Thúc đẩy xây dựng Chiến lược hợp tác an ninh mạng khu vực ASEAN

Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến của Việt Nam.

Tuần lễ An ninh mạng quốc tế (SICW-6) và Hội nghị AMCC-6 được tổ chức từ ngày 4 đến 8-10 theo hình thức kết hợp giữa trực tuyến và trực tiếp tại Xin-ga-po. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Lương Tam Quang làm Trưởng đoàn tham dự Lễ khai mạc và Phiên toàn thể Hội nghị AMCC-6.

Tuần lễ An ninh mạng quốc tế lần thứ 6 (SICW-6) và Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về An ninh mạng lần thứ 6 (AMCC-6) là sự kiện thường niên do Xin-ga-po tổ chức nhằm trao đổi kinh nghiệm, cập nhật các thông tin về tình hình an ninh mạng toàn cầu và trong ASEAN. Chủ đề của Tuần lễ An ninh mạng quốc tế năm nay là “Chung sống với COVID-19 - Nhìn nhận những thách thức và cơ hội về an ninh kỹ thuật số” nhằm thảo luận về việc phối hợp giữa các quốc gia, doanh nghiệp để tận dụng các cơ hội kỹ thuật số và ứng phó với các mối đe dọa trên không gian mạng đang gia tăng nhằm bảo đảm an ninh không gian mạng. 

Phát biểu tại Phiên khai mạc, bà Josephine Teo, Bộ trưởng Truyền thông và Thông tin kiêm Bộ trưởng phụ trách An ninh mạng của Xin-ga-po nêu rõ, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội. Trong đó, vấn đề an ninh mạng đang là một thách thức đối với tất cả quốc gia và ASEAN. Cùng với đó, các loại tội phạm về an ninh mạng đang thay đổi phương thức, thủ đoạn để tấn công trên nhiều lĩnh vực, điều này đòi hỏi các nước ASEAN cần phải tăng cường hợp tác với nhau trên các lĩnh vực như: đối phó với vấn đề an ninh mạng; tăng cường nhận thức về an ninh mạng và tăng cường năng lực cho lực lượng thực thi pháp luật. “Tôi nghĩ rằng, điều quan trọng nhất ở đây là các nước phải kịp thời chia sẻ tất cả mối đe dọa liên quan đến an ninh mạng. Hiện nay chúng tôi đang xây dựng trung tâm ứng cứu khẩn cấp ASEAN để phục vụ cho mục tiêu này. Tôi hi vọng rằng việc đưa vào vận hành trung tâm thông tin an ninh mạng giữa ASEAN và Xin-ga-po là một bước tiến mới để tăng cường năng lực về an ninh mạng”, bà Josephine Teo nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN đã thảo luận về tăng cường hợp tác trên không gian mạng cấp khu vực trong bối cảnh bình thường mới với trọng tâm là xác định các lĩnh vực hợp tác giữa các nước thành viên ASEAN và các đối tác đối thoại trong việc thúc đẩy điều phối chính sách mạng khu vực, ứng phó sự cố và các bài học rút ra từ tốc độ số hóa đang tăng nhanh do ảnh hưởng của đại dịch hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lương Tam Quang nêu rõ, thời gian qua, xu hướng chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số đã góp phần giải quyết các khó khăn do dịch bệnh COVID-19 tạo ra. Tuy nhiên, xu hướng này cũng làm gia tăng thách thức về an ninh mạng đối với các nước ASEAN, trong đó nổi bật là hành vi tấn công mạng có chủ đích vào các cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu; giả mạo các trang, cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước, lực lượng Công an, tổ chức, doanh nghiệp để đánh cắp dữ liệu cá nhân, lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tạo lập các sàn giao dịch, ứng dụng, website kiếm tiền lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, đầu tư, kinh doanh bảo hiểm ngoại hối, vàng, tiền điện tử… với “mồi nhử” là các khoản lợi nhuận cao, thu hút người tham gia, sau đó “đánh sập” để chiếm đoạt tài sản; mua bán, phát tán thông tin, dữ liệu cá nhân trái phép trên không gian mạng; “vi-rút tin giả” về tình hình và công tác phòng, chống dịch bệnh, gây hoang mang dư luận và khó khăn trong công tác dập dịch.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Lương Tam Quang khẳng định, Việt Nam ủng hộ, chia sẻ quan điểm với Xin-ga-po và các nước ASEAN về việc thúc đẩy xây dựng Chiến lược hợp tác an ninh mạng khu vực ASEAN (2021-2025) để thống nhất tầm nhìn, nhận thức và hành động chung của các nước ASEAN đối với vấn đề an ninh mạng; tiến tới xây dựng các khuôn khổ pháp lý của khu vực nhằm tạo thuận lợi cho việc phối hợp, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực an ninh mạng. Bộ Công an Việt Nam đánh giá cao nỗ lực và trách nhiệm của các cơ quan chức năng Xin-ga-po trong việc duy trì tổ chức Hội nghị AMCC năm nay, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp ở các nước Đông Nam Á. Hội nghị AMCC đã tạo cơ hội cho các cơ quan thực thi pháp luật ASEAN trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ thông tin về các nguy cơ đe dọa an ninh mạng, các giải pháp phòng ngừa nhằm bảo đảm an toàn không gian mạng cho các nước ASEAN.

Trên cơ sở đó, Việt Nam đã đề xuất một số nội dung đưa vào Chiến lược để tạo sự đột phá và hiệu quả trong hợp tác an ninh mạng của ASEAN.

Các nước tham dự Hội nghị trực tuyến.

Trong Tuyên bố Chủ tịch AMMC-6 được thông qua tại Hội nghị, các Bộ trưởng ghi nhận tầm quan trọng của việc bảo vệ các nước ASEAN khỏi các mối đe dọa mạng nhằm đảm bảo một không gian mạng trong khu vực an toàn và bảo mật, đặc biệt là trước các mối đe dọa an ninh mạng mới hơn do phần mềm độc hại gây ra cũng như các cuộc tấn công chuỗi cung ứng và các mối đe dọa khác. Các đại biểu hoan nghênh việc cập nhật chiến lược hợp tác an ninh mạng của ASEAN, như được nêu trong Chiến lược hợp tác an ninh mạng ASEAN giai đoạn 2021-2025 và ủng hộ các sáng kiến nội hàm như phát triển khung bảo vệ Cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu, các tiêu chuẩn an ninh mạng khu vực cho in-tơ-nét vạn vật và an ninh mạng chương trình nâng cao nhận thức cho các quốc gia Thành viên ASEAN cũng như tăng cường sự phối hợp an ninh mạng và các vấn đề liên quan đến an ninh kỹ thuật số. Các đại biểu cũng đánh giá Tài liệu triển khai ASEAN CERT sẽ hướng dẫn các quốc gia Thành viên ASEAN về việc vận hành ASEAN CERT.

Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tái khẳng định sự ủng hộ đối với 11 chuẩn mực tự nguyện, không ràng buộc về hành vi của Nhà nước có trách nhiệm trong việc sử dụng công nghệ thông tin truyền thông và ghi nhận các báo cáo của Nhóm công tác mở của Liên hiệp quốc (OEWG) và Nhóm chuyên gia chính phủ thứ 6 của Liên hiệp quốc (GGE) về an ninh quốc tế trong không gian mạng. Các đại biểu cũng ghi nhận rằng Ma-lai-xi-a và Xin-ga-po đã đạt được nhiều tiến bộ hơn trong việc đồng lãnh đạo việc xây dựng Ma trận chuẩn tắc trong Kế hoạch hành động khu vực ASEAN (RAP), sẽ hỗ trợ các quốc gia thành viên ASEAN trong xác định khả năng của mỗi quốc gia trong việc thực hiện 11 điều tự nguyện, các chuẩn mực không ràng buộc về hành vi có trách nhiệm của nhà nước trong việc sử dụng công nghệ thông tin, truyền thông theo danh sách các công việc của Ủy ban Điều phối Không gian mạng ASEAN.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất