Chiều 14-2, theo phân công của Bộ Chính trị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã dự và chỉ đạo kiểm điểm, phê bình và tự phê bình năm 2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định.
Tham dự đoàn công tác Trung ương có đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; đồng chí Trần Việt Hùng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo Ủy Ban Kiểm tra Trung ương Đảng, lãnh đạo các vụ, cục của Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương Đảng và Ủy Ban Kiểm tra Trung ương.
Theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, các tỉnh ủy, thành ủy, các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm túc và chỉ đạo các cấp ủy trực thuộc thực hiện kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (nội dung cụ thể theo Điểm 2, Mục II Kế hoạch số 04 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương tại Công văn số 1825-CV/BTCTW, ngày 18-11-2016).
Phát biểu khai mạc cuộc họp, đồng chí Vương Đình Huệ, Trưởng đoàn công tác Trung ương yêu cầu Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định thực hiện nghiêm túc việc tự kiểm điểm và kiểm điểm theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị. Các đồng chí trong Ban Thường vụ cần tập trung tự kiểm điểm sâu sắc, phê bình và góp ý với đồng chí khác trên cơ sở đối chiếu với 27 biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã chỉ ra, nhất là những nơi, những vấn đề phức tạp, gây dư luận bức xúc trong cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong công tác cán bộ, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị; về đoàn kết nội bộ, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo quản lý.
Việc kiểm điểm phải trên tinh thần quán triệt nguyên tắc tập trung dân chủ, khách quan, cầu thị, trung thực, không né tránh; tập trung phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan để đánh giá đúng tính chất, mức độ các thiếu sót, khuyết điểm.
Sau khi kiểm điểm, tập thể và từng cá nhân xây dựng chương trình, kế hoạch sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm. Đồng thời, tổ chức thông tin, tuyên truyền với hình thức phù hợp để cán bộ, đảng viên và nhân dân trong đảng bộ, cơ quan, đơn vị biết và giám sát việc thực hiện sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Đồng chí Vương Đình Huệ nhấn mạnh, qua tổ chức thực hiện kiểm điểm lần này sẽ rút kinh nghiệm, nâng cao hiệu quả việc kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII định kỳ hoặc đột xuất trong toàn hệ thống chính trị.
Đồng chí Vương Đình Huệ tin tưởng, qua cuộc kiểm điểm này, Đảng bộ tỉnh Bình Định sẽ vững mạnh hơn, tiếp tục thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị của Đại hội lần thứ XIX của Đảng bộ tỉnh Bình Định, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
* Ngày 13-2, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã dự và chỉ đạo hội nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang, năm 2016; đề ra kế hoạch hành động năm 2017. Tham dự đoàn công tác Trung ương có đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng yêu cầu trong đợt kiểm điểm lần này, tập thể và từng cá nhân trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang cần nhìn thẳng sự thật, không né tránh.
Trước đây, Hậu Giang đã làm tốt công tác này, hiện nay cần làm tốt hơn, nghiêm túc hơn, thẳng thắn hơn, đầy đủ hơn. Từ đó, phát huy những ưu điểm, khắc phục những tồn tại, khuyết điểm nhằm phát huy sức mạnh của toàn đảng bộ để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra.
Đồng chí Trần Quốc Vượng đề nghị tập thể và từng cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang trong quá trình kiểm điểm phải đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ, cầu thị, đánh giá, góp ý trên tinh thần xây dựng.
Từng cá nhân cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm để chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm; đề ra biện pháp khắc phục những tồn tại trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Công Chánh, việc kiểm điểm của tập thể và từng cá nhân trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang là công việc thường xuyên, nhưng lần này có kết hợp với kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Việc kiểm điểm của tập thể và từng cá nhân trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang lần này được thực hiện trên tinh thần nghiêm túc, cầu thị để chỉ ra kết quả đạt được cũng như những hạn chế, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và từng đồng chí trong Ban Thường vụ.
Quá trình kiểm điểm cần chỉ ra cho những nội dung biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống và kiểm điểm chặt chẽ việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Đợt kiểm điểm lần này của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang nhằm tập trung trí tuệ, dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ trong nhìn nhận, đánh giá, góp ý cho tập thể và các cá nhân về những kết quả đạt được và những mặt hạn chế, khuyết điểm để xác định những nhiệm vụ quan trọng, từ đó thực hiện thành công nhiệm vụ của tập thể và từng cá nhân Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang trong thời gian tới.
Thành Chung và Duy Ba