Bí thư Tỉnh ủy Gia Định Phạm Văn Chiêu-Người góp phần tích cực vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Pháp của đồng bào Gia Định
Lãnh đạo TPHCM chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình đồng chí Phạm Văn Chiêu tại buổi tọa đàm.

Từ nhà giáo trở thành người tham gia và lãnh đạo kháng chiến

Đồng chí Phạm Văn Chiêu sinh ngày 16 tháng 6 năm 1907, trong một gia đình nông dân ở ấp Long Hòa, xã Long Thạnh Mỹ, huyện Thủ Đức, tỉnh Gia Định (nay thuộc địa bàn Quận 9, thành phố Hồ Chí Minh).

Thuở nhỏ, Phạm Văn Chiêu (còn gọi là Bảy Chiêu) đã tỏ ra thông minh và hiếu học. Mới 10 tuổi, cậu đã rời gia đình lên Sài Gòn để học. Năm 19 tuổi, Phạm Văn Chiêu tốt nghiệp xuất sắc trường Sư phạm Sài Gòn và sau đó dạy học ở Gò Vấp. Từ năm 1936 đến năm 1942 thầy Bảy Chiêu là Hiệu trưởng trường Tổng Hóc Môn. Suốt 16 năm dạy học, thầy đã mang hết tâm lực của mình truyền bá cho học sinh về những tư tưởng tiến bộ, tình yêu quê hương, đất nước, lòng căm thù giặc sâu sắc. Những năm 1937-1940, ông là Tỉnh ủy viên Tỉnh ủy Gia Định rồi Khu ủy viên Khu ủy Sài Gòn - Gia Định.

Năm 1942, do những hoạt động yêu nước trong giới trí thức, thầy Bảy Chiêu bị thực dân Pháp bắt giam ở bót Catina (sở mật thám Pháp ở Đông dương), đưa vào Khám lớn Sài Gòn, rồi đày đi nhà lao Biên Hòa. Tại đây, thầy giáo Bảy Chiêu có dịp tiếp xúc với những nhà yêu nước, các đảng viên cộng sản; Phạm Văn Chiêu bắt đầu tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, giác ngộ lý tưởng Cộng sản và trở thành một đảng viên Đảng Cộng sản ngay sau khi ra tù (tháng 4-1944).

Cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 bùng nổ, Đồng chí Phạm Văn Chiêu cùng đồng đội của mình đã đấu tranh giành chính quyền trên toàn tỉnh Gia Định. Và sau ngày tổng khởi nghĩa Phạm Văn Chiêu được cử làm Chủ tịch đầu tiên của Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Gia Định.

Nam bộ kháng chiến nổ ra đêm 22 rạng sáng ngày 23-9-1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, Nhân dân Nam bộ bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ trong điều kiện vô cùng thiếu thốn về mọi thứ. Với vai trò là Chủ tịch Ủy ban Hành chính kháng chiến tỉnh Gia Định, Đồng chí Phạm Văn Chiêu nêu cao tinh thần yêu nước nồng nàn, kiên quyết tập hợp nhiều lực lượng yêu nước chống thực dân Pháp. Ông đã thể hiện nổi bật vai trò hạt nhân đoàn kết, tập hợp các tầng lớp nhân dân tỉnh Gia Định tiến hành kháng chiến và giành nhiều thắng lợi có ý nghĩa.

Sau cách mạng tháng Tám năm 1945, Đồng chí giữ chức Chủ tịch Ủy ban nhân dân rồi Ủy ban kháng chiến hành chánh đầu tiên của tỉnh Gia Định. Đồng chí cũng là người có công thành lập chiến khu An Phú Đông (một căn cứ kháng chiến lúc đầu ở Sài Gòn năm 1936-1948), Khu ủy viên khu 7, rồi Ủy viên Ủy ban kháng chiến Phân liên khu miền Đông Nam Bộ.

Suốt những năm dài trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông là một trong những người  lãnh đạo trung kiên, sáng tạo, lập ra chiến khu An Phú Đông - một căn cứ sát trung tâm Sài Gòn, ngay trong lòng Nhân dân tại tỉnh Gia Định. Việc lập và duy trì chiến khu An Phú Đông, để lấy đó làm bàn đạp phát triển lực lượng, củng cố thế trận đi vào những bước phát triển mới của lực lượng cách mạng, là sự sáng tạo của Tỉnh ủy Gia Định, mà đồng chí đề xuất là để củng cố thêm cho chiến khu An Phú Đông.   

Tại vùng Gò Vấp, Hóc Môn, khi Nam bộ kháng chiến nổ ra, núp sau quân Anh, thực dân Pháp đã lấn chiếm Gò Vấp và trụ lại tại dây. Ngày 10-11-1945, Pháp chiếm đóng thị trấn Gò Vấp. Ở Gia Định, các lực lượng vũ trang của ta chốt giữ Mặt trận ở Cầu Hang, Dĩ An, Thủ Đức. Khi Mặt trận bị vỡ, phần lớn lực lượng của Mặt trận miền Đông rút về Chiến khu Lạc An, một số trụ lại để xây dựng căn cứ. Vùng đất An Phú Đông-Thạnh Lộc nằm trên đường rút lui của quân ta và đã trở thành nơi hiểm yếu để ta đón nhận tập kết của nhiều cơ quan đoàn thể, nhiều đơn vị lực lượng vũ trang từ Sài Gòn - Gia Định trở ra.

Vào thời gian này, lợi dụng địa thế cù lao, các cơ quan và lực lượng Quân sự tỉnh Gia Định đóng tại Gò Vấp, An Phú Đông - Thạnh Lộc cùng đồng bào Sài Gòn - Gia Định đã nhanh chóng rút về cù lao Hanh Phú (An Phú Đông). Tại đây, các cơ quan và lực lượng Quân sự của ta đã củng cố ổn định tổ chức, biên chế, chuẩn bị cho những ngày kháng chiến lâu dài sắp tới, khi việc củng cố lực lượng này đi liền với phát triển các thế mạnh của ta từ các địa bàn nông thôn.

Trong chỉ một năm từ khi nổ ra kháng chiến, rút kinh nghiệm từ Nam Kỳ khởi nghĩa 1940, Xứ ủy Nam bộ và các tổ chức Đảng đã xây dựng nên nhiều căn cứ kháng chiến, trong đó có An Phú Đông mà Tỉnh ủy Gia Định đã tập trung xây dựng:“Ngày 14-9-1946, nhiệm vụ xây dựng căn cứ càng được đặt ra khẩn trương hơn và có thêm thuận lợi mới, như việc lưu thông giữa vùng tự do và vùng tạm bị chiếm đỡ khó khăn, đỡ cách bức hơn, đồng bào ra vào vùng căn cứ, ra vào thành phố, tỉnh lỵ, quận lỵ không bị giặc kiểm soát gắt gao (dù là tạm thời). Có các chiến khu nổi tiếng như Chiến khu Đ, Chiến khu Đông Thành, Chiến khu Đồng Tháp Mười, Chiến khu U Minh, Chiến khu Tây Bắc Tây Ninh, v.v.. Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn xây dựng căn cứ sát cạnh vùng tạm bị chiếm như An Phú Đông, Vườn Thơm - Láng Le, Gò Cát, Hộ 17, Rừng Sác. Nhiều tỉnh cũng đều có những căn cứ như vậy”.[[1]]

Hiệu quả to lớn của chủ trương lập căn cứ kháng chiến ở ngoại ô ngay phụ cận Sài Gòn - Gia Định.

Thực hiện chủ trương lập những khu căn cứ kháng chiến ngay ở ngoại ô, phụ cận Sài Gòn, không rút đi xa, cố bám đất, bám dân, giành thế chủ động làm chủ chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân của Tỉnh ủy Gia Định đề ra từ đầu cuộc kháng chiến, sau ngày 5/10/1945, các lực lượng cách mạng chiếm đóng bảo vệ thành phố, các cơ quan kháng chiến của tỉnh Gia Định, thành phố Sài Gòn, Quận Gò Vấp và một bộ phận của Xứ ủy.

Vào thời gian này, Tổng Công đoàn Nam bộ và Sở chỉ huy các đơn vị vũ trang các Mặt trận bị địch lấn chiếm, dần dần rút về An Phú Đông - Thạnh Lộc, trong đó có Tỉnh ủy Gia Định. Lúc này, Tỉnh ủy Gia Định do đồng chí Phạm Văn Khung (Bảy Khung) làm Bí thư, Ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Gia Định do đồng chí Phạm Văn Chiêu (Bảy Chiêu) là Chủ tịch, và gồm các thành viên: Hai Dung, Hai Công… Ngoài ra còn có các cơ quan của Quân khu 7…  Tất cả đã phối hợp thành một Mặt trận, ngày đêm tấn công vào Thành phố làm rung động bọn cầm quyền tay sai. Tuy không chiếm được Thành phố nhưng tiếng súng cách mạng tấn công vào bọn đầu não Pháp khiến chúng không thể nào được yên ổn, trong khi lực lượng cách mạng luôn áp sát chúng.

Khi cuộc kháng chiến của nhân dân ta nổ ra, như một lệnh truyền, toàn dân An Phú Đông - Thạnh Lộc phất cờ nổi dậy, xây dựng lực lượng kháng chiến, đồng thời chống giặc đói, giết giặc dốt. Dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh và các đoàn thể Cứu quốc, đồng bào các vùng Tân Bình, Gò Vấp, Dĩ An, Thủ Đức, Thuận An cùng đổ về An Phú Đông - Thạnh Lộc tham gia kháng chiến, hưởng ứng lời kêu gọi của Chính phủ và Hồ Chủ tịch “Thà chết chứ nhất định không chịu làm nô lệ!”.

Nhờ địa thế hiểm trở, giao thông đường bộ hầu như không có và những vườn cau, vườn dừa sum xuê, những rẫy dứa bạt ngàn, ấp Hanh Phú (An Phú Đông) đã trở thành một vùng căn cứ kháng chiến thật sự an toàn. 

Đáp lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và Chính quyền Nam bộ, ngay từ những ngày đầu Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định với gậy tầm vông, giáo mác và mọi thứ vũ khí có trong tay đã đứng lên chiến đấu ngoan cường, hình thành các Mặt trận xung quanh Thành phố, vây hãm làm cho giặc trong tình trạng bất ngờ lúng túng.

Lực lượng địch tại Sài Gòn - Gia Định lúc này lên tới 10.000 quân (một tiểu đoàn biệt kích Pháp 600 tên, tù binh Pháp thuộc Trung đoàn trên được tái vũ trang 1.500 tên, lực lượng Pháp kiều có vũ trang 500 người, một lữ đoàn quân đội Hoàng gia Anh 2.000 tên và 7 Tiểu đoàn quân Nhật 5.000 tên). Quân ta chống trả ngày đêm với một lực lượng không cân xứng đành rút lui cố thủ ở các vùng phụ cận. Lực  lượng ta sau khi tập trung rút ra ngoại ô, trong nội thành Sài Gòn chỉ còn một số tiểu đoàn Cộng hòa vệ binh làm nhiệm vụ tuần tra gác các vị trí công sở với khoảng 8.000 người (gồm 6.000 công nhân xung phong, 2.000 thanh niên xung phong và công an xung phong), trang bị 120 súng các loại, 3.000 lựu đạn và giáo mác, gậy tầm vông vạt nhọn, tất cả được tổ chức thành 320 đội tự vệ chiến đấu bố trí khắp các khu vực trong thành phố, kết nối nhau thông qua các đội tự vệ mà bám trụ lâu dài, đánh địch ngay trong lòng dân.

Từ tháng 11-1945, các đồng chí Phạm Văn Khung - Bí thư Tỉnh ủy, Phạm Văn Chiêu - Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến Tỉnh Gia Định (sau đó là Bí thư Tỉnh ủy), Nguyễn Văn Dung, Nguyễn Văn Công, Phó Chủ tịch Ủy ban hành chính kháng chiến đã cho dời hết các cơ quan thuộc quân – dân - chính Đảng về đóng tại khu An Phú Đông. Tại đây, các đồng chí lãnh đạo đã đề ra những chủ trương chỉ đạo kháng chiến trong những năm 1945-1946. Tổng Công đoàn Nam bộ do đồng chí Lý Chính Thắng làm Tổng Thư ký lập trạm đón tiếp công nhân từ Thành phố ra và thành lập công xưởng làm vũ khí, khí tài cho bộ đội và nhân dân chống Pháp, cùng với Báo “Cảm tử” - cơ quan tuyên truyền của Tỉnh ủy Gia Định cũng do đồng chí Lý Chính Thắng phụ trách đóng tại nhà ông Ba Huề. Tổng hành dinh của Bộ tư lệnh Mặt trận miền Đông do đồng chí Nguyễn Đình Thâu làm Tư lệnh cũng đóng ở đây. Sau khi các cơ quan lãnh đạo của tỉnh Gia Định và Quận Gò Vấp rời về đứng chân tại An Phú Đông - Thạnh Lộc, các đơn vị vũ trang cũng được bố trí theo đội hình: A 16 đóng ở Bình Lợi Trung; A 17 tại bến đò A.P.Đ – Bình Phước; A 18 tại cầu Đình An Lộc; A 19 ở cầu chùa A.P.Đ; A 20 ở Vàm Thuật – Hanh Phú; A 21 ở cầu xe lửa An Nhơn; A 22 tại vũng bèo Hanh Thông Xã; A 23 tại bến đò Bến Cát (Hanh Thông Xã).

Ngày 25-12-1945, Hội nghị cán bộ của Tỉnh Gia Định (có sự tham dự của các đồng chí Quận ủy Gò Vấp, Chi ủy xã An Phú Đông - Thạnh Lộc) tại Vườn Cau Đỏ đã bàn và nhất trí nhận định “Ta vẫn có thể bám trụ được ở bán đảo này để vừa chiến đấu, vừa củng cố xây dựng lực lượng kháng chiến, bám trụ chiến đấu được ở Sài Gòn thì có nhiều tiếng vang với kháng chiến, giữ được lòng tin của đồng bào đối với kháng chiến”.

Tại Hội nghị, Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định quyết định chính thức thành lập Chiến khu An Phú Đông, lấy 2 xã An Phú Đông - Thạnh Lộc nằm sát nách Sài Gòn làm trung tâm căn cứ của cơ quan lãnh đạo kháng chiến của Tỉnh, thể hiện tinh thần quyết tâm đánh Pháp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Sài Gòn – Gia Định - Chợ Lớn, quyết định tổ chức xây dựng nơi đây thành căn cứ có tầm vóc một Chiến khu. Đây là địa bàn có điều kiện để xây dựng, tổ chức huấn luyện lực lượng kháng chiến nhằm đánh địch lâu dài, tạo thành một hành lang thuận tiện di chuyển bảo vệ lực lượng. Nhân dân nơi đây đã sáng tạo nhiều cách đánh địch và xây dựng hệ thống phòng thủ trên mặt đất lẫn đào hầm bí mật, hầm móc chìm dưới nước (còn gọi là hầm cá trê). Đồng chí Phạm Văn Chiêu - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh là người đề xuất chọn An Phú Đông làm địa bàn chiến khu kháng chiến đầu tiên, có tính lâu dài ở tỉnh Gia Định. Khi được hỏi vì sao chọn An Phú Đông làm Chiến khu, đồng chí đã nói: “Phải tương kế tựu kế, Cụ Hồ dạy chúng ta như thế. Biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”.[[2]]

Lúc này ở Chiến khu An Phú Đông dân cư còn thưa thớt, địa hình đi lại còn khó khăn, ngăn cách các ấp nối với nhau bằng những con đường đất đỏ ngoằn nghèo chạy giữa những dãy tàu lá dừa, bần gie, mù u, ô rô, cóc kèn và các loại dây mây… Tuy chiến khu An Phú Đông lại chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng 8 cây số và cách Quận Gò Vấp vài cây số đường bộ (lúc đó còn chưa có đường ô tô) và nằm sát ven bờ con sông Vàm Thuật nên sự hình thành Chiến khu An Phú Đông - Chiến khu đầu tiên của Tỉnh Gia Định, là nơi bám trụ của nhiều cơ quan lãnh đạo Thành phố Sài Gòn, của Tỉnh Gia Định và cũng là căn cứ của bộ máy kháng chiến Quận Gò Vấp là điều hết sức sáng tạo.

Trải qua 5 trận càn lớn của địch, trong đó có những trận càn địch tập trung đông lực lượng như trận quân và dân ta đánh cầu Đình ngày 01-2-1946, cũng như trận chống càn ngày 01/3/1946, dù lực lượng ta ít và thiếu rất nhiều loại vũ khí, nhưng nhờ vào địa hình

“Chiến khu An Phú Đông vẫn luôn đứng vững. Tên gọi của Chiến khu đầu tiên của Sài Gòn - Gia Định đã đi vào lịch sử cuộc kháng chiến chống Pháp của Nam bộ và cả nước một cách tự hào, thiêng liêng. Trong năm đầu tiên của cuộc kháng chiến chống Pháp, nhân dân Chiến khu An Phú Đông đã dốc hết sức người, sức của cho kháng chiến, giữ vững niềm tin, ý chí chiến đấu, mưu trí dũng cảm, góp phần bảo vệ các cơ quan của Xứ ủy, của Thành phố Sài Gòn, của Tỉnh Gia Định, của Quận ủy và Nhân dân Gò Vấp dũng cảm đứng lên đi đầu trong kháng chiến chống Thực dân Pháp tái xâm lược. Niềm tự hào ấy đã thành bất tử”. 

Việc Chiến khu An Phú Đông ra đời đánh dấu ý nghĩa lịch sử bất khuất của quân dân Nam Bộ: tuy thành phố Sài Gòn - Gia Định sau ngày kháng chiến Nam bộ nổ ra đã bị thực dân chiếm đóng, nhưng trong lòng thành phố vẫn có sự hoạt động của Đảng bộ, của các chiến sĩ cách mạng dũng cảm, kiên cường, và gây được tiếng vang và niềm tin vào cuộc kháng chiến thắng lợi của nhân dân tỉnh Gia Định, của Nam bộ. Chiến khu An Phú Đông trở thành một trong những căn cứ địa kháng chiến ra đời sớm vào cuối năm 1945 và phát triển giữ vững thế trận cho cả cuộc kháng chiến ở tỉnh Gia Định và vùng giáp ranh sách nách Sài Gòn. Chiến khu An Phú Đông từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp tái xâm lược đã trở thành ngọn cờ hiệu triệu, tập trung mọi lực lượng yêu nước cùng chiến đấu của Quận Gò Vấp, và cả tỉnh Gia Định vững vàng đi vào cuộc kháng chiến.

Sau này, qua nhiều Hội thảo khoa học về Chiến khu An Phú Đông, đã khẳng định người đã có công đề xuất cho Tỉnh ủy tỉnh Gia Định chọn An Phú Đông làm Chiến khu kháng chiến lâu dài, đầu tiên là đồng chí Phạm Văn Chiêu - Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Gia Định, lúc này.

Công lao này đối với cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp, mà Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh Gia Định Phạm Văn Chiêu đã nêu cao ý chí tiến công, dù kẻ thù lúc đó vừa đông về lực lượng, vừa mạnh về các loại vũ khí, nhưng khi những chiến sĩ cộng sản đã nắm vững thế chủ động, có Nhân dân bao bọc, che chở…thì sẽ đưa đến những chiến thắng mà nói như đồng chí  Phạm Văn Chiêu, khi chọn Chiến khu An Phú Đông làm Chiến khu kháng chiến lâu dài, là ông đã thấm nhuần tư tưởng chiến tranh Nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phải tương kế tựu kế, Cụ Hồ dạy chúng ta như thế. Biết địch, biết ta, trăm trận trăm thắng”.

Phạm Bá Nhiễu 



[1] - CD-ROM – Lịch sử Nam bộ Kháng chiến (1930 - 1975), NXB CT QG - HN 2012, tr.292.

 [2] - Trần Thế Tuyển - “Người đề xuất An Phú Đông làm căn cứ kháng chiến”- Báo Quân đội Nhân dân ngày 26/9/1992.

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất