Quyền sống trong môi trường trong lành và gợi mở với Việt Nam
Ảnh minh hoạ. Ảnh: laodong.vn

Ảnh minh hoạ. Ảnh: laodong.vn

Pháp luật một số quốc gia trên thế giới

Năm 1976, Bồ Đào Nha trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành vào hiến pháp. Kể từ đó đến nay, quyền này đã dần được công nhận tại phần lớn các quốc gia trên thế giới như là một quyền cơ bản. Không chỉ ghi nhận, các quốc gia đều đã và đang nỗ lực xây dựng khung pháp lý để bảo vệ quyền con người quan trọng này.

Trong đó điển hình là Vương Quốc Anh và Trung Quốc. Cả hai nước này đều từng phải gánh chịu sự ô nhiễm nặng nề do quá trình công nghiệp hóa, phát triển kinh tế và đã đạt được những thành tựu đáng kể trong cải thiện chất lượng môi trường nhờ những biện pháp hiệu quả, trong đó có việc xây dựng khung pháp lý chặt chẽ nhằm bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân.

Vương quốc Anh có bộ luật và chính sách riêng về môi trường. Luật Bảo vệ Môi trường năm 1990 là đạo luật đầu tiên nhằm bảo vệ quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân. Luật này cung cấp khung toàn diện để kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, bao gồm các lĩnh vực như quản lý chất thải, chất lượng không khí và các nguồn ô nhiễm khác theo quy định của pháp luật.

Luật này thiết lập cách tiếp cận tích hợp để kiểm soát ô nhiễm qua việc yêu cầu các quy trình công nghiệp nhất định phải xin giấy phép và tuân thủ các điều kiện nhằm giảm thiểu khí thải vào không khí, nước và đất; đặt ra các quy định về việc xác định, đánh giá và khắc phục đất bị ô nhiễm để ngăn ngừa tác hại đến sức khỏe con người và môi trường. Cho đến nay, đạo luật này vẫn là “xương sống” của hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường tại Vương Quốc Anh.

Luật Môi trường năm 2021 được ban hành vào tháng 9-2021, là một phần của khung pháp lý mới về bảo vệ môi trường sau khi nước này không còn tuân theo luật của EU sau sự kiện Brexit. Luật bao gồm các biện pháp để giảm thiểu chất thải, tăng tỷ lệ tái chế và thúc đẩy hiệu quả sử dụng tài nguyên, nhằm giảm ô nhiễm từ chất thải; khuyến khích nền kinh tế tuần hoàn, thực hiện các hạn chế đối với nhựa sử dụng một lần và thúc đẩy các giải pháp thay thế để giảm thiểu chất thải nhựa và tác động của nó đối với môi trường; tăng cường các quy định để ngăn chặn ô nhiễm nước; thành lập Văn phòng bảo vệ môi trường nhằm giám sát việc thực hiện luật môi trường và điều tra các vi phạm tiềm ẩn của luật môi trường bởi các cơ quan công quyền để thực hiện các biện pháp cưỡng chế nếu cần thiết.

Ngoài ra, Vương Quốc Anh còn có Luật không khí sạch năm 1993 hay Bản kế hoạch 25 năm về môi trường năm 2018. Nhìn chung, Vương quốc Anh có một khung pháp lý và chính sách vững chắc để bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành với trọng tâm là tính bền vững môi trường dài hạn, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của công chúng.

Trung Quốc thiết lập các luật, chính sách và quy định nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường. Trung Quốc không trực tiếp ghi nhận quyền được sống trong môi trường trong lành trong hiến pháp nhưng tại điều 26 Hiến pháp hiện hành nước này có quy định trách nhiệm của nhà nước là “bảo vệ và cải thiện môi trường sống và môi trường sinh thái, phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm và các mối nguy hại công cộng khác”.

Nền tảng, khung pháp lý chính của Trung Quốc là Luật Bảo vệ Môi trường năm 1989, sửa đổi bổ sung 2014. Luật này quy định công dân có quyền được tiếp cận thông tin về môi trường, tham gia và giám sát các nỗ lực bảo vệ môi trường, cũng như báo cáo và khởi kiện các hành vi gây ô nhiễm (Điều 6); quy định mọi tổ chức và cá nhân có trách nhiệm bảo vệ môi trường; chính quyền địa phương các cấp chịu trách nhiệm về chất lượng môi trường trong khu vực của mình (Điều 7).

Để kiểm soát ô nhiễm, Luật quy định các doanh nghiệp và tổ chức xả thải phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc gia và địa phương, thực hiện các biện pháp ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm (Điều 15); quy định bắt buộc đánh giá tác động môi trường (EIA) cho các dự án có thể ảnh hưởng đến môi trường (Điều 18); bắt buộc chính phủ phải công bố thông tin về chất lượng môi trường và báo cáo định kỳ về tình trạng môi trường (Điều 26); đưa ra các hình phạt nghiêm khắc đối với vi phạm pháp luật và quy định về môi trường để tăng cường sự tuân thủ và bảo vệ pháp luật môi trường.

Ngoài ra Trung Quốc còn có Luật Phòng chống và Kiểm soát Ô nhiễm nguồn nước tập trung vào việc ngăn chặn và kiểm soát ô nhiễm nguồn nước, bảo vệ tài nguyên nước, và bảo đảm an toàn cho nước uống hay Luật Phòng chống và Kiểm soát ô nhiễm đất (2019) giải quyết việc ngăn chặn và khắc phục ô nhiễm đất, nhằm bảo vệ chất lượng đất và năng suất nông nghiệp. Tất cả giúp định hình nên một khung pháp lý toàn diện giúp bảo vệ một cách hiệu quả quyền được sống trong môi trường trong lành của người dân Trung Quốc.

Qui định trong pháp luật Việt Nam

Quyền được sống trong môi trường trong lành được ghi nhận trực tiếp trong Hiến pháp Việt Nam năm 2013, tại Điều 43 “Mọi người đều có quyền sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường”. Đây là nội dung đặc biệt quan trọng và tiến bộ bởi việc ghi nhận quyền này vào Hiến pháp sẽ giúp nó có giá trị thực thi cao hơn. Ngay cả Vương Quốc Anh và Trung Quốc cũng chưa ghi nhận trực tiếp quyền này trong Hiến pháp. LHQ phải đến năm 2022 mới chính thức công nhận.

Cụ thể hoá Điều 43 của Hiến pháp, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra các qui định chi tiết nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành. Luật xác định bảo vệ môi trường là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân, và phát triển kinh tế phải hài hòa với bảo vệ môi trường. Người dân có quyền sống trong môi trường trong lành, được tiếp cận thông tin về môi trường, tham gia ý kiến vào quá trình lập kế hoạch và dự án phát triển; giám sát việc tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường. Luật yêu cầu các dự án phát triển phải thực hiện đánh giá tác động môi trường để ngăn ngừa và giảm thiểu tác động tiêu cực; quy định trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc quản lý, giám sát bảo vệ môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường không khí, nước và đất, và đưa ra các biện pháp bảo vệ, cải thiện môi trường sống.

Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 45/2022/NĐ-CP qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường…, quy định chi tiết hơn về các tiêu chuẩn môi trường, trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Mặc dù quyền được sống trong môi trường trong lành đã được xác định là quyền hiến định và có hệ thống khung pháp lý cụ thể để bảo đảm cho quyền này nhưng nhìn nhận một cách chi tiết thì quy định của pháp luật Việt Nam về quyền được sống trong môi trường trong lành vẫn còn một số hạn chế lớn cần khắc phục: nhiều quy định về bảo vệ môi trường còn mang tính chung chung, thiếu chi tiết và sự hướng dẫn cụ thể, dẫn đến khó khăn trong việc áp dụng vào thực tiễn; quy định về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa đủ sức răn đe; quy định về đánh giá tác động môi trường còn chưa đầy đủ như chưa hướng dẫn cụ thể và chi tiết về quy trình thực hiện đánh giá dẫn đến tình trạng một số dự án thực hiện đánh giá tác động môi trường không đầy đủ; chưa có quy định về cơ quan chuyên trách công tác bảo vệ môi trường mà nằm rải rác ở nhiều bộ, ngành khác nhau... Sự bất cập trên dẫn đến hoạt động quản lý bảo vệ môi trường không được thực hiệu quả và quyền được sống trong môi trường trong lành của mọi người sẽ không được bảo đảm một cách tốt nhất.

Để nâng cao chất lượng khung pháp lý nhằm bảo đảm quyền được sống trong môi trường trong lành một cách tốt hơn nữa, cần:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, bao gồm Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn thi hành bằng việc Ban hành các quy định cụ thể và rõ ràng, chi tiết, ví dụ như quy định về tiêu chuẩn chất lượng môi trường, từ đó tạo thuận lợi cho việc thực thi cũng như xử lý vi phạm.

Thứ hai, điều chỉnh tăng mức tiền phạt đối với các hành vi vi phạm môi trường, bảo đảm mức phạt đủ mạnh để răn đe bất kể đối tượng vi phạm là ai. Cụ thể, nâng trần mức phạt hành chính tối đa và áp dụng cơ chế tăng tiền phạt theo ngày đối với các trường hợp chậm trễ trong nộp phạt và khắc phục hậu quả theo kinh nghiệm của Luật bảo vệ môi trường Trung Quốc.

Thứ ba, bảo đảm quy trình đánh giá tác động môi trường được quy định chi tiết, cụ thể từ khâu lập kế hoạch, thực hiện, thẩm định, phê duyệt và giám sát; quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia lập báo cáo đánh giá và thiết lập cơ chế giám sát liên tục.

Cuối cùng, bổ sung quy định về cơ quan chuyên trách công tác bảo vệ môi trường trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản hướng dẫn. Về nội dung này, Việt Nam có thể cân nhắc áp dụng mô hình của Vương Quốc Anh. Điều này sẽ giúp cho công tác bảo vệ môi trường được tiến hành một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hiến pháp Việt Nam năm 2013.

2. Luật Bảo vệ môi trường Việt Nam năm 2020.

3. Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10-1-2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

4. Nghị định 45/2022/NĐ-CP ngày 07-7-2022 qui định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

5. Thông tư 02/2022/TT-BTNMT ngày 10-1-2022 hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường.

6. Luật Bảo vệ Môi trường (Environmental Protection Act) năm 1990 của Vương Quốc Anh.

Link truy cập: https://www.legislation.gov.uk/ukpga/1990/43/contents  (Truy cập ngày 25-7-2024)

7. Luật Môi trường (Environment Act) năm 2021 của Vương Quốc Anh.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất