Bế mạc Hội nghị Chính phủ với các địa phương về triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì và điều hành Hội nghị.

Ngày 29-12-2015, Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 đã bế mạc sau 1 ngày rưỡi làm việc với 17 lãnh đạo địa phương và 20 thành viên Chính phủ phát biểu ý kiến. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát biểu kết luận Hội nghị, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu năm 2015 và nêu nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 2016 .

Đánh giá tình hình kinh tế - xã hội và kiểm điểm sự lãnh đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2015 là năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm 2011-2015. Nhìn lại năm 2015 và cả nhiệm kỳ 5 năm qua, đất nước thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội bên cạnh thuận lợi rất cơ bản do thành tựu của công cuộc đổi mới đem lại nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong nước, tuy đã đạt được những kết quả, thành tựu nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém… Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, năm 2015 cũng như 5 năm qua, tình hình kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, rõ nét, đạt kết quả quan trọng trên hầu hết lĩnh vực.

Về nhiệm vụ năm 2016 cũng như trong 5 năm tới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh:  Bên cạnh những thuận lợi, cơ hội từ hội nhập, đất nước phải cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường hết sức gay gắt và quyết liệt. Bởi vậy, tinh thần chung là Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục phấn đấu nỗ lực, phát huy hơn nữa những kết quả đạt được cũng như những kinh nghiệm tốt đã được đúc rút từ thực tiễn; ra sức khắc phục những hạn chế, yếu kém, biến khó khăn, thách thức thành thuận lợi; bám sát diễn biến tình hình, có những chính sách phù hợp để ứng phó với những diễn biến tình hình; phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề cho năm 2016 và cả 5 năm 2016-2020, với mục tiêu cuối cùng là tất cả cũng vì sự phát triển, vì lợi ích của đất nước, của nhân dân; vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chỉ đạo các nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp lớn.

Nhóm nhiệm vụ thứ nhất, tiếp tục bảo đảm và tăng cường sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải thực hiện thường xuyên và liên tục, không được chủ quan, lơ là và thỏa mãn trước những kết quả đã đạt được. Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt 3 đột phá chiến lược; từng bộ ngành, địa phương phải triển khai thực hiện bằng những hành động cụ thể, giải pháp thiết thực, hiệu quả trong thực hiện 3 đột phá chiến lược… Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả hơn nữa tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu ngân hàng và tái cơ cấu nông nghiệp...

Nhóm nhiệm vụ thứ 2, tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống mọi mặt của nhân dân… theo phương châm triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các giải pháp, không coi nhẹ lĩnh vực nào, trong đó cần đặc biệt quan tâm thực hiện tốt 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Xây dựng nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững. Yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần đặc biệt quan tâm cân đối, huy động các nguồn lực, đảm bảo cho việc thực hiện hiệu quả 2 chương trình mục tiêu quốc gia nêu trên cũng như 16 chương trình mục tiêu khác.

Nhóm nhiệm vụ thứ 3, cần tập trung chỉ đạo tốt hơn nữa cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính để cải thiện tốt hơn môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh; giảm chi phí phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Đồng thời quan tâm ứng dụng mạnh công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý nhà nước nhằm tăng tính công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, giảm thời gian, công sức cho nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Nhóm nhiệm vụ thứ 4, tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi, tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài cả về vốn, thị trường, tới kinh nghiệm quản lý để phục vụ cho các mục tiêu xây dựng và phát triển đất nước.

Nhóm nhiệm vụ thứ 5, không ngừng tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhóm nhiệm vụ thứ 6, các cấp chủ động cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chỉ đạo điều hành của Chính phủ; các cam kết quốc tế trong các Hiệp định Thương mại tự do (cả những mặt thuận lợi, cơ hội, khó khăn, thách thức khi tham gia). Phát huy quyền làm chủ của người dân trên tất cả các lĩnh vực để tạo đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, tạo sức mạnh tổng hợp phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước. Thủ tướng nhấn mạnh: Chỉ khi nào phát huy tốt nhất quyền làm chủ của người dân theo đúng Hiến pháp, pháp luật thì mới tăng cường được khối đại đoàn kết toàn dân.

Nhóm nhiệm vụ thứ 7, từ những bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo điều hành thời gian qua, Thủ tướng lưu ý các bộ, ngành, địa phương tiếp tục phát huy những kết quả đã làm được, khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành, đề cao trách nhiệm, tăng cường phối hợp, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, phấn đấu thực hiện đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất