Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 làm việc tại Đà Nẵng, Quảng Ninh và Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương
Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 làm việc tại Quảng Ninh.

* Ngày 13-4, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Đoàn Khảo sát số 4, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về việc xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Báo cáo tại buổi làm việc, lãnh đạo Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng hiện nay có 19 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 7 đảng bộ quận, huyện. Trong nhiều nhiệm kỳ qua, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy luôn chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, trong đó hết sức quan tâm đến cấp quận, huyện. Trên cơ sở đường lối, chủ trương, nghị quyết của Trung ương và Thành ủy về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc của cơ quan, quy chế phối hợp giữa lãnh đạo cơ quan với cấp ủy cơ quan được thực hiện nghiêm túc. Các quận ủy, huyện ủy đã phổ biến, quán triệt, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động để triển khai thực hiện, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu. 

Nhiều năm qua, Ban chấp hành Đảng bộ thành phố và cấp ủy các quận, huyện luôn nhận thức rõ sự cần thiết của việc xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương. Việc khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng nhiệm vụ của các cơ quan, sắp xếp lại bộ máy cho phù hợp với quy định và thực tiễn đã được thành phố hết sức chú trọng nhằm hướng tới một nền hành chính chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả. Hệ thống tổ chức Đảng của đảng bộ các quận, huyện được thành lập và hoạt động đúng Điều lệ Đảng, các quy định của Trung ương...

Thông qua phân cấp trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, những biểu hiện sai phạm trong thực hiện quy chế làm việc của cấp ủy, quy chế làm việc của lãnh đạo cơ quan, đơn vị đã được cấp ủy, ủy ban kiểm tra cấp ủy các cấp chấn chỉnh, xử lý đúng quy định, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác lãnh đạo của Đảng và sự quản lý, điều hành của chính quyền các cấp. Việc thực hiện quy chế chất vấn trong Đảng được tăng cường. Một số cấp ủy ban hành kế hoạch và quy chế chất vấn riêng phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương, đơn vị.  

Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã kiến nghị với Trung ương một số vấn đề liên quan đến xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trong đó, Đà Nẵng kiến nghị Trung ương chỉ quản lý về biên chế, giao quyền tự chủ cho các tỉnh, thành phố trong việc thành lập một số các đơn vị đặc thù, phù hợp với nhu cầu của địa phương.

Đà Nẵng cũng đề Trung ương nghị xem xét sáp nhập các trung tâm bồi dưỡng chính trị quận, huyện vào ban Tuyên giáo quận ủy, huyện ủy để thống nhất về công tác quản lý và hoạt động chuyên môn. Ngoài ra, đề nghị Bộ Chính trị và Quốc hội trong thời gian tới tiếp tục nghiên cứu cho phép một số địa phương, trong đó có Đà Nẵng được thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo hướng hình thành mô hình 3 cấp hành chính: một cấp chính quyền hoàn chỉnh là cấp thành phố, cấp huyện và cấp xã chỉ có UBND.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà Đà Nẵng đạt được trong việc triển khai thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Nhà nước về xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp. Đồng chí Trương Thị Mai nêu rõ, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã đưa ra định hướng, nghiên cứu thực hiện thí điểm hợp nhất một số cơ quan Đảng, Nhà nước tương đồng về chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, việc tinh giản tổ chức bộ máy phải gắn với phân định rõ chức năng, nhiệm vụ phương thức hoạt động, phân cấp phân quyền sao cho bộ máy hoạt động hiệu quả hơn. Đổi mới kiện toàn tổ chức bộ máy phải gắn với cơ chế là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.

* Ngày 13-4, tại TP Hạ Long, Đoàn khảo sát số 3, Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm trưởng đoàn đã làm việc với tỉnh Quảng Ninh về việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực. 

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, nhấn mạnh: Hơn 30 năm đổi mới, Đảng ta luôn xác định, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; công tác xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, từ đó quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Mặc dù nhiều chủ trương, giải pháp trong công tác xây dựng Đảng đề ra, nhưng có lúc, có nơi triển khai chưa có sự đột phá. Vì vậy, việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả vừa là nhiệm vụ trước mắt, vừa là nhiệm vụ lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt trong triển khai. Vì vậy, rất cần sự hiến kế từ thực tiễn công tác của các địa phương, đơn vị...

Báo cáo với Đoàn công tác tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Thị Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, khẳng định: Thực hiện các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, thời gian qua Quảng Ninh đã nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá và tiến hành rà soát trong toàn hệ thống chính trị về phương thức hoạt động, tổ chức bộ máy, biên chế. Tỉnh đã thẳng thắn nhận định những hạn chế, yếu kém từ thực tiễn, mạnh dạn đề ra các giải pháp để từng bước nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế. Đặc biệt, tỉnh đã xây dựng Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25) và ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU, trong đó lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm với phương châm “việc gì có lợi cho dân, cho nước thì phải hết sức làm”. 

Sau 2 năm thực hiện Đề án, Quảng Ninh đã thể hiện rõ kết quả nâng cao năng lực lãnh đạo qua sự lựa chọn vấn đề trọng tâm, trọng điểm như: Đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược của Đảng; thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA) để thực hiện công khai, minh bạch các quy trình giải quyết thủ tục hành chính cho tổ chức và công dân...

Trong công tác quy hoạch cán bộ, Quảng Ninh luôn thận trọng, khách quan, mở rộng đối tượng, bảo đảm các cơ cấu trẻ, nữ, dân tộc thiểu số; bổ nhiệm thông qua thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý.Tỉnh cũng luôn đổi mới cơ chế, tăng cường tự chủ, tự chịu trách nhiệm, mở rộng xã hội hóa; huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển; thực hiện hợp tác công - tư theo các mô hình “lãnh đạo công - quản trị tư”; “đầu tư công - quản lý tư” và “đầu tư tư - sử dụng công”.

Với sự linh hoạt, tỉnh đã mạnh dạn đề xuất với Trung ương triển khai thí điểm các mô hình, bước đầu đã mang lại thành công và được Trung ương ghi nhận, đánh giá cao. Đặc biệt là trong triển khai mô hình bí thư đảng ủy đồng thời là chủ tịch UBND ở cấp xã và cấp huyện; nhất thể hóa một số chức danh lãnh đạo, cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung cho MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế, sắp xếp lại bộ máy, tổ chức, nhất là ở ngành Y tế, Giáo dục... Hằng năm, Quảng Ninh thực hiện rà soát để giảm dần ngân sách Nhà nước cấp, tăng tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp...

Trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cũng đã báo cáo, làm rõ thêm kết quả, khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai công tác xây dựng đảng, xây dựng hệ thống chính trị, như: Hoạt động của các tổ chức Hội; chức năng nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn để tránh trùng chéo; đánh giá cụ thể về những thuận lợi, khó khăn trong nhất thể hóa chức danh; thực trạng biên chế, cơ cấu, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức; phân cấp, phân quyền giữa giữa Trung ương với địa phương; công tác tổ chức quy hoạch và tuyển dụng cán bộ; việc ban hành các nghị quyết... Đồng thời, kiến nghị Trung ương hướng dẫn một số nội dung như: Nghiên cứu lại mô hình Đảng ủy khối cơ quan tỉnh, Ban cán sự đảng UBND tỉnh, Đảng đoàn HĐND tỉnh theo hướng cơ cấu lại thành các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy và bổ sung chức năng cho Ban Tổ chức Tỉnh ủy thực hiện công tác đảng vụ.

Triệt để phân cấp, giao các địa phương tự quyết định về số lượng cơ quan đơn vị trên cơ sở không bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, không vượt quá khung Trung ương giao; biên chế công chức do cấp trên giao định mức khung, không phân biệt khối đảng, đoàn thể hay khối Nhà nước; biên chế viên chức sự nghiệp do địa phương quyết định trên định mức khung về dân số, đặc điểm, tình hình loại đơn vị hành chính; thực hiện tuyển dụng theo hình thức hợp đồng có thời hạn trên cơ sở đảm bảo chế độ tiền lương, phụ cấp theo lương, bảo hiểm xã hội, cơ chế bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo, quản lý...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã ghi nhận sự chủ động, quyết tâm cao, tư duy đột phá của tỉnh Quảng Ninh trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy Nhà nước, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả thời gian qua. Đặc biệt là kết quả trong thực hiện tinh giản bộ máy biên chế, sáp nhập cơ quan, nhất thể hóa chức danh, xây dựng mô hình Trung tâm hành chính công... Cơ cấu tổ chức, chức năng của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của địa phương đã được kiện toàn, qua đó, ngày càng nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Cách làm của địa phương sẽ là bài học cho các cơ quan, đơn vị, địa phương tham khảo, học tập; là tư liệu quý để Ban Chỉ đạo Trung ương 6 tổng hợp, xây dựng các Đề án về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của Trung ương.

Phó Thủ tướng yêu cầu Quảng Ninh tiếp tục nghiên cứu kỹ việc nhất thể hóa các chức danh, sáp nhập các phòng, ban, đơn vị; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc đề bạt, bổ nhiệm các cán bộ. Đồng thời, rà soát, sắp xếp đơn vị công lập theo đúng chỉ đạo của Chỉnh phủ đảm bảo tinh gọn, hiệu quả; kịp thời đề xuất với Chỉnh phủ các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện.

* Ngày 10-4-2017, tại Hà Nội, Đoàn Khảo sát số 05 Ban Chỉ đạo Đề án Trung ương 6 do đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng làm Trưởng Đoàn đã làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương.

Báo cáo việc thực hiện đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương đề cập đến 03 vấn đề lớn: (1) Về đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng: Báo cáo đã nêu rõ về đặc điểm, hệ thống tổ chức của Đảng bộ Khối và đặc điểm của tổ chức đảng và đảng viên trong Đảng bộ Khối; về nội dung, phương thức lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đối với Đảng ủy Khối; về nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng ủy Khối với các đảng bộ trực thuộc, Đảng ủy Khối lãnh đạo thông qua tổ chức đảng, đảng viên và sự nêu gương của lãnh đạo và cấp ủy viên; về mối quan hệ công tác giữa Đảng ủy Khối với ban cán sự đảng, đảng đoàn, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành ủy trực thuộc Trung ương. (2) Về xây dựng tổ chức bộ máy báo cáo nêu rõ về tổ chức, bộ máy và biên chế, đồng thời đưa ra thực trạng biên chế, cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ của Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương, đội ngũ cấp ủy và cán bộ chuyên trách công tác đảng tại các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Khối và về biên chế, cơ cấu, chất lượng đội ngũ cán bộ cơ quan tham mưu giúp việc Đảng ủy Khối; việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy; Báo cáo cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân của tồn tại, hạn chế về phương thức lãnh đạo, về thuận lợi, khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của Đảng ủy Khối hiện nay…(3) Về đề xuất, kiến nghị: Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề với Trung ương về đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng ủy Khối đối với các đảng ủy trực thuộc; về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của đảng ủy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp tình hình, nhiệm vụ trong giai đoạn mới và việc hoàn thiện mô hình Đảng bộ Khối cho phù hợp, bảo đảm lãnh đạo xuyên suốt, hiệu quả.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Trưởng Đoàn khảo sát đã đánh giá cao những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối, các đồng chí đại biểu đã thể hiện tinh thần thẳng thắn, chân thành, trách nhiệm, tâm huyết, phản ánh đúng thực tiễn, khách quan, rõ ràng và có nhiều ý kiến xác đáng nhằm xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh. 

Hồng Phúc (tổng hợp)

 

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất