nhân quyền tại Lai Châu
Hội nghị được kết nối với 114 điểm cầu cấp huyện và cấp xã tỉnh Lai Châu

Hội nghị được kết nối với 114 điểm cầu cấp huyện và cấp xã tại tỉnh Lai Châu

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến kết nối 114 điểm cầu cấp huyện, cấp xã với trên 3100 đại biểu.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Công an), Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền Chính phủ nhấn mạnh, nhân quyền ngày càng trở thành vấn đề quan trọng trong đời sống chính trị thế giới, là một trong ba trụ cột hoạt động của Liên hiệp quốc cùng với hòa bình, an ninh và phát triển. Đối với Việt Nam, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định bảo đảm, thúc đẩy quyền con người là chủ trương xuyên suốt, thể hiện trong hàng loạt các văn bản của Đảng, Chính phủ và hiến định trong Hiến pháp 2013.

Tuy nhiên, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí ở trong và ngoài nước thường xuyên lợi dụng vấn đề nhân quyền để kích động các hoạt động chống phá đất nước. Trong đó, vấn đề dân tộc thiểu số, tự do tôn giáo, tín ngưỡng, tự do ngôn luận, in-tơ-nét và gần đây là vấn đề mua bán người đang được triệt để lợi dụng để xuyên tạc, vu cáo, hạ uy tín của Việt Nam, tạo cớ cho các hoạt động gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đồng chí Nguyễn Văn Kỷ cho biết, Mỹ và một số nước phương Tây thường xuyên sử dụng các báo cáo thường niên để xuyên tạc, vu cáo tình hình nhân quyền Việt Nam, nhất là Báo cáo về nhân quyền, Báo cáo về tự do tôn giáo, Báo cáo về mua bán người…

Đồng chí Nguyễn Văn Kỷ nhấn mạnh

Đồng chí Nguyễn Văn Kỷ nhấn mạnh, các thế lực thù địch, thiếu thiện chí thường xuyên lợi dụng vấn đề nhân quyền để kích động các hoạt động chống phá đất nước

Do đó, việc tổ chức Hội nghị tập huấn công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh Lai Châu không chỉ cập nhật, nâng cao và thống nhất nhận thức cho đội ngũ cán bộ cấp cơ sở của tỉnh về tình hình, công tác nhân quyền trong giai đoạn mới, nâng cao kỹ năng xử lý tình huống cho cán bộ trực tiếp làm công tác nhân quyền tại địa phương, mà còn góp phần đấu tranh hiệu quả với hoạt động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền chống phá Việt Nam.

 Đồng chí Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh Lai Châu cho biết, thời gian qua, công tác nhân quyền trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, thực hiện hiệu quả. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai thực hiện tốt các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách dân tộc, tôn giáo, các chính sách an sinh xã hội, đảm bảo cuộc sống và quyền con người của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. Tuy nhiên, nhận thức về vấn đề nhân quyền và công tác nhân quyền của một bộ phận cán bộ tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa được đầy đủ; chưa được tiếp cận sâu, rộng với các kiến thức nền về công tác nhân quyền.

 Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo Nhân quyền tỉnh tổ chức 1 hội nghị tập huấn trên lĩnh vực nhân quyền với quy mô lớn nhằm tạo chuyển biến tích cực, rộng rãi về nhận thức của toàn thể lãnh đạo, cán bộ làm công tác nhân quyền trên địa bàn toàn tỉnh đối với công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền; xác định công tác này là nhiệm vụ quan trọng của toàn hệ thống chính trị, cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở, trong đó lực lượng nào gần dân, sát dân và liên quan đến quyền và lợi ích của người dân nhất thì đó chính là lực lượng đóng vai trò quan trọng, nòng cốt trong công tác bảo vệ và đấu tranh về nhân quyền.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cho biết

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu cho biết, đây là lần đầu tiên Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh tổ chức hội nghị với quy mô lớn để tập huấn công tác nhân quyền

Tại buổi tập huấn, các đại biểu được nghe các báo cáo viên báo cáo 5 chuyên đề: (1) Chuyên đề: “Cơ chế nhân quyền Liên hiệp quốc và sự tham gia của Việt Nam” do PGS,TS. Nguyễn Thị Thanh Hải, Phó Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trình bày; (2) Chuyên đề: “Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và một số kinh nghiệm trong công tác đấu tranh đối với hoạt động của các đối tượng theo đạo Tin Lành hoạt động chống phá Việt Nam” do đồng chí Thiều Thị Hương, Vụ trưởng Vụ Tin lành, Ban Tôn giáo Chính phủ trình bày; (3) Chuyên đề: “Công tác Nhân quyền trong tình hình mới” do đồng chí Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ trình bày; (4) Chuyên đề: “Quyền tự do ngôn luận, tự do in-tơ-nét và nhận diện các hoạt động lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do in-tơ-nét hoạt động chống phá Việt Nam” do ThS. Đinh Tiến Dũng, Phó Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông trình bày; (5) Chuyên đề: “Công ước CERD và bảo đảm quyền của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Vấn đề đặt ra trong xóa bỏ các hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu vừa đảm bảo quyền của người dân tộc thiểu số vừa góp phần nâng cao dân trí, đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân” do ThS. Trần Chi Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc trình bày.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất