|
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Ảnh minh họa.
|
Chủ trương của Đảng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Năm 1986 khi bước vào thời kỳ “Đổi mới”, nền y tế nước ta đứng trước những thách thức rất gay gắt. Tuy kinh tế từng bước tăng trưởng và đời sống nhân dân được cải thiện, nhưng chăm sóc sức khỏe lại đứng trước những thử thách hết sức gay gắt.
Năm 1993, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII đã đề ra Nghị quyết để “phục hồi và phát triển nền y tế trong thời kỳ đổi mới”. Năm 2002, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị 06/CT-TW về “Củng cố và hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở và đến năm 2005", Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46/NQ/TW về “Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”.
Ngày 25-10-2017, tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đảng ta ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, đã bổ sung và nêu rõ 5 quan điểm trong chỉ đạo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã chỉ rõ một số nhiệm vụ trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân trong đó tập trung nâng cao chất lượng xây dựng và thực hiện hiệu quả các chính sách về dinh dưỡng, an toàn thực phẩm, bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ. Nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em. Đổi mới cơ chế tài chính y tế, hệ thống quản lý và cung cấp dịch vụ y tế. Phát triển nguồn nhân lực, khoa học và công nghệ y tế. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện, phát triển hình thức khám chữa bệnh trực tuyến. Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng.
Thực hiện đúng hướng, hiệu quả xã hội hoá trong lĩnh vực y tế. Bảo đảm bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế ngoài nhà nước. Xây dựng, phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Phát triển mạnh ngành công nghiệp dược và thiết bị y tế. Phát triển thể dục, thể thao toàn dân để tăng cường sức khoẻ của nhân dân. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn thực phẩm và thuốc chữa bệnh. Tập trung kiểm soát đại dịch COVID-19, tiêm chủng đại trà vắc-xin COVID-19 cho cộng đồng.
Yêu cầu đổi mới công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ. Tuy nhiên, các yếu tố an ninh phi truyền thống, tình hình thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu dự báo diễn biến khó lường thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Quá trình đô thị hóa khiến cho chất lượng môi trường ở nhiều nơi xuống cấp, nhất là tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, lưu vực một số con sông… ngày càng tác động, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe nhân dân, trong khi đó nguồn lực về bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai còn hạn chế. Tình trạng buôn bán và sử dụng động vật hoang dã còn diễn ra khá phổ biến, sự xuất hiện của các loại hình dịch bệnh mới diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, có thể gây ra suy thoái và khủng hoảng kinh tế sẽ tác động lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, văn hóa, phong tục tập quán của người Việt cũng đặt ra những thách thức trong chăm sóc sức khỏe nhân dân đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động nhanh, sâu rộng đến mọi mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường khiến cho nước ta cần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, xã hội số. Do vậy, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân cần phải có sự thay đổi phù hợp. Ngoài ra, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đặt ra những yêu cầu đối với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đặc biệt liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong sức khỏe, chế độ dinh dưỡng, tầm vóc người Việt, an toàn thực phẩm … ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình, dịch vụ chăm sóc sức khỏe mới (các tổ chức phi lợi nhuận, bệnh viện tư …) đòi hỏi cần giải quyết hài hóa mối quan hệ giữa “Nhà nước”, “Thị trường” và “Xã hội” trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được thực hiện dựa trên nguyên tắc bảo đảm quyền con người và đề cao giá trị đạo đức bởi liên quan đến chất lượng nòi giống và an ninh con người. Chi phí cho chăm sóc sức khỏe ngày càng lớn, trong khi về cơ bản nước ta vẫn còn là nước nghèo.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân đang tồn tại một số hạn chế như: Nhận thức của một số ban cán sự đảng, đảng đoàn, một số cấp ủy, chính quyền, một bộ phận đảng viên và nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới còn tương đối hạn chế hạn chế.
Hệ thống y tế chưa được đổi mới triệt để, nhiều đầu mối, chưa có sự phân định rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các đơn vị y tế ở cả cấp Trung ương và địa phương. Mô hình tổ chức và cơ chế quản lý đối với các đơn vị thuộc tuyến y tế cơ sở hiện đang rất đa dạng và thiếu sự thống nhất giữa các địa phương, nhất là y tế tuyến huyện.
Hiệu lực quản lý nhà nước về y tế còn nhiều hạn chế. Việc quản lý điều hành các cơ sở y tế, nhất là các bệnh viện công còn chậm đổi mới, quản lý còn yếu, chưa phát huy được tiềm năng của nhân lực và cơ sở vật chất. Phương thức quản lý và hoạt động của các đơn vị y tế công lập chưa phát huy được tính năng động và sáng tạo của người thầy thuốc. Quản lý về nhập khẩu, đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư y tế còn nhiều yếu kém, sai phạm.
Chất lượng khám, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu, có sự chênh lệch lớn về chất lượng dịch vụ y tế giữa các vùng miền; việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện còn chậm, chưa vững chắc; chất lượng khám chữa bệnh BHYT chưa thu hút được người dân, khả năng đáp ứng của dịch vụ y tế còn hạn chế, nhất là ở tuyến y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Chưa thực hiện tốt việc quản lý, tư vấn, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Một số dịch bệnh lưu hành, kể cả các dịch bệnh có thể dự phòng bằng vắc xin như sởi, bạch hầu... có nguy cơ quay trở lại. Tỷ lệ tiêm chủng ở một số vùng, nhóm dân tộc, các đối tượng di cư còn thấp.
Việc đào tạo, sử dụng đội ngũ cán bộ y tế còn chưa hợp lý. Công tác đào tạo nhân lực y tế chưa theo nhu cầu phát triển hệ thống, đào tạo còn nặng về kiến thức khoa học, chưa nhấn mạnh đào tạo dựa trên năng lực và chưa có cơ chế hữu hiệu để giảm tình trạng mất cân đối về nguồn nhân lực giữa các vùng, các tuyến; nhiều tỉnh thiếu nghiêm trọng bác sĩ và nhân viên y tế, nhất là những thầy thuốc có tay nghề cao...
Chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế còn nhiều điểm bất hợp lý, chưa được thực hiện đầy đủ theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW, chưa tương xứng với tuyển dụng, đào tạo và sử dụng; chưa có chính sách đột phá thu hút cán bộ y tế có trình độ chuyên môn, tay nghề tốt làm việc lâu dài tại các địa phương, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa.
Năng lực dự báo, y tế dự phòng, quản trị rủi ro của Ngành Y tế còn hạn chế; chưa có kinh nghiệm trong việc dự báo và ứng phó với các loại hình dịch bệnh mới; năng lực nghiên cứu y học đặc biệt là lĩnh vực y sinh học còn hạn chế.
Hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện từng bước nhưng còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, chưa thể chế được các quan điểm, đường lối chính sách tại Nghị quyết/20-NQ-TW, Nghị quyết 21/NQ-TW; nhiều quy định pháp luật sau một thời gian thực hiện đã phát sinh các bất cập, lạc hậu, một số nội dung tính khả thi thấp.
Nhiệm vụ và giải pháp với công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và của toàn xã hội trong bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Các cấp ủy đảng, chính quyền phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản về bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân vào nghị quyết, chương trình, kế hoạch chiến lược của địa phương.
Thứ hai, tập trung nâng cao sức khỏe nhân dân. Quan tâm các điều kiện để mỗi người dân được bảo vệ, nâng cao sức khỏe, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Bảo đảm an toàn thực phẩm, khuyến khích phổ biến chế độ dinh dưỡng, khẩu phần ăn phù hợp cho từng nhóm đối tượng, nguồn nguyên liệu, khẩu vị người Việt. Tiếp tục tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống và cai nghiện ma túy; thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giảm thiểu tiêu thụ rượu, bia, thuốc lá; tăng cường hoạt động thể dục, thể thao; tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường; xóa bỏ các tập tục lạc hậu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đặc; thực hiện tốt công tác xóa đói, giảm nghèo nâng cao đời sống cho nhân dân.
Thứ ba, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới y tế cơ sở. Nâng cao năng lực, chủ động phòng, chống dịch bệnh gắn với đổi mới toàn diện hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng; phát triển mạng y tế cơ sở, y tế dự phòng, sàng lọc và phát hiện sớm, chữa trị kịp thời, hiệu quả các loại dịch bệnh mới; sắp xếp các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và trung ương, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở tất cả các cấp và kết nối với mạng lưới của thế giới.
Thứ tư, nâng cao chất lượng, khám, chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện; phát triển hình thức khám chữa bệnh trực tuyến; áp dụng công nghệ số trong khám, chữa bệnh; kết nối số giữa các bệnh viện trong khám, chữa bệnh. Bảo đảm bình đẳng giữa y tế nhà nước và y tế ngoài nhà nước; phát huy mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội trong cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công, bảo đảm các dịch vụ cơ bản, người dân được quản lý, chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ. Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, khắc phục căn bản tình trạng quá tải bệnh viện tuyến trên, phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh. Xây dựng, phát triển mô hình bác sĩ gia đình. Đổi mới phong cách, thái độ, phục vụ, nâng cao y đức.
Thứ năm, đẩy mạnh phát triển, quản lý Ngành Dược và thiết bị y tế; bảo đảm thuốc đủ về số lượng, tốt về chất lượng, giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu. Quản lý chặt chẽ nhập khẩu thuốc. Nâng cao năng lực nghiên cứu, chủ động sản xuất vắc-xin, thuốc sáng chế; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư sản xuất thuốc, vắc-xin, sinh phẩm, thiết bị vật tư y tế, tăng cường hội nhập quốc tế trong chuỗi giá trị dược phẩm.
Thứ sáu, phát triển nhân lực và khoa học - công nghệ y tế; đào tạo, đào tạo lại, luân phiên cán bộ y tế, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới. Khuyến khích người có trình độ chuyên môn làm việc tại y tế cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới, hải đảo; nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học - công nghệ y tế, dược và y sinh học; có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng đối với các bệnh viện, viện nghiên cứu, bác sĩ, nhà khoa học tham gia đào tạo nhân lực y tế; tăng cường bồi dưỡng, rèn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ y tế. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy chế chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Thứ bảy, đổi mới hệ thống quản lý và cung ứng dịch vụ y tế. Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Sắp xếp các trung tâm, đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và trung ương, hình thành hệ thống trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở tất cả các cấp và kết nối với mạng lưới của thế giới. Thí điểm hình thành các chuỗi bệnh viện, khuyến khích phát triển các bệnh viện, cơ sở chăm sóc sức khỏe, điều dưỡng ngoài công lập, đặc biệt là các mô hình hoạt động không lợi nhuận.
Thứ tám, về phòng, chống dịch bệnh, nghiên cứu dự báo các biến thể và các loại hình bệnh tật mới có khả năng xuất hiện; tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác giáo dục tư tưởng, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân dân ở địa phương liên quan đến tình hình dịch bệnh; đẩy mạnh đấu tranh phản bác các thông tin, luận điệu, sai trái, thù địch về phòng, chống dịch bệnh.