Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) chia sẻ kinh nghiệm phát triển nguồn nhân lực

Phát biểu khai mạc, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương (ảnh trên) nhấn mạnh: Buổi thuyết trình được tổ chức trực tuyến tại 73 điểm cầu ở 63 tỉnh, thành trong cả nước với sự tham gia của gần 3.000 người. Buổi thuyết trình nhằm giúp đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức nhân sự, phát triển nguồn nhân lực của Việt Nam học tập kinh nghiệm của Nhật Bản để liên hệ, vận dụng trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác cán bộ. Việc học tập kinh nghiệm của các nước về công tác phát triển nguồn nhân lực có ý nghĩa rất quan trọng nhằm phát triển đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị của Việt Nam đủ tâm, đủ tầm, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn mới, nhất là trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. 



Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio (ảnh trên) cho biết: Năm 2018 Việt Nam và Nhật Bản tổ chức nhiều hoạt động hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao hai nước, 150 năm thời kỳ Minh Trị Duy Tân. Việt Nam đang xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn với đề xuất Nhật Bản hỗ trợ cải cách hành chính và đào tạo nguồn nhân lực. Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định, hỗ trợ Việt Nam trong cải cách hành chính và đào tạo đội ngũ cán bộ lãnh đạo, thông qua việc tạo cơ hội học tập cho hơn 800 cán bộ lãnh đạo của Việt Nam. Chính phủ Nhật Bản đang triển khai hỗ trợ Việt Nam thông qua nhiều hình thức đào tạo nhân lực và chia sẻ kinh nghiệm, góp phần cải cách nền hành chính của Việt Nam. Với mục tiêu đào tạo cán bộ của Đảng và Chính phủ Việt Nam, từ tháng 9-2018, Nhật Bản bắt đầu tiếp nhận 60 học viên thạc sỹ sang Nhật Bản học chương trình tiến sỹ, cùng nhiều khóa đào tạo, tham quan tại Nhật Bản dành cho khoảng 100 cán bộ nguồn và nhóm đầu tiên sẽ sang Nhật Bản vào tháng 10 năm nay. Đại sứ hi vọng buổi thuyết trình có thể giúp phát huy những kinh nghiệm của Nhật Bản trong đào tạo nguồn nhân lực tại Việt Nam. 


Tại buổi thuyết trình, Giáo sư Shinichi Kitaoka (ảnh trên) cho biết, năm 2018, kỷ niệm 150 năm ngày ra đời thời kỳ Minh Trị Duy Tân, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản đã đưa ra sáng kiến tạo điều kiện trang bị kiến thức cho những thanh niên có năng lực tại các nước đang phát triển, mới phát triển có nhiều điều kiện hơn trong việc tiếp thu nền học vấn cao hơn. Các học viên này có quyền lưu học và Nhật Bản tạo điều kiện cho họ có cơ hội để có kiến thức trở về xây dựng đất nước của mình. Chính sách này phát huy tinh thần của Minh Trị Duy Tân 150 năm trước và tinh thần hỗ trợ học vấn này đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đồng ý và tạo điều kiện tốt nhất.

Thời kỳ Minh Trị Duy Tân (năm 1868) tại Nhật Bản là một biến đổi chính trị rất lớn. Sự kiện này đã kết thúc một giai đoạn lịch sử dài hơn 700 năm dưới sự thống trị của dòng họ võ sỹ. Minh Trị Duy Tân là kết quả của một quá trình đấu tranh, chuyển hóa xã hội diễn ra hết sức nhanh chóng trên quần đảo Nhật Bản, với vai trò quan trọng của chính các võ sỹ có vị thế thấp trong việc xóa bỏ chế độ cầm quyền của chính tầng lớp võ sỹ (hệ thống phong kiến tản quyền tại các địa phương).

Trong những năm qua, sự hợp tác giữa hai Nhà nước Việt Nam và Nhật Bản trên các lĩnh vực ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, thời điểm này Việt Nam – Nhật Bản đang hướng tới kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai quốc gia. Tháng 8-2017, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Nhật và Thủ tướng Shinzo Abe đã khẳng định tiếp tục ưu tiên và hợp tác chặt chẽ trong việc triển khai hiệu quả các dự án từ nguồn vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam, nhất là các dự án trong các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, cải cách hành chính, góp phần đưa quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên tầm cao mới vì lợi ích của hai quốc gia, dân tộc và nhân dân hai nước, vì hòa bình và sự phát triển phồn vinh của Châu Á.

Từ năm 2009 đến nay, Đề án 165 của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cử nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sang Nhật Bản nghiên cứu học tập về kỹ năng lãnh đạo, quản lý, quản trị hành chính công, quản lý chuyên ngành, đào tạo sau đại học…


Ngay sau khi kết thúc buổi thuyết trình, Ban Tổ chức đã có cuộc họp báo để các phóng viên trao đổi với Ban Tổ chức về những vấn đề mà báo chí quan tâm (ảnh trên)

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những vấn đề chính sách trọng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực, kinh nghiệm để đào tạo nguồn nhân lực ngay từ bậc học phổ thông, kinh nghiệm biên soạn sách giáo khoa bậc học phổ thông, Chủ tịch JICA cho biết, thời kỳ Minh Trị Duy Tân, một trong những đặc điểm của chính sách phát triển nguồn nhân lực của Nhật Bản là chủ nghĩa năng lực hay chủ nghĩa trọng nhân tài. Thời điểm đó, nhà cầm quyền Nhật Bản nhận thấy nguy cơ đe dọa sự ổn định của quốc gia, do đó rất cần phải có những người lãnh đạo có năng lực, có thể bao quát và giải quyết được những vấn đề của đất nước. Đây chính là xuất phát điểm thực tế khiến tư tưởng trọng năng lực, trọng nhân tài trở thành đặc điểm nổi bật trong chính sách phát triển nguồn nhân lực thời kỳ này và chính điều đó giúp cho Nhật Bản phát triển. 

Nhật Bản coi trọng giáo dục phổ thông và thực hiện chủ trương du nhập tự do học vấn, văn minh của phương Tây một cách có chọn lọc nhưng vẫn giữ được bản sắc. Trước thời kỳ Minh Trị, khi nói về giáo dục, Nhật Bản chú trọng dạy về đạo đức. Thời Minh Trị Duy Tân, Nhật Bản thấy bên cạnh vấn đề đạo đức cần phải đưa thêm vào những kiến thức mang tính chất rộng hơn. Quan điểm thực học, những vấn đề quan trọng mang tính chất thực học vì thế được đưa vào trường học lúc bấy giờ. Giáo dục không phải là để đạt được mục tiêu trước mắt là vào đại học hay có được một chức vụ nào đó. Cần phải nhìn giáo dục dài hạn hơn mới có thể có nguồn nhân lực bền vững cho sự phát triển của một quốc gia. Tuy nhiên, những cải cách giáo dục hiện tại của Nhật Bản đang làm mất đi dần tinh thần tiến bộ của thời kỳ cải cách Minh Trị Duy Tân.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những tư vấn, khuyến nghị dành cho Việt Nam trong việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công chức, góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng của Việt Nam hiện nay, Chủ tịch JICA cho hay, đào tạo nguồn nhân lực cho Việt Nam là một phần của Dự án Việt - Nhật về cải cách hành chính đang thu được kết quả rất tốt. Công chức Nhật Bản nổi tiếng là những người làm việc chăm chỉ, “sạch sẽ” và lương thấp. Do đó, cách làm hiện nay của JICA là dùng chính thực tế của Nhật Bản để góp phần nâng cao đạo đức nghề nghiệp của công chức Việt Nam. Việc học hỏi từ thực tế Nhật Bản là cách làm đang được triển khai ở Việt Nam.


Trước đó, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Chủ tịch Nhóm Nghị sỹ hữu nghị Việt – Nhật đã có cuộc tiếp thân mật với Ngài Umeda Kunio, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam và Giáo sư Shinichi Kitaoka, Chủ tịch JICA Nhật Bản (ảnh trên).

Phản hồi

Các tin khác

Mới nhất

Xem nhiều nhất