Bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng và nâng cao văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sỹ công an
Toàn cảnh Hội thảo.

Chủ trì Hội thảo có các đồng chí: Thiếu tướng, GS.TS Trương Giang Long, Giám đốc Học viện chính trị CAND; GS.TS Vũ Văn Hiền, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Thiếu tướng Trương Giang Long cho biết, trải qua 72 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, công an nhân dân thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, giữ vững và phát huy các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống của dân tộc và tinh hoa của thời đại. Đặc biệt là việc thấm nhuần, vận dụng sáng tạo, được kết tinh, thể hiện trong tư tưởng, đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nhận thức và hành động. Bước sang giai đoạn mới, trước những diễn biến phức tạp của tình hình thế giới, cùng những tác động của nền kinh tế thị trường trong quá trình toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế; những âm mưu chống phá của các thế lực thù địch đang từng ngày, từng giờ tác động tiêu cực đến cán bộ, chiến sĩ... “một bộ phận cán bộ, chiến sĩ, kể cả lãnh đạo, chỉ huy có những biểu hiện thoái hóa, biến chất về đạo đức, lối sống, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân. Cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, vi phạm quy trình, quy chế công tác, kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh Công an nhân dân có chiều hướng gia tăng”, 

Thực tế đó đặt ra vấn đề cấp thiết phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng đạo đức cách mạng, văn hoá ứng xử cho cán bộ, chiến sĩ, nhằm tiếp tục phát huy bản chất cách mạng, truyền thống tốt đẹp của Công an nhân dân; xây dựng hình tượng người cán bộ, chiến sĩ công an đẹp trong lòng dân. Đặc biệt, để xây dựng bản lĩnh chính trị, văn hóa ứng xử của Công an nhân dân, vấn đề không chỉ có ý nghĩa chính trị - thời sự rất quan trọng, mà còn là vấn đề thường xuyên hiện nay, lực lượng Công an nhân dân phải quyết tâm phấn đấu là lực lượng tiên phong đi đầu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về công tác xây dựng Đảng, gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ lịch sử, không ngừng đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng và bồi dưỡng tri thức nghiệp vụ, chuyên môn, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn tinh vi, thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, đã và đang thúc đẩy quá trình “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nhằm phân rã niềm tin trong nội bộ, tiến tới xóa bỏ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hội thảo được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 3 năm ngày Học viện Chính trị Công an nhân dân chính thức đi vào hoạt động, là một trong những hoạt động khoa học có ý nghĩa thiết thực chào mừng và đánh dấu bước trưởng thành của Học viện.

Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được hơn 50 báo cáo tham luận của các đồng chí lãnh đạo, các tướng lĩnh, các nhà khoa học trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân.

Tại Hội thảo, các nhà khoa học, đại biểu tập trung thảo luận, làm rõ bản chất đạo đức cách mạng và sự cần thiết phải bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng đối với lực lượng Công an nhân dân trong bối cảnh hiện nay. Các yếu tố tác động đến giáo dục đạo đức cách mạng và văn hóa ứng xử trong quá trình hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay (đặc biệt là mặt trái, mặt hạn chế).

Các đại biểu cũng đã phân tích, nêu rõ các chuẩn mực văn hóa ứng xử Công an nhân dân; thực trạng văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an; mối quan hệ giữa văn hóa ứng xử với bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân. Đồng thời đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả bồi dưỡng, giáo dục đạo đức cách mạng, văn hóa ứng xử của cán bộ, chiến sĩ công an trong tình hình mới.

Hoa Hiền

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất