Theo Kết luận số 48- KL/TW về "Xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế và đô thị Huế đến năm 2020," Bộ Chính đã khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thừa Thiên Huế; tán thành phương hướng xây dựng Thừa Thiên Huế đến năm 2020 là “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong vài năm tới, là trung tâm của khu vực miền Trung và một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước về văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ, y tế chuyên sâu và giáo dục-đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Phấn đấu đến năm 2020, Thừa Thiên Huế xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế văn hóa, khoa học-công nghệ, y tế, đào tạo lớn của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Á.”
Đồng thời, Bộ Chính trị nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp mà Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt để hoàn thành mục tiêu đề ra.
Báo cáo với Bộ Chính trị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Thiện nêu rõ: 5 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị, dưới sự chỉ đạo của Trung ương, sự giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước, phát huy truyền thống lịch sử và văn hóa của vùng đất văn hiến, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thừa Thiên Huế đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu đạt được những kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trở thành một cực phát triển năng động của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2009-2013 đạt trên10,2%. GDP đầu người tăng hơn 1,77 lần so với năm 2009. Ngành du lịch và dịch vụ được tập trung đầu tư theo hướng khai thác lợi thế của vùng đất văn hóa, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Tỉnh đã huy động các nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, chỉnh trang, nâng cấp đô thị Thừa Thiên Huế; tập trung xây dựng và phát triển đô thị theo hướng "đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Thừa Thiên Huế đã phát huy vị thế trung tâm văn hóa đặc sắc của cả nước để phát triển du lịch gắn với bảo tồn và phát huy tốt giá trị di sản Cố đô Huế với xây dựng thành phố văn hóa, thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam. Trung tâm y tế chuyên sâu với trụ cột là Bệnh viện Trung ương Huế, trường Đại học Y dược Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y dược Huế, Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm; các bệnh viện chuyên khoa đầu ngành và mạng lưới y tế từ tỉnh đến cơ sở được đầu tư đồng bộ, hiện đại, phục vụ tốt công tác khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực miền Trung và cả nước. Trung tâm giáo dục-đào tạo được đầu tư theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của khu vực miền Trung và cả nước. Tiếp tục thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị, tỉnh xác định phương hướng xây dựng Thừa Thiên Huế theo mô hình đô thị "di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường;" phấn đấu đến năm 2020, xứng tầm là trung tâm đô thị cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, một trong những trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học và công nghệ, y tế, đào tạo lớn của của cả nước và khu vực các nước Đông Nam Á. Quốc phòng, an ninh được tăng cường. Chính trị, xã hội ổn định, vững chắc. Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao rõ rệt, ngang tầm nhiệm vụ; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện.
Tại buổi làm việc, tập thể Bộ Chính trị và đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương đã nêu ý kiến về những kết quả nổi bật, những khó khăn, hạn chế trong việc thực hiện Kết luận số 48 của Bộ Chính trị khóa X; định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020. Bộ Chính trị đã cho ý kiến về những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Thay mặt Bộ Chính trị kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá cao sự chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện Kết luận 48 của Bộ Chính trị của tỉnh Thừa Thiên Huế và các bộ, ban, ngành Trung ương.
Trong 5 năm qua, Thừa Thiên Huế có chuyển biến rõ rệt, tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực, rõ nét nhất là tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, rất đúng với đặc điểm của địa phương. Đời sống của nhân dân được cải thiện, an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Tỉnh có ý thức giữa phát triển kinh tế với bảo vệ các di sản văn hóa, tôn tạo, phát triển, khai thác, phát huy thế mạnh kết hợp với bảo vệ môi trường. Tỉnh làm tốt công tác xây dựng đảng, hệ thống chính trị, nội bộ đoàn kết, giữ ổn định, tạo đà và có khí thế để đi lên.
Bộ Chính trị lưu ý bên cạnh những kết quả đạt được, so với yêu cầu và mong muốn, tỉnh vẫn còn những hạn chế: Quy mô kinh tế của tỉnh còn nhỏ, chưa phát huy hết tiềm năng lợi thế. Tỉnh Thừa Thiên Huế cần có bước phát triển mạnh, đột phá hơn nữa.
Đồng tình về cơ bản với phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh, Bộ Chính trị nhấn mạnh tỉnh cần nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn nữa tiềm năng, thế mạnh, đặc điểm phát triển của Thừa Thiên Huế, đó là các vấn đề về văn hóa du lịch, phát triển dịch vụ, phát triển kinh tế biển, đầm phá, kinh tế miền Tây để nâng cao đời sống của nhân dân, trên cơ sở đó có kế hoạch phát triển bứt phá mạnh hơn nữa, nổi trội hơn nữa.
Với nhận thức như vậy, Bộ Chính trị lưu ý tỉnh cần quan tâm đến vấn đề quy hoạch phù hợp với đặc điểm, theo tinh thần quy hoạch phải đồng bộ, hài hòa giữa kinh tế và xã hội, môi trường, giữa đô thị và nông thôn, phát triển bền vững với nhịp độ tăng trưởng, giữa các vùng miền Thừa Thiên-Huế cần hết sức chú ý xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng Đảng với ý nghĩa là khâu then chốt, chuẩn bị tốt Đại hội Đảng bộ các cấp sắp tới, tạo điểm nhấn chuẩn bị đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Phương hướng sắp tới cần rõ ràng, mạch lạc hơn, khắc phục những yếu kém mà Bộ Chính trị đã chỉ ra; chuẩn bị tốt nguồn nhân lực, đặc biệt là công tác cán bộ, nhân sự. Trong tình hình hiện nay, Thừa Thiên Huế cần quan tâm đến vấn đề giữ gìn, bảo vệ Tổ quốc, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội, vấn đề dân tộc, tôn giáo.
Bộ Chính trị yêu cầu Thừa Thiên Huế cần hết sức quan tâm đổi mới phong cách, phương thức, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về tư duy với tinh thần tự lực, chủ động vươn lên, phát huy mọi nguồn lực tại chỗ về nhân lực, tài lực, vật lực tốt hơn để phát triển. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, tỉnh cần hết sức chú ý vừa toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm tạo bước đột phá, bứt phá với tinh thần chỉ đạo ráo riết, quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn nữa.
Về kiến nghị của tỉnh, Bộ Chính trị một lần nữa đồng ý về chủ trương nâng cấp đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương nhưng lưu ý tỉnh cần phải chuẩn bị thật kỹ về các điều kiện, tiêu chí, quy trình kỹ thuật, bảo đảm thủ tục hành chính để sớm trình Trung ương, Quốc hội, để khi được chấp thuận, Thừa Thiên Huế phải có thay đổi về chất, có bước nhảy vọt.
Về việc ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án đã được phê duyệt, Bộ Chính trị đồng ý về chủ trương, giao Ban cán sự Đảng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương dành ưu tiên cho Thừa Thiên-Huế trong cân đối chung các nguồn lực. Đồng thời, lưu ý tỉnh cần tự lực, chủ động, phát huy nguồn lực tại chỗ, huy động các thành phần kinh tế, cùng hỗ trợ của Nhà nước tạo nguồn lực để phát triển.
Bộ Chính trị tiếp tục khẳng định chủ trương xây dựng Đại học Huế thành Đại học quốc gia như đã nêu trong Kết luận số 48; giao Ban Cán sự đảng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với tỉnh xây dựng đề án, đưa vào kế hoạch, triển khai khi đủ điều kiện.
Nguồn: TTXVN