|
Thăm hỏi gia đình chịu ảnh hưởng bởi chất độc màu da cam tại xã Mông Thọ A, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTXVN
|
Những hậu quả nặng nề
Đi-ô-xin là một nhóm các hợp chất hóa học có độc tính cao, có hại cho sức khỏe; gây ra các vấn đề về sinh sản, phát triển và hệ thống miễn dịch; gây rối loạn nội tiết tố và dẫn đến ung thư; gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, tước đi những quyền cơ bản không chỉ đối với người bị nhiễm đi-ô-xin mà còn để lại di chứng nặng nề cho các thế hệ sau.
CĐDC đã "tước" đi quyền được sinh ra là một người bình thường, được sống bình thường, khỏe mạnh của con người. Những người được sinh ra bởi những nạn nhân CĐDC thường không được bình thường như những người khác. Hầu hết, họ sinh ra với thân hình dị dạng, trí não khuyết tật, thiếu chi, chân tay không bình thường, não úng thủy, vô sọ, thoát vị não - màng não; thoát vị tủy - màng tủy…
Ngày 20-2-2008, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT về danh mục 17 bệnh, tật, dị dạng, dị tật có liên quan đến phơi nhiễm với chất độc hóa học đi-ô-xin, bao gồm: các loại ung thư; bệnh đau tủy xương ác tính; các bất thường sinh sản; các dị dạng, dị tật bẩm sinh; rối loạn tâm thần…
Theo Bộ Y tế, đã có hàng trăm nghìn người bị chết do nhiễm đi-ô-xin, hằng trăm nghìn trẻ em sinh ra bị dị dạng, dị tật, hàng triệu nạn nhân bị tàn phế hoặc bệnh tật do CĐDC. Những căn bệnh do đi-ô-xin gây ra không bộc lộ ngay mà được ví như “quả bom hóa học nổ chậm”, vô hình, tiềm ẩn, kéo dài nhiều năm mới xuất hiện, khi biết bệnh thì việc cứu chữa, điều trị là rất khó khăn.
CĐDC hạn chế quyền được duy trì nòi giống. Không hiếm trường hợp các cặp vợ chồng không có cơ hội làm cha, làm mẹ do chứng bệnh vô sinh thứ phát hay sản phụ như: thai chết lưu, sảy thai, thai trứng, thai chết bất thường… Chất độ này tác động về di truyền sinh thái, gây biến đổi gen, những đứa trẻ sinh ra không có được cơ thể khỏe mạnh bình thường mà mang những dị tật bẩm sinh, không hoàn thiện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Chính vì thế, nhiều người nhiễm đi-ô-xin, sau nhiều lần sinh con bị dị dạng, chết lưu, chết yểu…, đã không tiếp tục sinh con vì lo sợ ảnh hưởng đến con sau này. Quyền được duy trì nói giống của họ vì thế cũng bị tước đi.
CĐDC cũng là nguyên nhân gián tiếp hạn chế việc hưởng thụ quyền của nạn nhân như quyền học tập; quyền tham gia vào các hoạt động dân sự, chính trị; quyền lao động… Chính vì những "khuyết tật" về sức khỏe (thể chất, trí não và tinh thần) nên không ít trong số họ không được đến trường, không thể học tập, lao động như người bình thường. Thậm chí, có trường hợp thiểu năng trí tuệ, mất ý thức, không có tri hoặc chân, tay bị thiếu xót, không lành lặn… những hoạt động hằng ngày phải phụ thuộc vào sự hỗ trợ của người thân, thể tham gia lao động như những người bình thường, những cơ hội về học tập, việc làm… cũng vì thế mà bị giảm đi. Đa số trong số họ không đủ hoặc không có năng lực hành vi dân sự; nhận thức, hiểu biết các vấn đề đời sống xã hội hạn chế nên khó hòa nhập cộng đồng cũng như có thể tham gia vào quyền bầu cử, ứng cử hay thực hiện quyền dân sự, chính trị khác; cơ hội tìm kiếm việc làm cũng vì thế bị thu hẹp hơn.
Bên cạnh đó, nạn nhân CĐDC cũng tạo nên áp lực nhất định cho xã hội. Đó là những thách thức về chăm sóc sức khỏe nạn nhân, an sinh xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Hầu như gia đình nạn nhân CĐDC sống cảnh trong cảnh túng thiếu, phần lớn là những hộ nghèo, cận nghèo. Thu nhập của họ thường thấp, không ổn định; các khoản thu nhập thường được dồn vào chăm sóc sức khỏe. Thực tế nguồn thu nhập chính dựa vào trợ cấp xã hội và từ hỗ trợ của cộng đồng.
Ảnh hưởng của CĐDC không chỉ dừng lại ở thế hệ thứ nhất, nguy hiểm hơn, đến nay đã di chứng lại sang đời thư tư. Con, cháu, chắt của nạn nhân CĐDC hầu hết đều bị dị dạng, dị tật bẩm sinh, sống thực vật.
Theo số liệu của Hội nạn nhân CĐDC năm 2022, hiện cả nước có khoảng hơn 150.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ hai (con), 35.000 nhân thuộc thế hệ thứ ba (cháu) và khoảng 6.000 nạn nhân thuộc thế hệ thứ tư (chắt); khảo sát tại một số tỉnh miền Nam, có đến 23,7% số người được khảo sát có 1-3 con bị khuyết tật; 5,7% có cháu khuyết tật. Tỷ lệ mắc ung thư là 14,9%, hầu hết ở nhóm các nạn nhân trên 50 tuổi.
Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến việc trợ giúp đỡ nạn nhân CĐDC để họ đỡ đi phần nào những khó khăn về cuộc sống.
Nhiều chủ chương, chính sách được ban hành, trong đó, Chỉ thị số 43-CT/TW ngày 14-5-2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học nhằm bảo đảm quyền con người; giảm thiểu tác động tiêu cực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp nạn nhân bị nhiễm CĐDC. Hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng cho nạn nhân CĐDC.
Hiện nay, toàn quốc có hơn 320.000 người phơi nhiễm và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin được hưởng BHYT, khám chữa bệnh miễn phí.
Cùng với Chính phủ, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong nước và nước ngoài tích cực triển khai, tham gia các hoạt động hỗ trợ nạn nhân CĐDC. Từ năm 2004 đến tháng 12-2023, Hội Nạn nhân CĐDC đã vận động được hơn 4.049 tỷ đồng, chi chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân hơn 4.023 tỷ đồng; riêng 6 tháng đầu năm 2024, đã vận động được hơn 348 tỷ đồng, đã chi chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân hơn 320 tỷ đồng.
Năm 2023, chương trình “Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam” đã huy động số tiền hơn 2 tỷ đồng đã phân bổ hơn 1,6 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ xây mới 14 nhà với tổng số tiền 930 triệu đồng; thăm, tặng quà trực tiếp cho gần 600 nạn nhân ở 22 tỉnh, thành phố với tổng số tiền 568,5 triệu đồng; hỗ trợ nuôi dưỡng nạn nhân tại Trung tâm Bảo trợ xã hội thuộc Trung ương Hội hơn 140 triệu đồng.
Hiện nay đã có hàng trăm nghìn lượt người khuyết tật nặng, trong đó có nạn nhân CĐDC được chỉnh hình, phục hồi chức năng. Hàng chục nghìn trẻ em tàn tật trong đó có trẻ em bị hậu quả gián tiếp của CĐDC được đi học tại các trường hòa nhập, chuyên biệt; 12 Làng Hòa Bình, Làng Hữu Nghị, nhiều trung tâm nuôi dưỡng trẻ khuyết tật, theo hình thức tập trung/bán trú, nuôi dưỡng hàng nghìn nạn nhân, chủ yếu là trẻ em dị dạng, dị tật do ảnh hưởng CĐDC; trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản di truyền tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh hoạt động tích cực nhằm giảm tỷ lệ sinh con dị tật.
Các hoạt động chăm sóc sức khỏe nạn nhân CĐDC tiến hành đa dạng về nội dung, hình thức: trợ cấp ưu đãi; tổ chức khám, giám định bệnh, dị dạng, dị tật, chăm sóc, chữa bệnh, phục hồi chức năng, xông hơi, giải độc. Ngoài ra, còn xây mới, sửa chữa nhà ở, tặng quà, học bổng cho nạn nhân. Với sự chung tay của xã hội, những đau đớn về mặt thể xác và tinh thần của nạn nhân CĐDC phần nào được vơi bớt.
Tuy nhiên, việc bảo đảm quyền nạn nhân chất độc màu da cam/Dioxin gặp nhiều trở ngại, do là những đối tượng yếu thế đặc thù. Trong khi đó, sự phối hợp giữa các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở một số địa phương trong thực hiện chính sách, chế độ, quy định và bảo đảm quyền của nạn nhân CĐDC thiếu đồng bộ. Việc huy động nguồn lực xã hội ở một số nơi kết quả còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của địa phương. Nhận thức của một bộ phận người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí thể hiện thái độ thờ ơ, vô cảm, phân biệt, kỳ thị.
Giải pháp thúc đẩy quyền con người của nạn nhân CĐDC
Xoa dịu nỗi đau da cam thể hiện tính nhân văn, nhân đạo, là tiếng gọi của lương tri và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Để bảo đảm quyền nạn nhân CĐDC được tốt hơn, cần tập trung vào một số giải pháp sau:
Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho mọi tổ chức, cá nhân về sự cần thiết phải bảo đảm quyền nạn nhân CĐDC. Đẩy mạnh công tác truyền thông đa phương tiện không chỉ hướng đến người nhân trong nước mà cả kiều bào ta ở nước ngoài. Nội dung tuyên truyền tập trung vào các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với nạn nhân CĐDC, những kết quả đạt được, những khó khăn của nạn nhân để mọi người cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam.
|
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch danh dự Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam trao đổi với các đại biểu quốc tế tại Hội nghị khoa học quốc tế "Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - những điều mong muốn" (năm 2006). Ảnh tư liệu: TTXVN
|
Hai là, tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ chương, chính sách của Đảng, Nhà nước như Chỉ thị 43-CT/TW ngày 14-5-2015 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; Quyết định số 2215/QĐ-TTg ngày 28-12-2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học/đi-ô-xin sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030...
Cần xác định thúc đẩy quyền con người của nạn nhân CĐDC là nhiệm vụ cả hệ thống chính trị và trách nhiệm cộng đồng xã hội. Đưa nội dung khắc phục hậu quả chất độc hóa học Dioxin sau chiến tranh thành, nâng cao chất lượng cuộc sống của nạn nhân nhiệm vụ thường xuyên, lồng ghép vào nghị quyết lãnh đạo, chương trình an sinh xã hội, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của các địa phương. Bên cạnh đó, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát; giải quyết kịp thời những vấn đề vướng mắc, tồn đọng; đồng thời, phòng chống tiêu cực trong quá trình thực hiện.
|
Bà Trần Tố Nga phát biểu trước những người biểu tình ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, tại Paris, ngày 30-1-2021. Ảnh: Le Monde
|
Ba là, phát huy vai trò của các tổ chức chính chị, xã hội, trong đó Hội Nạn nhân CĐDC phải thực sự là tổ chức đại diện, bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động ở các cấp. Tăng cường hiệp quả phối hợp giữa Hội với các tổ chức chính trị - xã hội khác, kêu gọi sự ủng hộ, tham gia giúp đỡ của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân tạo nguồn lực trong thúc đẩy quyền con người của nạn nhân CĐDC.
Bốn là, tăng cường hoạt động Y tế, phát triển các dịch vụ tư vấn, khám, điều trị các căn bệnh cho nạn nhân CĐDC. Làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn nạn nhân đến cơ sở khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng tại các trung tâm, cơ sở y tế hoặc tại nhà. Tổ chức lập hồ sơ theo dõi, khám, quản lý sức khỏe, kịp thời phát hiện sớm các căn bệnh có liên quan; khám, điều trị, phục hồi chức năng cho nạn nhân tại các cơ sở khám, chữa bệnh, cơ sở điều dưỡng người có công và tại nhà theo quy định khi có nhu cầu.
Năm là, kiên trì đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam, làm cho thế giới hiểu rõ hơn về hậu quả nặng nề của chiến tranh mà nhân dân Việt Nam còn đang phải gánh chịu; những đau đớn về thể xác và tinh thần, vất vả, trở ngại trong cuộc sống của nạn nhân CĐDC Việt Nam để cộng đồng quốc tế đồng cảm, chia sẻ.
Theo số liệu của Bộ Quốc phòng, từ năm 1961 đến năm 1971 khoảng 80 triệu lít chất độc hoá học, trong đó có 60% là chất da cam, chứa 366 kg đi-ô-xin do Quân đội Mỹ rải xuống miền Nam Việt Nam đã gây nên một thảm hoạ da cam chưa từng có trong lịch sử nhân loại.
Khoảng 4,8 triệu người Việt Nam đã bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc hoá học và có hàng trăm nghìn nạn nhân đã chết, hàng trăn nghìn nạn nhân là thế hệ thứ 2, 3, 4 đang từng ngày, từng giờ vật lộn với những căn bệnh hiểm nghèo do chất độc gây ra.
Hằng năm, Nhà nước đã dành khoản ngân sách hơn 10.000 tỷ đồng để trợ cấp hàng tháng cho nạn nhân CĐDC; hiện toàn quốc có hơn 320.000 người phơi nhiễm và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học/đi-ô-xin được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng. Các hộ gia đình nhiễm chất độc hóa học/Dioxin được hưởng BHYT, khám chữa bệnh miễn phí.
Trương Văn Quốc – Nguyễn Tống Minh