|
Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại cộng đồng. Ảnh: cand.vn
|
Diễn biến tội phạm mua bán người
Tội phạm mua bán người, một trong những loại tội phạm xâm hại nghiêm trọng nhất đến quyền con người, là một vấn đề nóng toàn cầu, được mô tả như “nô lệ thời hiện đại”. Nạn nhân của tội phạm này thường bị bóc lột tình dục, lao động cưỡng bức, lừa đảo...
Tình hình tội phạm mua bán người đang diễn biến phức tạp trên thế giới cũng như Việt Nam. Trong nhiều vụ việc, nạn nhân bị mua bán ra nước ngoài, bị khống chế, bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động, lừa đảo, cưỡng đoạt, cướp tài sản, có trường hợp dẫn đến chết người, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo thống kê của Bộ Công an, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn quốc phát hiện, điều tra 35 vụ mua bán người/78 đối tượng, 103 nạn nhân.
Với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, qua thống kê của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong 10 năm (từ 2014 đến 2023), tình hình tội phạm mua bán người có xu hướng giảm đáng kể về số lượng vụ mua bán người, số đối tượng và số nạn nhân qua các năm, đặc biệt từ năm 2018 trở đi. Tỉ lệ trung bình của tội phạm mua bán người giai đoạn 2014-2023 (khoảng 240 vụ/380 đối tượng/570 nạn nhân/1 năm) so với giai đoạn 2011-2013 (khoảng 480 vụ/720 đối tượng/890 nạn nhân/1 năm), giảm gần một nửa.
Về phương thức, thủ đoạn: Phương thức, thủ đoạn của tội phạm này tinh vi và biến đổi khó lường. Thông qua hứa hẹn việc làm “nhẹ nhàng”, thu nhập cao ở các quốc gia như Trung Quốc, Căm-pu-chia, Đài Loan, Lào… để tìm kiếm phụ nữ có thai nhưng không có nhu cầu nuôi con hoặc có hoàn cảnh kinh tế khó khăn để xin, mua lại trẻ mới sinh, chuẩn bị sinh rồi bán đi với danh nghĩa cho nhận con nuôi; môi giới hôn nhân với người nước ngoài để dụ dỗ những cô gái trẻ, cả tin; giả danh cán bộ nhà nước làm quen, giả vờ hẹn hò yêu đương, rủ đi chơi hoặc khống chế, đe dọa nạn nhân; tiếp cận phụ nữ, học sinh, nhất là ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, rủ đi chơi, du lịch, làm thuê với thu nhập cao để lừa bán hoặc bóc lột nạn nhân; mua tạng của những người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn rồi bán lại với giá cao; tổ chức đưa người ra nước ngoài dưới dạng du lịch, thăm thân, lao động sau đó thu giữ giấy tờ, hộ chiếu, không làm các thủ tục cư trú, bóc lột, cưỡng bức và lạm dụng tình dục nạn nhân...
Gần đây, xuất hiện một số đường dây do đối tượng người Việt Nam chủ mưu, cầm đầu mua bán người nước ngoài qua Việt Nam đi nước thứ ba. Chúng triệt để lợi dụng các nền tảng mạng xã hội, ứng dụng in-tơ-nét như Zalo, Facebook để tiếp cận, dụ dỗ, lừa gạt, ép buộc nạn nhân.
Về đối tượng phạm tội: Chủ yếu là các đối tượng lưu manh, chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về tội mua bán người. Các đối tượng người nước ngoài thường thông qua các công ty kinh doanh, du lịch, móc nối, câu kết với “cò mồi”, môi giới người Việt Nam, hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Một số đối tượng từng là nạn nhân hoặc lấy chồng người nước ngoài khi quay trở về Việt Nam đã dụ dỗ, lừa bán người khác để kiếm lợi; chúng còn lừa bán hàng xóm, bạn bè, thậm chí là người thân trong gia đình.
Về địa bàn phạm tội: Mua bán người là loại tội phạm có “độ ẩn” cao, có khả năng xảy ra trên tất cả các địa bàn, khu vực trên cả nước (nếu không phải là địa bàn xuất phát tội phạm nguồn thì cũng là địa bàn trung chuyển mua bán người).
Theo thống kê, tội phạm mua bán người tập trung nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nhất là các tỉnh có biên giới tiếp giáp với Trung Quốc. Gần đây, do ảnh hưởng của việc Trung Quốc xây dựng hàng rào ở khu vực biên giới, tội phạm này có xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên và khu vực phía Nam.
Đẩy mạnh công tác phòng ngừa, điều tra, truy tố
Trước sự nguy hiểm khó lường của loại tội phạm này, Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp, nỗ lực trong phòng, chống tội phạm mua bán người và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Việt Nam đã sớm ký kết, tham gia các công ước, nghị định thư của Liên hiệp quốc; thỏa thuận, tuyên bố, bản ghi nhớ của ASEAN; Hiệp định, thỏa thuận hợp tác với các nước có liên quan về phòng, chống mua bán người, như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; Nghị định thư về phòng ngừa, trừng trị, trấn áp tội buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em… cũng như ban hành các quyết định về việc triển khai thực hiện các Công ước, Hiệp định, Nghị định này trên thực tế.
Tiến hành nhiều thay đổi quan trọng trong khung pháp lý, đồng thời tăng cường hợp tác song phương và đa phương trong phòng, chống tội phạm mua bán người.
Ngày 29-3-2011, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống mua bán người; sửa đổi Luật Hình sự theo hướng tăng cường các quy định về mua bán người phù hợp hơn với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và ban hành các văn bản pháp luật có liên quan (Nghị định số 62/2012/NĐ-CP ngày 13-8-2012 của Chính phủ quy định căn cứ xác định nạn nhân bị mua bán và bảo vệ an toàn cho nạn nhân, người thân thích của họ; Nghị định số 09/2013/NĐ-CP ngày 11-1-2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người…).
Việt Nam đã thành lập Ban chỉ đạo Phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban chỉ đạo 138/CP) nhằm đấu tranh ngăn chặn, phòng chống có hiệu quả các loại tội phạm xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, trong đó có tội phạm mua bán người. Điều này không chỉ thể hiện cam kết của Việt Nam trong việc thực thi các điều ước quốc tế mà còn là những bước tiến quan trọng trong việc thiết lập một khung pháp lý chuyên biệt nhằm phòng, chống tội phạm mua bán người để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.
Công tác phòng ngừa được chú trọng và ưu tiên hàng đầu, thông qua biện pháp truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và trực tiếp tại cộng đồng, với những hình thức, biện pháp phong phú, đa dạng; tổ chức các các lớp tập huấn chuyên sâu và lồng ghép về phòng, chống mua bán người để trang bị kiến thức tự bảo vệ mình của người dân và chủ động trong phòng chống loại tội phạm này.
Công tác điều tra, truy tố và xét xử được đẩy mạnh. Công tác điều tra cơ bản, nắm chắc tình hình là cốt lõi kết hợp triển khai các kế hoạch nghiệp vụ, điều tra theo tuyến, địa bàn trọng điểm; hằng năm, mở cao điểm tấn công trấn áp tội phạm mua bán người trên phạm vi toàn quốc; phối hợp với các nước có chung đường biên giới triển khai các biện pháp phòng ngừa, trao đổi thông tin, điều tra, bắt giữ, chuyển giao tội phạm, giải cứu nạn nhân. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo 138/CP, trong 10 năm (từ 2014 đến 2023), Việt Nam phát hiện, điều tra khoảng trên 2.400 vụ mua bán người/3.800 đối tượng, 5.700 nạn nhân..
Công tác khác như tiếp nhận, xác minh, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân về pháp lý, hồi hương, tái hòa nhập cộng đồng; hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người cũng được tăng cường và thực hiện hiệu quả.
Theo Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phòng, chống mua bán người của Bộ Công an, từ năm 2012 đến tháng 2-2023, các cơ quan chức năng đã tiếp nhận, hỗ trợ 7.962 nạn nhân mua bán người. Hầu hết các nạn nhân được giải cứu, qua trao trả hoặc tự trở về đều được các địa phương hỗ trợ phù hợp.
Thách thức và giải pháp
Tuy nhiên, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người vẫn diễn biến phức tạp, với nhiều khó khăn, thách thức:
Trong nước còn tiềm ẩn nhiều đường dây, băng nhóm hoạt động; công tác truyền thông ở nhiều địa phương còn dàn trải, diện bao phủ chưa nhiều, mô hình về phòng, chống mua bán người chưa đạt hiệu quả cao; công tác tiếp nhận, xác minh và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.
Công tác nắm tình hình lao động Việt Nam tại nước ngoài bị lừa xuất cảnh, bị cưỡng bức lao động với bẫy “việc nhẹ, lương cao” còn gặp nhiều khó khăn do các đối tượng sử dụng mạng xã hội để dụ dỗ nạn nhân với các thông tin ảo (họ tên, địa chỉ giả, sim rác...). Nạn nhân thường được hướng dẫn làm hộ chiếu, tự xuất cảnh ra nước ngoài bằng con đường hợp pháp sau đó bị lừa bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, lừa đảo trên mạng.
Hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người và các loại tội phạm có liên quan gặp nhiều khó khăn: Thiếu hành lang pháp lý; khác biệt về qui định của pháp luật; khác biệt về quan điểm đấu tranh ...
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người, thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp, phương hướng công tác trọng tâm sau:
Một là, đẩy nhanh dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) theo đúng tiến độ đề ra (dự kiến thông qua trong năm 2024) nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý về phòng, chống mua bán người.
Hai là, tập trung huy động mọi nguồn lực, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội để đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, trong đó Công an, Quân đội là lực lượng nòng cốt, đi đầu. Chủ động trong công tác nắm tình hình về hoạt động của tội phạm mua bán người; kịp thời điều tra khám phá, bóc gỡ các đường dây tội phạm mua bán người trong nội địa cũng như hoạt động xuyên quốc gia và quốc tế.
Ba là, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống mua bán người cho quần chúng nhân dân.
Bốn là, kịp thời tiếp nhận, xác minh, giải cứu và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán theo quy định của pháp luật. Đẩy mạnh ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân và kết quả triển khai Đề án 06 của Chính phủ để quản lý cư trú, quản lý đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm mua bán người.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác liên ngành trong phòng, chống mua bán người, đấu tranh với các đường dây tội phạm mua bán người liên tỉnh, phức tạp, truy bắt đối tượng và giải cứu nạn nhân bị mua bán.
Sáu là, tăng cường hợp tác quốc tế, trọng tâm là thực hiện có hiệu quả các hiệp định hợp tác đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nước, nhất là với Căm-pu-chia, Lào, Thái Lan, Trung Quốc về phòng, chống mua bán người; chủ động trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, truy bắt tội phạm, giải cứu, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Đinh Văn Trình, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Bộ Công an)