Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương (khóa XIII)
Quang cảnh Hội nghị

Quang cảnh Hội nghị.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương thông báo, thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, từ ngày 3-10 đến ngày 9-10, tại Hà Nội, BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) họp Hội nghị lần thứ sáu để xem xét thảo luận, cho ý kiến các tờ trình, đề án, báo cáo của Bộ Chính trị liên quan một số vấn đề lớn, cơ bản và quan trọng: Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới; Tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; Tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025; Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Trung ương xem xét báo cáo của Bộ Chính trị từ Hội nghị Trung ương 5 đến Hội nghị Trung ương 6; Công tác tài chính của Đảng năm 2021 và một số vấn đề liên quan đến công tác cán bộ.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai  thông báo nhanh Kết quả Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương (khóa XIII).

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ sáu BCH Trung ương (khóa XIII).

Về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới

Quá trình xây dựng, hoàn thiện Đề án Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới cần được chuẩn bị bài bản, công phu, dân chủ, khoa học. Để tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, BCH Trung ương Đảng yêu cầu bám sát quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nhất quán nguyên tắc tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân; bảo đảm yêu cầu thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; bám sát thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của thời đại; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa đổi mới lập pháp, cải cách hành chính, cải cách tư pháp. BCH Trung ương Đảng thống nhất cao ban hành Nghị quyết của Trung ương về Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.

Về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị

BCH Trung ương đánh giá cao các kết quả đã đạt được của 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; khẳng định việc tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 (khóa X) và ban hành nghị quyết mới về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới là yêu cầu cần thiết để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo của Đảng, phát huy có hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn phát triển mới.

Về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Trung ương nhất trí cần phải tiếp tục đổi mới tư duy, nhận thức và hành động quyết liệt, đúng đắn, đồng bộ hơn trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH, HĐH để Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự cường, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, trở thành nước phát triển, có thu nhập cao; bảo đảm sự hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với yêu cầu giữ gìn tiến bộ và công bằng xã hội, bồi đắp và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.

Sau khi xem xét, thảo luận các tờ trình, đề án và báo cáo của Bộ Chính trị, BCH Trung ương Đảng đã quyết nghị thông qua Nghị quyết về tiếp tục đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025

BCH Trung ương thống nhất nhận định: Năm 2022, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, chưa từng có tiền lệ, vượt ngoài dự báo, tác động đến các nền kinh tế trên thế giới, ảnh hưởng trực tiếp, tiêu cực đến việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của nước ta. Trong bối cảnh đó, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng, tham gia tích cực của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự quản lý, điều hành của Chính phủ; sự đồng hành, ủng hộ của Quốc hội, chúng ta đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và hiệu quả.

Trên cơ sở phân tích, dự báo các khả năng có thể xảy ra, bám sát với tình hình thực tiễn, Trung ương thống nhất ban hành Kết luận về kinh tế - xã hội năm 2022-2023, trong đó, xác định rõ quan điểm, mục tiêu tổng quát, các chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng được yêu cầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách nhà nước hàng năm, gắn với việc phòng, chống, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Về định hướng quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trung ương coi quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng có ý nghĩa chiến lược, cơ bản, lâu dài. Trung ương yêu cầu nội dung của Quy hoạch phải xác định rõ và đúng những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo; những mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu cần phấn đấu để đạt được; tập trung ưu tiên cho việc hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây... Trên cơ sở đó, Trung ương thống nhất ban hành Kết luận của Trung ương về Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất