Tính đến ngày 20-2-2023, BHXH Việt Nam đã tiếp nhận từ Cổng Dịch vụ công (DVC) quốc gia để xác nhận và trả quá trình đóng bảo hiểm thất nghiệp cho 60.115 trường hợp phục vụ giải quyết hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.
|
Hình minh họa.
|
Đây là một trong những kết quả được ghi nhận qua việc thực hiện Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ.
Theo đó nhờ triển khai tích hợp, cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia, hệ thống của Ngành BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gia hạn 587 thẻ BHYT thông qua dịch vụ Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng thông qua Cổng DVC BHXH Việt Nam và Cổng DVC quốc gia.
BHXH Việt Nam cũng tiến hành liên thông đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi; liên thông đăng ký khai tử - xóa đăng ký thường trú - trợ cấp mai táng phí.
Tính đến nay, BHXH hai địa phương triển khai thí điểm (Hà Nội và Hà Nam) đã tiếp nhận và giải quyết 12.455 hồ sơ đề nghị cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và 502 hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng mai táng phí được thực hiện qua 2 nhóm DVC liên thông này.
Đối với việc kết nối, chia sẻ dữ liệu và sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy để khám chữa bệnh BHYT, hệ thống BHXH Việt Nam đã xác thực trên 74,4 triệu thông tin nhân khẩu có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đồng thời, BHXH Việt Nam đã cung cấp, chia sẻ gần 96,3 triệu lượt bản ghi thông tin BHXH, BHYT cho cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đến nay, cả nước có 12.268 cơ sở khám chữa bệnh triển khai khám chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp (đạt 96% tổng số cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc), với gần 11,8 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám chữa bệnh BHYT.
PV