Đối tượng xét đặc xá
Theo đó có 2 nhóm đối tượng được xét đặc xá gồm: Người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện (sau đây gọi là phạm nhân); Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Điều kiện được đề nghị đặc xá
Về một số quy định tại Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021 (điều kiện được đề nghị đặc xá), Hội đồng Tư vấn đặc xá hướng dẫn cụ thể như sau:
1- Quy định tại điểm a khoản 1 Điều 18 Quyết định về đặc xá năm 2021 là quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá và đã được quy định chi tiết tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 52/2019/NĐ-CP ngày 14-6-2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá (sau đây gọi là Nghị định số 52).
Theo điểm c khoản 1 Điều 18 Nghị định số 133/2020/NĐ-CP ngày 9-11-2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi hành án hình sự thì xếp loại chấp hành án phạt tù quý II vào ngày 25 tháng 5. Do đó, ngoài các quý đã đủ thời gian xếp loại trong thời gian chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt thì thời gian tiếp theo từ ngày 26 tháng 5 năm 2021 đến ngày trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện họp xét, đề nghị đặc xá, phạm nhân được xét, đề nghị đặc xá phải được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện nhận xét, đánh giá kết quả xếp loại chấp hành án phạt tù từ khá trở lên.
Đối với phạm nhân được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù hoặc bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đã trở lại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện để tiếp tục chấp hành án, ngoài các quý đã đủ thời gian xếp loại trong thời gian chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt còn phải được uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú, đơn vị quân đội được giao quản lý trong thời gian được tạm đình chỉ hoặc cơ sở y tế điều trị trong thời gian bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh xác nhận là trong thời gian được tạm đình chỉ hoặc bị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh đã chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật.
2- Thời gian đã chấp hành án phạt tù là thời gian bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù trong trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, không kể thời gian được tại ngoại, được hoãn, tạm đình chỉ và thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù. Thời gian bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án cũng được tính vào thời gian đã chấp hành án phạt tù.
Thời gian được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù được tính để trừ vào phần thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại.
Ví dụ: Nguyễn Văn A bị kết án 15 năm tù, bị bắt ngày 31-8-2011, tính đến ngày 31-8-2021, Nguyễn Văn A đã thực sự chấp hành được 10 năm, đã được giảm thời hạn chấp hành án phạt tù 03 lần, tổng cộng là 02 năm, thì thời hạn chấp hành án phạt tù còn lại là 03 năm.
3- Đối với quy định về thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác:
+ Phạm nhân hoặc người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù chưa chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền hoặc nộp án phí nhưng được tòa án quyết định miễn hình phạt tiền, miễn nộp án phí thì cũng đủ điều kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021.
+ Phạm nhân hoặc người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021 là một trong các trường hợp được quy định tại Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 52. Ngoài ra, một số trường hợp sau cũng được coi là đã thi hành xong bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác:
- Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì phải thực hiện xong hoàn toàn nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của tòa án hoặc đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng một lần, được uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận. Nếu mới thực hiện được một phần nghĩa vụ cấp dưỡng hoặc chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng có thỏa thuận, xác nhận của đại diện hợp pháp của người bị hại hoặc của người được nhận cấp dưỡng về việc không phải tiếp tục thực hiện hoặc không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của tòa án và được uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự đang thụ lý vụ việc đó xác nhận.
- Trường hợp khi phạm tội là người dưới 18 tuổi quy định tại Điểm d Khoản 3 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021 mà trong bản án, quyết định của tòa án giao trách nhiệm thi hành bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác cho bố, mẹ hoặc người giám hộ thì phải có tài liệu chứng minh bố, mẹ hoặc người giám hộ đã thi hành xong bồi thường thiệt hại hoặc nghĩa vụ dân sự khác, được uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc cơ quan thi hành án dân sự thụ lý vụ việc xác nhận.
+ Trường hợp người bị kết án phạt tù đã thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng do lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021 là trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 52.
4- Trường hợp đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, đang mắc bệnh hiểm nghèo, đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại Khoản 3 Điều 3 Quyết định về đặc xá năm 2021 là các trường hợp được quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Khoản 7 Điều 4 Nghị định số 52.
Các trường hợp không được đề nghị đặc xá
Để thực hiện đúng quy định tại Điều 4 Quyết định về đặc xá năm 2021 (các trường hợp không được đề nghị đặc xá), Hội đồng Tư vấn đặc xá hướng dẫn cụ thể một số nội dung như sau:
Căn cứ xác định các trường hợp quy định tại Khoản 8 Điều 4 Quyết định về đặc xá năm 2021 là các điểm, khoản, điều trong Bộ luật Hình sự mà Tòa án áp dụng khi quyết định hình phạt.
Đối với trường hợp cướp tài sản có sử dụng vũ khí quy định tại Khoản 8 Điều 4 Quyết định về đặc xá năm 2021, ngoài căn cứ nêu trên còn căn cứ vào quy định tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ để xác định vật mà người phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội có phải là vũ khí hay không. Đối với trường hợp cướp tài sản nhiều lần, cướp giật tài sản nhiều lần, trộm cắp tài sản nhiều lần (từ 2 lần trở lên) quy định tại khoản 8 Điều 4 Quyết định về đặc xá năm 2021:
Căn cứ để xác định phạm tội nhiều lần là số lần phạm tội thể hiện trong bản án và mỗi lần phạm tội đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng một bản án hoặc phần quyết định của bản án có áp dụng Điểm g Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc Điểm g Khoản 1 Điều 52 Bộ Luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Những trường hợp đang phải chấp hành hình phạt tổng hợp của nhiều bản án về cùng một tội danh mà trong mỗi bản án chỉ thể hiện phạm tội một lần thì vẫn là trường hợp phạm tội nhiều lần.
Căn cứ khẳng định đã sử dụng trái phép các chất ma túy đối với trường hợp quy định tại Khoản 12 Điều 4 Quyết định về đặc xá năm 2021 là các tài liệu có trong hồ sơ phạm nhân như: Bản án; cáo trạng; các tài liệu của cơ quan điều tra; kết quả xét nghiệm của cơ quan y tế cấp huyện trở lên; bản tự khai của phạm nhân có ghi rõ thời gian, số lần đã sử dụng chất ma túy... hoặc phiếu khám sức khỏe của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện có chữ ký (hoặc điểm chỉ) của phạm nhân thừa nhận là đã sử dụng trái phép các chất ma túy.
Nguyễn Văn Lương
Khoa Cảnh sát cơ động, đặc nhiệm - Trường Cao đẳng Cảnh sát Nhân dân 1