|
Ảnh minh hoạ.
|
Nỗ lực phòng, chống bạo lực mạng
Nhà nước, các tổ chức xã hội ở Việt Nam đã sớm quan tâm tới việc phòng, chống bạo lực mạng và đã có những nỗ lực ban đầu, trong đó tập trung nhất vào việc bảo vệ trẻ em - đối tượng dễ tổn thương nhất trước vấn nạn này.
Từ năm 2020 đến nay, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an đã phối hợp chặt chẽ để xử lý các vấn đề ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em trên môi trường mạng; với phương châm xử lý kịp thời, kiên quyết các hành vi vi phạm, đặc biệt đối với việc đưa thông tin xấu, độc trên mạng xã hội Facebook, Youtube.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ số, nội dung trên môi trường mạng thực hiện nghiêm qui định pháp luật Việt Nam về bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, chặn lọc, gỡ bỏ nội dung không phù hợp với trẻ em trên nền tảng mạng xã hội.
Ngày 1-6-2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng. Theo đó, các cơ quan chức năng đã xây dựng, tích hợp các kênh thông báo trực tuyến các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng với Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111. Tổng đài này đã tiếp nhận, xử lý, phân tích, tư vấn, hỗ trợ tâm lý, đồng thời phát hiện, kết nối tới mạng lưới ứng cứu và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và có văn bản đề nghị xác minh, xử lý các trường hợp xâm hại, nghi ngờ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Về pháp luật, mặc dù Việt Nam chưa có văn bản pháp luật qui định trực tiếp về vấn đề bạo lực mạng nhưng đã có một số qui định pháp luật có liên quan đến vấn đề này. Ví dụ, Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp 2013 ghi rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình; thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn.” Như vậy, danh dự, nhân phẩm, đời sống riêng tư của mỗi con người (vốn là mục tiêu tấn công của những hành vi bạo lực mạng) là những đối tượng được bảo vệ bởi văn bản pháp lý cao nhất là Hiến pháp. Cụ thể hóa điều này đối với môi trường mạng, Khoản 3 Điều 16 Luật An ninh mạng 2018 nghiêm cấm người dùng mạng đưa những thông tin mà: “a) Xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”. Khoản 6, 7, 8, 9 đặt ra trách nhiệm xử lý, phối hợp, gỡ bỏ các thông tin như vậy với tất cả các chủ thể liên quan bao gồm: chủ quản hệ thống thông tin, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng, nhà cung cấp dịch vụ mạng và tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin. Qui định này có tác dụng trực tiếp trong việc loại bỏ, ngăn ngừa sự lan truyền các thông tin có tính chất bạo lực mạng trên in-tơ-nét.
Những thách thức hiện hữu
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và kết quả ban đầu trong phòng, chống bạo lực mạng nhưng cuộc đấu tranh với vấn nạn này ở Việt Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Về khung khổ pháp luật. Mặc dù đã có những qui định pháp luật có tác dụng xử lý hành vi bạo lực mạng, song nội dung những qui định này hiện chưa bao quát được mọi hành vi bạo lực mạng. Trong khi đó, chưa có qui định về khái niệm bạo lực mạng nên việc xác định và xử lý loại hành vi này gặp khó khăn. Theo pháp luật hiện hành thì chỉ các hành vi lan truyền thông tin sai sự thật mà xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân, mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi thế nào là “nghiêm trọng” thì chưa được qui định rõ.
Ngoài ra, hành vi bạo lực mạng không chỉ thể hiện qua hình thức lan truyền thông tin sai sự thật, mà còn qua hình thức lan truyền thông tin đúng sự thật nhưng theo hướng cố tình làm tổn hại đến nhân phẩm của người khác. Do đó, với các qui định pháp luật hiện hành thì rất khó xử lý hình sự đối với các hành động bạo lực mạng phổ biến như bình luận ác ý, status chứa nội dung phỉ báng hay tin nhắn đe dọa... Ngoài ra, mức phạt hành chính cho hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm còn chưa thích hợp, thiếu tính răn đe. Theo qui định tại điểm a Khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31-12-2021 thì hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác chỉ bị xử phạt 2-3 triệu đồng.
Các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống bạo lực mạng cũng còn hạn chế. Giải pháp này phụ thuộc nhiều vào chính sách của các nhà cung cấp, công ty quản lý nền tảng mạng xã hội nước ngoài Facebook, Google. Đặc biệt, Việt Nam chưa xử lý được vấn nạn tài khoản ảo trên các nền tảng trực tuyến, vốn là một công cụ phổ biến để thực hiện bạo lực mạng. Người dùng hiện vẫn có thể lập được một tài khoản mạng xã hội hay nhiều loại tài khoản trên các nền tảng khác dễ dàng mà không cần cung cấp các thông tin có tính định danh hoặc có thể cung cấp thông tin giả - tài khoản ảo. Đối tượng xấu có thể sử dụng tài khoản ảo để xúc phạm người khác, bắt nạt trực tuyến, tung tin giả mà không sợ bị phát hiện ra danh tính thật
Về mặt xã hội: Mặc dù nhận thức về bạo lực mạng đã dần được nâng cao hơn nhờ sự công tác tuyên truyền, giáo dục nhưng sự thay đổi tích cực đó hiện mới chỉ mang tính cục bộ ở các đô thị lớn. Ở phần lớn các địa phương, đặc biệt vùng nông thôn, nhận thức của người dân về phòng, chống bạo lực mạng còn rất hạn chế.
Ngoài ra, các chương trình, hoạt động giáo dục về bạo lực mạng mới chủ yếu hướng về đối tượng là trẻ em, học sinh, sinh viên, chưa quan tâm đúng mức đến người trưởng thành vốn cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ bạo lực mạng. Đối với việc hỗ trợ nạn nhân, Việt Nam hiện rất thiếu các cơ sở điều trị về tâm lý, kể cả ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó, các phòng tham vấn tâm lý tại các trường học thì hoạt động thiếu hiệu quả, mang tính hình thức. Hệ thống bệnh viện có rất ít khoa tâm lý và chuyên gia tâm lý. Do đó, các nạn nhân bị tổn thương tâm lý do bạo lực mạng rất khó tìm được sự trợ giúp hiệu quả để chữa trị và hồi phục.
Tăng cường phòng, chống bạo lực mạng ở Việt Nam
Từ thực trạng đề cập ở trên và tham chiếu kinh nghiệm của một số quốc gia đã nêu ở bài viết thứ hai, có thể triển khai một số giải pháp nâng cao hiệu quả phòng, chống bạo lực mạng nhằm bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.
Thứ nhất, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp luật nhằm qui định toàn diện và chặt chẽ hơn về các hành vi bạo lực mạng cũng như cách thức xử lý, chế tài với những hành vi bạo lực mạng. Cũng cần xây dựng một định nghĩa về bạo lực mạng mà đảm bảo sự toàn diện, bao quát được hành vi bạo lực mạng, qua đó có thể phân biệt rõ hành vi này với các hành vi khác có tính chất tương tự, tạo cơ sở để nhận diện và xử lý. Các qui định bổ sung về bạo lực mạng nên được lồng ghép vào các văn bản pháp luật hiện hành như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin… không nhất thiết phải xây dựng thành một đạo luật riêng.
Thứ hai, cần có qui định nghiêm ngặt hơn trong việc truy cứu trách nhiệm, xử phạt các hành vi bạo lực mạng. Về điều này, Việt Nam có thể tham khảo qui định tại Điều 307 của Bộ luật Hình sự Hàn Quốc về tội phỉ báng, theo đó: “Người phỉ báng người khác bằng cách công khai thông tin có thật để làm tổn hại danh dự nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tù hoặc phạt tù không quá hai năm hoặc phạt tiền không quá năm triệu won. Người phỉ báng người khác bằng cách công khai đưa ra thông tin sai sự thật để làm tổn hại danh dự nhân phẩm của người khác sẽ bị phạt tù không quá 5 năm, bị đình chỉ bằng cấp không quá 10 năm hoặc phạt tiền không quá 10 triệu won”.
Như vậy, theo luật của Hàn Quốc, chỉ cần có hành vi phỉ báng, xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác là có thể bị xử lý hình sự, bất kể mức độ hậu quả ra sao. Điều này sẽ khắc phục hạn chế trong pháp luật hiện hành của Việt Nam liên quan đến việc xác định độ “nghiêm trọng” của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đồng thời mang tính răn đe cao hơn.
Thứ ba, Nhà nước cần phối hợp với các nhà mạng, các công ty quản lý các nền tảng mạng xã hội thực hiện định danh bắt buộc đối với các tài khoản mạng xã hội, như kinh nghiệm của Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện nay, người dùng trên mọi nền tảng mạng xã hội ở Trung Quốc đều phải đăng ký tài khoản bằng danh tính thật, bao gồm tên tuổi, số ID do Nhà nước cấp, số điện thoại di động. Năm 2007, Hàn Quốc cũng thi hành luật về tên thật trên mạng xã hội, yêu cầu mọi người dùng xác minh danh tính bằng cách nộp mã số đăng ký công dân (RRN) cho nhà cung cấp dịch vụ in-tơ-nét.
Thứ tư, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục về bạo lực mạng tới mọi người dân. Nội dung tuyên truyền, giáo dục phải thực sự toàn diện, từ biểu hiện của bạo lực mạng cho đến cách phòng tránh, đối phó, từ hậu quả của hành vi bạo lực mạng đến cách thức hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân.
Thứ năm, cần đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào việc xây dựng hệ thống các cơ sở điều trị tâm lý, đảm bảo sự hiện diện với mật độ đủ lớn ở cả thành thị lẫn nông thôn, để giúp cho các nạn nhân của bạo lực mạng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận sự điều trị tâm lý, chữa lành những tổn thương về mặt tinh thần và quay lại cuộc sống bình thường, tránh việc để cho những tổn thương này trở nên nghiêm trọng và bùng phát thành các hành động cực đoan như tự sát.
Việt Nam nên tham khảo kinh nghiệm tốt của một số quốc gia khác để củng cố tất cả các giải pháp phòng, chống bạo lực mạng, bao gồm các giải pháp pháp lý, kỹ thuật và xã hội. Trong số các biện pháp đó, cần chú trọng hoàn thiện khung khổ pháp luật theo hướng qui định chặt chẽ và trừng trị nghiêm khắc hơn những hành vi bạo lực mạng để răn đe những đối tượng vi phạm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến để loại bỏ, ngăn chặn những nội dung bạo lực mạng, cũng như có các cơ chế, biện pháp hiệu quả để hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân của bạo lực mạng.
Bùi Văn Duy - Phan Thị Hồng Nhung - PGS, TS. Vũ Công Giao