CHDCND Lào đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng
Lào tiếp tục phát triển Kinh tế-Xã hội theo hướng chất lượng, có trọng tâm. Ảnh: Tạp chí Việt - Lào

Lào tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chất lượng, có trọng tâm. Ảnh: TTXVN.

Mục tiêu chiến lược

Mục tiêu chung của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 của Lào là đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Tuy nhiên, công tác xoá nghèo vẫn tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021-2025 của nước này.

Theo đó, kế hoạch tập trung xác định những nội dung chính cần thực hiện:

Một là, phát triển gắn liền với xoá nghèo bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Để thực hiện các mục tiêu này, Ban Tổ chức Trung ương Đảng và Nhà nước lập ra bộ máy chịu trách nhiệm xây dựng nền chính trị và phát triển nông thôn về mọi mặt, thực hiện mục tiêu xoá nghèo quốc gia nhằm tạo tiền đề quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ phát triển khác của đất nước đã được đề ra trong Nghị quyết 7, 8 và 9 của NDCM Lào và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội quốc gia 5 năm lần thứ 7 và lần thứ 8.

Đại hội XI Đảng NDCM Lào (1-2021) đã xác định rõ “Phát triển nông thôn và xoá nghèo của nhân dân đi vào chiều sâu và đồng bộ theo hướng 3 xây” [1]. Nhiệm kỳ 2021-2025 xác định cần "nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, tiếp tục đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, đi lên mục tiêu XHCN" [2].

CHDCND Lào nhận thức đại dịch COVID-19 tạo ra một mối đe dọa nghiêm trọng, đảo ngược tiến trình phát triển kéo dài hàng thập kỷ và làm tăng tính dễ bị tổn thương nền kinh tế - xã hội Lào.

Trong 2 năm 2020-2021, Lào tập trung công tác chống dịch nhằm kiềm chế sự lây lan bùng phát của đại dịch COVID-19. Đối với chính sách tái mở cửa đất nước, Thủ tướng Lào Phan-khăm Vị-phả-vanh cho rằng, Lào không thể tiếp tục “tự mình đóng cửa” mà không tiếp tục các hoạt động sản xuất và phát triển kinh tế. Trong năm 2022, dưới vai trò là cơ quan lập pháp, Quốc hội đã thông qua 12 nghị quyết quan trọng, trong đó có Nghị quyết liên quan đến phục hồi kinh tế hậu COVID-19: Nghị quyết về việc thông qua báo cáo của Chính phủ về thực hiện kế hoạch du lịch xanh và mở cửa đất nước gắn với phòng, chống, ứng phó với sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 [3].

Hai là, đổi mới đồng bộ, phù hợp về kinh tế và chính trị, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Đảng vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Vai trò lãnh đạo của Đảng được khẳng định qua các kỳ đại hội: Đại hội Đảng lần thứ IX (3-2011), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X Đảng NDCM Lào (1-2016). Nhận thức được vai trò quan trọng của Đảng trong sự nghiệp phát triển đất nước, Đại hội XI (1-2021), nhiệm kỳ 2021-2025, Đảng NDCM Lào khẳng định tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, củng cố chính trị tư tưởng, kiên định con đường đi lên CNXH, đẩy mạnh công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh [4].

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng NDCM Lào xác định 6 mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế-xã hội nhiệm kỳ 2021-2025

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng NDCM Lào xác định 6 mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021-2025. Ảnh: TTXVN.

Cũng tại Đại hội XI, Đảng NDCM Lào hướng đến tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, đảm bảo ổn định chính trị vững chắc [5], tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế - xã hội. Dưới sự dẫn dắt của Đảng NDCM Lào, Chính phủ Lào ngày càng mở rộng quan hệ quốc tế, do đó trong thời gian qua, Lào đã nhận được sự giúp đỡ của nhiều quốc gia: Đặc biệt, Việt Nam là nước đầu tiên gửi chuyến bay đặc biệt chở thiết bị y tế và đoàn chuyên gia sang giúp ngăn chặn và phòng, chống dịch trong đợt bùng phát dịch thứ hai tại Lào vào đầu năm 2021. Ngoài ra, các bộ, ngành và các tổ chức từ Trung ương đến địa phương của Việt Nam đã huy động số tiền nhiều triệu đô-la Mỹ và trang thiết bị y tế để hỗ trợ Lào. Hội Hữu nghị Việt Nam - Lào và Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã trao tặng tổng cộng 605.550.000 đồng và 225.000 khẩu trang y tế cho Đại sứ quán Lào tại Việt Nam để giúp đỡ nhân dân Lào [6]

Ba là, mở rộng dân chủ, phát huy tối đa nhân tố con người; coi con người là chủ thể, nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển. Tại Đại hội Đảng IX (2011), Lào xác định nguồn nhân lực của đất nước nhìn chung chất lượng còn thấp. Ðại hội lần thứ X (2016) đã làm rõ hơn nữa là phải phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (NNLCLC) [7]. Kế thừa và phát triển quan điểm phát triển nguồn nhân lực từ các đại hội trước, Nghị quyết Đại hội XI (2021) tiếp tục khẳng định vai trò của nguồn nhân lực, đặc biệt là NNLCLC trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng được các yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nông thôn giúp công tác xóa nghèo có hiệu quả, nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân [8].

Thực thi chính sách

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, từ Đại hội IX cho đến nay Đảng và Chính phủ Lào vẫn duy trì thực hiện các biện pháp, đặc biệt là đổi mới theo cơ chế kinh tế thị trường định hướng XHCN dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước.

Quan điểm xuyên suốt trong các kỳ Đại hội Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025 đã tập trung xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh. Yêu cầu giảm nghèo bền vững cũng đang đặt ra hết sức cấp thiết ở Lào, là cơ sở để phát triển bền vững, tạo nguồn lực cho phát triển bền vững.

Do đó, giảm nghèo bền vững và phát triển bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Những mục tiêu và nhiệm vụ trên chỉ có thể thực hiện được với vai trò lãnh đạo của Đảng, bằng chính sức mạnh của con người Lào, đặc biệt là vai trò của NNLCLC, trước hết là tài năng, trí tuệ và sức sáng tạo của người lao động.

Để ứng phó với đại dịch COVID-19, ba biện pháp đã được Chính phủ Lào đề ra là: (1) tập trung tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 đủ mũi cho 50% dân số trong năm 2021 và 80% dân số trong năm 2022; (2) tăng cường cơ sở hạ tầng y tế để người dân có thể dễ dàng tiếp cận và được tiêm vắc-xin miễn phí trên toàn quốc; (3) tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng ngừa COVID-19 mà chính quyền đưa ra. Đặc biệt là xây dựng ý thức thay đổi lối sống trước đây thành cuộc sống “bình thường mới”, với lộ trình là mở cửa các tỉnh, địa phương đã sẵn sàng, có đủ điều kiện để mở trước, sau đó sẽ tiến tới mở trên cả nước nhằm khôi phục lại việc đi lại, sản xuất kinh tế và đầu tư [9].

Từ đầu năm 2023, cùng với những nỗ lực để chuẩn bị tốt nhất cho "Năm Du lịch Lào 2024", Chính phủ nước này đặt mục tiêu đón ít nhất 2,7 triệu lượt khách du lịch nước ngoài nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế sau đại dịch COVID-19 [10]. Đối mặt với cuộc khủng hoảng trả nợ, Chính phủ duy trì các biện pháp tiết kiệm chi tiêu, cải thiện sự ổn định kinh tế trong dài hạn và cung cấp viện trợ phúc lợi cho hộ gia đình người thu nhập thấp [11].

Vẫn còn nhiều thách thức về kinh tế - xã hội

Về phát triển kinh tế và xoá nghèo: Giai đoạn 2015-2019, GDP của Lào tiếp tục tăng trưởng hằng năm 4,7-7,3%. Tuy nhiên, nền kinh tế đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng GDP giảm xuống còn 0,5% (2020), 2,5% (2021), 2,2% (2022) [12].

Lào tiếp tục phát triển KT-XH theo hướng chất lượng, có trọng tâm

Lào tiếp tục phát triển kinh tế - xã hội theo hướng chất lượng, có trọng tâm. Ảnh: TTXVN.

Đến tháng 5-2021, tại đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ hai đã làm ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân Lào. Đã có hơn 50.000 người lao động bị mất việc làm. Riêng thủ đô Viêng Chăn đã phải đóng cửa 11 nhà máy may, hai nhà máy sản xuất sắt với tổng số công nhân khoảng 10.000 người do thực hiện các quy định phòng, chống dịch COVID-19 của Chính phủ Lào [13].

Năm 2022, nền kinh tế Lào nhìn chung vẫn gặp nhiều khó khăn. Lạm phát lên đến 38,46% trong tháng 11, cao nhất trong 23 năm trở lại đây. Các số liệu trên phần nào thể hiện các chính sách kiềm chế lạm phát của Chính phủ Lào chưa thực sự hiệu quả và nền kinh tế tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn trong thời gian tới [14]. Đồng kip ngày càng mất giá, giảm giá trị lên đến 35% kể từ đầu năm, thâm hụt ngân sách lên đến 3.955 tỷ kíp, nợ nước ngoài tăng cao. Cộng thêm các biến động kinh tế, chính trị thế giới đã tác động đến giá nguyên liệu, thiếu hụt nguồn ngoại tệ nhập khẩu ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, gây sức ép lớn lên người tiêu dùng, đặc biệt là lao động có thu nhập trung bình thấp [15]. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người ước chỉ đạt 1.729 đô-la Mỹ, thấp hơn mức 2.358 đô-la Mỹ được Quốc hội thông qua. Do đồng kíp Lào mất giá, thu nhập bình quân đầu người giảm so với mức 2.161 đô-la Mỹ vào năm 2020 và 2.004 đô-la Mỹ vào năm 2021 [16].

EIU dự báo GDP thực tế của Lào sẽ tăng 3,1% vào năm 2023, nhờ sự phục hồi của du lịch và sự gia tăng thương mại xuyên biên giới [17]. Tuy nhiên, lạm phát và giá nhiên liệu trong nước vẫn tăng cao, khả năng thiếu lương thực đè nặng lên kinh tế hộ gia đình sẽ làm giảm tiêu dùng và đầu tư trong nước [18].

Về phát triển nguồn nhân lực: Một số nguồn dữ liệu khác nhau cho thấy tỷ lệ biết chữ được duy trì ở mức 84,7% vào năm 2018 [29].. Số liệu cập nhật của UNESCO cho thấy con số này tiếp tục được cải thiện, 87,1% vào năm 2022. Tỷ lệ biết chữ ở phụ nữ cũng có cải thiện, nâng từ 82,5% (2015) lên 82,8% (2022) [20].. Việc chú trọng cải thiện tỷ lệ biết chữ một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của đầu tư vào vốn con người, làm cơ sở cho việc phát triển toàn diện kinh tế - xã hội đất nước.

Hằng năm, có hơn 700 học viên đăng ký tham gia Giáo dục nghề nghiệp (TVET) ở Lào. Theo một nghiên cứu, năm 2021, có 79 học viên tốt nghiệp TVET tìm được việc làm hoặc học ở bậc cao hơn [21].

Chính phủ xác định phát triển giáo dục là một trong những cách để Lào phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các mục tiêu xoá nghèo. Thực tế đã chứng minh mối quan hệ chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển nguồn nhân lực. Trong khi Lào đã đạt được những tiến bộ phát triển đáng kể trong 20 năm qua khi giảm một nửa tỷ lệ nghèo và cải thiện kết quả giáo dục, nhưng những tác động của COVID-19 đối với nền kinh tế Lào đang đặt ra mối đe doạ đối với một số thành tựu đã đạt được. Điều này đặt ra yêu cầu về một chiến lược phát triển có trọng tâm và tầm nhìn.

Trong giai đoạn vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng NDCM Lào, đất nước đã phát triển không ngừng và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, bảo đảm cho CHDCND Lào duy trì ổn định về chính trị, an ninh trật tự, chế độ dân chủ nhân dân và các thành quả của sự nghiệp cách mạng luôn được bảo vệ một cách vững chắc, góp phần nâng cao uy tín và địa vị trên trường quốc tế.

Mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhưng so với khu vực và thế giới, cho đến nay Lào vẫn là một quốc gia còn tồn tại nhiều khó khăn. Những chính sách mang tính chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ giúp đất nước này thoát khỏi cảnh nông nghiệp lạc hậu, từ đó phát triển đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân Lào và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.


[1] Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (2021), Văn kiện Đại hội XI của Đảng, tr.65.

[3] https://na.gov.la/

[4] VOV Đài tiếng nói Việt Nam (vov.vn), Đại hội XI Đảng Nhân dân Cách mạng Lào diễn ra trong 3 ngày ở Vientiane, https://sngv.thuathienhue.gov.vn/ /?gd=13&cn=28&tc=35344.

[6]. Phạm Kiên, Thu Phương (2021) Quan chức Lào đề cao Việt Nam hỗ trợ nhiều nước chống dịch COVID-19 (2021), https://baotintuc.vn/thoi-su/quan-chuc-lao-de-cao-viet-nam-ho-tro-nhieu-nuoc-chong-dich-covid19-20211215115104772.htm

[7]. Đảng NDCM Lào (2016), tlđd, tr.84.

[8]. Huy Đông, Lào xác định 6 mục tiêu lớn trong phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2021-2025, tr.83, https://www.qdnd.vn/quoc-te/tin-tuc/lao-xac-dinh-6-muc-tieu-lon-trong-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nhiem-ky-2021-2025-649156.

[9].https://special.nhandan.vn/Lao_chong_Covid/index.html#group-section-Tai-mo-cua-dat-nuoc-byKxEKIldJ

[10]. Vientiane Times, Cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 5, Ngày 25-5-2023.

[12].World Economic, https://www.worldeconomics.com/GrossDomesticProduct/GDP-Annual-Growth-Rate/Laos.aspx#:~:text=Real%20GDP%20in%20Laos%20is,%2DPacific%2C%20ahead%20of%20Afghanistan.

[13].https://tapchilaoviet.org/tin-bai-noi-bat/lao-tam-thoi-ngan-chan-duoc-dich-covid-19-vong-hai-33337.html

[14].National Economic Research Institute (NERI)http://www.neri.gov.la/

[15].Tạp chí Lào - Việt, Báo cáo của Trung tâm Thống kê quốc gia thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, https://tapchilaoviet.org.

[16]. “Lào đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 4,5% cho năm 2023”, http://baodongnai.com.vn/thegioi/202301/lao-dat-muc-tieu-tang-truong-kinh-te-45-cho-nam-2023-3152384/

[18].Tổng cục Thống kê, Tổng quan dự báo tình hình kinh tế thế giới quý II và cả năm 2023 https://www.gso.gov.vn/du-lieu-va-so-lieu-thong-ke/2023/06/tong-quan-du-bao-tinh-hinh-kinh-te-the-gioi-quy-ii-va-ca-nam-2023/

[19].UNESCO Institute for Statistic, https://en.unesco.org/countries/lao-peoples-democratic-republic, truy cập ngày 26/10/2022.

[20].UNESCO Institute for Statistic, https://en.unesco.org/countries/lao-peoples-democratic-republic, truy cập ngày 26-10-2022.

[21].Giz (2023), Vocational Education in Lao PDR (Vela), https://www.giz.de/en/downloads/giz2023-en-factsheet-VELA.pdf

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất