|
Ảnh minh họa.
|
Thực trạng công tác xây dựng gia đình
Thời gian qua, nhận thức về công tác xây dựng gia đình đã có sự chuyển biến tích cực. Công tác gia đình được xác định là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân, toàn bộ hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Ngày Gia đình Việt Nam (28-6) được tổ chức hằng năm. Đây là một hoạt động cụ thể và có ý nghĩa sâu sắc nâng cao nhận thức của toàn xã hội về giá trị tốt đẹp của gia đình, tầm quan trọng của công tác gia đình. Nhiều bộ, ngành, tỉnh, thành phố đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về gia đình, giáo dục đời sống gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình vào đợt tổ chức Ngày Gia đình Việt Nam (28-6), Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20-3), Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25-11).
Việc xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc được quan tâm. Các chỉ tiêu cơ bản về gia đình đã được hầu hết các cấp ủy, chính quyền địa phương đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Phần lớn các ban, ngành, đoàn thể tại địa phương đã triển khai nhiều hoạt động xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đem lại những hiệu quả tích cực. Gắn công tác xây dựng gia đình văn hóa với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác gia đình và coi đây là nhiệm vụ thường xuyên; xây dựng và triển khai các kế hoạch, đề án cụ thể giải quyết những khó khăn, thách thức đối với gia đình và công tác gia đình; xoá bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình, phát huy vai trò của gia đình trong xây dựng đời sống văn hoá, phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân đạt được những kết quả quan trọng.
Để tạo ra những điều kiện xây dựng gia đình, các bộ, ngành, cấp ủy đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; phòng, chống bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội. Chính sách đối với trẻ em đã được mở rộng đối tượng thụ hưởng. Các chính sách, chương trình đều hướng tới hỗ trợ gia đình nghèo và trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bị bóc lột, bỏ rơi và có hoàn cảnh đặc biệt. Thiết lập Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em để tiếp nhận, xử lý thông tin, tố giác nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em. Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đấu tranh phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và người chưa thành niên phạm tội”, “Phòng chống tội phạm buôn bán phụ nữ, trẻ em”.
Hầu hết địa phương đã quan tâm xây dựng hệ thống bảo vệ trẻ em 3 cấp độ (phòng ngừa, can thiệp, hỗ trợ). Một số địa phương đã bố trí cán bộ chuyên trách làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã. Tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em tăng lên hằng năm. Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và bị xâm hại được quan tâm chăm sóc, hỗ trợ kịp thời hơn. Chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được cải thiện; các hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em được giải quyết kịp thời, các đối tượng xâm hại trẻ em bị xử lý nghiêm minh hơn.
Công tác phòng, chống bạo lực trong gia đình được cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Việc triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình hành động, đề án, dự án phòng, chống bạo lực gia đình đảm bảo tiến độ. Nhiều mô hình phòng, chống bạo lực gia đình được nhân rộng. Số vụ bạo lực gia đình đã giảm đáng kể.
Nhiều mô hình câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm tự quản về an ninh trật tự, tuyên truyền phổ biến pháp luật tại địa bàn dân cư được thành lập để quản lý, giáo dục người thân trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả quản lý, giáo dục trẻ em trong gia đình.
Công tác giáo dục đời sống gia đình được chú trọng triển khai thực hiện thông qua việc tổ chức triển khai thực hiện các đề án, chương trình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình với mục tiêu chung là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của các tầng lớp nhân dân đối với việc giữ gìn, phát huy các giá trị đạo đức, lối sống, cách ứng xử tốt đẹp trong gia đình, thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục thiết thực, phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng địa phương.
Nhiều năm qua, 100% bộ, ngành, địa phương đã triển khai, phối hợp thực hiện các đề án, chương trình tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình. Nhiều hoạt động giáo dục đời sống gia đình đã được tổ chức và được lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động kỷ niệm các ngày lễ lớn của gia đình. Chương trình giáo dục đời sống gia đình được triển khai tới các bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành phố. Công tác tuyên truyền giáo dục đời sống gia đình được lồng ghép trong các hội nghị, hội thảo, các chuyên đề sinh hoạt câu lạc bộ và sinh hoạt ở cộng đồng.
Phát triển kinh tế hộ gia đình đạt được những kết quả quan trọng. Chú trọng xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng chuyên canh, thâm canh, phát triển các giống cây đặc sản phù hợp với từng địa phương, đầu tư trang thiết bị tiên tiến, áp dụng các công nghệ mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các huyện nghèo; các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề dịch vụ, triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn vay phát triển sản xuất và ngành nghề dịch vụ cho các cấp hội, hộ gia đình và hợp tác xã.
Về xóa đói, giảm nghèo, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng. Thu nhập bình quân nhân khẩu theo hộ gia đình ngày một tăng theo từng năm, giúp cho kinh tế hộ gia đình ngày càng ổn định và phát triển. Nguồn thu nhập của hộ gia đình phong phú, đa dạng hơn. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân, hoàn thành ở mức cao so với chỉ tiêu của Quốc hội giao. Hộ nghèo được hỗ trợ bảo hiểm y tế, có điều kiện tiếp cận dịch xã hội cơ bản. Số lượng hộ gia đình không có nhà ở ngày càng giảm. Điều kiện sinh hoạt của các hộ gia đình đã được cải thiện, chất lượng sống của các hộ gia đình được nâng lên.
Các chính sách, chương trình hỗ trợ gia đình chính sách, có công với cách mạng được quan tâm tổ chức thực hiện. 100% gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng, gia đình chính sách được chăm sóc, giúp đỡ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chăm lo xây dựng gia đình văn hóa. Xây dựng gia đình văn hóa là một trong 7 phong trào cụ thể của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Là giải pháp quan trọng để xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình.
Các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng gia đình, làng, khu phố và cụm dân cư văn hóa, chủ động thông tin, tuyên truyền, tổ chức thực hiện chính sách và pháp luật về gia đình và công tác gia đình. Các phong trào, mô hình và câu lạc bộ xây dựng gia đình đã được triển khai, phát triển sâu rộng ở nhiều địa phương đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho gia đình. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao đã góp phần phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, thực hiện bình đẳng giới và các quyền cơ bản của phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi và các thành viên trong gia đình.
Nhiều địa phương đã tổ chức quán triệt việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình đến cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân; phân công và chỉ đạo các ngành chức năng tham mưu xây dựng kế hoạch thực hiện. Các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đã được thực hiện tốt.
Các cấp ủy đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương đã quan tâm, từng bước kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình tại 4 cấp. Tỷ lệ nhân lực được đào tạo đúng chuyên môn về công tác gia đình ngày càng tăng. Tuy nhiên, đa số cán bộ thực hiện công tác gia đình ở các quận, huyện, xã, phường, thị trấn đều là kiêm nhiệm và luôn có sự biến động, thay đổi. Đến nay, đã có 53/63 tỉnh, thành phố thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
Tại nhiều tỉnh, thành phố, Ban Chỉ đạo công tác gia đình đã triển khai toàn diện, đồng bộ các mặt công tác gia đình theo hướng từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể. Kịp thời tham mưu cho các cấp ủy và ủy ban nhân dân về công tác gia đình. Các thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình đã tích cực triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Một số hạn chế
Việc tổ chức quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị số 49-CT/TW và các chính sách, pháp luật về gia đình và công tác gia đình có nơi chưa có sự gắn kết, thiếu thống nhất, chưa đồng bộ, nhất là ở cấp huyện, xã; chưa nhận thức sâu sắc gia đình là một thiết chế xã hội nền tảng, cơ bản, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển; kết quả giảm nghèo đa chiều chưa bền vững, còn bất cập, nguy cơ tái nghèo còn cao; chi tiêu cho dịch vụ xã hội cơ bản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng chi tiêu của gia đình, nhất là dịch vụ y tế và giáo dục; chưa quan tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tập trung nguồn lực cho xây dựng gia đình; chưa phát huy vai trò của cộng đồng đối với công tác xây dựng gia đình; việc bình xét, công nhận gia đình văn hóa ở nhiều nơi còn hình thức; xử lý những vấn đề liên quan đến gia đình chưa mang tính phòng ngừa, thiếu đồng bộ, nhất là bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em. Giáo dục đời sống gia đình chưa được quan tâm đúng mức.
Sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho trẻ em còn hạn chế. Vị thế của người phụ nữ trong gia đình chưa được cải thiện đáng kể. Những vấn đề của gia đình có chiều hướng phức tạp, như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn, bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục trẻ em; bảo vệ quyền của trẻ em do hậu quả của phụ nữ lấy chồng người nước ngoài; chưa có giải pháp giải quyết vấn đề hôn nhân đồng giới.
Điều này bắt nguồn từ một số nguyên nhân cả khách quan lẫn chủ quan. Theo đó, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa, hội nhập quốc tế, cùng với đó là hội nhập văn hóa tạo ra những hiện tượng phức tạp, tiêu cực đối với gia đình. Gia đình Việt Nam đang có biến đổi nhiều mặt về quy mô, cấu trúc, chức năng, thang giá trị, nhiều loại hình gia đình xuất hiện và tồn tại song hành với mô hình gia đình truyền thống. Khoảng cách về thu nhập giữa các nhóm dân cư, các vùng địa lý ngày càng rộng, tỷ lệ tái nghèo còn cao, lõi nghèo tập trung ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế chậm phát triển, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã tạo ra thách thức đối với việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.
Ngoài ra, một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương chưa nhận thức đầy đủ vai trò của gia đình như là một thiết chế xã hội và có ý nghĩa quan trọng đối với quản lý phát triển xã hội. Việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về gia đình chưa kịp thời, thiếu đồng bộ, nhất là việc xây dựng và triển khai thực hiện các chính sách phát triển kinh tế - xã hội chưa lấy gia đình làm đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng thành quả phát triển.
Việc thực hiện các chính sách về gia đình chưa có trọng tâm, còn dàn trải, chưa phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình trong quản lý phát triển xã hội. Một số gia đình chưa quan tâm giáo dục đạo đức, tổ chức cuộc sống gia đình nên sự gắn kết giữa gia đình với cộng đồng lỏng lẻo. Định kiến giới còn tồn tại nặng nề ở nhiều địa phương dẫn tới các vấn nạn xã hội còn phổ biến như mất cân bằng giới tính khi sinh, tình trạng bạo lực gia đình đối với phụ nữ và trẻ em gái chưa được cải thiện, phụ nữ ít được tham gia quyết định các vấn đề lớn trong gia đình...
Nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình
Nhằm đẩy mạnh công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác xây dựng gia đình.
Nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới. Xác định gia đình là một trong những nhân tố quan trọng quyết định sự phát triển bền vững đất nước. Gia đình là đối tượng tác động, thực hiện và thụ hưởng chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh là một trong những nội dung quan trọng, yêu cầu xuyên suốt của sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước.
Các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng gia đình; phát huy vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cấp về công tác xây dựng gia đình. Cán bộ, đảng viên phải nêu gương và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu. Đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ. Kiên quyết đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về gia đình theo hướng lấy hoạt động của gia đình làm trọng tâm, bảo đảm sự gắn kết xã hội và vai trò của gia đình.
Các chính sách về gia đình phải hướng đến mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh, chú trọng đến đối tượng trẻ em và người bệnh tật, cao tuổi. Xây dựng danh mục dịch vụ công thuộc lĩnh vực gia đình. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cơ bản đối với gia đình, hỗ trợ gia đình phát triển bền vững, hạnh phúc và thực hiện bình đẳng giới. Huy động các cá nhân, tổ chức xã hội, cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ gia đình và chăm lo giúp đỡ, hỗ trợ các gia đình nghèo, khó khăn; bảo đảm gia đình được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản công bằng, bình đẳng, thuận lợi. Gắn việc thực hiện công tác xây dựng gia đình với Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác xây dựng gia đình.
Tập trung xây dựng, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới; xây dựng Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam giai đoạn 2021-2030, định hướng đến năm 2045; chương trình giáo dục quốc gia về gia đình; chương trình giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình và các chương trình, dự án hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc. Xây dựng dữ liệu số quốc gia về gia đình làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ gia đình tiếp cận các nguồn lực xã hội. Ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học về gia đình; hoạch định, tổ chức thực hiện và đánh giá chính sách về gia đình; sáng tác các tác phẩm văn học - nghệ thuật về chủ đề gia đình.
Đổi mới, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về gia đình bảo đảm tinh gọn, hiệu quả, thống nhất, gắn kết với các lĩnh vực dân số, bình đẳng giới và trẻ em. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng nhân lực làm công tác gia đình theo hướng tích hợp đa ngành, phân định rõ đào tạo chuyên môn và cán bộ quản lý công tác gia đình.
Thứ tư, đẩy mạnh, đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục về gia đình.
Tăng cường phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức về hôn nhân và gia đình; các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình; kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình; các rủi ro đối với gia đình, giúp người dân chủ động phòng ngừa các ảnh hưởng tiêu cực đến gia đình. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình. Phát huy vai trò của gia đình, cộng đồng, xã hội trong việc xây dựng môi trường văn hóa, con người Việt Nam giàu lòng nhân ái, khoan dung, chân thành, tín nghĩa, trọng đạo lý, cần cù, chăm chỉ, tiết kiệm, sáng tạo, khát vọng, hiện đại. Nâng cao hiệu quả, tính thiết thực trong xây dựng gia đình văn hóa, gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.