Đợt đóng góp ý kiến vào Dự thảo các văn kiện trình Đại hội lần thứ XII của Đảng đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, sôi nổi và ý nghĩa trong các cán bộ, đảng viên và cả quần chúng nhân dân. Hàng triệu lượt ý kiến góp ý cho Dự thảo văn kiện đã được gửi về Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đảng qua các kênh của mặt trận Tổ quốc Việt Nam, qua các đại hội đảng bộ các cấp, qua báo chí và qua Kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII.
Theo tổng hợp của Tiểu ban Văn kiện, đã có 26 triệu lượt ý kiến phong phú, góp phần xây dựng các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Qua đánh giá bước đầu cho thấy, nhiều ý kiến đồng tình và đánh giá cao chất lượng Dự thảo các văn kiện trình Đại hội. Các ý kiến khẳng định báo cáo chính trị đã bao quát được những vấn đề cốt lõi của đất nước và của Đảng. Tuy nhiên, để văn kiện hoàn thiện hơn, nhiều ý kiến góp ý đề nghị Đảng cần có những giải pháp cụ thể hơn trong phát triển kinh tế xã hội, đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhiều ý kiến bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước qua Đại hội XII này xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng trong sạch, gương mẫu, tận tụy và đưa đất nước tiến lên.
Về nhận xét chung của Tiểu ban Văn kiện về các nội dung được Đại hội Đảng các cấp cũng như nhân dân góp ý cho Dự thảo văn kiện vừa qua, PGS.TS Nguyễn Viết Thông,Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên Thường trực Tổ biên tập Văn kiện Đại hội XII cho biết: "Hầu hết các ý kiến đều thể hiện tâm huyết, thẳng thắn, tinh thần trách nhiệm cao với Đảng, với dân tộc; hoan nghênh việc Trung ương công bố sớm Dự thảo văn kiện để lấy ý kiến nhân dân; cho rằng đây thực sự là một đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, thể hiện tinh thần dân chủ ngày càng cao trong Đảng, trong nhân dân và trong xã hội; phát huy trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tham gia vào quá trình hoạch định đường lối, chủ trương và chính sách lớn cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Hầu hết các ý kiến đánh giá rằng Dự thảo các văn kiện được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, khoa học, có đổi mới và có chất lượng cao; phản ánh khá đầy đủ toàn diện những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm, những yếu kém sát hợp với tình hình thực tế; chỉ ra rõ được nguyên nhân, kinh nghiệm, dự báo được tình hình và định hướng mục tiêu; đề ra nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực trong thời gian tới một cách khá cụ thể, phù hợp với tình hình đất nước; gắn kết chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn".
Hoa Hiền