Khơi dậy khát vọng Việt Nam qua những bài ca về Đảng (tiếp theo)

Kỳ 2: Tạo “luồng gió mới” cho âm nhạc nước nhà

Nhạc sĩ trẻ bị chi phối bởi nhiều đề tài, dòng nhạc

Theo khảo sát của phóng viên với nhiều nhạc sĩ lão thành và cả những nhạc sĩ trẻ thì sở dĩ có sự khác biệt đó là do trong kháng chiến đề tài sáng tác không nhiều, chủ yếu là đề tài Đảng, Bác Hồ, là lý tưởng cách mạng và tình yêu đất nước. Khi mà cả dân tộc hừng hực khí thế cách mạng, lớp lớp thanh niên tình nguyện, cả viết đơn bằng máu, để được lên đường đánh đuổi quân xâm lược; khi đất nước tối tăm, chìm trong đêm đen nô lệ, Đảng như ngôi sao sáng dẫn đường đi tới bến bờ độc lập, tự do – khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc - thì sức ảnh hưởng, cảm xúc đưa đến cho người sáng tác âm nhạc rất nhiều cung bậc, rất nhiều ca từ. Còn hiện nay giới nhạc sĩ trẻ có quá nhiều đề tài cần quan tâm; bên cạnh đó là sự đối mặt với cuộc sống vốn dĩ có rất nhiều sự cạnh tranh và nhịp sống hối hả, đầy áp lực. Trong đời sống âm nhạc hiện đại nhiều dòng chảy và đầy thách thức ấy, nuôi cảm xúc, tìm kiếm ca từ cho phù hợp với nội dung về Đảng là một việc mà không phải nhạc sĩ trẻ nào cũng đủ kinh nghiệm và vốn sống để chinh phục được nó.

Đại tá, nhạc sĩ, Tiến sĩ Doãn Nho (bên trái) là một trong số không nhiều nhạc sĩ có vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (Ảnh: Dân trí).

Tuy đồng ý với việc hiện nay các nhạc sĩ trẻ bị chi phối bởi nhiều đề tài, thế nhưng Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho cũng khẳng định sứ mệnh, truyền thống vẻ vang của âm nhạc là phải bám sát thời sự, bám sát đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng vẫn luôn hiện ra trong cuộc sống trên từng gương mặt, từng con người cụ thể. Đề cập đến những trào lưu âm nhạc mới đây xuất hiện ở Việt Nam, tác giả “Tiến bước dưới quân kỳ” cho rằng, đó chỉ là nhất thời, tuổi thọ ngắn, không thể bền vững: “Ta không thể tránh được trào lưu ấy. Bởi khi đã mở cửa cả thế giới là một mặt phẳng, phải chấp nhận thôi. Nhưng điều quan trọng là phải đủ bản lĩnh, tỉnh táo và có nhận thức để biết đâu là “luồng gió độc”, đâu là “luồng gió lành”. Chúng ta “hòa nhập nhưng không hòa tan”, nhạc sĩ Doãn Nho nhấn mạnh.

Là một nhạc sĩ thuộc thế hệ 7X, Trung tá, nhạc sĩ An Hiếu (Phó Chủ nhiệm Khoa Quản lý văn hóa, Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội) cũng chung niềm trăn trở về sự không mặn mà của các nhạc sĩ trẻ với sáng tác về Đảng. Theo anh thì đề tài này thật sự khó, vì nghĩ về Đảng có nghĩa là nghĩ đến những điều thiêng liêng, chuẩn mực, cao cả nhất. Viết thế nào cho hay, không bị sáo rỗng, hô hào khẩu hiệu, không đi vào lối mòn quả là một điều không dễ. “Thực tế đáng buồn là những sáng tác về Đảng chủ yếu xuất hiện trong những tác phẩm của các tác giả trung tuổi đến cao tuổi. Nhiều người trẻ tha thiết muốn đứng trong hàng ngũ của Đảng nhưng để biến nó thành nốt nhạc thì rất khó. Là người có khá nhiều sáng tác viết về Bác Hồ nhưng tôi lại chưa có ca khúc nào viết về Đảng, có lẽ đây là một thiếu sót lớn của tôi. Nhưng tôi tin rằng, thành công của Đại hội XIII của Đảng chắc chắn là một chất xúc tác tốt để tôi có thể cho ra đời đứa con tinh thần hay, giai điệu đẹp để ngợi ca Đảng”, nhạc sĩ An Hiếu bộc bạch.

Sự nở rộ của âm nhạc thị trường

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam là một trong những đại biểu chính thức dự Đại hội XIII của Đảng (Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo).

Một nguyên nhân còn nguy hơn nữa đang tác động trực tiếp đến nền âm nhạc nước ta mà tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X (nhiệm kỳ 2020-2025), PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã mạnh dạn chỉ ra, đó là sự lấn át của xu hướng thị trường, giải trí dẫn đến tình trạng buông lỏng chất lượng, nghiệp dư hóa - lệch chuẩn… Người đứng đầu Hội Nhạc sĩ Việt Nam phân tích, có một thực tế là có người sáng tác được bài hát mà dường như không biết nhạc, bởi tác giả trẻ hiện nay đa phần chạy theo trend - xu hướng nghe của công chúng. Tác phẩm của họ sáng tác căn cứ vào lượng yêu thích, lượng view, lượng fan hâm mộ và nói rộng ra là theo cơ chế thị trường. Trong môi trường kinh tế thị trường đó thì âm nhạc trở thành hàng hóa mà đã là hàng hóa thì phải theo quy luật của thị trường. Đây là một hiện tượng mình phải công nhận là có thật, nó đang hoạt động. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự ra đời một cách vội vàng những sáng tác với ca từ đơn điệu, sáo rỗng, âm nhạc lai căng, thậm chí “lấy cắp” từ nhạc nước ngoài.

Nhạc sĩ, nhà báo Trần Lệ Chiến, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc Việt Nam (Hội Nhạc sĩ Việt Nam) đắn đo, trong thời điểm hiện nay âm nhạc có những điểm tối và có phần đi chệch hướng, chệch khỏi trật tự xã hội, không theo thuần phong mỹ tục. Tính nhân văn, tính nghệ thuật đang bị đảo lộn và đôi khi bị đảo ngược. Nhạc sĩ Trần Lệ Chiến nhận định, sự đảo lộn ấy có lẽ xuất phát từ sự bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông đã dẫn đến sự phát triển mất cân đối trong lĩnh vực sáng tác, biểu diễn âm nhạc. Sáng tạo âm nhạc không còn dành riêng cho những người được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp hoặc những người trưởng thành do tự học một cách bài bản, nghiêm túc để trở thành nhạc sĩ, nghệ sĩ, mà chính nền kinh tế thị trường với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã đẩy một bộ phận cấu thành của nền âm nhạc vượt ra khỏi chuẩn mực của đạo đức, của truyền thống dân tộc, tạo nên một dòng nhạc hỗn độn mà ở đó bao gồm những tác phẩm (mà giới chuyên nghiệp không muốn nghe, không muốn nhắc đến) bởi rất nhiều lý do, nhiều yếu tố mà điều quan trọng là chất lượng nghệ thuật “không có gì để bàn”. 

Tình trạng “loạn chuẩn” trong thị trường âm nhạc đã và đang tác động không chỉ đến các nhạc sĩ mà còn tác động đến ca sĩ, công chúng và dần làm thị hiếu âm nhạc bị hạ thấp và lệch chuẩn. Một bộ phận công chúng trẻ có xu hướng sống ích kỷ, buông thả, sống vì bản thân nhiều hơn vì lợi ích của gia đình, dòng tộc và xã hội. Cùng với đó, các phương tiện truyền thông do cần thu hút khán giả nên ngày càng tạo nhiều hơn các sân chơi ca nhạc, biến âm nhạc thành trò chơi, vô hình chung hạ thấp tính giáo dục, tính thẩm mỹ, nghiêng sang lĩnh vực giải trí đơn thuần. Cũng không thể không nhắc đến một bộ phận những người làm báo “lá cải” và công nghệ thông tin đã tác động để trở thành “hiệu ứng đám đông” chạy theo xu hướng âm nhạc nhí nhố, phản giáo dục.

Cùng tin tưởng và hy vọng

Chương trình nghệ thuật "Khát vọng - Tỏa sáng" chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng được tổ chức trang trọng tại Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội tối 2-2-2021.

Tiến sĩ, nhạc sĩ Phạm Việt Long, nguyên Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) cho biết, trước hết mỗi một nhạc sĩ phải thể hiện trách nhiệm công dân của mình, cần sống theo chuẩn mực của một công dân. Là nghệ sĩ, nhạc sĩ cần hiểu biết, đồng cảm với Nhân dân, có cảm xúc mạnh mẽ để tạo nên những tác phẩm chứa đựng được hơi thở của cuộc sống, động viên tinh thần chiến đấu, lao động, ca ngợi những cán bộ của Đảng vì dân mà cống hiến, làm cho cuộc sống của Nhân dân thêm vui tươi, hạnh phúc. “Để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng có nhiều phương tiện, phương thức, như: báo chí, truyền hình, nghệ thuật... Âm nhạc không tuyên truyền trực tiếp mà gián tiếp, thông qua hình tượng âm nhạc. Riêng về mặt ca khúc, có thể có những tác phẩm phản ánh tình yêu quê hương, đất nước, yêu con người, ca ngợi tinh thần lao động hăng say, ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc... đó chính là cách mà giới nhạc sĩ tuyên truyền nhận thức về chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng qua những tác phẩm âm nhạc”, Tiến sĩ Phạm Việt Long nhấn mạnh.

Cũng bàn luận đến vấn đề này, Đại tá, nhạc sĩ Doãn Nho, cho biết theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XIII phải xây dựng nền văn hóa dân tộc với 4 giá trị đặc trưng “dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học”, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam sao cho đạt chuẩn mực về chân - thiện - mỹ, trong đó âm nhạc đóng một phần rất quan trọng. “Đất nước đang bước vào thời kỳ mới với những thời cơ mới nhưng cũng không ít thách thức đang đặt ra, bởi vậy âm nhạc phải phát huy sứ mệnh của mình là “đội quân tiên phong” trong việc đánh thức khát vọng Việt Nam, nhất là khi Đại hội XIII vừa thành công tốt đẹp với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển” và cũng như những vấn đề tập trung trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, đó không chỉ về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ mà còn về đạo đức. Bác Hồ từng nói “Người có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, người có tài mà không có đức là người vô dụng” cho thấy đạo đức rất quan trọng, nó là gốc của một con người, là gốc của một dân tộc. Trong việc hình thành cái đức ấy thì âm nhạc theo tôi là một trong những loại hình nghệ thuật có tác động mạnh mẽ, làm con người ta yêu nước hơn, yêu cuộc sống hơn và không ngừng phấn đấu, nỗ lực cho sự phát triển của Đảng, sự phồn vinh của đất nước”, nhạc sĩ Doãn Nho phân tích.

Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha là nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc quen thuộc với khán giả truyền hình (Ảnh: VTV).

Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha kỳ vọng và đặt niềm tin sâu sắc vào sự thành công của Đại hội XIII của Đảng sẽ mở ra một chương mới trong tiến trình phát triển của đất nước mà khởi nguồn là “Xây dựng con người và nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”. Cũng như trong các văn kiện quan trọng của Đại hội đã thể hiện quyết tâm: “Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng của đất nước...”. Tham gia vào công cuộc này là thiên chức, là sứ mệnh, là trách niệm công dân của các nhạc sĩ trước Tổ quốc. 

Nhà nghiên cứu phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha phân tích, trong Đại hội XIII, lần đầu tiên trong lịch sử các kỳ Đại hội của Đảng có một đại biểu chính thức là một nhạc sĩ, đó là Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân. Điều đó cho thấy Đảng rất quan tâm và đánh giá cao vai trò, vị thế của đội ngũ nhạc sĩ. Với việc chọn ra những cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ uy tín cùng với tinh thần của Đại hội là đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm, hy vọng rằng chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đại hội, trong đó có việc tạo môi trường mới với đầy đủ những yếu tố kích thích sự sáng tạo của văn học - nghệ thuật, khát khao cống hiến, vươn tới những đỉnh cao. “Điều mà các nhạc sĩ mong muốn phấn đấu là có những tác phẩm âm nhạc mang tầm vóc thời đại, trong đó có những ca khúc về Đảng mà ở đó kết tinh tài năng và tâm huyết của các nhạc sĩ thông qua các hình tượng nghệ thuật độc đáo chinh phục lòng người, mang đầy đủ các hệ giá trị, các chuẩn mực giá trị và môi trường văn hóa lành mạnh. Từ đó nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động âm nhạc theo hướng chuyên nghiệp để âm nhạc nói riêng và văn học nghệ thuật nói chung thực sự trở thành một động lực tinh thần của toàn xã hội, đóng góp xứng đáng vào việc hoàn thiện đất nước, hoàn thiện con người, hướng tới một quốc gia thịnh vượng”, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha kỳ vọng.
(Còn nữa)

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất