Thách thức bảo đảm quyền con người trên không gian mạng
Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Môi trường lý tưởng cho các loại tội phạm

Với sự bùng nổ của khoa học công nghệ, KGM đang trở thành môi trường thuận lợi cho các băng nhóm tội phạm móc nối với nhau, tạo thành những mạng lưới tội phạm lớn, hoạt động xuyên biên giới. Chúng triệt để lợi dụng tính ẩn danh, tạo lập, sử dụng các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài, nhất là các mạng xã hội có sự phát triển nhanh, bảo mật hơn như Telegram, Viber, TikTok, Instagram, Twitter...; sử dụng các tài khoản cá nhân nặc danh, ẩn danh, chiếm đoạt được của người khác, tài khoản giả mạo, lập các trang, nhóm mạng xã hội ẩn thông tin quản trị để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Là quốc gia có tốc độ phát triển in-tơ-nét nhanh trên thế giới, với hơn 79,1 triệu người sử dụng in-tơ-nét, 72 triệu người dùng mạng xã hội Facebook, Youtube, TikTok... (chiếm 71%) và các ứng dụng OTT (Telegram, Viber, Zalo, iMessage);  Việt Nam là địa bàn lý tưởng của TPCTC, TPXQG trên KGM, nhất là tội phạm mua bán người, tội phạm công nghệ cao...

Tội phạm mua bán người hiện nay đã triệt để lợi dụng in-tơ-nét, các mạng xã hội phổ biến như Zalo, Facebook, Tiktok… để tiếp cận, làm quen với nạn nhân; dùng các lời lẽ dụ dỗ, hứa hẹn với những công việc nhẹ nhàng, lương cao; tiếp cận giả vờ yêu đương… thậm chí ép buộc, bắt cóc nạn nhân. Nạn nhân của tội phạm buôn người thường là phụ nữ và trẻ em, họ bị đưa biên giới sang nước khác, tại đó họ bị đối xử vô nhân đạo, bị lạm dụng cả về thể chất và tinh thần.

Tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng diễn ra với các phương thức, thủ đoạn hết sức tinh vi. Theo thống kê của Bộ Công an và Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ riêng trong năm 2024, có gần 200 tên miền tương tự giả mạo được lập để thực hiện hành vi lừa đảo, giả danh cơ quan chức năng gọi điện, yêu cầu người dân thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; kêu gọi tham gia các hội nhóm đầu tư trên các sàn giao dịch ngoại hối (Forex), lừa cài ứng dụng VNEID; thông qua việc hỗ trợ làm thủ tục hộ chiếu nhanh để cài mã độc, chiếm quyền điều khiển điện thoại thông minh, từ đó xâm nhập, chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng. Trong năm 2023, Bộ Công an đã phát hiện 3.323 vụ chiếm đoạt tài sản trên KGM, gây thiệt hại hơn 2.378 tỉ đồng.

Hoạt động tổ chức đánh bạc, đánh bạc qua mạng tiếp tục diễn ra phức tạp với nhiều hình thức (lô đề, cá độ bóng đá, tài sửu, game online đổi thưởng…). Đặc biệt, một số hình thức đánh bạc mới có xu hướng chuyển dịch từ cá độ bóng đá sang các trò chơi, game bài trực tuyến; lôi kéo người chơi vào cá cược giải đấu thể thao ảo (virtual sport), thể thao điện tử (eSport)…

Thời gian diễn ra Giải vô địch bóng đá châu Âu Euro 2024, nổi lên các hình thức đánh bạc qua mã giao dịch của ví điện tử Momo, các ứng dụng, trò chơi trực tuyến có tính chất cờ bạc... Các đối tượng điều hành các đường dây đánh bạc ngày một tinh vi, hoạt động theo mô hình đại lý như đa cấp, phân chia thành các cấp độ, hưởng hoa hồng theo số lượng đại lý cấp dưới, số lượng con bạc...

Hoạt động cho vay tiền qua app núp bóng “tín dụng đen, mua ma túy, chất gây nghiện trên KGM; các nhóm tội phạm mua, bán vũ khí vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, quân trang, quân dụng, văn bằng, chứng chỉ giả, chất độc, chất cấm… tiếp tục diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến ATTT, ATTXH và con người.

Các đường dây tín dụng đen, cho vay qua mạng đa phần do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, đầu tư các hệ thống kỹ thuật, khoản tiền cho vay để lôi kéo, thuê các đối tượng trong nước vận hành, xây dựng các đại lý tại nhiều địa phương, thông qua hơn 200 ứng dụng cho vay trực tuyến trên các trang mạng, ứng dụng GooglePlay, AppStore. Đặc biệt, các đối tượng còn sử dụng đội ngũ đòi nợ thuê xã hội đen, đối tượng hình sự để thực hiện các hành vi uy hiếp, khủng bố tinh thần, sử dụng thông tin cá nhân để gọi điện đe dọa nạn nhân, người thân bạn bè.

Tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tiếp tục có xu hướng gia tăng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi: tấn công, xâm nhập hệ thống ngân hàng đánh cắp hàng trăm tỷ đồng trong hệ thống ngân hàng thương mại; trao đổi, mua bán thông tin cá nhân để đăng ký, tạo lập tài khoản ngân hàng, thẻ thanh toán, ví điện tử nhằm thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; dụ dỗ, lôi kéo học sinh sử dụng căn cước công dân mở tài khoản ngân hàng bán lại cho các đối tượng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong công tác truy vết, ngăn chặn dòng tiền vi phạm pháp luật… Những năm gần đây, hoạt động của các sàn giao dịch tiền ảo, tiền mã hóa thu hút số lượng lớn người tham gia được các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng thực hiện hành vi trốn thuế, rửa tiền, chuyển tiền xuyên biên giới...

Đặc biệt, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao có yếu tố nước ngoài diễn ra phức tạp. Các đối tượng người Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc sử dụng Việt Nam làm địa bàn để thiết lập, điều hành các trang mạng, đường dây lừa đảo, tổ chức đánh bạc, phát tán các mã độc để thu thập thông tin, dữ liệu của công dân nước ngoài… Tại nước ngoài, số đối tượng người Trung Quốc dụ dỗ, lôi kéo người Việt Nam sang Lào, Căm-pu-chia để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm việc cho các tổ chức đánh bạc, lừa đảo trực tuyến xuyên quốc gia. Một số đối tượng người Việt Nam trở lại nước, tiếp tục tuyển dụng, lôi kéo người tham gia, trực tiếp điều hành các đường dây lừa đảo.

Có thể thấy, TPCTC, TPXQG không chỉ gây ra các thiệt hại về kinh tế, an ninh, trật tự an toàn xã hội mà còn có tác động đến nhân quyền ở các cấp độ từ cá nhân cho đến toàn xã hội. Ở cấp độ cá nhân, các nạn nhân thường phải chịu đựng những tổn thương nghiêm trọng về mặt thể chất và tinh thần. Nạn nhân của nạn buôn người phải chịu đựng bạo lực thể xác, lạm dụng tình dục, thiếu thốn các nhu cầu cơ bản… dẫn đến những hậu quả lâu dài về mặt sức khỏe, tinh thần như nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục, mang thai ngoài ý muốn. Những người có thể trốn thoát cũng thường mắc phải các hội chứng rối loạn, căng thẳng, lo âu hoặc trầm cảm, cần thời gian dài để điều trị, hội phục. Nạn lao động cưỡng bức mà nạn nhân chủ yếu là những đối tượng yếu thế trong xã hội như phụ nữ, người già, trẻ em làm trầm trọng thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng xã hội. Hệ lụy của tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao không những gây tổn thất vô cùng lớn về tài sản mà nhiều đối tượng còn thực hiện các hành vi uy hiếp, khủng bố tinh thần, sử dụng thông tin cá nhân để đe dọa nạn nhân và người thân.

Đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ quyền con người

Trước tình hình hoạt động mạnh mẽ của TPCTC, TPXQG trên KGM hiện nay,  Việt Nam, xác định đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung, TPCTC, TPXQG, bảo đảm quyền con người nói riêng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Nhiều biện pháp đồng bộ đã được triển khai.

Cán bộ Phòng 3 Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tác nghiệp trên không gian mạng.

Cán bộ Phòng 3 Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tác nghiệp trên không gian mạng. Ảnh: cand.vn

Nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, sửa đổi, bổ sung làm cơ sở pháp lý cho công tác đấu tranh, phòng, chống TPCTC, TPXQG có hiệu quả: Quyết định số 623/QĐ-TTg ngày 14-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ với Đề án về Phòng, chống các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng Hình sự… với mục tiêu bảo đảm tính mạng, tài sản, bảo vệ cao nhất các quyền con người trước sự tinh vi của các loại tội phạm trên không gian mạng. Tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm.

Tính đến nay, Bộ Công an đã thiết lập quan hệ song phương với 162 cơ quan thực thi pháp luật của 64 quốc gia và một số vùng lãnh thổ, trong đó thiết lập quan hệ nhiều mặt với cơ quan thực thi pháp luật của các nước Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc; tham gia hoạt động trong 52 tổ chức, diễn đàn hợp tác quốc tế đa phương. Đàm phán, ký kết trên 150 văn bản hợp tác quốc tế về bảo vệ ANTT và đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, xử lý, truy tố TPCTC, TPXQG trên KGM; triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh ngăn chặn, hạn chế các điều kiện làm phát sinh TPCTC, TPXQG; tấn công trấn áp các loại tội phạm giữ vững ANTT, ATXH.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công an đã khởi tố 28 vụ án, 112 bị can trong các đường dây, ổ nhóm tội phạm quy mô lớn, hoạt động phức tạp, xuyên quốc gia. Ngăn chặn hơn 20.800 trang mạng, tên miền, ứng dụng game, tài khoản mạng xã hội vi phạm pháp luật. Triển khai Kế hoạch “Thực hiện chiến dịch truyền thông” trên đa nền tảng, cho mọi tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Tuy nhiên, công tác phòng ngừa, đấu tranh với TPCTC, TPXQG trên KGM vẫn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, do đó, cần thực hiện tốt một số công tác sau:

Một là, tổ chức nắm, phát hiện “từ sớm, từ xa” các vụ việc phức tạp, phương thức, thủ đoạn mới trên KGM các của tội phạm sử dụng công nghệ cao để tăng cường hiệu quả công tác đấu tranh, xử lý tội phạm sử dụng công nghệ cao, TPCTC, TPXQG trên KGM.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống pháp luật, hình sự hóa các tội danh, nhóm tội danh liên quan đến TPCTC, TPXQG trên KGM, đặc biệt các tội xâm phạm quyền con người. Tổ chức hướng dẫn thực hiện Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là các quy định về bảo vệ quyền con người. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế và chính sách về an ninh mạng, phòng, chống tội phạm mạng, đáp ứng yêu cầu đặt ra của tình hình mới; tập trung xây dựng ban hành Luật Dữ liệu, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt...

Ba là, nâng cao nhận thức cộng đồng về TPCTC, TPXQG trên KGM, sự nguy hiểm và các tác động tiêu cực của nó, đặc biệt đối với nhân quyền.

Bốn là, kịp thời hỗ trợ toàn diện cho các nạn nhân của TPCTC, TPXQG trên KGM, giải quyết các yếu tố xã hội khiến một số cá nhân và nhóm người trở nên dễ bị tổn thương và trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm, trong đó bao gồm giải quyết các vấn đề như nghèo đói, bất bình đẳng xã hội.

Năm là, tăng cường và mở rộng hợp tác với cơ quan thực thi pháp luật quốc tế các tổ chức quốc tế như Liên hiệp quốc và các tổ chức thành viên như UNODC, INTERPOL trong điều tra, thu thập chứng cứ và dẫn độ tội phạm mạng đối với các vụ án xuyên quốc gia thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý. Mềm dẻo, linh hoạt trong đàm phán, hợp tác, giải quyết các vấn đề pháp lý có tính nhạy cảm chính trị trong đảm bảo an ninh thông tin quốc tế. Ưu tiên triển khai, thúc đẩy việc thông qua các hiệp định tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam và Mỹ - quốc gia có các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu như: Google, Facebook, Apple...

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Bộ Ngoại giao, Báo cáo quốc gia về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, Hà Nội 2018.

[2]. Phòng chống hiệu quả tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và tội phạm buôn bán người: Nỗ lực của quốc gia, hỗ trợ của quốc tế.

[3]. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2018), Giáo trình Lý luận và pháp luật về quyền con người (dành cho hệ đào tạo Cao cấp lý luận chính trị), Nxb Lý luận chính trị.

[4]. Nghị quyết Hội đồng Nhân quyền LHQ thông qua năm 2019. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất