Ngày 5-8, Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm các hoạt động của dự án “Chúng tôi Có thể” vì trẻ em gái vùng dân tộc thiểu số đã được Ủy ban Dân tộc phối hợp UNESCO tổ chức, thu hút sự quan tâm của hơn 100 đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương.
Toàn cảnh Hội thảo.
Năm nay, Ủy ban Dân tộc là đơn vị chủ trì triển khai năm hoạt động chính của dự án, bao gồm các hoạt động liên quan đến mô hình thí điểm về nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số.
Tại Hội thảo, Ủy ban Dân tộc đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai mô hình thí điểm hỗ trợ nâng cao thu nhập và sinh kế cho phụ nữ và nữ thanh niên dân tộc thiểu số ở 5 huyện là Bắc Mê, Đồng Văn, Hoàng Su Phì, Quang Bình và Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang. Phụ nữ là người thụ hưởng dự án mang theo các sản phẩm văn hóa, nông nghiệp cũng như các câu chuyện đầy cảm hứng đến Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Sơn Hải, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đánh giá: “Dự án “Chúng tôi Có thể” đã giúp Ủy ban Dân tộc cũng như các địa phương có những bài học kinh nghiệm hữu ích trong việc thực hiện Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030".
Tại Hội thảo, tuyển tập “Chúng tôi Có thể” gồm 25 câu chuyện do các em học sinh, thầy cô giáo và chị em phụ nữ thụ hưởng dự án ở các địa phương chia sẻ về giá trị của giáo dục và đào tạo với cuộc sống của họ, cũng đã được ra mắt.
Ngoài ra, tuyển tập “Vì bức tranh tương lai có trẻ em gái” cũng được giới thiệu gồm 30 câu chuyện do phụ nữ và nữ thanh niên ở nhiều vùng miền gửi về dự án để truyền cảm hứng cho các em gái về tầm quan trọng của việc học tập trong thời gian trường học bị đóng cửa do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 năm 2021.
Dự án “Chúng tôi Có thể” được thực hiện tại 3 tỉnh là Hà Giang, Ninh Thuận và Sóc Trăng nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và giáo dục cho trẻ em gái các vùng dân tộc thiểu số của Việt Nam. Dự án tiếp cận ba vấn đề: trẻ em không đi học hoặc bỏ học, tập trung vào trẻ em gái dân tộc thiểu số; bạo lực học đường trên cơ sở giới; những hạn chế trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm của phụ nữ và nữ thanh niên thuộc cộng đồng dân tộc thiểu số. Dự án đặt ra mục tiêu nâng cao khả năng tiếp cận giáo dục và hoàn thành việc học tập của trẻ em dân tộc thiểu số, đặc biệt là trẻ em gái tại các trường THCS và tăng cường cơ hội việc làm cho trẻ em gái và phụ nữ dân tộc thiểu số, với tổng số đối tượng thụ hưởng trực tiếp ước tính khoảng 16 nghìn người. |
PV