Sau khi nghe đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo tóm tắt dự thảo các văn kiện, phương án nhân sự chuẩn bị cho Đại hội IX của Thành phố và các ý kiến phát biểu của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, lãnh đạo các bộ, ngành, ban đảng Trung ương, Bộ Chính trị đã thảo luận. Bộ Chính trị đánh giá cao việc Ban Thường vụ, Thường trực Thành uỷ đã tập trung chỉ đạo xây dựng các văn kiện, đề án nhân sự cho đại hội một cách nghiêm túc, đúng theo tinh thần Chỉ thị 37-CT/TW của Bộ Chính trị. Nội dung các văn kiện thể hiện được quan điểm đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và quyết tâm cao.
Về tình hình thực hiện nghị quyết nhiệm kỳ qua, Bộ Chính trị đánh giá cao những thành tựu mà Thành phố Hồ Chí Minh đạt được. Trong điều kiện có nhiều khó khăn và thử thách, đảng bộ và nhân dân Thành phố đã phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, nỗ lực, phấn đấu, ứng phó với những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, huy động mọi nguồn lực thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII, đạt được những thành tựu, tiến bộ quan trọng và khá toàn diện, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng và xứng đáng với vị trí, vai trò của thành phố đối với khu vực và cả nước. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Bộ Chính trị cũng lưu ý một số hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế của Thành phố chưa thật ổn định, thiếu bền vững. Tiềm năng lợi thế của Thành phố chưa được phát huy tốt. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, năng lực cạnh tranh chưa cao. Kết cấu hạ tầng ngày càng quá tải, gây bức xúc cho nhân dân, cản trở mục tiêu tăng trưởng. Nhiều vấn đề bức xúc về văn hoá, xã hội chưa được giải quyết có hiệu quả.
Về phương hướng và nhiệm vụ nhiệm kỳ 2010-2015, Bộ Chính trị nhất trí với chủ đề, mục tiêu nêu trong Báo cáo chính trị của Đảng bộ Thành phố và lưu ý một số điểm: Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất nước ta, một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu quốc tế, có vị trí chính trị quan trọng. Nghị quyết 20, Nghị quyết 53 và Kết luận 15 của Bộ Chính trị đã khẳng định “Trong giai đoạn tới, thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phải tiếp tục phát triển bền vững với tốc độ cao hơn mức bình quân chung của cả nước; đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn của đất nước và khu vực Đông - Nam Á. Phát huy tốt vai trò vùng kinh tế động lực, tạo sức lan tỏa, giúp đỡ các tỉnh, thành phố khác phát triển”. Thành phố cần huy động cao nhất các nguồn lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế để phát triển nhanh, ổn định và bền vững; là địa bàn cầu nối để hội nhập, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực, trở thành một thành phố xã hội chủ nghĩa văn minh, hiện đại, một trung tâm lớn về nhiều mặt của đất nước và có tầm cỡ ở khu vực Đông - Nam Á. Thành phố cần chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương trong xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch, cơ chế, chính sách, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc; đồng thời chủ động quan hệ liên kết, hợp tác với các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là trong khu vực, tạo nên sự gắn bó và sức mạnh chung để cùng phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố phải luôn vững vàng về chính trị, chủ động, tích cực đấu tranh có hiệu quả với các âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, trật tự - an toàn xã hội trên địa bàn, tạo môi trường thuận lợi cho Thành phố phát triển. Thành phố cần làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng quy hoạch trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt chú ý các quy hoạch phát triển đô thị, quy hoạch xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng để đảm bảo cho sự phát triển lâu dài. Thành phố phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương có những giải pháp để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước cho đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, điện, nước, tạo ra bước đột phá lớn và khắc phục nhanh những yếu kém, lạc hậu của các lĩnh vực này...
Bộ Chính trị cũng nhất trí những mục tiêu tổng quát như: Tăng trưởng kinh tế hằng năm của Thành phố từ 12% trở lên, bằng 1,5 lần so bình quân cả nước; tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành dịch vụ 13%; ngành công nghiệp - xây dựng 11%, ngành nông nghiệp 5%; thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt trên 4.800 USD; tỷ lệ hộ nghèo dưới 2%... Ngoài ra, còn có 6 chương trình đột phá, nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc trước mắt cũng như lâu dài của thành phố.
Về công tác xây dựng đảng, Bộ Chính trị đề nghị: Đảng bộ Thành phố tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong toàn đảng bộ, thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng; thực hiện tốt Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của thành phố trong giai đoạn mới. Nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở; thực hiện tốt chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt của cấp uỷ, chi bộ. Bộ Chính trị nhất trí với phương án nhân sự do Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố trình và đồng ý cho Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ IX.
Nguồn: TTXVN