Tư tưởng xuyên suốt "Con người là trung tâm của sự phát triển"
Trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viện dẫn bản “Tuyên ngôn Độc lập” năm 1776 của Mỹ và bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” năm 1791 của Cách mạng Pháp: “Tất cả mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”; “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Người khẳng định: “Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Từ việc đề cập đến quyền con người như một sự tất yếu của tạo hóa, không ai có thể xâm phạm được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát triển sáng tạo, đưa ra một luận đề không thể bác bỏ về quyền của các dân tộc, mối quan hệ không thể tách rời giữa quyền con người và quyền dân tộc.
Tiếp nối quan điểm nhất quán của Đảng về mục tiêu phát triển con người, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh “an ninh con người”, thể hiện tư duy mới trong bảo vệ an ninh quốc gia, vừa đảm bảo các quyền con người, vừa mang lại môi trường, cuộc sống an toàn cho mọi người dân. Văn kiện Đại hội XIII khẳng định: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Tại Đại hội XIII, Đảng tiếp tục nhấn mạnh về phát triển quyền con người một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn và chính xác hơn. Báo cáo Chính trị Đại hội XIII bổ sung ưu tiên “Phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở chú trọng nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, tinh thần đoàn kết, tự hào dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Có thể thấy, từ nhận thức đến chủ trương, chiến lược, quan điểm chỉ đạo về xây dựng và phát triển con người là một dòng chảy liên tục, xuyên suốt trong các văn kiện và các đại hội của Đảng, từ ngày Đảng ta ra đời đến nay.
Bước phát triển mới trong tư duy quyền con người
Để “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”, Đại hội XII đã đề ra một số mục tiêu cơ bản, cốt lõi, có thể coi là bước phát triển mới về quyền con người, trong chiến lược xây dựng và phát triển con người Việt Nam giai đoạn mới, phù hợp với nền văn hoá Việt Nam ngày càng hiện đại, tiếp thu các nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đó là:
Một là, lấy con người làm trung tâm và phát triển con người toàn diện. Để đưa Nghị quyết Đại hội vào cuộc sống, không thể không dựa vào dân, lấy dân làm gốc. “Chở thuyền là dân mà lật thuyền cũng là dân”; “dân vi bản”, chỉ có thể dựa vào dân thì mới có sức mạnh tổng hợp, mới phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Ngược lại, không thể bồi dưỡng, phát huy sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài nếu không “đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bên cạnh đó, lấy mục tiêu phát triển con người toàn diện thì phải xuất phát từ con người và “lấy con người làm trung tâm”. Nhưng nếu không bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, thì người dân sẽ không có điều kiện, cơ hội, không thể chủ động, tích cực tham gia vào các công việc nhà nước và xã hội với tư cách là người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội. Trong các kỳ Đại hội, Đảng ta luôn xem xét, giải quyết hài hòa, đúng đắn và thấu đáo mối quan hệ giữa quyền dân tộc - quốc gia với quyền của các cộng đồng dân tộc anh em và các giai tầng xã hội. Quan điểm chỉ đạo của Đại hội XIII là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” chính là sự tiếp nối và bước phát triển mới về quyền con người, quyền công dân.
“Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...”, chính là bước phát triển mới về quyền con người theo Đại hội XIII của Đảng. Đây cũng sẽ là quan điểm nhất quán của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong nỗ lực xây dựng xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, hiện thực hóa khát vọng trở thanh nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. |
Hai là, người dân phải luôn luôn ý thức gắn quyền với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Đối với mọi người dân, quyền lợi phải luôn đi đôi với nghĩa vụ - điều này không chỉ riêng ở Việt Nam, mà còn ở nhiều quốc gia khác. Theo Hiến pháp năm 2013, người dân được tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Do vậy, Đại hội XIII nhấn mạnh: “Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện thể chế thực hành dân chủ... bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”. Quyền lực của nhân dân trong điều kiện thể chế Nhà nước pháp quyền XHCN không chỉ là làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mà còn có vai trò quản lý xã hội theo quan điểm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Vì vậy, chúng ta không chỉ chú trọng xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của Nhà nước, mà còn phải đồng thời coi trọng đến việc xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp quyền của con người, của công dân với sự bình đẳng với thể chế pháp quyền của Nhà nước. Đó là “hai trong một” trong xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN. Có nghĩa là, nói đến pháp quyền XHCN không thể chỉ nói đến thể chế pháp quyền bộ máy nhà nước, mà phải có thể chế pháp quyền của con người.
Ba là, mọi hoạt động tư pháp phải bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người và quyền công dân. Đó chính là làm cho người dân luôn ý thức gắn quyền với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Đại hội XIII cũng chỉ rõ: Cần tiếp tục đổi mới tổ chức, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của các cơ quan pháp luật, giải quyết kịp thời những vụ việc, các loại tranh chấp, khiếu kiện theo luật định; phòng ngừa và đấu tranh có hiệu quả với hoạt động của tội phạm và vi phạm pháp luật. Người dân và các cấp chính quyền đối thoại chân thành, cởi mở, khách quan, minh bạch nhằm nâng cao sự thấu hiểu lẫn nhau, thu hẹp bất đồng (nếu có). Trong quan hệ quốc tế, tích cực chuyển từ tham dự sang chủ động tham gia đóng góp hoặc tham gia kiến tạo thể chế hợp tác quốc tế trên lĩnh vực quyền con người vốn có nhiều khác biệt về quan điểm giữa các quốc gia.
Bốn là, chủ trương đẩy mạnh đối thoại, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người nhằm bảo vệ nền tảng tư tưởng và chế độ XHCN. Đại hội khẳng định, “...Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên in-tơ-nét và mạng xã hội”. Trong điều kiện đảng cầm quyền, mục tiêu và bản chất của đấu tranh và đối thoại trên lĩnh vực quyền con người, trước tiên và chủ yếu là nhằm thực hiện, phát huy nền dân chủ XHCN trong nhân dân. Từ đó cảm hóa, cô lập, làm thất bại hoàn toàn các âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động; kiên quyết làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn sử dụng dân chủ, nhân quyền như một công cụ chống phá chế độ chính trị - xã hội ở nước ta.
Năm là, quyền con người phải được gắn với quyền phát triển phồn vinh, hạnh phúc của dân tộc. Văn kiện Đại hội XIII đã đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước. Trong điều kiện xã hội nhiều thành phần kinh tế, khu vực kinh tế; hội nhập quốc tế sâu rộng, phân hóa giàu nghèo, phân hóa xã hội theo cơ chế thị trường như hiện nay thì mọi chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước phải hướng về đại đa số người dân; lôi cuốn và huy động được sự tham gia chủ động, tích cực, đông đảo của người dân, với tinh thần bảo đảm công khai, minh bạch trong triển khai, thực hiện. Đảng và Nhà nước cần tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ những quyền mới phát sinh trong bảo đảm quyền lực của nhân dân. Đó là quyền an ninh, an toàn thông tin mạng, quyền mua bán, kinh doanh trên nền tảng in-tơ-nét, quyền giáo dục, sinh hoạt tôn giáo, văn hóa trực tuyến, quyền bí mật đời tư, quyền về thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ em, quyền của những người lao động di cư... Mục đích là làm cho người dân luôn theo kịp sự phát triển của đất nước - dân tộc, ngược lại trong sự phát triển của đất nước, người dân luôn song hành và là lực lượng tham gia chủ động, tích cực nhất.
Sáu là, an ninh con người, an ninh quốc gia phải gắn với quyền con người. An ninh quốc gia bao gồm: an ninh kinh tế, an ninh năng lượng, an ninh môi trường, an ninh lương thực, an ninh con người, trật tự an toàn xã hội... Đại hội XIII khẳng định: “Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân”; “giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, an ninh con người, an ninh kinh tế, an ninh mạng...”. Triển khai thực hiện những chủ trương này, chính là thúc đẩy tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ con người, gắn với quyền con người và an ninh quốc gia.
Bảy là, coi trọng công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài. Người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Đảng ta chủ trương: “Hỗ trợ để người Việt Nam ở nước ngoài có địa vị pháp lý vững chắc, phát triển kinh tế và đời sống, hòa nhập xã hội nước sở tại. Nâng cao hiệu quả, quản lý lao động, du học sinh...”. Việc tăng cường công tác bảo hộ công dân và công tác người Việt Nam ở nước ngoài nhằm bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của họ, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với công dân, góp phần nâng cao vị thế chính trị, uy tín của đất nước ta; động viên, khuyến khích ngày càng nhiều sự đóng góp có hiệu quả của đồng bào ở xa Tổ quốc vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là: "Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân". |
Lê Quý Hoàng