Lịch sử cho thấy Việt Nam và Nhật Bản là hai dân tộc có mối quan hệ từ lâu đời với nhiều nét tương đồng về văn hóa, truyền thống. Mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước vun đắp, trở thành tài sản chung quý báu của cả hai dân tộc. Mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản được tăng cường thông qua các chuyến thăm, các cuộc tiếp xúc cấp cao thường xuyên của lãnh đạo hai nước. Việt Nam và Nhật Bản duy trì các cơ chế hợp tác quan trọng như Ủy ban Hợp tác Việt Nam - Nhật Bản do hai Bộ trưởng Ngoại giao làm đồng Chủ tịch, Đối thoại chính sách quốc phòng Việt Nam - Nhật Bản cấp Thứ trưởng... Nhật Bản phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Việt Nam tại nhiều diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế.
Những năm qua, Việt Nam và Nhật Bản đã trở thành đối tác ngày càng quan trọng của nhau trên nhiều lĩnh vực. Từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á (tháng 3-2014), quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã có bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất. Nhật Bản là nước G7 đầu tiên đón Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang thăm (1995), thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam (2009), công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam (2011), mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng (2016).
Quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản không ngừng phát triển mạnh mẽ. Nhật Bản là nước cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) lớn nhất cho Việt Nam và là đối tác thương mại song phương lớn thứ tư của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch thương mại song phương đạt 33,4 tỷ USD, tăng 16,8% so với năm 2016. Đầu tư trực tiếp của Nhật Bản vào Việt Nam năm 2017 đạt mức kỷ lục 9,11 tỷ USD, đứng đầu trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Từ năm 1992 đến hết tháng 3-2017, Nhật Bản đã cam kết khoảng 30,5 tỷ USD vốn vay ODA cho Việt Nam. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Hai nước đã dành cho nhau thuế suất tối huệ quốc từ năm 1999. Năm 2017, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 33,4 tỷ USD (tăng 16,8% so với năm 2016). Trong 3 tháng đầu năm 2018, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt 8,7 tỷ USD (tăng 15,7% so với cùng kỳ năm 2017).
Trên cơ sở kế thừa những thành tựu phát triển rực rỡ của hợp tác hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản trong 45 năm qua, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng S.A-Bê khẳng định sẵn sàng cùng nhau đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển tiếp theo thực chất, hiệu quả hơn nữa: Về quốc phòng và an ninh; hợp tác trong lĩnh vực kinh tế; Phát triển nguồn nhân lực, quản trị; về hợp tác nông nghiệp, môi trường, phòng chống thiên tai, giáo dục, khoa học - kỹ thuật, y tế; văn hóa, thể thao, giao lưu nhân dân; các diễn đàn quốc tế và khu vực.
Đặc biệt, trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, quản trị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng S.A-Bê chia sẻ ý định thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp, bao gồm thiết lập văn phòng đại diện của Viện công nghệ quốc gia (KOSEN), nghiên cứu để áp dụng mô hình giáo dục cao đẳng dạy nghề KOSEN của Nhật Bản. Đại học Việt – Nhật là dự án biểu tượng của hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa hai nước, khẳng định hợp tác nhằm sớm thiết lập hệ đào tạo cử nhân dựa trên kế hoạch tài chính lành mạnh. Số lượng thực tập sinh và sinh viên Việt Nam tại Nhật Bản tính đến đầu năm 2018 là gần 200 nghìn người. Nhật Bản đang hợp tác xây dựng Trường đại học Việt - Nhật nhằm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong lĩnh vực khoa học công nghệ, quản lý và dịch vụ. Hợp tác về du lịch, lao động... được chú trọng đẩy mạnh. Cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản hiện nay gồm hơn 262 nghìn người và cộng đồng người Nhật Bản tại Việt Nam gồm khoảng 16 nghìn người, là cầu nối hữu nghị thúc đẩy quan hệ giữa hai nước phát triển.
Hợp tác trong các nỗ lực cải cách hành chính của Việt Nam trong đó có phát triển nguồn nhân lực và cung cấp các cơ hội đào tạo cho cán bộ cao cấp của đảng và cán bộ của Chính phủ sẽ đóng góp cho phát triển bền vững của Việt Nam và tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước, khẳng định sẽ nỗ lực xây dựng và triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác.
Trong tình hình có nhiều biến động, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng S. A Bê nhắc lại tầm quan trọng của duy trì hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không, tự kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển thông qua tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, tuân thủ luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), thực hiện đầy đủ và hiệu quả toàn bộ Tuyên bố chung về ứng xử của các bên trên Biển Đông. Khẳng định tầm quan trọng của việc không quân sự hóa và thúc giục các bên liên quan không có các hành động đơn phương có thể làm thay đổi nguyên trạng và phức tạp tình hình tại Biển Đông. Để bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực, các nỗ lực ngoại giao cần hướng tới việc tuân thủ đầy đủ luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS và một Biển Đông hòa bình và ổn định.
Thu Nga