Nỗ lực phòng, chống mua bán người tại Việt Nam

Những con số đáng báo động

Tại Việt Nam, theo báo cáo của các đơn vị, địa phương, từ năm 2010 đến tháng 6-2021, đã phát hiện xảy ra gần 3.500 vụ, với 5.000 đối tượng, lừa bán gần 7.500 nạn nhân (từ năm 2019 đến nay, đã phát hiện xảy ra hơn 370 vụ, với gần 500 đối tượng, lừa bán hơn 550 nạn nhân). Tội phạm mua bán người đã xảy ra trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố, nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, mà đã xuất hiện tình trạng mua bán nam giới, mua bán trẻ sơ sinh, bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê.... Trong đó, có nhiều vụ mua bán trẻ sơ sinh, bào thai sang Trung Quốc; mua bán nội tạng; mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em. Gần 85% số vụ mua bán người ra nước ngoài, tập trung chủ yếu qua các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Căm-pu-chia, Lào và Trung Quốc, trong đó, sang Trung Quốc chiếm 75%.

Theo đánh giá của Cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm của Liên hiệp quốc (UNODC) và Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), những năm gần đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhất là các nước Tiểu vùng sông Mê -kông (trong đó có Việt Nam), tình hình tội phạm mua bán người rất phức tạp. Số nạn nhân bị mua bán khoảng là 11,7 triệu người. Ước tính mỗi năm lợi nhuận từ hoạt động tội phạm mua bán người tại khu vực này đạt hàng chục tỷ đô-la.

Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng chủ yếu là lợi dụng tình trạng khó khăn về kinh tế, thất nghiệp, thiếu việc làm, trình độ học vấn thấp, “nhẹ dạ, cả tin” của người bị hại để lừa bán nạn nhân từ nông thôn ra thành thị, các khu công nghiệp, hoặc ra nước ngoài, trong đó trên 85% nạn nhân là phụ nữ, trẻ em. Thời gian gần đây, đối tượng phạm tội lợi dụng chính sách mở, thông thoáng trong thủ tục xuất nhập cảnh tổ chức thành những đường dây đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động trái phép. Sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bắt lao động cưỡng bức và lạm dụng tình dục.

Các đối tượng phạm tội chủ yếu là đối tượng lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người (chiếm 22%); người nước ngoài thông qua công ty môi giới vào Việt Nam dưới dạng thăm quan, du lịch, hoạt động kinh doanh rồi móc nối, cấu kết với cò mồi, môi giới người Việt Nam, dẫn dắt hình thành những đường dây mua bán người xuyên quốc gia, quốc tế. Một số người từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi về thăm quê lại trở thành thủ phạm dụ dỗ, lừa bán những phụ nữ, trẻ em khác, kể cả người thân trong gia đình; hoặc lợi dụng việc buôn bán, làm ăn qua lại biên giới hay kinh doanh các dịch vụ dọc biên giới thông thạo địa bàn đã tham gia hoạt động phạm tội.

Một vài điểm sáng về phòng, chống mua bán người tại Việt Nam                  

Trước tình hình tội phạm mua bán người liên tục có những diễn biến phức tạp, Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành địa phương luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm và được triển khai quyết liệt. Thủ tướng Chính phủ ban hành các quyết định thành lập, kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 138/CP) và ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình 130/CP (Chương trình của Chính phủ giai đoạn 2016-2020 về "Đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người") trong từng giai đoạn và hằng năm, đồng thời tổ chức chỉ đạo điểm thực hiện Chương trình 130/CP tại 6 địa phương trọng điểm (Hà Giang, Lạng Sơn, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Ninh và Tây Ninh).

Hằng năm, các bộ, ngành thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP đều xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể, phân công lãnh đạo bộ, ngành tham gia Ban Chỉ đạo; thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Chương trình 130/CP tại các địa phương. 100% tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Chương trình 130/CP và các chương trình, kế hoạch chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 138/CP; kiện toàn, sáp nhập Ban chỉ đạo, Cơ quan Thường trực về một đầu mối (hiện nay, ở Bộ Công an đặt tại Văn phòng Bộ).

Các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống mua bán người trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng, đặc biệt là hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người”. Từ năm 2019 đến nay, các địa phương đã tổ chức hơn 100 nghìn cuộc truyền thông cộng đồng cho trên 5 triệu lượt người tham dự, tổ chức hơn một nghìn lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép cho cán bộ; xây dựng, duy trì hoạt động gần 1.100 câu lạc bộ nhằm cung cấp thông tin, kiến thức, kỹ năng bổ ích, thiết thực giúp chị em tự tin, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc;...

Lực lượng Công an phối hợp với Biên phòng các cấp đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình; xây dựng và phối hợp triển khai hàng chục kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; hàng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao đối tượng phạm tội, giải cứu nạn nhân. Từ năm 2019 đến tháng 6-2021, lực lượng Công an, Biên phòng đã điều tra, khám phá hơn 320 vụ, bắt 420 đối tượng phạm tội mua bán người và các tội có liên quan đến mua bán người.

Bên cạnh đó, các mặt công tác khác như tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán; xây dựng, hoàn thiện pháp luật; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng không ngừng được tăng cường và thực hiện hiệu quả. Qua đó góp phần giải cứu, tiếp nhận và hỗ trợ hàng trăm nạn nhân bị mua bán hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý hỗ trợ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người. Đồng thời không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác với các quốc gia, các tổ chức quốc tế, nhất là các nước trong khu vực và có đông nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán nhằm tranh thủ các nguồn lực cho công tác này và nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, giải cứu nạn nhân bị mua bán.

Thời gian qua, vai trò hoạt động của Cơ quan Thường trực Chương trình 130/CP ở Trung ương và địa phương là tương đối nổi bật khi tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 9-2-2021 về phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; kịp thời ban hành và tổ chức triển khai thực hiện Luật Phòng, chống mua bán người; sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự phần có liên quan đến tội phạm mua bán người; phê chuẩn Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước TOC), Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em,…

Tuy nhiên, qua thực hiện công tác phòng, chống mua bán người còn bộc lộ một số hạn chế, khó khăn cần khắc phục trong thời gian tới, đó là: Tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, trong nước còn tiềm ẩn nhiều đường dây, băng nhóm hoạt động, chưa có điều kiện điều tra, khám phá; Công tác truyền thông ở nhiều địa phương còn dàn trải, diện bao phủ chưa nhiều, xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình về phòng, chống mua bán người chưa đạt hiệu quả cao; Công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn gặp nhiều khó khăn và bất cập, việc vận dụng chính sách hỗ trợ nạn nhân, một số địa phương lúng túng trong tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, tiến độ xây dựng và ban hành các văn bản pháp luật, nhất là các văn bản hướng dẫn cơ sở thực hiện còn chậm, nội dung chưa cụ thể nên còn có những địa phương nhận thức chưa thống nhất; công tác giáo dục, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người còn hạn chế.

Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế nêu trên là do: Các cấp ủy đảng, chính quyền ở một số đơn vị, địa phương chưa xác định rõ công tác phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm, nhất là các cơ quan được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp thực hiện các đề án, tiểu đề án; Chưa tạo cơ chế phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong thực hiện công tác phòng, chống mua bán người nên hoạt động chưa thống nhất, hoặc trùng dẫm, đùn đẩy lẫn nhau. Đáng chú ý, nguồn lực không đảm bảo yêu cầu đặt ra, kinh phí thực hiện công tác phòng, chống mua bán người không được cấp kịp thời. Thiếu lực lượng chuyên trách thực hiện công tác phòng, chống mua bán người; hầu hết cán bộ làm kiêm nhiệm.

Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới

Phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ khó khăn phức tạp, đặc biệt là trong xu thế tình hình tội phạm trên thế giới và khu vực ngày càng gia tăng. Để từng bước nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp, phương hướng công tác trọng tâm sau:

Một là, cơ quan thường trực phòng, chống tội phạm các cấp phải làm tốt vai trò tham mưu cho Chính phủ. Hằng năm, chỉ đạo thực hiện điểm Chương trình phòng, chống mua bán người tại một số địa phương; tổ chức các đoàn liên ngành đôn đốc, hướng dẫn các đơn vị, địa phương, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm, các vùng có nguy cơ cao nhằm tạo chuyển biến thật sự góp phần kìm chế hoạt động tội phạm mua bán người.

Hai là, đẩy mạnh công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng “Ngày toàn dân phòng, chống mua bán người 30-7” và “Ngày thế giới phòng, chống mua bán người 30-7”. Phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng, nhất là các địa bàn trọng điểm; Duy trì, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống mua bán người hoạt động hiệu quả; Lồng ghép và truyền tải thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học.

Ba là, về công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm mua bán người: Tổ chức điều tra cơ bản nắm chắc tình hình hoạt động tội phạm mua bán người và các đối tượng khác có liên quan, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm để phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến tội phạm mua bán người, trọng tâm trên các tuyến biên giới giữa Việt Nam với Căm-pu-chia, Lào và Trung Quốc. Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, địa phương, lực lượng chức năng các nước, tổ chức quốc tế nhằm trao đổi thông tin, thiết lập đường dây nóng, xác định đầu mối phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã đối tượng phạm tội và giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân bị mua bán.

Bốn là, đối với công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, cần tập trung thực hiện các hoạt động: Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, thực hiện các biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ và bí mật thông tin; hỗ trợ cho nạn nhân bị mua bán trở về theo quy định của pháp luật; sơ kết, tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung trình cấp có thẩm quyền hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn trình tự, thủ tục, thẩm quyền tiếp nhận, xác minh, xác định và bảo vệ nạn nhân bị mua bán cũng như về chế độ, chính sách hỗ trợ; quy định về điều kiện và trình tự, thủ tục thành lập cơ sở hỗ trợ nạn nhân, cơ sở bảo trợ xã hội…

Năm là, về công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật và theo dõi thi hành chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người: Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống mua bán người; Xây dựng hướng dẫn bảo đảm áp dụng thống nhất trong hoạt động xét xử các vụ án mua bán người, nghiên cứu xây dựng án lệ; Rà soát, hoàn thiện các quy định về quản lý hộ tịch, tăng cường kiểm tra công tác hộ tịch, đăng ký kết hôn, cho, nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài,…

Sáu là, về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người: Triển khai thực hiện có hiệu quả Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, Công ước TOC, Nghị định thư về phòng ngừa, trấn áp và trừng trị tội phạm mua bán người, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em bổ sung cho Công ước TOC; Tuyên bố chung và Kế hoạch phối hợp hành động Tiểu vùng sông Mê-kông về phòng, chống mua bán người; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Thực hiện các hiệp định hợp tác song phương giữa Việt Nam với các nước về phòng, chống mua bán người. Phối hợp, trao đổi thông tin với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á (Aseanapol); lực lượng chức năng các nước láng giềng, các nước có đông nạn nhân là người Việt Nam để trao đổi thông, thiết lập đường dây nóng, xác định cơ quan đầu mối phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán,…

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất