Ngày 10-11-2009, buổi sáng Quốc hội nghe Tờ trình dự án Luật an toàn thực phẩm; Tờ trình dự án Luật Người khuyết tật và các báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi).
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khóa XII, Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo dự án Luật Người khuyết tật.
Theo số liệu khảo sát năm 2005, cả nước có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,34% dân số (trong đó có 1,1 triệu khuyết tật nặng, chiếm 21,5% tổng số người khuyết tật). Bao gồm 29,41% khuyết tật vận động, 16,83% thần kinh, 13,84% thị giác, 9,32% thính giác, 7,08% ngôn ngữ, 6,52% trí tuệ và 17% các dạng tật khác. Tỷ lệ nam là người khuyết tật cao hơn nữ do hậu quả chiến tranh, tai nạn lao động, giao thông, thương tích...
Đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật còn nhiều khó khăn. Có tới 37% người khuyết tật đang sống trong hộ nghèo (cao gấp 3 lần so với tỷ lệ nghèo chung); 24% ở nhà tạm, 34,4% từ 6 tuổi chưa biết chữ và 21,24% chưa tốt nghiệp tiểu học; 79,13% trong độ tuổi lao động không có khả năng tham gia lao động; 88,94% từ 16 tuổi chưa được đào tạo chuyên môn (trong đó chỉ có 2% đang học nghề); 79,13% sống dựa vào gia đình, người thân... Những khó khăn này cản trở người khuyết tật tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, học nghề, tìm kiếm việc làm, tham gia giao thông, dẫn đến khó khăn trong cuộc sống và hòa nhập cộng đồng.
Vì vậy, đối với người khuyết tật, ngoài những quy định chung về quyền, nghĩa vụ như mọi công dân, cần có hành lang pháp lý bảo vệ quyền, lợi ích và các chính sách dành riêng cho họ. Để bảo đảm tính hệ thống của chính sách pháp luật về người khuyết tật, bảo đảm sự phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và phù hợp với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sau hơn 10 năm thực hiện, Pháp lệnh về người tàn tật cần được xem xét tổng kết đánh giá, hoàn thiện nâng lên thành Luật, tạo thành một hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm sự tham gia bình đẳng của người khuyết tật.
Ngày mai, thứ Tư 11-11, buổi sáng Quốc hội làm việc tại hội trường, buổi chiều thảo luận tại tổ.
Thu Huyền