Lai Châu: Bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch
Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu.

Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải thuộc xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, Lai Châu.

Lai Châu là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, với 20 dân tộc, trong đó có 4 dân tộc có dân số dưới 10.000 người, gồm các dân tộc: Cống, Mảng, La Hủ, Si La. Bởi vậy, nét văn hóa của Lai Châu tương đối đặc sắc. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa truyền thống riêng, được lưu truyền qua nhiều thế hệ thể hiện qua nhiều dạng thức khác nhau như: trang phục, tiếng nói, kiến trúc nhà ở, phong tục tập quán, cách ứng xử trong gia đình, cộng đồng, làng bản, tri thức dân gian đặc biệt là các loại hình nghệ thuật như dân ca, dân vũ, kỹ thuật chế tác và sử dụng nhạc cụ; nghề thủ công truyền thống...

Thực trạng bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa tại Lai Châu

Ngay từ đầu nhiệm kỳ, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Lai Châu đã xác định Chương trình bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch là một trong 4 chương trình trọng điểm. Cụ thể hóa Nghị quyết trên, Lai Châu cũng đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, đặt trọng tâm gắn bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa tiếp tục được quan tâm. Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được nâng lên; công tác tuyên truyền được đẩy mạnh; nhận thức của Nhân dân trong việc tự bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống có nhiều chuyển biến, người dân tích cực hưởng ứng, tham gia các hoạt động văn hóa, phong trào văn hóa văn nghệ quần chúng. 

Tỉnh xác định việc bảo tồn các giá trị văn hóa được thể hiện ở trên các khía cạnh: văn hóa vật thể (thể hiện rõ nét thông qua kiến trúc nhà ở, trang phục, đồ dùng sinh hoạt...); Văn hóa phi vật thể (tiếng nói, chữ viết, ngữ văn dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, tri thức dân gian...).

Ngoài ra, tỉnh đã xây dựng 5 hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng 2 hồ sơ khoa học trình UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (Nghệ thuật Xòe Thái; Thực hành Then của người Tày Nùng, Thái ở Việt Nam).

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy đã chỉ đạo, tập trung thực hiện công tác bảo tồn, đã tổ chức, phối hợp tổ chức 13 lớp truyền dạy văn hóa phi vật thể các dân tộc tại cộng đồng; 13 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú; phục dựng, bảo tồn 16 lễ hội tiêu biểu của các dân tộc: Thái, Mông, Si La, Hà Nhì, La Hủ, Cống, Lự, Mảng, Dao, Lào; duy trì tổ chức thường niên 40 lễ, lễ hội.

Phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng ngày càng phát triển. Hoạt động văn hóa, văn nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm, hỗ trợ trong việc xây dựng, duy trì hoạt động tại các thôn, bản. Tính đến nay trên địa bàn tỉnh hiện có 955 đội văn nghệ quần chúng, trong đó có 858 đội văn nghệ quần chúng hoạt động thường xuyên, hiệu quả.

Hằng năm, tỉnh cũng như các địa phương xây dựng và tổ chức các hội thi, hội diễn về văn hóa, văn nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Qua đó nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của quần chúng nhân dân, đồng thời tạo môi trường góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống như dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Du khách trải nghiệm điệu múa Xòe, nét văn hóa đặc sắc của người Thái tại bản Vàng Pheo (Mường So, Phong Thổ, Lai Châu

Du khách trải nghiệm điệu múa Xòe, nét văn hóa đặc sắc của người Thái tại bản Vàng Pheo (Mường So, Phong Thổ, Lai Châu). 

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được quan tâm, đầu tư, toàn tỉnh có 951 thiết chế văn hóa. Tỉnh cũng chú trọng xây dựng gia đình văn hóa, nâng cao chất lượng xây dựng gia đình, làng bản, khu dân cư văn hóa. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt được kết quả đáng khích lệ. Tính đến hết năm 2021 toàn tỉnh có 85,1% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 74,2% thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa; 96,5% cơ quan, đơn vị đạt tiêu chuẩn văn hóa.

Các địa phương đã xây dựng và thực hiện tốt hương ước, quy ước góp phần đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang, lễ hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, tiến bộ, văn minh. Đến nay, toàn tỉnh có 100% thôn, bản, tổ dân phố xây dựng và thực hiện hương ước ước, quy ước; trên 90% gia đình thực hiện việc cưới, việc tang theo quy định, 100% lễ hội truyền thống được tổ chức đảm bảo thực hiện nếp sống văn minh.

Điểm sinh hoạt tôn giáo tại thôn Pờ Ngài (Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu)

Điểm sinh hoạt tôn giáo của đồng bào người Mông theo đạo Tin Lành tại thôn Pờ Ngài (Huổi Luông, Phong Thổ, Lai Châu). 

Về hoạt động du lịch, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành một số chủ trương, chính sách về du lịch, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để thực hiện quản lý Nhà nước và huy động nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch.

Theo đó, hằng năm, thông qua các sự kiện, hội chợ du lịch trong nước và quốc tế thường niên; chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong khu vực, các trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, các tỉnh Bắc Lào (U Đôm Xay, Luông Pha Băng, Phông Sa Lỳ) và Châu Hồng Hà, huyện Kim Bình, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Tỉnh Lai Châu đã triển khai các chương trình xúc tiến, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh và điểm đến trên địa bàn.

Lượng khách du lịch đến Lai Châu hằng năm có tốc độ tăng trưởng ổn định, với cả khách nội địa lẫn khách quốc tế. Một số sản phẩm du lịch hấp dẫn đã được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu và trải nghiệm như: Sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, bước đầu đã đầu tư, nâng cấp gắn với khai thác bền vững giá trị cảnh quan thiên nhiên, cải tạo cảnh quan môi trường và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử truyền thống, tạo thành hệ thống sản phẩm hấp dẫn.

Ngoài ra, tạo được các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp; nâng cấp sản phẩm chợ phiên vùng cao trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số. Xây dựng các sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm như dù lượn (bay trên đỉnh Putaleng), leo núi (chinh phục đỉnh Putaleng), du thuyền (vùng lòng hồ thủy điện Sơn La, Lai Châu, Bản Chát, Huổi Quảng...) bước đầu tạo được sự hấp dẫn của du khách.

Công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến hình ảnh du lịch Lai Châu đã được quan tâm, chú trọng. Tỉnh đã phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng các kế hoạch quảng bá, xúc tiến dưới nhiều nội dung và hình thức; đồng thời thường xuyên cập nhật và đăng tải thông tin du lịch của tỉnh trên website.

Đến nay, hạ tầng du lịch đã được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp. Cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch từng bước được đầu tư phục vụ khách du lịch tại một số điểm du lịch cộng đồng.

Toàn tỉnh hiện có 11 điểm du lịch cộng đồng, thực hiện Đề án “Phát triển du lịch tỉnh Lai Châu giai đoạn 2016-2020”. Tỉnh đã đã tập trung quy hoạch, xây dựng một số bản văn hóa du lịch cộng đồng, khai thác, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, mang lại nguồn thu nhập cho người dân địa phương như: bản Sin Suối Hồ, xã Sin Suối Hồ; bản Vàng Pheo, xã Mường So, huyện Phong Thổ; bản Sì Thâu Chải, xã Hồ Thầu; bản Thẳm, xã Bản Hon, huyện Tam Đường; bản San Thàng, xã San Thàng, TP. Lai Châu.

Nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới

Lai Châu xác định bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng. Trong đó, các giá trị văn hóa đặc sắc các dân tộc phải trở thành nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển du lịch. Lấy bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc làm điều kiện cốt lõi để xây dựng môi trường du lịch bền vững, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn nhằm nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh cho du lịch Lai Châu.

Tỉnh cũng đặt ra các mục tiêu tầm nhìn cho từng giai đoạn cụ thể, bởi vậy, để thực hiện được các mục tiêu đã đề ra, Lai Châu xác định thực hiện đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và sự tham gia của các tầng lớp Nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. 

Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc gắn với phát triển du lịch.

Thứ hai, đẩy mạnh việc nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng, lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, quan tâm ứng dụng khoa học, công nghệ để nghiên cứu, sưu tầm, tư liệu hóa các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là các loại hình có nguy cơ mai một; nghiên cứu, biên soạn, giới thiệu các loại hình di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của tỉnh. Thực hành bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng; phát huy vai trò của các quy ước, hương ước trong bảo tồn các giá trị văn hóa. Lựa chọn phục dựng không gian văn hóa dân tộc tiêu biểu ở các bản, các chợ phiên nhằm bảo lưu, trao truyền các loại hình văn hóa truyền thống.

Thứ ba, sử dụng các giá trị văn hóa đặc sắc để phát triển du lịch. Theo đó, lựa chọn, có định hướng cụ thể đối với việc sử dụng giá trị văn hóa đặc sắc, tốt đẹp các dân tộc trong phát triển du lịch, đảm bảo phù hợp với thực tiễn địa phương. Tiếp tục tổ chức các hoạt động lớn như ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc, liên hoan ca múa nhạc dân gian, triển lãm văn hóa dân tộc gắn với thực hiện tốt công tác giới thiệu, quảng bá các bản sắc văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của từng dân tộc, địa phương đến với du khách, bạn bè trong và ngoài nước. Có cơ chế, nguồn lực để sử dụng, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc vào du lịch cộng đồng, tạo thành các sản phẩm du lịch văn hóa đặc sắc; ưu tiên thực hiện đối với một số điểm du lịch cộng đồng có điều kiện, lợi thế, tiêu biểu của tỉnh.

Người dân tại Bản du lịch du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải tiến hành xây dựng homestay, đời sống bà con ngày càng phát triển

Người dân tại Bản du lịch cộng đồng Sì Thâu Chải tiến hành xây dựng homestay, theo đó đời sống bà con ngày càng phát triển. 

Thứ tư, xây dựng cơ chế, chính sách, tập trung các nguồn lực cho bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc. Nghiên cứu ban hành các chính sách đầu tư, nâng cấp các thiết chế văn hóa ở cơ sở, thiết chế du lịch; chính sách hỗ trợ, đãi ngộ các nghệ nhân, người nắm giữ và thực hành di sản trong nghiên cứu, sưu tầm, thực hành truyền dạy; hỗ trợ hoạt động đội văn nghệ quần chúng; chính sách khuyến khích các hoạt động hợp tác, liên kết trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc tốt đẹp các dân tộc. Đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực hỗ trợ cho sưu tầm, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Thứ năm, nâng cao chất lượng công tác cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa, du lịch phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Ưu tiên đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu, sưu tầm... về giá trị văn hóa các dân tộc. Xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trong các dân tộc thiểu số.

Thứ sáu, tăng cường liên kết, hợp tác trong bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc và phát triển du lịch. Xây dựng nội dung hợp tác và phối hợp để triển khai hoạt động ngoại giao, trao đổi và phổ biến sâu rộng giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn cũng như các hoạt động văn hoá, nghệ thuật gắn với quảng bá du lịch và xúc tiến thương mại, hợp tác đầu tư... Tăng cường liên kết với các tỉnh trong khu vực, các tỉnh, thành phố có thị trường khách du lịch lớn. Tiếp tục tổ chức các sự kiện văn hóa, du lịch, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu các giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc Lai Châu...

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất